Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 20/01/2020, 09:09 (GMT+7)
Ký sự về một chuyến đem Tết đến với Trường Sa

Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, những món quà với đầy đủ hương vị ngày Tết cổ truyền dân tộc cùng với tình cảm, hơi ấm của quân và dân ta từ đất liền gửi đến Trường Sa đã trở thành nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm “cả nước vì Trường Sa”, góp phần sưởi ấm, tiếp thêm nghị lực, sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo trong thực hiện nhiệm vụ giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Hành trình đem Tết đến quần đảo Trường Sa năm nay được chia thành ba tuyến: Bắc, Giữa và Nam. Dưới đây là một vài cảm nhận của hành trình này trên tuyến Bắc gồm các đảo: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết và Sinh Tồn Đông.

Giao lưu văn nghệ đón Xuân Canh Tý 2020  trên đảo Song Tử Tây

Trải qua hải trình gần 40 giờ lênh đênh trên biển, Tàu KN 490 chở hàng Tết đong đầy tình cảm của đất liền đến với đảo Song Tử Tây - một trong những đảo nổi lớn của quần đảo Trường Sa. Cảm nhận của mỗi thành viên trong đoàn công tác ngay khi bước chân lên Đảo là không khí hân hoan, phấn khởi của quân và dân nơi đây đón nhận những giá trị vật chất, tinh thần từ đất liền gửi tới. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: nơi đây, dù cách xa gia đình và đất liền, nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ, mỗi công dân đều yêu thương, gắn bó với Đảo và xác định rõ ý thức trách nhiệm, niềm vinh dự, tự hào được sống, học tập, công tác giữa biển, đảo trùng khơi, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thượng tá Bùi Thanh Tùng, Chính trị viên Đảo (người đã có nhiều năm ăn Tết trên đảo) chia sẻ: Tết ngoài đảo lúc nào cũng được nghe tiếng gió và sóng biển, kể cả trong đêm Giao thừa. Khi tổ chức đón Giao thừa, cán bộ, chiến sĩ quây quần bên nhau ca hát và tiến hành các hoạt động chào đón năm mới. Sáng mùng một Tết, cán bộ, chiến sĩ đến thăm, chúc Tết các hộ dân, cùng nhau đi lễ chùa, rồi cùng với nhân dân, trường học tổ chức các hoạt động vui chơi, v.v. Dù có những hoạt động giống như ở đất liền, nhưng quân và dân trên Đảo luôn xác định: “vui Xuân mới không quên nhiệm vụ” và luôn đặt lên hàng đầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.

Các đảo chìm: Đá Nam, Đá Thị (có điều kiện tương tự nhau) là những hòn đảo nhỏ, điều kiện về diện tích, không gian sinh hoạt của bộ đội,... còn gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, không khí đón Xuân nơi đây cũng thật đầm ấm, mang đậm giá trị văn hóa ngày Tết cổ truyền dân tộc. Cán bộ, chiến sĩ trên các hòn đảo nhỏ này biết gói ghém tình cảm, hơi ấm và những phần quà được gửi từ đất liền để lập bàn thờ Tết thật chu đáo, có đầy đủ hương vị; tạo không khí vui tươi, lành mạnh, giữ vững niềm tin, tinh thần lạc quan của những người lính đảo. Thượng úy Hoàng Văn Nhuận, Chính trị viên đảo Đá Nam cho chúng tôi biết: “Được sự quan tâm của cấp trên, đời sống vật chất, tinh thần trên đảo ngày càng được cải thiện, không khí vui Xuân, đón Tết đầm ấm, vui tươi, an toàn, sẵn sàng chiến đấu cao,… các chiến sĩ lần đầu tiên đón Tết tại đảo rất tự hào và phấn khởi,... cấp ủy, chỉ huy luôn thăm hỏi, động viên, giúp yên tâm công tác và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Cảm nhận về ngày Tết trên đảo, Binh nhì Lê Nguyễn Phúc, chiến sĩ đảo Đá Thị nói: “Ở trong đất liền tình đồng chí đã khăng khít rồi, ở đảo xung quanh toàn là biển nên đồng chí đồng đội càng yêu mến nhau hơn,… những ngày Tết chúng tôi có thể xem ti vi, chơi bóng bàn, cùng nhau đàn hát, v.v. Đất liền hãy yên tâm, chúng tôi luôn cố gắng để giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc....”.

