Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 29/03/2018, 16:01 (GMT+7)
Công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ ở tỉnh Yên Bái

Tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ (tuyển quân) là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quân sự, quốc phòng hằng năm của các địa phương, có ý nghĩa quan trọng, không chỉ quyết định chất lượng xây dựng Quân đội, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cả trước mắt và lâu dài, mà còn góp phần tạo nguồn cán bộ, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, cơ sở. Nhận thức sâu sắc điều đó, nên mặc dù đứng trước không ít khó khăn, như: kinh tế phát triển chậm, địa bàn rộng, địa hình đồi núi phức tạp, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ văn hóa, thể lực công dân trong độ tuổi nhập ngũ có nơi còn hạn chế, trong khi tiêu chuẩn tuyển chọn ngày càng cao,… nhưng tỉnh Yên Bái đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành công tác tuyển quân bằng nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc thù địa phương, hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao, đảm bảo đúng Luật Nghĩa vụ Quân sự, dân chủ, công khai, công bằng; chất lượng công dân nhập ngũ ngày càng cao, v.v.

Vấn đề cốt lõi, quan trọng hàng đầu trong công tác tuyển quân là phải tạo được sự đồng thuận, vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Điều đó càng có ý nghĩa quan trọng hơn khi địa phương được giao thực hiện “tròn khâu”1. Từ kinh nghiệm thực tế công tác tuyển quân trên địa bàn, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với nhiệm vụ này; đồng thời, chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp phát huy vai trò trung tâm trong phối hợp tổ chức thực hiện. Từ tham mưu của cơ quan quân sự, hằng năm, Tỉnh ủy, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự Tỉnh ra nghị quyết lãnh đạo; Ủy ban nhân dân Tỉnh ra chỉ thị và quyết định giao chỉ tiêu tuyển quân cho các huyện, thị xã, thành phố, làm cơ sở cho Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh xây dựng kế hoạch, ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức Hội nghị hiệp đồng giao chỉ tiêu cho các địa phương và đơn vị nhận quân; các địa phương ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ thị, kế hoạch tổ chức thực hiện.

Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục là một trong những yếu tố góp phần quan trọng vào kết quả tuyển quân của Tỉnh trong những năm qua. Theo đó, Tỉnh và các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền về công tác tuyển quân bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sinh động, huy động được sự vào cuộc của mọi lực lượng. Bên cạnh tuyên truyền thường xuyên, Yên Bái đẩy mạnh các đợt tuyên truyền cao điểm trước và trong mùa tuyển quân. Trước tình hình địa bàn rộng, dân cư phân bố không đều, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Tỉnh đã chú trọng phát huy thế mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là hệ thống đài truyền hình, phát thanh, truyền thanh ở 3 cấp và đội ngũ báo cáo viên. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương lồng ghép nội dung công tác tuyển quân trong sinh hoạt của các cơ quan, đoàn thể, hội nghị nhân dân; tổ chức tuyên truyền lưu động tới các thôn, bản và phát huy tốt vai trò của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Tỉnh tham gia tuyên truyền thông qua tiến hành công tác dân vận, v.v. Nội dung tuyên truyền được chọn lọc ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp từng đối tượng, tập trung vào những nội dung chủ yếu của Luật Nghĩa vụ Quân sự; quyền và nghĩa vụ của công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; chủ trương của Tỉnh trong tuyển quân, v.v. Trong tuyên truyền, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, như các huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải đã biên soạn nội dung cơ bản về quyền lợi, trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quân sự của công dân; các chế độ chính sách mà quân nhân và gia đình được hưởng khi tại ngũ, xuất ngũ,... in thành tờ rơi song ngữ Việt - Mông phát đến từng gia đình có công dân trong độ tuổi nhập ngũ. Cùng với tuyên truyền trực tiếp, Yên Bái chú trọng xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, phim, phóng sự về hình ảnh cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Thông qua đó, khơi dậy niềm vinh dự, tự hào, khích lệ thế hệ trẻ phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ, trở thành người quân nhân cách mạng, v.v. Với các hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục thiết thực, phù hợp, nên nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn Tỉnh về thực hiện Luật Nghĩa vụ Quân sự, nhiệm vụ tuyển quân có chuyển biến rõ nét. Số lượng công dân tình nguyện nhập ngũ không ngừng tăng lên. Năm 2017, Tỉnh có 31 công dân viết đơn tình nguyện nhập ngũ, năm 2018, có 67 công dân.

