Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Ba, 20/12/2022, 21:16 (GMT+7)
Bến Tre tập trung xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ

Bến Tre là địa phương ven biển thuộc lưu vực đồng bằng Sông Cửu Long, có địa hình bằng phẳng, hệ thống giao thông đường thủy và đường bộ tương đối phát triển, nên Tỉnh không chỉ có điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, mà còn có vị trí quan trọng trong củng cố quốc phòng, an ninh đối với Quân khu 9 và khu vực phía Nam. Tuy nhiên, do địa hình bị chia cắt lớn bởi nhiều kênh, rạch, đặc biệt là có 04 nhánh sông lớn (Hàm Luông, Cổ Chiên, Ba Lai, sông Tiền) chạy qua, nên việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân nói chung, thế trận quân sự khu vực phòng thủ nói riêng, nhất là các công trình quân sự, quốc phòng trên địa bàn Tỉnh gặp không ít khó khăn.

Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo khu vực phòng thủ Tỉnh triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc. Điều đó được thể hiện ở: nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về vấn đề này từng bước được nâng lên; công tác quy hoạch khu vực phòng thủ được tiến hành chặt chẽ, khoa học, phù hợp với đặc điểm địa bàn, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương; các công trình quân sự, quốc phòng được xây dựng cơ bản và từng bước hoàn thiện, đảm bảo chất lượng, góp phần tăng cường tính vững chắc của thế trận quân sự khu vực phòng thủ. Từ kết quả đạt được, Tỉnh rút ra một số kinh nghiệm, đồng thời cũng là những giải pháp đang triển khai thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.

Trước hết, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng thế trận quân sự. Đây là giải pháp quan trọng nhằm tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ nói chung, xây dựng thế trận quân sự nói riêng. Theo đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, trực tiếp là Ban Chỉ đạo khu vực phòng thủ Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết phải xây dựng thế trận quân sự trong giai đoạn hiện nay; từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tích cực ủng hộ và triển khai đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, đề án, kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ Tỉnh.

Để đạt hiệu quả, Tỉnh yêu cầu nội dung tuyên truyền, giáo dục phải toàn diện, ngắn gọn, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, dễ nhớ, dễ hiểu, trong đó tập trung vào Luật Quốc phòng; Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (khóa X); Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22/02/2019 của Chính phủ, các văn bản, hướng dẫn của Quân khu 9 và của Tỉnh về xây dựng khu vực phòng thủ; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng; giáo dục truyền thống đấu tranh của quê hương Đồng khởi anh hùng. Hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục phong phú, đa dạng, bám sát nhiệm vụ và thực tiễn của các cơ quan, đơn vị, địa phương, phù hợp với đối tượng, địa bàn. Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục thông qua học tập nghị quyết, giao ban, hội họp, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh còn phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương đứng chân trên địa bàn, Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự,… về nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng thế trận quân sự để đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm chắc chủ trương của Tỉnh, từ đó tích cực ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần1. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh còn tranh thủ ý kiến chỉ đạo, kinh nghiệm của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội, các lão thành cách mạng đang sinh sống và làm việc trên địa bàn về việc xây dựng thế trận quân sự, tạo đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với việc huy động các nguồn lực tham gia xây dựng khu vực phòng thủ.

Thủ trưởng Quân khu và lãnh đạo Tỉnh tham quan mô hình, học cụ huấn luyện

Hai là, chủ động phối hợp nghiên cứu, đánh giá, xây dựng và điều chỉnh quy hoạch, đề án xây dựng thế trận quân sự. Đây là giải pháp cơ bản để Tỉnh có cơ sở đánh giá và triển khai xây dựng các công trình quân sự khu vực phòng thủ phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh. Vì vậy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Quân khu, của Tỉnh, tiến hành khảo sát thực tế, rà soát, đối chiếu số lượng, quy mô, vị trí các công trình phòng thủ, nhất là các công trình trọng yếu, như: sở chỉ huy các cấp, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần kỹ thuật, công trình chiến đấu ven biển, v.v. Từ đó, tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ Tỉnh điều chỉnh quy hoạch, đề án bảo đảm sát với đặc điểm của địa phương. Trong đó, chú trọng điều chỉnh một số nội dung, hạng mục trong Quy hoạch hệ thống công trình phòng thủ tuyến ven biển; Quy hoạch hệ thống công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án xây dựng khu căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần kỹ thuật, v.v.

Cùng với đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan và chính quyền các huyện nghiên cứu, đánh giá chính xác đặc điểm địa hình, khí hậu, thời tiết, thủy văn, tình hình kinh tế - xã hội để tham mưu cho Ban Chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ Tỉnh xác định quy mô, số lượng công trình quân sự trong từng năm, từng giai đoạn, từ đó đề xuất với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh điều chỉnh và phân bổ ngân sách cho nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ và chỉ đạo xây dựng các công trình quân sự bảo đảm phù hợp ý định, quyết tâm tác chiến phòng thủ2. Đồng thời, tham mưu cho Tỉnh lựa chọn huyện Bình Đại làm điểm về xây dựng thế trận quân sự, làm cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng trên toàn địa bàn.

