Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 06/06/2014, 21:17 (GMT+7)
Kinh nghiệm xây dựng lực lượng dự bị động viên ở tỉnh Lai Châu

Xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân mà trực tiếp là cấp ủy, chính quyền các địa phương và các đơn vị quân đội. Đối với Lai Châu - một tỉnh miền núi, biên giới, thực hiện tốt nhiệm vụ này càng có ý nghĩa quan trọng.

Lãnh đạo Quân khu 2 và BCHQS Tỉnh thăm hỏi các gia đình gặp nạn
trong vụ sập cầu treo tại huyện Tam Đường

Quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng (QS,QP) của Đảng, nhận thức rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác dự bị động viên (DBĐV), những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác QS,QP địa phương; trong đó, xây dựng lực lượng dự bị động viên là một trong những nội dung được chú trọng và đạt kết quả khá toàn diện. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân trong Tỉnh với nhiệm vụ này có sự chuyển biến tích cực. Công tác tạo nguồn, đăng ký, phúc tra, sắp xếp, quản lý quân nhân dự bị (QNDB) và phương tiện kỹ thuật của địa phương được thực hiện đúng quy định, phù hợp với đặc điểm địa bàn. Công tác kiểm tra, huấn luyện, diễn tập được coi trọng, chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của lực lượng DBĐV ngày càng được nâng cao,… Đến nay, tỉnh Lai Châu đã sắp xếp QNDB vào các đơn vị đạt 100% chỉ tiêu trên giao; trong đó, tỷ lệ đúng và gần đúng chuyên nghiệp quân sự đạt 90,7%. Kết quả kiểm tra huấn luyện hằng năm có 100% nội dung đạt yêu cầu (81% khá, giỏi); tổ chức diễn tập có thực hành động viên QNDB bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, được quân khu đánh giá cao.

Có được kết quả trên, do nhiều nguyên nhân, trước hết là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền và sự chủ động của cơ quan quân sự (CQQS) các cấp. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tỉnh Lai Châu rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, thường xuyên quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và QNDB về công tác DBĐV. Lai Châu là một tỉnh còn nhiều khó khăn (kinh tế, văn hóa, xã hội, trình độ dân trí còn có mặt hạn chế…) và cũng là địa bàn mà các thế lực thù địch thường xuyên chống phá gây diễn biến phức tạp về an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tình hình đó, tác động không nhỏ tới việc thực hiện nhiệm vụ QS,QP nói chung, công tác DBĐV nói riêng. Nhận thức rõ điều này, CQQS các cấp đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị DBĐV trên địa bàn thường xuyên chăm lo giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng DBĐV. Nội dung giáo dục, tập trung quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhà nước, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX, XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Pháp lệnh về lực lượng DBĐV, nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn về công tác DBĐV của Bộ Quốc phòng. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm đối với công tác DBĐV. Trong quá trình giáo dục, Tỉnh coi trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp cho phù hợp với đối tượng và địa bàn. Đối với đơn vị khung thường trực DBĐV, Tỉnh chú trọng kiện toàn và phát huy vai trò của các tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, hội đồng quân nhân và các tổ chức quần chúng để đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục thường xuyên và giáo dục theo nhiệm vụ. Với cán bộ khung B, thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục tại cơ sở với giáo dục qua các đợt tập huấn, huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên. Đối với QNDB, CQQS các cấp phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nhận nguồn và các đoàn thể ở địa phương vận dụng linh hoạt nhiều hình thức giáo dục, như: qua các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi nói chuyện chuyên đề và sinh hoạt văn hóa cộng đồng,... Bên cạnh đó, Tỉnh còn chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) các cấp, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp, ban hành các chỉ thị, hướng dẫn về công tác DBĐV; trong đó, quy định rõ chức trách, nhiệm vụ của các cấp, các ngành, nhất là trách nhiệm của cán bộ chủ trì trong tổ chức thực hiện.