Với phương châm “tuyển người nào, chắc người đó”, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp tích cực tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành của địa phương, cơ sở triển khai thực hiện tốt các khâu, các bước trong quy trình tuyển quân, đảm bảo chặt chẽ, đúng luật định. Trên cơ sở nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh, các địa phương đã quán triệt đầy đủ mục đích, yêu cầu, nội dung công tác tuyển quân đến từng tổ đảng, chi bộ, thôn, bản, tổ dân phố và tổ chức thực hiện theo đúng nguyên tắc: Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự làm tham mưu, cơ quan quân sự là trung tâm hiệp đồng. Bước vào “mùa tuyển quân” hằng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo tăng cường cán bộ bám cơ sở, tham mưu cho địa phương và chủ trì tổ chức các lớp tập huấn nhằm thống nhất về chủ trương, nội dung hướng dẫn, quy trình tuyển quân và rút kinh nghiệm công tác tuyển quân của năm trước. Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự các cấp, nhất là cấp xã, phường, thị trấn được chú trọng kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên theo dõi, chỉ đạo công tác tuyển quân đến từng cơ sở. Các địa phương coi trọng, phát huy tốt vai trò của đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, trưởng khu phố, người cao tuổi, già làng, trưởng dòng họ trong thực hiện công tác này.

Thực hiện các bước trong quy trình tuyển quân, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo cơ quan quân sự các địa phương duy trì nền nếp công tác đăng ký, phúc tra, quản lý nguồn sẵn sàng nhập ngũ, làm cơ sở cho tuyển chọn. Thời gian qua, cùng với làm tốt việc đăng ký nguồn thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhất là đăng ký lần đầu, các địa phương trong Tỉnh đã tiến hành đăng ký bổ sung công dân tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung học nghề trở về nơi cư trú, nâng cao một bước chất lượng nguồn tuyển quân và góp phần đảm bảo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự. Với quyết tâm không để lọt vào Quân đội những công dân không đủ tiêu chuẩn, Tỉnh đặc biệt coi trọng công tác xét duyệt, tuyển chọn, đảm bảo nghiêm túc, công khai, công bằng, dân chủ, đúng Luật; trong đó, cấp xã, phường trực tiếp tuyển chọn “tròn khâu” thông qua bình cử, bình tuyển từ thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư. Danh sách công dân đủ tiêu chuẩn nhập ngũ, công dân thuộc diện tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ đều được niêm yết công khai ở nơi cư trú. Để thực hiện công bằng và tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu với Ủy ban nhân dân Tỉnh giao chỉ tiêu tuyển chọn công dân nhập ngũ thuộc đối tượng đang công tác trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và con em cán bộ, đảng viên từ cấp xã trở lên2. Chỉ tiêu tuyển quân cũng được Tỉnh cân đối phù hợp với điều kiện, khả năng của từng cơ sở; chú trọng địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, những thôn, bản có ít đảng viên,… đảm bảo hằng năm tất cả các xã, phường, thị trấn đều có công dân nhập ngũ. Đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, khi có công dân nhập ngũ, Tỉnh yêu cầu phải tuyển được ít nhất 02 người. Mặt khác, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh còn tham mưu, phối hợp với cơ quan chức năng của Quân khu có biện pháp phù hợp thực hiện gắn công tác tuyển quân với tạo nguồn xây dựng lực lượng dự bị động viên và đội ngũ cán bộ cơ sở cho từng địa phương, bước đầu đạt được kết quả tích cực, v.v.

