Thứ Ba, 10/09/2024, 15:47 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử
Đã 50 năm trôi qua, nhưng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy táo bạo, bất ngờ của quân và dân ta Tết Mậu Thân 1968 vẫn là sự kiện mang tính thời sự, có ý nghĩa chính trị sâu sắc, thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.
Cú sốc lớn, làm rung chuyển nước Mỹ
Đưa tin, phản ánh về cuộc Tiến công và nổi dậy của quân Giải phóng và nhân dân đêm ngày 30 rạng ngày 31 tháng 01 năm 1968 vào các thành phố, thị xã, nhiều mục tiêu, căn cứ quan trọng của Mỹ - Ngụy ở miền Nam Việt Nam, các báo, đài, ấn phẩm lúc đó thường dùng các từ: “bất ngờ”, “sửng sốt”, “kinh ngạc”, “chấn động”,… để nói về sự kiện này. Và hầu hết có chung nhận định, cuộc tiến công này là cú sốc lớn, làm rung chuyển nước Mỹ. Điều đó nói lên tầm vóc cũng như sự tác động mạnh của nó đối với cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ.
Thời báo Niu Yoóc viết: “Cuộc tiến công Tết của các lực lượng Cộng sản là đỉnh cao nhất của hoạt động quân sự trong cuộc chiến tranh thứ hai ở Đông Dương và chắc hẳn là trận duy nhất trong cuộc chiến tranh đó mà người ta sẽ nhớ lâu. Một cuộc tiến công bất ngờ, cùng một lúc vào hầu hết các thành phố to và nhỏ, vào căn cứ quân sự lớn ở miền Nam Việt Nam là rất táo bạo trong nhận thức và đã được thực hiện một cách khiến mọi người phải sửng sốt”1. Cũng tờ báo này, số ra ngày 09-02-1968 gọi đây chắc chắn là “một hành động bất ngờ thần thánh”2. Sau nhiều năm nghiên cứu, tác giả Mai-cơn Mác-li-a, trong tác phẩm “Việt Nam cuộc chiến tranh mười ngàn ngày”, nhận xét: “Chiến tranh Việt Nam có quá nhiều bất ngờ nhưng không có bất ngờ nào làm người ta phải sửng sốt nhiều hơn trận tiến công Tết. Đặc biệt nó lại diễn ra ngay trong Sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, nơi từng nhiều lần tuyên bố rằng tình hình tồi tệ đã qua rồi”3. Nhà sử học Ga-bri-en kôn-kô đánh giá: “Tiến công Tết Mậu Thân là một cú sốc đối với Mỹ… Tác động quyết định nhất của cuộc tấn công Tết là làm rõ thực tế rằng Mỹ đang đương đầu với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng một cách tiềm tàng”4.
Cú sốc đó đã tác động về mặt tâm lý rất mạnh lên giới cầm quyền, các tướng lĩnh Quân đội Mỹ, làm cho Tổng thống L. Giôn-xơn căng thẳng, nao núng về tinh thần. Mai-cơn Mác-li-a viết: “Ngày 31 tháng 3, Tổng thống hốc hác đối diện với các thủ lĩnh trong phòng bầu dục, sửa soạn nói chuyện với đồng bào mình về hòa bình ở Việt Nam ... Ông còn mơ thấy tất cả các cố vấn của ông ở ngoài hành lang bàn nhau tước lấy quyền hành của ông. Giấc mơ đó khiến ông thấy không còn đảm nhiệm chức vụ tổng thống được nữa. Tốt hơn hết là thoát cảnh sôi động này, trở về trại chăn nuôi ở quê nhà, ít ra còn làm chủ được vận mệnh của chính mình…”5. Kôn-kô viết: “Sự căng thẳng làm cho cách cư xử của Giôn-xơn trở nên thất thường, tin đồn về tình trạng tâm thần rời rạc của ông lan truyền khắp nước”6. Chính Tổng thống L. Giôn-xơn sau này phải chua xót thừa nhận, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã “bị một đòn choáng váng”; cuộc tổng tiến công “ào ạt hơn là chúng ta tưởng… Chúng ta không ngờ họ tiến công nhiều (thành phố) như họ đã làm… Chúng ta không tin rằng họ có khả năng tiến hành mức phối hợp như họ đã chứng tỏ… Nó đông hơn là chúng ta dự tính”7. Trong hồi ký của mình, ông ta viết: “Kết thúc năm 1968, sau nhiều năm tiến hành cuộc chiến tranh gay cấn nhất ở Việt Nam, tôi thực sự không tin mình có thể sống sót nếu ở lại Nhà trắng thêm một nhiệm kỳ, vì tình hình đen tối của chúng ta (tức Mỹ) ở Việt Nam. Tình hình đó đã làm tôi phải căng thẳng suốt 1.886 đêm ít khi được ngủ trước 2 giờ sáng”8.
