Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 16/08/2012, 09:01 (GMT+7)
Vai trò của các nước lớn trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Xy-ri

Sau gần 2 năm cuộc khủng hoảng chính trị ở Xy-ri vẫn tiếp diễn vô cùng phức tạp và trở thành một thử thách quyết liệt đối với nền chính trị thế giới; đưa quốc gia Trung Đông này đứng trước ngã rẽ có tính quyết định. Tính chất phức tạp của cuộc khủng hoảng chính trị ở Xy-ri do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân sâu xa xuất phát từ cuộc cạnh tranh địa - chính trị của các nước lớn, trước hết là Mỹ, Nga và Trung Quốc.

 
Tổng thống An Át-xát gặp đại diện các tầng lớp nhân dân ở TP Ða-ra, nơi bắt đầu cuộc biểu tình chống chính phủ Xy-ri. (Nguôn: nhandan.com.vn)
Toan tính chiến lược của Mỹ ở Xy-ri

Xy-ri là một mắt xích quan trọng nhất trong kế hoạch chiến lược “Đề án Trung Đông Lớn” đã từng được Tổng thống Mỹ G.W. Bu-sơ công bố trong Hội nghị G-8, tổ chức tại Mỹ vào tháng 6-2004, nhằm thay đổi biên giới của 24 quốc gia, từ Ma-rốc tới Áp-ga-ni-xtan, tạo bàn đạp để Mỹ tiến tới thiết lập quyền kiểm soát đối với toàn bộ lục địa Á - Âu. “Trung Đông Lớn” còn được gọi là “Trung Đông mở rộng” hoặc “Trung Đông mới” là một khu vực rộng lớn, có ý nghĩa rất quan trọng về địa - chính trị đối với chiến lược toàn cầu của các nước lớn, trước hết là Mỹ.

Sau vụ khủng bố 11-9-2001, “Đề án Trung Đông Lớn” là một nội dung quan trọng được nêu trong văn kiện mang tên “Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ ở Trung Đông: phân tích sau sự kiện 11/9”. Nó tiếp tục được khẳng định trong Chiến lược an ninh quốc gia, do Tổng thống G.W. Bu-sơ trình Quốc hội Mỹ ngày 20-9-2002. Một trong những mục tiêu cốt lõi trong Đề án chiến lược này là cạnh tranh địa - chính trị với Trung Quốc. Cuộc chiến tranh Áp-ga-ni-xtan (2001), I-rắc (2003) là giai đoạn đầu trong quá trình thực hiện “Đề án Trung Đông Lớn”, đã làm Mỹ bị sa lầy, thậm chí là thất bại. Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã thừa nhận, cuộc chiến tranh I-rắc là “không cần thiết”.

Sau khi bước vào Nhà Trắng, với mục tiêu “thay đổi” nước Mỹ và thế giới, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma chủ trương sử dụng các biện pháp chiến lược khác để thực hiện “Đề án Trung Đông Lớn”, được gọi là “sức mạnh thông minh”, hình thành nên “chính sách ngoại giao thông minh”; trong đó, kết hợp “sức mạnh cứng” (quân sự, kinh tế…) với “sức mạnh mềm” (ngoại giao, chiến tranh thông tin, mạng Internet…). “Mùa xuân A-rập” bùng phát từ cuối năm 2010 ở Tuy-ni-di, sau đó tràn qua Ai Cập, Li-bi là sự kế tục tiến trình thực hiện “Đề án Trung Đông Lớn” của Mỹ  bằng “sức mạnh thông minh”. Vì thế, ngay sau khi cuộc chiến Li-bi kết thúc và NATO tuyên bố rút quân khỏi nơi đây, giới phân tích đã dự báo, “kịch bản Li-bi” có thể sẽ lặp lại ở các quốc gia khác như Xy-ri, I-ran, v.v. Thượng nghị sỹ Mỹ Giôn Mac-kên đã từng cảnh báo, “Mùa xuân A-rập” sẽ “gõ cửa” Xy-ri, I-ran, các nước Trung Á, thậm chí cả Nga và Trung Quốc (!?). Cuối năm 2011, Tạp chí “Chính sách đối ngoại” của Mỹ cũng đưa ra nhận xét: "Kịch bản Li-bi do NATO thực hiện dựa trên cơ sở thực hiện sự uỷ nhiệm của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) có thể sẽ được lặp lại ở Xy-ri”. Đề cập tới tầm quan trọng của Xy-ri đối với “Đề án Trung Đông Lớn” của Mỹ, trong trả lời phỏng vấn hãng truyền hình “Press TV”, cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ P. Rô-bec đã nhận định, bằng cách gây ra cuộc khủng hoảng chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông, Mỹ muốn hạn chế ảnh hưởng địa - chính trị và kiềm chế sự phát triển của Nga và Trung Quốc. Và rằng, bằng cách lật đổ chế độ cầm quyền ở một số nước Bắc Phi và Trung Đông, Mỹ muốn đẩy Trung Quốc và Nga ra khỏi khu vực địa - chính trị quan trọng này của thế giới.  

