Thứ Năm, 24/04/2025, 03:22 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, quân và dân hai miền Nam - Bắc đã thực hiện xuất sắc quyết tâm chiến lược mà Đảng, Bác Hồ đã xác định là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là thắng lợi của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Cách đây tròn nửa thế kỷ, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta diễn ra trong 55 ngày đêm với sức mạnh áp đảo quân địch cả về quân sự, chính trị và ngoại giao. Lần đầu tiên, Quân đội ta đã sử dụng nhiều quân đoàn binh chủng hợp thành tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng hiện đại đồng loạt tiến công Sài Gòn, cùng với nổi dậy của quần chúng ở nhiều nơi, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ ngụy quân và ngụy quyền tay sai của đế quốc Mỹ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 toàn thắng, đã kết thúc thắng lợi 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc anh dũng, kiên cường, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.
Thứ nhất, Đảng ta đã sớm xác định đế quốc Mỹ là kẻ thù và đối tượng chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Sau chiến thắng vang dội của quân và dân ta trong chiến cục Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ (7/5/1954), miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, nhân dân ta được tự do xây dựng cuộc sống mới, xây dựng chế độ mới xã hội chủ nghĩa. Ở miền Nam, đế quốc Mỹ từng bước thay thế thực dân Pháp, âm mưu độc chiếm miền Nam Việt Nam, hòng biến nơi đây thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng. Mỹ dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm và hà hơi, tiếp sức cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa phá hoại Hiệp định Gieneve, cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử, âm mưu chia cắt lâu dài nước ta. Đảng ta đã nhận định: “Mỹ giàu nhưng không mạnh”, chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ là cuộc chiến tranh phi nghĩa, bị nhân dân tiến bộ trên thế giới và chính nhân dân Mỹ lên án. Với bản lĩnh, trí tuệ và kinh nghiệm lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm xác định đúng kẻ thù của cách mạng Việt Nam là đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (7/1954) đã xác định: “...đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, và hiện đang trở thành kẻ thù chính trực tiếp của nhân dân Đông Dương”1. Hội nghị Trung ương lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (8/1955) tiếp tục chỉ rõ: “...kẻ thù cụ thể trước mắt của chúng ta hiện nay là đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng... Đế quốc Mỹ là kẻ thù đầu sỏ và nguy hại nhất”2. Đây là cơ sở để Đảng ta xác định đường lối chính trị, quân sự và các chiến lược, sách lược, phương pháp cách mạng đúng đắn.
Thứ hai, Đảng ta xác định tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và tiếp tục tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Tình hình cách mạng Việt Nam lúc đó, đặt ra hai vấn đề chiến lược cơ bản và cấp bách phải giải quyết, đó là: miền Bắc có thể chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa khi cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chưa hoàn thành trên cả nước được không? Và cách mạng miền Nam tiến lên bằng con đường hòa bình hay bạo lực? Với bản lĩnh, trí tuệ của một đảng cách mạng chân chính, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm quyết định phải củng cố và đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời tiếp tục tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thống nhất đất nước. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (8/1955) nhấn mạnh: “Muốn thống nhất nước nhà, điều cốt yếu là phải ra sức củng cố miền Bắc, đồng thời giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam”3. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 13 (12/1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Ta đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hai nhiệm vụ trên đều quan trọng. Coi nhẹ nhiệm vụ nào cũng đều sai lầm”4.
Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng ở miền Bắc, từng bước đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, tranh thủ sự tương trợ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Vì thế, miền Bắc đã trở thành hậu phương chiến lược chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, tiến hành thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Thứ ba, Đảng xác định rõ mục tiêu, con đường, phương pháp cách mạng ở miền Nam và mối quan hệ chiến lược cách mạng ở hai miền Nam - Bắc. Trong khi nhân dân miền Bắc đang tập trung xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, thì ở miền Nam, Mỹ - Diệm tổ chức tổng tuyển cử, bầu quốc hội bù nhìn và dùng bạo lực phản cách mạng đàn áp, khủng bố tàn khốc những người yêu nước, đánh phá quyết liệt các tổ chức đảng, khiến cách mạng miền Nam chịu nhiều tổn thất rất nặng nề. Tháng 01/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 15, xác định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam, vạch rõ mục tiêu, phương pháp cách mạng ở miền Nam, mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược ở hai miền Nam - Bắc, mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất nước nhà, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng quốc tế, bảo vệ hòa bình thế giới. Nghị quyết khẳng định, nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là “giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng...”5. Nghị quyết cũng chỉ ra phương pháp cách mạng miền Nam là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp với đấu tranh võ trang và dự kiến khả năng cách mạng miền Nam sẽ phát triển thành cuộc đấu tranh võ trang trường kỳ.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 ra đời thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và sự sáng tạo của Đảng ta, phản ánh đúng yêu cầu lịch sử và ý chí, nguyện vọng của nhân dân miền Nam cũng như nhân dân cả nước. “Phong trào cách mạng miền Nam có Nghị quyết 15 như “nắng hạn gặp mưa rào”. Nhân dân miền Nam nhất tề vùng lên tiến hành cuộc khởi nghĩa từng phần giành thắng lợi ở một số vùng như: Những cuộc khởi nghĩa ở miền núi Khu 5, cực Nam Trung Bộ, miền Tây Nam Bộ, đặc biệt cao trào đồng khởi của nhân dân các tỉnh miền Trung Nam Bộ, miền Đông Nam Bộ; tiến lên cao trào đồng khởi trên toàn miền”6. Phong trào đồng khởi diễn ra rộng khắp ở miền Nam không chỉ đánh dấu bước nhảy vọt của cách mạng miền Nam, tạo điều kiện phát triển lực lượng để chuyển khởi nghĩa thành chiến tranh cách mạng, đồng thời buộc đế quốc Mỹ sớm phải bị động đối phó. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 15 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) về những vấn đề chiến lược và sách lược của cách mạng miền Nam, nhằm tạo dựng ngọn cờ tập hợp lực lượng yêu nước ở miền Nam, Trung ương Đảng quyết định thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (12/1960) và công khai hóa lực lượng vũ trang ta ở miền Nam với tên gọi Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, để đẩy mạnh đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị, tấn công địch bằng cả hai mặt chính trị và quân sự.