Tiếp đó, chúng tôi đến với cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca - đảo nổi có diện tích không lớn, nhưng là một trong những hòn đảo đẹp nhất quần đảo Trường Sa. Sau hoạt động trao, nhận quà Tết, đoàn công tác cùng cán bộ, chiến sĩ trên Đảo tổ chức dâng hương tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Đại tướng, đoàn công tác và cán bộ, chiến sĩ trên đảo xin hứa: “Mỗi chúng tôi dù ở đâu, được giao bất cứ nhiệm vụ, công việc gì cũng sẽ noi gương Đại tướng, cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam vì sự phát triển, trường tồn của Tổ quốc”. Sau đó, chúng tôi cùng nhau tổ chức “Tết trồng cây” - một hoạt động thường niên được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trên đảo duy trì cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Vì thế mà Sơn Ca được mệnh danh là một trong những hòn đảo xanh, sạch, đẹp nhất trong quần đảo Trường Sa hiện nay. Qua trò chuyện với chúng tôi, chiến sĩ Thiên Sanh Thảo không giấu được sự bỡ ngỡ khi lần đầu đặt chân đến đảo và cũng là lần đầu vui Xuân, đón Tết nơi đảo xa. Đồng chí cho biết:“Dù nhớ về quê hương, nhớ Tết ở đất liền, nhưng được sống trong bầu không khí thắm tình đồng đội, với những lời tâm sự, động viên, chia sẻ,… đã giúp em giữ vững tinh thần lạc quan, yêu đời, quyết tâm thể hiện bản lĩnh của người lính nơi đầu sóng, ngọn gió tuyến đầu Tổ quốc”. Xung quanh Đảo là ngư trường rộng lớn, ngư dân ta thường xuyên khai thác, đánh bắt hải sản cả ngày lẫn đêm, kể cả Tết. Vì thế, ngoài nhiệm vụ canh trực sẵn sàng chiến đấu và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí đón chào năm mới, kíp trực quân y Bệnh xá đảo Sơn Ca còn sẵn sàng tiếp nhận, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và ngư dân, thực sự là chỗ dựa vững chắc về mọi mặt để họ an tâm vươn khơi, bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo đất nước. Trung úy Đặng Trọng Minh (y sĩ bệnh xá) cho biết: “Với những trường hợp cấp cứu và tính mạng của ngư dân bị đe dọa thì chúng tôi phải nhanh và kịp thời. Sau đó chúng tôi cũng cần thêm hỗ trợ từ đất liền…Tôi rất tự hào và vinh dự khi công tác ở nơi đầu sóng ngọn gió, thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc,...”.

Đến với đảo Nam Yết, đoàn công tác cùng cán bộ, chiến sĩ trên Đảo cũng tổ chức nhiều hoạt động vui Xuân, đón Tết phong phú, đa dạng, thiết thực, nhưng có lẽ ấn tượng sâu sắc nhất đối với mỗi chúng tôi là cùng nhau tổ chức buổi sinh nhật tập thể cho những cán bộ, chiến sĩ sinh vào tháng 01. Binh nhất Nguyễn Phúc Duy - một trong số đó xúc động nói: “Lần đầu tiên em được tổ chức sinh nhật như thế này, em rất khó tả,... rất cảm ơn lãnh đạo, chỉ huy và đồng đội. Em muốn gửi lời nhắn đến mọi người và bố mẹ ở quê nhà là hãy yên tâm về con, con rất hạnh phúc và sẽ luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Điểm cuối trong hành trình của chúng tôi là đảo Sinh Tồn Đông - một hòn đảo nổi nhỏ, nằm đan xen với đảo mà nước ngoài chiếm đóng và kiểm soát. Mặc dù nằm ở vị trí tiền tiêu, nhưng 100% cán bộ, chiến sĩ đều đồng thuận, thân thiết như anh em trong một gia đình, luôn giữ vững và phát huy tốt tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt khó, vươn lên. Những món quà chứa chan giá trị vật chất, tinh thần và tình cảm thân thương từ đất liền trong dịp Tết luôn là niềm cổ vũ, động viên, tiếp thêm sức để những người “lính đảo” yên tâm công tác, chắc tay súng hoàn thành tốt nhiệm vụ, với tinh thần “đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Đánh giá chung về chuyến công tác, Thượng tá Phạm Duy Hướng, Phó Chính ủy Đoàn Trường Sa, Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác cho biết:“Thời tiết cuối năm thường rất nhiều sóng, gió, nhưng do có sự chuẩn bị chu đáo, sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng nên công tác vận chuyển, đảm bảo hàng hóa Tết Canh Tý 2020 cho quân và dân đảo Trường Sa là rất tốt; các đảo đều nhận đầy đủ quà Tết theo kế hoạch,...”.

Có thể thấy, từ nhiều năm nay, ý nghĩa xã hội của hành trình mang Tết đến Trường Sa đã trở thành nét đẹp văn hóa và đã lan tỏa đến mọi miền Tổ quốc. Với mỗi thành viên trong đoàn công tác, hành trình này không chỉ làm nhiệm vụ mang tình cảm, hơi ấm và những phần quà Tết được kết tinh giá trị vật chất, tinh thần của quân, dân ta từ đất liền đến với hải đảo xa xôi, mà còn là trách nhiệm chính trị trong việc giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc mỗi khi Tết đến, Xuân về. Qua đó, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa Trường Sa với đất liền, kết nối cả nước với Trường Sa, Trường Sa với cả nước, để chủ quyền biển, đảo nước ta mãi mãi trường tồn và đồng hành cùng sự phát triển vươn lên của dân tộc Việt Nam.

VĂN THẢNH

Ý kiến bạn đọc (0)