Sự kiện lịch sử Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

QPTD -Thứ Năm, 10/04/2025, 08:24 (GMT+7)
Quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giành thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là chiến công chói lọi của toàn quân, toàn dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng; trong đó quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long có đóng góp to lớn.

Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long luôn bám sát đường lối đấu tranh cách mạng, tư tưởng chiến lược, nghệ thuật quân sự của Đảng, tình hình thực tiễn chiến trường; đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, tập trung sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, liên tục tiến công, từng bước đánh bại và làm phá sản các hình thức chiến thuật, các đợt càn quét, kế hoạch bình định trong các chiến lược chiến tranh của địch1, góp phần cùng cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trung đoàn 10 đánh chiếm, làm chủ sân bay Lộ Tẻ, ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu/qdnd.vn

Trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, thực hiện quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975 của Trung ương Đảng, ngay từ đầu năm 1975, quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long đã tích cực xây dựng và phát triển lực lượng về mọi mặt, tạo sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, triển khai thế trận tiến công và nổi dậy theo phương châm: “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”. Từ tháng 3/1975, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Miền, phối hợp với chiến trường toàn miền, quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long đã tập trung đẩy mạnh tiến công địch, thực hiện chia cắt chiến lược, cắt đứt và làm chủ Lộ 4 (nay là Quốc lộ 1) các đoạn: Long An - Mỹ Thuận, Vĩnh Long - Cần Thơ và cắt đứt hoàn toàn kênh Chợ Gạo, ngăn chặn không cho địch từ miền Tây chi viện cho Sài Gòn và địch từ Sài Gòn thực hiện co cụm chiến lược về miền Tây; tiến công khống chế, tiêu diệt sân bay Trà Nóc, phát triển đánh chiếm thành phố Cần Thơ; tiến công vào hướng Tây Nam Sài Gòn, đánh chiếm Tổng nha Cảnh sát ngụy; giải phóng hoàn toàn miền Tây Nam Bộ.

Thực hiện nhiệm vụ chia cắt chiến lược, cắt đứt Lộ 4, đoạn từ Long An - Mỹ Thuận, Sư đoàn 8 (Quân khu 8) chọn ngã ba Trung Lương (cửa ngõ thành phố Mỹ Tho) làm điểm đột phá chủ yếu, vừa cắt đứt Lộ, vừa sẵn sàng đánh chiếm thành phố Mỹ Tho và căn cứ Sư đoàn 7 của địch ở Đồng Tâm. Từ đêm ngày 26, rạng sáng ngày 27/4 đến ngày 30/4, Trung đoàn 320 liên tục đánh địch phản kích để giữ chốt và cắt đứt hoàn toàn đoạn Lộ này. Đoạn Lộ 4 từ Long Định - Cai Lậy, Tiểu đoàn Ấp Bắc (thành phố Mỹ Tho) cùng 02 đại đội địa phương huyện Cai Lậy đã chốt chặn, kìm chân Trung đoàn 12, Sư đoàn 7 và một chi đoàn xe thiết giáp địch. Đoạn lộ từ Cai Lậy - An Hữu, Tiểu đoàn Công binh 341 và Tiểu đoàn Đặc công 283 (Quân khu 8), cùng lực lượng vũ trang huyện, xã phá đường, cắt đứt giao thông và kìm chân một trung đoàn địch.

Lực lượng vũ trang tỉnh Long An, Mỹ Tho cùng quần chúng trên địa bàn được huy động, tiến công mạnh mẽ trên Lộ 4, buộc địch phải bỏ tuyến biên giới, bỏ trống các vùng nông thôn, rút lực lượng về phòng thủ Lộ 4. Ở đoạn từ Vĩnh Long - Cần Thơ, Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu 9 giao Trung đoàn 1 và Trung đoàn 3 tập trung đánh cắt Lộ 4; uy hiếp địch ở thành phố Cần Thơ từ phía Bắc; liên tục tiến công cắt đứt và làm chủ nhiều đoạn trên Lộ 4. Đến ngày 30/4, Trung đoàn 1 và Trung đoàn 3 tập trung lực lượng cùng 04 tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Vĩnh Long tiến công giải phóng thị xã Vĩnh Long.