Không chỉ có vậy, “cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân đã trở thành một trận đánh mang tính chất quyết định của cuộc chiến tranh, bởi vì nó đã tác động mạnh lên nền chính trị và thái độ của công chúng Mỹ đối với cuộc chiến tranh đó”9. Việc truyền hình và báo chí Mỹ, quốc tế tới tấp đưa tin, bình luận, những bài tốc ký, những hình ảnh mà giới phóng viên phản ánh về các trận đánh Tết Mậu Thân đã góp phần quan trọng trong việc phơi bày thực tế nội tình của nước Mỹ sau cuộc Tổng tiến công, giúp cho nhân dân Mỹ thấy được những gì đã và đang xảy ra trên chiến trường, cũng như bản chất cuộc chiến tranh mà nhà cầm quyền Mỹ đang tiến hành ở Việt Nam. Nó hoàn toàn khác với những gì mà họ được nghe trước đó. Hồi ký của Tướng Tay-lo viết: “Những trận tiến công của đối phương được báo chí Mỹ tường thuật bằng những tít lớn, được chiếu trên màn truyền hình Mỹ và đã làm cho dân chúng Mỹ, quan chức Mỹ kinh hoàng. Phải rất lâu họ mới hoàn hồn và một trong số trường hợp sự hoàn hồn đó mãi mãi không bao giờ khôi phục lại được hoàn toàn”10. Vì vậy, trong lúc chính quyền đang lúng túng ứng phó với “Tết Mậu Thân”, thì phong trào phản đối chiến tranh, phản đối chính quyền bùng lên mạnh mẽ ngay trong các thành phố và “bám rễ sâu trong giới trí thức của các trường đại học lớn, đầy uy tín”11. Đó là một thực tế chính trị “của cuộc sống sau Tết 1968” ở Mỹ và đạt đỉnh cao vào mùa Xuân 1970. Tổng thống Mỹ lúc đó đã phải thốt lên rằng: “Trong vụ Tết, trận đánh thực sự là nhằm giành tâm tư và tình cảm của chính nhân dân nước ông ở tuyến trong lòng nước Mỹ”12. Cựu Tổng thống Ai-xen-hao, trong bài phát biểu ngày 27-3-1968, cho rằng: “Chưa bao giờ gặp phải tình trạng đáng buồn như tình cảnh hiện nay của Mỹ, bị chia rẽ sâu sắc bởi chiến tranh”13.
Hậu quả của sự kiện Tết Mậu Thân còn làm cho nước Mỹ rơi vào tình thế khủng hoảng trầm trọng về kinh tế, điển hình là các ngân hàng châu Âu lo lắng trước việc tăng quân Mỹ ở Việt Nam có thể dẫn đến sự mất giá đồng Đô-la, làm cho thị trường vàng chao đảo, buộc Mỹ phải đóng cửa ngay thị trường vàng, bảo vệ đồng Đô-la trên tất cả các quyết định khác. Ngày 15-3-1968, L. Giôn-xơn thông báo cho các nhà lãnh đạo châu Âu: “Những lộn xộn tài chính này, nếu không được khắc phục ngay và kiên quyết sẽ gây tác hại sâu sắc cho các mối quan hệ chính trị giữa châu Âu và Mỹ sẽ làm xuất hiện những lực lượng giống như những lực lượng đã làm tan rã thế giới phương Tây giữa năm 1929 và năm 1933”14. Quả thực, lạm phát trong năm 1969 và 1970 của Mỹ đạt đỉnh cao, mà nguyên nhân của nó là do hậu quả của cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968.
