Thứ Tư, 20/11/2024, 20:32 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử
Năm 2021, kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2021). Đây là dịp để chúng ta nhìn lại công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh; đồng thời, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin đối với môi trường, sức khỏe con người Việt Nam còn rất nặng nề và lâu dài. Chất độc này gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, như: ung thư da, đột biến gen, dị tật bẩm sinh, tai biến sinh sản,... đặc biệt, nó có thể di truyền qua nhiều thế hệ. Chất độc da cam/dioxin đã làm khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó hơn 03 triệu người là nạn nhân. Hiện nay, cả nước vẫn còn hàng trăm nghìn nạn nhân chất độc da cam; ngoài số nạn nhân là người trực tiếp tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học, còn khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 và đã có nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4. Nhiều gia đình nạn nhân không còn duy trì được nòi giống; nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ; nhiều gia đình có 3 thế hệ là nạn nhân. Hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, chết dần, chết mòn, vật vã, đau đớn vì những căn bệnh quái ác liên quan đến chất độc da cam. Có 70% gia đình nạn nhân thuộc hộ đói nghèo; 90% nạn nhân không có chuyên môn, nghề nghiệp, phần lớn họ phải sống trong đau khổ, bệnh tật và đói nghèo.
Nhận thức rõ hậu quả nặng nề của chất độc hóa học đối với môi trường và con người, ngay sau khi chiến tranh kết thúc, mặc dù còn vô vàn khó khăn, nhưng Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách khắc phục hậu quả chất độc da cam1. Ngày 05/7/2002, Bộ Chính trị có Thông báo số 69-TB/TW về việc “Giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin”; trong đó xác định: Giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin là vấn đề lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất cấp bách hiện nay. Do vậy, thời gian tới cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và có những biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết có hiệu quả vấn đề phức tạp này. Cần có chế độ, chính sách và đầu tư kinh phí phù hợp để hỗ trợ, chăm sóc, chữa trị cho các nạn nhân (là cán bộ, chiến sĩ đã tham gia kháng chiến cũng như các đối tượng khác) bị nhiễm chất độc da cam. Tăng cường vận động một số nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ,… có khả năng hỗ trợ khắc phục hậu quả chất độc da cam, giúp đỡ các nạn nhân. Tiếp theo đó, ngày 05/7/2004, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg “Về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, ngày 17/12/2003, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 84/2003/QĐ-BNV về thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Theo đó, ngày 10/01/2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (Vietnam Association for Victims of Agent Orange/dioxin - VAVA) được thành lập. Đây là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh. Đến nay, Hội đã được tổ chức ở 63 tỉnh, thành phố, hơn 600 huyện, quận và hơn 6.700 xã, phường, thị trấn, với hơn 400.000 hội viên. Hoạt động của Hội nhằm giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân chất độc da cam, góp phần khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam và đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước. Quá trình hoạt động, các cấp Hội đã vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đẩy mạnh công tác chăm lo, giúp đỡ, bảo vệ nạn nhân chất độc da cam; phấn đấu hoàn thành mục tiêu bảo đảm 100% người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị di nhiễm được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Phong trào “Hành động vì Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động ngày càng lan tỏa trong đời sống xã hội, đã khơi dậy và phát huy tình cảm, trách nhiệm của cộng đồng, góp phần tích cực vào việc chăm lo, giúp đỡ, bảo vệ nạn nhân. Theo thống kê, đến tháng 3/2021, các cấp hội đã vận động giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân tổng số tiền hơn 2.650 tỉ đồng; trong đó, đã chi xây dựng gần 6.750 nhà tình nghĩa, trợ cấp 11.900 suất học bổng; trợ cấp khó khăn, lễ, Tết, khám, chữa bệnh, vốn sản xuất,… được 3.860.250 suất; xây dựng và duy trì hoạt động của 26 Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc da cam thuộc Trung ương Hội và các tỉnh, thành phố. Đến nay, các trung tâm đã tổ chức xông hơi, giải độc, phục hồi sức khỏe cho hơn 10.000 lượt nạn nhân chất độc da cam, đạt kết quả tốt, không xảy ra tai biến y tế. Với việc làm tích cực đó, đã góp phần khích lệ tinh thần các nạn nhân của chiến tranh, động viên họ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống; đồng thời, nhắc nhở mọi người phải quan tâm, có trách nhiệm hơn đối với đồng bào mình đang chịu hy sinh, mất mát, bệnh tật vì chiến tranh.
Quan hệ đối ngoại của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam không ngừng được mở rộng. Hằng năm, các cấp Hội đã tiếp hàng trăm đoàn khách quốc tế và hàng trăm cá nhân đến từ 5 châu lục; duy trì liên lạc thường xuyên với khoảng 30 tổ chức quốc tế; đón gần 100 đoàn khách quốc tế vào làm việc với Trung ương Hội và thăm nạn nhân ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Hoạt động đối ngoại đã góp phần vận động được hàng triệu USD ủng hộ nạn nhân chất độc da cam. Trong hoạt động khoa học, Hội có quan hệ hợp tác với 15 cơ sở nghiên cứu trong nước và nhiều cơ sở của các nước: Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Liên bang Nga, v.v. Từ tháng 8/2012, Hội đã chủ trì triển khai Đề tài khoa học cấp nhà nước “Nghiên cứu đánh giá hiệu quả của chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam; đề xuất phương hướng, giải pháp chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện”. Viện Nghiên cứu Da cam, thuộc Trung ương Hội đã chủ trì nghiên cứu đề tài độc lập cấp nhà nước: “Đối thoại nhân đạo về hậu quả chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”, v.v.