Ba là, xây dựng các công trình quân sự bảo đảm vững chắc, có chiều sâu, phù hợp với đặc điểm và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Là tỉnh đồng bằng sông nước, địa bàn có nhiều kênh rạch, nền đất yếu, nên khi xây dựng các công trình quân sự đòi hỏi phải bảo đảm tính bền vững, thiết thực, phù hợp với đặc điểm của địa phương. Để khắc phục thực trạng này, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp chặt chẽ với Công an, Biên phòng tham mưu cho Tỉnh chỉ đạo xây dựng các công trình quân sự theo hướng cơ bản, vững chắc, liên hoàn, có chiều sâu, phù hợp đặc điểm địa phương và cách đánh sở trường của lực lượng vũ trang; trong đó, ưu tiên xây dựng các công trình quan trọng, cấp thiết và mang tính lưỡng dụng. Đối với các huyện ven biển, trước mắt, tập trung xây dựng các công trình vừa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, vừa góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế biển, như: quy hoạch, cải tạo hệ thống cảng biển; củng cố xây dựng hệ thống đường ven biển cũng như đầu tư, nâng cấp hệ thống cụm điểm tựa, trận địa chiến đấu ven biển, sẵn xàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Với các huyện, thành phố có nhánh sông lớn chạy qua, tiến hành cải tạo các bến sông, hệ thống bờ bao, bờ kè,… trước là phục vụ dân sinh, sau là bảo đảm cho nhiệm vụ tác chiến khu vực phòng thủ. Trong triển khai thực hiện, coi trọng nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân của thế hệ cha anh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đồng thời, tham khảo, học tập kinh nghiệm của các tỉnh khác, mô hình điểm của Quân khu, của Bộ. Ngoài ra, còn nghiên cứu xây dựng phương án bảo đảm nhân lực, vật lực dự trữ và sẵn sàng huy động cho nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh.

Bốn là, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trong xây dựng thế trận quân sự. Xây dựng thế trận quân sự là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, mang tính đặc trưng của khu vực phòng thủ; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, trong đó, lực lượng vũ trang đóng vai trò nòng cốt. Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể xây dựng các công trình phòng thủ giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo; Đề án xây dựng khu vực phòng thủ Tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Chỉ huy Quân sự chủ động tham mưu cho Tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về quốc phòng, chú trọng quản lý, sử dụng các công trình phòng thủ, công trình quân sự, đất quốc phòng; thực hiện nghiêm Thông tư số 175/2013/TT-BQP, ngày 05/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của Tỉnh dự thảo và ban hành các văn bản hướng dẫn về quản lý, sử dụng các công trình quốc phòng theo hướng bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn, bí mật; tham gia thẩm định, đánh giá và giám sát các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn có liên quan đến nhiệm vụ xây dựng thế trận quân sự; kịp thời đề xuất giải pháp thực hiện việc phân nhiệm đối với các sở, ban, ngành về quản lý, đầu tư xây dựng công trình đặc thù theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quy định của Luật Quốc phòng, Nghị định số 21 và quy định của pháp luật.

Ngoài ra, còn phối hợp với Sở Giao thông vận tải và chính quyền các huyện, thành phố rà soát, hướng dẫn xây dựng các công trình giao thông, bảo đảm phù hợp và không ảnh hưởng tới các công trình quân sự. Cùng với Công an, Biên phòng, Sở Xây dựng và ngành chức năng của Quân khu hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng công sở, khu đô thị, khu công nghiệp, công trình công cộng,… bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tế địa phương và thuận tiện trong phối hợp, hiệp đồng với lực lượng vũ trang xử trí tình huống cháy nổ, thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt, Bộ Chỉ huy Quân sự còn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xác định, đề xuất các chủ trương, giải pháp giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất quốc phòng để sớm triển khai xây dựng các công trình quân sự theo đề án, kế hoạch.

Với sự tham mưu, đề xuất của Bộ Chỉ huy Quân sự, Bến Tre đã từng bước xây dựng được thế trận quân sự khu vực phòng thủ vững chắc, liên hoàn, có chiều sâu, mang tính lưỡng dụng. Những giải pháp mà Tỉnh đã và đang thực hiện là cơ sở quan trọng để hoàn thiện thế trận quân sự trong thời gian tới, góp phần bảo vệ vững chắc địa bàn, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đưa Bến Tre trở thành trung tâm kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Đại tá VÕ VĂN HỘI, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
_______________

1 - Từ năm 2019 đến nay, Tỉnh đã xây dựng được gần 400 chuyên trang, chuyên mục, các phóng sự,… về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự.

2 - Hằng năm, Tỉnh đầu tư khoảng 1,4% tổng thu ngân sách cho nhiệm vụ xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.