Thứ tư, Đảng đã lãnh đạo quân và dân ta chiến đấu anh dũng, đánh bại các chiến lược chiến tranh ở miền Nam và đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Quán triệt, thực hiện phương châm: kháng chiến lâu dài, dựa vào sức mình là chính, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và được sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc, lực lượng cách mạng miền Nam ngày càng phát triển lớn mạnh. Các vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, trở thành căn cứ vững chắc, làm nơi đứng chân của lực lượng cách mạng và xuất phát tiến công địch. Thắng lợi trong công cuộc bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa trước các cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc của Không quân, Hải quân Mỹ và đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy (1961-1965) ở chiến trường miền Nam giúp Đảng ta có thêm bản lĩnh, kinh nghiệm lãnh đạo phát triển chiến tranh nhân dân đỉnh cao trên cả hai miền Nam - Bắc, lần lượt đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968), “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1972) và chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972) đã đập tan cố gắng cuối cùng của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ và tay sai phải ký Hiệp định Pari (ngày 27/01/1973), rút hết quân Mỹ và chư hầu khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng, quân và dân ta đã “đánh cho Mỹ cút” để tiến tới “đánh cho ngụy nhào” theo tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Sau chiến thắng Phước Long (Đông Nam Bộ) cuối năm 1974 đầu năm 1975, Đảng ta đã rút ra kết luận: quân ngụy Sài Gòn đã suy yếu, quân đội Mỹ không có khả năng quay lại để cứu quân ngụy. Tiếp đó, thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên - đòn tiến công chiến lược mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã củng cố quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam của Bộ Chính trị. Trong cuộc họp ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị quyết định giải phóng miền Nam trong năm 1975. Nhưng trước những diễn biến mau lẹ, thuận lợi trên chiến trường, ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị bổ sung quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975 và cuối cùng quyết định giải phóng miền Nam trong tháng 4/1975.
Tròn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng tinh thần, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 vẫn vẹn nguyên giá trị, cần tiếp tục được vận dụng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước hiện nay có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải tiếp tục tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện, cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của Nhân dân. Cùng với đó, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.
Thiếu tướng, PGS, TS. HOÀNG VĂN PHAI, Phó Giám đốc Học viện Chính trị _______________________
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 225.
2 - Sđd, Tập 16, tr. 571.
3 - Sđd, tr. 576.
4 - Bộ Quốc phòng - Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh - Tổng kết Đảng lãnh đạo quân sự và quốc phòng trong cách mạng Việt Nam (1945-2000), Nxb QĐND, H. 2021, tr. 50.
5 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 20, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 81.
6 - Bộ Quốc phòng - Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh - Tổng kết Đảng lãnh đạo quân sự và quốc phòng trong cách mạng Việt Nam (1945-2000), Nxb QĐND, H. 2021, tr. 57.
Bản lĩnh,trí tuệ Việt Nam,Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975,hai nhiệm vụ chiến lược,mục tiêu,con đường,phương pháp cách mạng
Chủ tịch nước: Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao Việt Nam được thể hiện xuyên suốt 23/04/2025
Đại tướng Phan Văn Giang tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội 23/04/2025
Sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Đảng - Nhân tố quyết định thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 23/04/2025
Chương trình giao lưu nghệ thuật - Tọa đàm thanh niên “Viết tiếp bản hùng ca toàn thắng” 23/04/2025
Chương trình chính luận nghệ thuật “Hẹn ước Bắc - Nam” 23/04/2025
Mùa Xuân đại thắng và khát vọng vươn mình 22/04/2025
Nhân tố chính trị - tinh thần trong tiến công chiến lược 1975 và vấn đề xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới 22/04/2025
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu 21/04/2025
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết thăm, động viên các khối diễu binh, diễu hành 21/04/2025
Lực lượng Tăng thiết giáp trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 21/04/2025
Sức mạnh chiến tranh nhân dân - Nhân tố làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu
Vai trò của Bộ đội Đặc công trong Đại thắng mùa Xuân 1975 và vấn đề xây dựng lực lượng đặc công trong tình hình mới
Quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975
Giải phóng Trường Sa - Chiến công có ý nghĩa chiến lược trong giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Gặp mặt cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, cựu dân quân tự vệ
Đại thắng mùa Xuân 1975 và vấn đề xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trên địa bàn Quân khu 7