Cùng với các hoạt động chăm lo, giúp đỡ, bảo vệ nạn nhân, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam còn tích cực phối hợp trong các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh. Những năm gần đây, trước sự phát triển của mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Chính phủ Mỹ đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan, tổ chức của Việt Nam tiến hành tẩy độc ở các khu vực còn tồn lưu chất độc hóa học. Tại khu vực sân bay Đà Nẵng, Bộ Quốc phòng phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức thực hiện và hoàn thành Dự án “Xử lý ô nhiễm môi trường dioxin tại sân bay Đà Nẵng”. Sau 06 năm tiến hành với kinh phí 110 triệu USD, đã xử lý thành công hơn 90.000 m3 đất trầm tích ô nhiễm bằng phương pháp khử hấp thụ nhiệt và cô lập an toàn 50.000 m3 đất trầm tích ô nhiễm dioxin nồng độ thấp. Kết quả Dự án đã bảo đảm an toàn, hiệu quả, đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Tiếp đó, các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ hoàn thành Dự án “Chôn lấp, cô lập đất trầm tích nhiễm dioxin tại sân bay Phù Cát (Bình Định)”; đang thực hiện Dự án “Xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa” với kinh phí 390 triệu USD. Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ còn phối hợp với cơ quan chức năng của Việt Nam triển khai Dự án “Hỗ trợ người khuyết tật (trong đó có nạn nhân chất độc da cam) ở 08 tỉnh trong chiến tranh bị phun rải chất độc da cam/dioxin nhiều nhất”.
Với những thành tích đạt được, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được Ban Bí thư Trung ương Đảng tặng Bức trướng mang dòng chữ: “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì Nạn nhân chất độc da cam”; Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì. Nhiều tập thể, cá nhân thuộc Hội các cấp được các tổ chức quốc tế, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tặng nhiều phần thưởng cao quý về thành tích xuất sắc trong công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh, v.v.
Hiện nay, công tác khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin, nhất là công tác hỗ trợ, chăm lo, bảo vệ, giúp đỡ nạn nhân tiếp tục đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới. Vì vậy, các địa phương, nhất là các cấp Hội cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau:
1. Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh. Trong đó, chú trọng quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” và các chỉ thị, nghị quyết liên quan đến công tác giải quyết chính sách người có công với cách mạng và người khuyết tật trong tình hình mới. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về thảm họa da cam ở Việt Nam và công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh.
2. Tiếp tục đẩy mạnh Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”, nhằm khơi dậy tinh thần “tương thân, tương ái”, đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam. Qua đó, tăng cường vận động nguồn lực, cả trong nước và quốc tế để nâng cao hiệu quả hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Quá trình thực hiện, chú trọng ưu tiên đối tượng là nạn nhân nặng, gia đình có nhiều nạn nhân, nạn nhân không có nơi nương tựa, nạn nhân ở vùng sâu, vùng xa.
3. Các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất, hoàn thiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nạn nhân. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp phối hợp với cơ quan chức năng của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Cựu chiến binh cùng cấp tiếp tục rà soát, thẩm định hồ sơ, bảo đảm quyền lợi của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã có đủ điều kiện, nhưng chưa được hưởng chế độ, chính sách theo quy định; đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết tốt các vướng mắc, khiếu kiện từ cơ sở, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
4. Trên cơ sở Thông báo Kết luận số 158-TB/KL, ngày 02/01/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 102 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về hội quần chúng”, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm củng cố, kiện toàn, xây dựng tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao.
5. Kiên trì đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam bằng các phương thức, biện pháp phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và thông lệ quốc tế. Phối hợp đồng bộ các phương thức, các lực lượng trong nước và quốc tế, bằng cả ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân với biện pháp, bước đi phù hợp.
Hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam còn hết sức nặng nề, lâu dài. Vì vậy, mỗi tổ chức, cá nhân cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, tiếp tục quan tâm hỗ trợ, chăm lo, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam vượt qua khó khăn, bệnh tật, hòa nhập cộng đồng. Đó vừa là truyền thống, đạo lý của dân tộc, vừa là trách nhiệm của cộng đồng xã hội.
Thượng tướng NGUYỄN VĂN RINH, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam ________________
1 - Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỉ đồng mỗi năm để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam.
chiến tranh ở Việt Nam,chất độc hóa học,nạn nhân chất độc da cam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Những bài học hay, kinh nghiệm quý nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị 19/11/2024
Công tác phối hợp giữa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Hội đồng Lý luận Trung ương trong nghiên cứu, phát triển lý luận về quân sự, quốc phòng 18/11/2024
Vai trò của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đối với công tác tuyên giáo của Đảng 18/11/2024
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam 18/11/2024
Sự kiện Tập kết ra Bắc đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước 17/11/2024
Đảm bảo trang trọng, đúng tầm vóc, tạo ấn tượng mạnh mẽ 15/11/2024
Lưu giữ, trao truyền giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cho hôm nay và mai sau 14/11/2024
Cao Bằng - Nơi ra đời Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam 13/11/2024
Nhân cách văn hóa và danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ hội tụ các giá trị chân, thiện, mỹ 12/11/2024
Nhân văn - giá trị định danh Bộ đội Cụ Hồ
Vận dụng tư tưởng “cốt tinh, không cốt đông” trong xây dựng Quân đội hiện nay
Công tác Đảng, công tác chính trị thực sự là “linh hồn, mạch sống” của Quân đội
Cao Bằng - Nơi ra đời Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Nhân cách văn hóa và danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ hội tụ các giá trị chân, thiện, mỹ
Lưu giữ, trao truyền giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cho hôm nay và mai sau
Đảm bảo trang trọng, đúng tầm vóc, tạo ấn tượng mạnh mẽ