Thắng lợi bước ngoặt quan trọng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Với đòn Tổng tiến công chiến lược Tết Mậu Thân của quân Giải phóng và nhân dân miền Nam Việt Nam, đã buộc Tổng thống Mỹ L. Giôn-xơn phải công khai tuyên bố (đêm 31-3-1968), Mỹ đơn phương chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, sẵn sàng cử đại diện đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và quyết định rút quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Tất nhiên, 5 năm sau Mỹ mới rút hết quân và tiếp đó 2 năm nữa ngụy quyền Sài Gòn mới sụp đổ, nhưng với quyết định này của Tổng thống Mỹ, về thực chất, số phận cuộc chiến giữa đế quốc Mỹ và nhân dân Việt Nam đã được định đoạt. Nhận định về việc này, nhà báo Mỹ, Giép Xtây-in và M. Líp-xơn, viết: “… đó là sự tuyên cáo của lịch sử, họ (tức là quân Giải phóng) đã giành được thắng lợi chiến lược có ý nghĩa quyết định…”15. Báo Chiến đấu (Pháp) ngày 01-02-1968 viết: “Điều hiển nhiên là người Mỹ đã thua đứt về mặt chính trị trong cuộc chiến tranh này. Những gì xảy ra ở Sài Gòn đủ cho thấy Mặt trận Dân tộc giải phóng đã nắm được các tầng lớp nhân dân trong mức độ to lớn biết chừng nào”. Hãng Roi-tơ (Anh) ngày 05-02-1968 nhận định: “Điều có ý nghĩa nhất là Việt Cộng được sự ủng hộ của các nhân sĩ, các nhân sĩ liên minh với Việt cộng”16. Năm 1971, khi nhìn lại “Tết Mậu Thân”, Đôn O-bớc-đoi-phơ đã viết: “Vì cuộc chiến chưa đi đến hồi kết thúc và chưa rõ ràng, tầm quan trọng đầy đủ về cuộc tiến công Tết Mậu Thân đang nằm ngoài tầm nhận thức của chúng ta”. Nhưng dù vậy, “một điều xem ra đã rõ: lịch sử sẽ chẳng quên đi sự kiện này. Đối với mọi loại người và mọi cách suy nghĩ khác nhau, đây là một sự kiện có tính chất bước ngoặt, một trong những bước ngoặt lớn trong thời đại chúng ta”17. Còn Kôn-kô viết: “…cuộc tiến công Tết như là một điểm ngoặt trong cuộc chiến tranh và như là một thắng lợi quyết định mà hậu quả sẽ hoàn thiện thắng lợi cuối cùng”18. Tướng Oét-mo-len – Tư lệnh Bộ Chỉ huy Cố vấn Quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam (1964-1968) đã phải thừa nhận: “Đây là khúc ngoặt của cuộc chiến tranh. Lẽ ra là khúc ngoặt đi đến thành công, nhưng đây lại là khúc ngoặt đi đến thất bại”19; “Hà Nội khuynh đảo miền Nam Việt Nam. Chính quyền Sài Gòn sắp sụp đổ”20, v.v.
Thời gian càng lùi xa, qua các sách, báo nước ngoài, chúng ta càng có cơ sở để đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác về sự kiện Tết Mậu Thân 1968. Dù ở khía cạnh nào, các tác giả đều thừa nhận sự tác động to lớn của sự kiện này đối với nước Mỹ, làm thay đổi cục diện cuộc chiến tranh, buộc Mỹ phải xuống thang, ngồi vào bàn đàm phán, đúng với ý định và chủ trương chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó khẳng định, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta đã giành được thắng lợi to lớn, tạo bước ngoặt có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước./.