Trên kênh Chợ Gạo, tuyến vận tải đường thủy nội địa quan trọng nối liền miền Tây Nam Bộ với Sài Gòn, từ ngày 15/4, Tiểu đoàn 514 và Tiểu đoàn 2009 (tỉnh Mỹ Tho) cùng 02 đại đội binh chủng đánh thiệt hại nặng phân chi khu Quơn Long và Bình Phục Nhất, bức rút 09 đồn ở Tân Thuận Bình, bắn cháy 12 tàu địch và làm chủ một đoạn dài gần 10 km. Bộ đội địa phương, du kích, cùng hàng nghìn quần chúng huyện Chợ Gạo tham gia làm vật cản, cắt đứt giao thông và áp sát thị trấn Chợ Gạo. Với tinh thần chủ động tiến công, quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long đã huy động sức mạnh tổng hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ chia cắt chiến lược, đánh chiếm, cắt đứt và làm chủ nhiều đoạn trên Lộ 4 và kênh Chợ Gạo, ngăn chặn không cho địch từ miền Tây lên ứng cứu cho Sài Gòn và từ Sài Gòn thực hiện co cụm chiến lược về miền Tây.

Đối với nhiệm vụ khống chế, tiêu diệt sân bay Trà Nóc, đêm ngày 28/4, Trung đoàn 20 (Sư đoàn 4) tổ chức vượt sông Cần Thơ, áp sát vùng ven sân bay, vừa đánh địch phản kích, vừa dùng hỏa lực, kết hợp với 02 chốt pháo binh của Quân khu khống chế, không cho máy bay địch cất, hạ cánh. Đến trưa ngày 30/4, Trung đoàn 20 nhanh chóng đánh chiếm sân bay, thu giữ nhiều máy bay còn nguyên vẹn, cùng toàn bộ trang thiết bị.

Thực hiện nhiệm vụ tham gia đánh chiếm Sài Gòn từ phía Tây Nam, Quân khu 8 tổ chức 01 cánh quân, gồm: Trung đoàn 24, Trung đoàn 88 và 02 tiểu đoàn địa phương (tỉnh Long An) mở đường xuyên qua phía Đông Long An tiến về hướng Nhà Bè, Quận 8. Với quyết tâm cao nhất, lực lượng ta vừa hành quân, vừa đánh địch, vừa tiến hành công tác binh địch vận, vận động quần chúng. Sau 16 ngày đêm hành quân liên tục, đến ngày 25/4, cánh quân này đã diệt 40 đồn bốt địch, giải phóng 20 xã, đến khu vực Bình Chánh (vùng ven Sài Gòn). Lúc 10 giờ 30 phút, ngày 30/4, Trung đoàn 24 đánh chiếm mục tiêu chủ yếu là Tổng nha Cảnh sát ngụy, Trung đoàn 88 và 02 tiểu đoàn địa phương (tỉnh Long An) đánh chiếm khu kho Tân Thuận, tổng kho xăng dầu, cảng Nhà Bè, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tiến công Sài Gòn từ hướng Tây Nam.

Thực hiện kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy, phát huy tinh thần chủ động, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã tập trung lực lượng áp sát mục tiêu, nhất là các đô thị, nơi có đông quân địch tập trung, sẵn sàng tổng công kích. Đêm ngày 28, rạng sáng ngày 29/4, các lực lượng của Quân khu, tỉnh, huyện đồng loạt tiến công vào các đô thị; cùng với phong trào nổi dậy của quần chúng diễn ra bằng nhiều hình thức, đã góp phần làm cho hệ thống chính quyền địch ở cơ sở nhanh chóng tan rã.

Được giải phóng sớm nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long là tỉnh Trà Vinh, bằng tiến công quân sự kết hợp với nổi dậy của quần chúng. Từ 05 giờ ngày 30/4, lực lượng vũ trang Tỉnh (gồm 05 tiểu đoàn bộ binh, 02 đại đội đặc công, 01 đại đội trợ chiến) đã đánh chiếm nhiều mục tiêu trong thị xã; đến 09 giờ, lực lượng khởi nghĩa, với khoảng 20.000 quần chúng tham gia đã xuống đường, tiến công, bao vây quân địch, tước vũ khí các tiểu đoàn bảo an, truy bắt bọn ác ôn. Cũng đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4, cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng tung bay trên nóc dinh tỉnh trưởng Vĩnh Bình.