Hai là, chú trọng làm tốt công tác tạo nguồn và đăng ký, sắp xếp, quản lý nguồn QNDB. Đây là khâu quan trọng, có ý nghĩa quyết định chất lượng tổng hợp của lực lượng DBĐV. Đặc biệt, đối với Lai Châu, một Tỉnh có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, mật độ dân cư thấp, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, nguồn bổ sung QNDB ngày càng ít (do chỉ tiêu gọi công dân nhập ngũ hằng năm giảm); trong khi đó, số QNDB giải ngạch theo quy định đông, nên việc thực hiện tốt công tác này càng có ý nghĩa quan trọng. Trên cơ sở chỉ tiêu về nguồn QNDB trên giao và căn cứ vào thực tế của địa phương, Tỉnh chỉ đạo Ban CHQS các huyện (thành phố) triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn, đăng ký, sắp xếp, quản lý nguồn động viên theo quy định. Trước hết, Tỉnh tập trung rà soát về số lượng, chất lượng QNDB và đối tượng thanh niên sắp đến tuổi nhập ngũ trên từng địa bàn, trên cơ sở đó xây dựng, điều chỉnh kế hoạch tuyển quân, bảo đảm việc phân bổ chỉ tiêu tuyển quân phải gắn với công tác tạo nguồn DBĐV ở từng cơ sở. Trong quá trình thực hiện, Tỉnh đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng nguồn, nhất là chất lượng chính trị. Theo đó, Ban CHQS xã (phường, thị trấn) đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh việc bồi dưỡng, phát triển Đảng cho những quần chúng ưu tú là QNDB, nhằm nâng cao tỷ lệ lãnh đạo trong lực lượng DBĐV. Chỉ tính riêng năm 2013, Tỉnh đã kết nạp được 33 đồng chí QNDB vào Đảng, đưa tỷ lệ đảng viên trong lực lượng DBĐV đạt 12,4%. Đối với một tỉnh miền núi như Lai Châu thì đạt được kết quả trên là sự cố gắng rất lớn của các cấp, các ngành trong Tỉnh. Cùng với đó, khi quân nhân hoàn thành nhiệm vụ phục vụ tại ngũ, các địa phương tổ chức Lễ tiếp nhận trang trọng, đồng thời, thực hiện đăng ký nguồn DBĐV; tiếp đó là hướng nghiệp, học nghề, ưu tiên việc làm. Đi đôi với việc tạo nguồn, Tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm các chế độ đăng ký, phúc tra, sắp xếp, quản lý nguồn DBĐV; trong đó, coi trọng  quản lý cả con người và phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế, nhất là đối với các doanh nghiệp trên địa bàn. Để nâng cao chất lượng công tác đăng ký, phúc tra, quản lý nguồn động viên, các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch và tích cực tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác phúc tra, quản lý nguồn; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương giao nguồn làm tốt công tác chuẩn bị, thông báo sớm cho các cơ sở về thời gian phúc tra, kiểm tra sẵn sàng động viên. Hằng năm, các địa phương tổ chức phúc tra, thâm nhập cơ sở 02 đợt (vào tháng 4 và tháng 10), làm cơ sở rà soát, đối chiếu danh sách (số lượng, chất lượng) QNDB để điều chỉnh, bổ sung kịp thời,… Riêng việc tổ chức sắp xếp, biên chế QNDB vào các đơn vị DBĐV, Tỉnh thống nhất thực hiện theo phương châm: lấy đúng chuyên nghiệp quân sự làm chính, kết hợp với gần, gọn địa bàn, thực hiện cấp xã xếp gọn đại đội bộ binh, cụm xã xếp đủ tiểu đoàn bộ binh; chú trọng chất lượng chính trị. Công tác thanh toán, chi trả phụ cấp trách nhiệm cho các đối tượng được coi trọng, bảo đảm đúng, đủ, kịp thời theo quy định; việc kiện toàn tổ chức biên chế cán bộ khung A, khung B được thực hiện thường xuyên, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Hướng dẫn đồng bào các dân tộc kỹ thuật trồng lúa nước

Ba là, tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng động viên của các đơn vị. Trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 765-NQ/QUTW, ngày 20-12-2012 của Quân ủy Trung ương “Về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”, cùng Chỉ lệnh công tác quân sự của Tổng Tham mưu trưởng và mệnh lệnh, chỉ thị của Tư lệnh quân khu, Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh đổi mới đồng bộ cả  ba mặt: công tác chuẩn bị, công tác tổ chức điều hành và công tác bảo đảm huấn luyện. Đối với công tác chuẩn bị huấn luyện, ngoài việc xây dựng kế hoạch, tiến trình biểu, hệ thống thao trường, bãi tập và nơi ăn, ở cho QNDB, Tỉnh coi trọng khâu tập huấn cán bộ đơn vị DBĐV của Tỉnh và các huyện (thành phố). Với cán bộ khung A, nhất là Trung đoàn bộ binh 880, Tỉnh tập trung bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quân sự, trình độ tổ chức chỉ huy; thống nhất chương trình, nội dung, phương pháp huấn luyện và thứ tự các bước tiến hành công tác đảng, công tác chính trị. Để rèn luyện nâng cao khả năng động viên trong mọi tình huống, Tỉnh chú trọng huấn luyện thuần thục thứ tự các khâu, các bước trong quy trình động viên, bảo đảm đưa QNDB vào các tình huống từ khi phát lệnh động viên, thực hành động viên cho đến kết thúc từng khoa mục huấn luyện. Đối với cán bộ khung B, các đơn vị tập trung thống nhất về phương pháp huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật cấp phân đội; cách thức tổ chức luyện tập, hiệp đồng, diễn tập. Đối với chiến sĩ và phân đội DBĐV, các đơn vị chú trọng huấn luyện chiến thuật từ cấp tiểu đội đến cấp đại đội…; rèn luyện khả năng cơ động, hiệp đồng với các lực lượng trong khu vực phòng thủ. Trong quá trình huấn luyện, các đơn vị luôn bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, gắn lý thuyết với thực hành, lấy thực hành làm chính, bảo đảm chắc, gọn từng nội dung, sát với nhiệm vụ, đối tượng tác chiến, địa bàn hoạt động. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy; gắn huấn luyện với tổ chức tốt hội thi, hội thao và thanh tra huấn luyện, nhằm khắc phục bệnh thành tích, từng bước đưa công tác huấn luyện lực lượng DBĐV vào thực chất. Cùng với huấn luyện SSCĐ, Tỉnh còn chỉ đạo các đơn vị, địa phương huấn luyện tạo nguồn từ QNDB hạng 2 thành hạng 1; rèn luyện kỹ năng để lực lượng DBĐV sẵn sàng tham gia các hoạt động phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai và chống bạo loạn trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng SSCĐ của lực lượng DBĐV, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đại tá PHẠM QUANG NGÂN, Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.