HOÀNG TRƯỜNG ____________
1 - Dẫn theo Lê Khả Phiêu - Bộ Quốc phòng - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Nxb QĐND, H. 2008, tr. 48.
2 - Mai-cơn Mác-li-a - Việt Nam cuộc chiến tranh mười ngàn ngày, Nxb Sự thật, H.1990, tr. 151.
3 - Sđd, tr.150.
4 - Ga-bri-en Kôn-kô – Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb QĐND, H. 2003, tr. 349.
5 - Mai-cơn Mác-li-a - Việt Nam cuộc chiến tranh mười ngàn ngày, Nxb Sự thật, H.1990, tr. 153.
6 - Ga-bri-en Kôn-kô – Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb QĐND, H. 2003, tr. 355.
7 - Sđd, tr. 342.
8 - Nguyễn Lữ - Các tác giả phương Tây viết về cuộc chiến tranh Việt Nam, Viện Lịch sử quân sự, 1996, tr.05.
9 - Điệp viên hoàn hảo, Nxb Thông tấn, H. 2007, tr. 297.
10 - Dẫn theo Lê Hữu Phước - Bộ Quốc phòng - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Nxb QĐND, H. 2008, tr. 670.
11 - Ga-bờ-ri-en Kôn-kô – Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Tập 1, Nxb QĐND, H. 2003, tr. 386.
12 - Mai-cơn Mác-li-a - Việt Nam cuộc chiến tranh mười ngàn ngày, Nxb Sự thật, H.1990, tr. 153
13 - Dẫn theo Lê Hữu Phước - Bộ Quốc phòng – Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Nxb QĐND, H. 2008, tr. 669.
14 - Ga-bri-en Kôn-kô – Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb QĐND, H. 2003, tr. 351.
15 - Dẫn theo Phan Thanh Long - Bộ Quốc phòng – Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Nxb QĐND, H. 2008, tr. 554.
16 - Dẫn theo Hồ Sơn Điệp - Bộ Quốc phòng – Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Nxb QĐND, H. 2008, tr. 380.
17 - Dẫn theo Hồ Khang - Bộ Quốc phòng – Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Nxb QĐND, H. 2008, tr. 126.
18 - Ga-bri-en Kôn-kô– Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb QĐND, H. 2003, tr. 374.
19 - Mai-cơn Mác-li-a - Việt Nam cuộc chiến tranh mười ngàn ngày, Nxb Sự thật, H.1990, tr.152-153.
20 - Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập 2, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 287.
Vai trò của chính ủy, chính trị viên trong xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh” 09/09/2024
Vâng lời Bác dạy, nỗ lực phấn đấu hoàn thành trọng trách của cơ quan chỉ huy tham mưu chiến lược 06/09/2024
Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới 02/09/2024
55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội 30/08/2024
Tình đồng đội - phẩm giá cao cả tô thắm nhân cách Bộ đội Cụ Hồ 29/08/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Bộ đội Cụ Hồ - hiện thân của ý chí vượt khó, nỗ lực vươn lên hoàn thành mọi nhiệm vụ 13/08/2024
Vùng 1 Hải quân phát huy nhân tố chính trị tinh thần trong chiến thắng trận đầu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo 05/08/2024
Phát huy truyền thống đánh thắng trận đầu, xây dựng Quân chủng Hải quân “tinh, gọn, mạnh” 01/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc
Bộ đội Cụ Hồ - hiện thân của ý chí vượt khó, nỗ lực vươn lên hoàn thành mọi nhiệm vụ
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
Tình đồng đội - phẩm giá cao cả tô thắm nhân cách Bộ đội Cụ Hồ
Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Vâng lời Bác dạy, nỗ lực phấn đấu hoàn thành trọng trách của cơ quan chỉ huy tham mưu chiến lược
Vai trò của chính ủy, chính trị viên trong xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”