Thị xã Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) được giải phóng chủ yếu bằng lực lượng chính trị và binh vận. Từ ngày 28/4, một bộ phận lực lượng vũ trang và cán bộ chỉ đạo khởi nghĩa vào thị xã hướng dẫn quần chúng vận động lực lượng địch ở cơ sở; đồng thời, tổ chức liên lạc với tỉnh trưởng Bạc Liêu, yêu cầu bàn giao chính quyền cho cách mạng. Sáng ngày 30/4, đông đảo quần chúng tập trung tại dinh tỉnh trưởng, buộc tỉnh trưởng Bạc Liêu tuyên bố đầu hàng, bàn giao chính quyền cho cách mạng.

Tại thành phố Mỹ Tho (trọng điểm của Quân khu 8), Đội biệt động Thành phố và cơ sở mật phát động quần chúng nổi dậy; lực lượng chủ lực Quân khu và bộ đội Tỉnh liên tục tiến công các mục tiêu địch còn ngoan cố, chống cự, đến 05 giờ sáng ngày 01/5, thành phố Mỹ Tho được hoàn toàn giải phóng.

Ở thành phố Cần Thơ (trọng điểm 1 của Quân khu 9), nơi có cơ quan đầu não của Quân đoàn 4 địch, từ đêm ngày 29/4, Quân khu 9 tập trung lực lượng chủ lực, kết hợp với lực lượng nổi dậy của quần chúng, liên tục tiến công. Khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Ban Chỉ huy khởi nghĩa nội thành đã nhạy bén, kịp thời chớp thời cơ, truyền lệnh khởi nghĩa. Các cơ sở đảng trong nội đô phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền, kết hợp chặt chẽ cùng lúc với chủ lực Quân khu và lực lượng bộ đội địa phương tiến công mạnh mẽ, đánh chiếm hầu hết các mục tiêu của địch trong Thành phố.

Tại thị xã Vĩnh Long (trọng điểm 2 của Quân khu 9), chiều 30/4, lực lượng ta đã chiếm các mục tiêu quan trọng trong nội đô Thị xã; kêu gọi Tỉnh trưởng và Trung đoàn trưởng Trung đoàn 16 (Sư đoàn 9) địch đầu hàng. Thị ủy đã lãnh đạo quần chúng trong nội đô nổi dậy diệt đồn, phá rã phòng vệ dân sự, đến 23 giờ cùng ngày, lực lượng ta đã tiếp quản, làm chủ Thị xã.

Với tinh thần chủ động, khi nhận được tin Dương Văn Minh đầu hàng, Huyện ủy và Huyện đội Phú Quốc kịp thời huy động lực lượng tại chỗ, tiến công các đồn, bốt địch. Bằng sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân và lực lượng của chính mình, huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã tự giải phóng vào lúc 20 giờ ngày 30/4.

Ở Côn Đảo2, sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, lực lượng địch hỗn loạn, lực lượng tù chính trị dưới sự lãnh đạo của các đồng chí cán bộ nhanh chóng phá xà lim, cửa trại, đục tường, làm chủ Côn Đảo. Đến đêm ngày 02/5, trạm vô tuyến trên đảo bắt được liên lạc với đất liền, báo tin Côn Đảo hoàn toàn giải phóng.

Như vậy, trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, bằng sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, với tinh thần chủ động, sáng tạo, từ ngày 26/4/1975, hầu hết các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã đồng loạt tiến công và nổi dậy đánh địch trên khắp các mặt trận, giải phóng hoàn toàn địa phương trong hai ngày 30/4/1975 và 01/5/1975.