Thực tế tuyển quân những năm qua cho thấy, do cả nguyên nhân chủ quan  và khách quan, có một số trường hợp đã nhập ngũ nhưng đơn vị loại trả vì không bảo đảm tiêu chuẩn sức khỏe. Để khắc phục tình trạng đó, Yên Bái đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm về công tác khám sức khỏe; chỉ đạo Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp, hướng dẫn các địa phương kiện toàn Hội đồng Khám tuyển nghĩa vụ quân sự đúng, đủ thành phần; tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ, nhân viên y tế. Đồng thời, tăng cường lực lượng, trang bị y tế cho tuyến huyện, nhất là những huyện khó khăn để tổ chức khám tuyển sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự theo Thông tư liên tịch 16/2026/TTLT-BYT-BQP của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng. Nhờ đó, việc khám tuyển sức khỏe được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, đảm bảo chính xác, khách quan, chất lượng được nâng lên. Những năm gần đây, không có trường hợp đổi bù, loại trả vì lý do sức khỏe. Cùng với đó, Tỉnh yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ công dân trúng tuyển sau khi phát lệnh nhập ngũ; chỉ đạo Cơ quan Quân sự Tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố tích cực phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị nhận quân và tham mưu cho địa phương tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị nhận quân thâm nhập, nghiên cứu hồ sơ, chốt quân số theo chỉ tiêu được giao, làm cơ sở để địa phương chuẩn bị nguồn, quản lý quân số đã trúng tuyển và tạo điều kiện cho đơn vị trong quản lý, rèn luyện quân nhân ngay từ ngày đầu nhập ngũ.

Để góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyển quân, Yên Bái luôn coi trọng làm tốt công tác chính sách hậu phương Quân đội. Mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, thiên tai, lũ lụt thường xuyên xảy ra, nhưng Tỉnh và các địa phương, cơ sở luôn quan tâm huy động mọi nguồn lực bảo đảm cho công tác tuyển quân, kịp thời động viên gia đình và công dân nhập ngũ cả về vật chất, tinh thần. Cơ quan quân sự các huyện, thị xã phối hợp với địa phương tích cực triển khai hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong tuyển quân với nội dung, biện pháp phù hợp phong tục, tập quán của từng dân tộc, đặc điểm địa bàn. Các xã, phường, thị trấn đã có nhiều cách làm thiết thực, như: tổ chức gặp mặt, tặng quà, giao lưu văn nghệ, mời quân nhân vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự đến dự, nói chuyện, trao đổi tâm tư; huy động lực lượng Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ ở thôn, bản đến giúp đỡ gia đình công dân nhập ngũ có hoàn cảnh khó khăn. Một số địa phương còn phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tư vấn việc làm, cam kết tiếp nhận công dân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về vào làm việc, v.v. Những việc làm đó, đã phát huy ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn, tạo động lực cổ vũ, động viên công dân yên tâm lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Cùng với các nội dung, biệp pháp trên, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tích cực tham mưu, chỉ đạo và phối hợp với các địa phương làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức lễ giao nhận quân, đảm bảo trọng thể, trang nghiêm, thực sự là “Ngày hội Tòng quân” ở mỗi địa phương. Thông qua đó, tiếp tục xây dựng niềm tin, niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, làm tốt tổng kết công tác tuyển quân, kịp thời biểu dương, khen thưởng những địa phương, cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ này và chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, để rút kinh nghiệm cho “mùa tuyển quân” năm sau.

Nhận thức đúng, quyết tâm cao và những kết quả, kinh nghiệm đạt được là cơ sở quan trọng để tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, thiết thực góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh, bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tá TRỊNH XUÂN HẢI,  Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng

Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
______________

1 - “Tròn khâu”: chịu trách nhiệm về chất lượng công dân nhập ngũ và bàn giao cho các đơn vị Quân đội.

2- Năm 2017, Tỉnh có 21 công dân là con cán bộ từ cấp xã trở lên, 40 công dân là con cán bộ, đảng viên nhập ngũ.


 

Ý kiến bạn đọc (0)