Riêng tại tỉnh Long Châu Tiền (gồm một số huyện của tỉnh Đồng Tháp và An Giang ngày nay), các tiểu khu trưởng Sa Đéc, Châu Đốc và một số sĩ quan ngụy đã tập hợp trên 10.000 lính bảo an từ các nơi dồn về Tổ Đình (xã Hòa Hảo, huyện Phú Tân) tuyên bố tử thủ; trong hai ngày 01 và 02/5, chúng ra thông báo gửi tín đồ Hòa Hảo và binh sĩ đòi thành lập khu tự trị của đạo Hòa Hảo ở tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc, sau đó đòi lập khu tự trị ở huyện Tân Phú. Đêm ngày 02/5, ta phát động quần chúng tín đồ Hòa Hảo nổi dậy, cùng lực lượng vũ trang vây ép và sẵn sàng tiêu diệt các tiểu đoàn bảo an còn ngoan cố, hỗ trợ quần chúng tín đồ đấu tranh với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo. Với lý lẽ sắc bén và thái độ cương quyết của lực lượng cách mạng, địch phải ra Thông báo số 6 kêu gọi binh sĩ hạ vũ khí, trình diện với cách mạng; đến 07 giờ ngày 03/5, lực lượng ta vào Tổ Đình, tiếp nhận bàn giao vũ khí của hơn 8.000 lính bảo an. Song, một số tàn quân bảo an tiếp tục co cụm về Chợ Mới, tập trung tại chùa Tây An, coi đây là nơi tử thủ cuối cùng. Tỉnh Sa Đéc đã điều động lực lượng và phát động quần chúng bao vây, tiến công làm tan rã đám tàn quân; đến ngày 06/5/1975, cờ giải phóng tung bay trên chùa Tây An, mảnh đất cuối cùng vùng Đồng bằng sông Cửu Long được giải phóng.

Với nghệ thuật tác chiến sáng tạo, trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân và dựa vào thế trận chung của toàn miền Nam, quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan Triển lãm ảnh “Đồng bằng sông Cửu Long - Khát vọng phát triển” tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030. Nguồn: tapchicongsan.org.vn

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, trong khi cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương trên địa bàn tập trung xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, thì tập đoàn phản động, diệt chủng Pônpốt - Iêngxari đã gây hấn, xâm chiếm một số địa bàn, tàn sát, phá hoại cuộc sống hòa bình của nhân dân vùng Tây Nam Bộ. Phát huy hào khí trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lực lượng vũ trang Quân khu 9 tổ chức chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, cùng các cánh quân tình nguyện Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, giành thắng lợi vẻ vang, làm hồi sinh dân tộc và đất nước Campuchia khỏi họa diệt chủng. Qua đó, tô thắm thêm truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu, góp phần làm cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, “Bộ đội nhà Phật” tỏa sáng, khắc sâu vào tâm khảm nhân dân Campuchia và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Trong giai đoạn hiện nay, tự hào về truyền thống vẻ vang, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 9 ý thức sâu sắc trách nhiệm phải tiếp tục kế thừa, phát huy lên tầm cao mới. Trọng tâm là, tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới. Tạo chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả quan điểm, đường lối, chiến lược quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết số 44-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của các tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tham gia quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, gắn với xây dựng các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương các cấp theo quyết tâm tác chiến và quy hoạch thế trận quân sự khu vực phòng thủ.

Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, luôn giữ thế chủ động chiến lược, đủ khả năng xử trí các tình huống. Tích cực đổi mới công tác huấn luyện, giáo dục, đào tạo, xây dựng chính quy, chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật, bảo đảm an toàn. Chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị trên địa bàn chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” vững chắc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện để địa phương phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Tăng cường hoạt động đối ngoại quân sự, giữ vững sự ổn định trên tuyến biên giới đất liền và vùng biển, đảo Tây Nam, xây dựng đoàn kết hữu nghị với nhân dân và Quân đội Campuchia, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Thiếu tướng HỒ VĂN THÁI, Chính ủy Quân khu 9
_____________________
        

1 - Chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh”, “Tháp canh mạng nhện”; các kế hoạch bình định đặc biệt, bình định cấp tốc; các chiến thuật: vết dầu loang, thiết xa vận, trực thăng vận, hạm đội nhỏ trên sông; phá “khu trù mật”, “khu dinh điền”, “ấp chiến lược”, v.v.

2 - Tại Côn Đảo, địch xây dựng 08 trại giam, có 01 tiểu đoàn bảo an và 01 đại đội cảnh sát canh giữ; nơi đây, tính đến năm 1975, địch giam giữ trên 7.000 người (trong đó có khoảng 4.000 tù chính trị).

Ý kiến bạn đọc (0)

Mùa Xuân đại thắng và khát vọng vươn mình
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng bản hùng ca của Đại thắng mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn vang mãi trong lòng dân tộc và mỗi người dân Việt Nam. Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, bản hùng ca ấy lại tiếp tục vang lên trên mặt trận lao động, sản xuất, chống đói nghèo, lạc hậu; bảo vệ vững chắc biên cương và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc;...