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Xy-ri giống với tình hình ở Tuy-ni-di, Ai Cập và Li-bi ở một điểm then chốt: Mỹ và một số nước phương Tây vừa nhất quyết đòi Tổng thống Xy-ri B. At-xát phải từ chức; mặt khác, ra sức ủng hộ mọi mặt cho các lực lượng đối lập ở Xy-ri. Đây là nguyên nhân sâu xa khiến cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Xy-ri kéo dài. Để mở đường can thiệp quân sự vào Xy-ri giống như ở Li-bi, Mỹ và phương Tây đã có 3 dự thảo Nghị quyết về Xy-ri trình HĐBA LHQ, nhưng đều bị Nga và Trung Quốc phủ quyết, với lý do nội dung các bản dự thảo đó chỉ yêu cầu Chính phủ Xy-ri chấm dứt bạo lực mà không yêu cầu các lực lượng đối lập có vũ trang hành động tương tự; hoặc lên án Chính phủ Xy-ri “vi phạm nhân quyền”, “đàn áp người dân” nhưng lại không xem xét báo cáo của Chính phủ Đa-mát về hành động của các lực lượng đối lập chủ ý sử dụng vũ khí hạng nặng tiến công các lực lượng bảo đảm an ninh của Xy-ri. Thất bại trong việc sử dụng công cụ HĐBA LHQ để tạo cớ can thiệp quân sự vào Xy-ri, Mỹ và NATO chuyển sang sử dụng Hội đồng nhân quyền (HĐNQ) của LHQ, Uỷ ban điều tra quốc tế và Cao uỷ LHQ về quyền con người. Theo sáng kiến của Mỹ, tình hình Xy-ri đã được đưa ra thảo luận tại 3 hội nghị chuyên đề về Xy-ri tại HĐNQ của LHQ. Tại hội nghị lần thứ 3, HĐNQ của LHQ đã thông qua Nghị quyết lên án Xy-ri. Đây là sự lặp lại nguyên vẹn kịch bản Li-bi khi khái niệm “dân thường cần được bảo vệ” là lực lượng nổi dậy cực đoan có vũ trang, còn đại đa số người dân cần được bảo vệ chống lại hành động bạo lực của lực lượng đối lập lại bị loại bỏ ra khỏi quyền bảo vệ của LHQ. Phản ứng trước tình hình này, ông V. Lô-xi-nin, đại diện của Nga tại LHQ đã tuyên bố cứng rắn rằng, Nga muốn ngăn chặn mọi sự can thiệp từ bên ngoài vào tình hình Xy-ri ngay cả khi mượn cớ “bảo vệ dân thường” hoặc “bảo vệ quyền con người”.

Mượn cớ “bảo vệ nhân quyền” để trực tiếp can thiệp quân sự vào Xy-ri không thành, Mỹ và NATO quay sang sử dụng một sáng kiến đã từng được áp dụng ở Li-bi là thành lập nhóm “Những người bạn của Xy-ri” để hỗ trợ các lực lượng đối lập tiến hành một cuộc can thiệp quân sự dưới một hình thức khác mà các chuyên gia quân sự gọi là “cuộc chiến tranh qua tay người khác”. Thậm chí, nhiều chuyên gia phân tích chính trị quốc tế còn nhận định, Mỹ và NATO có ý định sử dụng nhóm “Những người bạn của Xy-ri” thay thế vai trò của HĐBA LHQ. Biện pháp đầu tiên mà nhóm này thực hiện là ra lời kêu gọi quốc tế áp dụng các biện pháp cấm vận kinh tế mạnh mẽ hơn nữa đối với Chính quyền Xy-ri của Tổng thống B. At-xát. Mỹ còn đề xuất cấm nhập cảnh đối với các quan chức cao cấp trong Chính phủ Xy-ri; niêm phong tài khoản các ngân hàng của họ; áp đặt lệnh cấm vận xuất khẩu dầu mỏ sang Xy-ri; chấm dứt đầu tư vào nước này và xem xét việc đóng cửa Đại sứ quán và tham tán của Xy-ri ở các nước này. Tuy nhiên, biện pháp chủ yếu của "Những người bạn của Xy-ri" là tuyên bố công nhận lực lượng đối lập ở Xy-ri là “đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Xy-ri”. Quyết định này sau đó được thông qua chính thức tại Hội nghị lần thứ 2 vào ngày 01-4-2012 tại I-xta-bun (Thổ Nhĩ Kỳ), không có sự tham dự của Nga và Trung Quốc.

Trong khi chưa có được một nghị quyết khách quan và công bằng của HĐBA LHQ để giải quyết tình hình Xy-ri, Đặc phái viên của LHQ và Liên đoàn A-rập Cô-phi A-nan đưa ra đề xuất 6 điểm nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng này; trong đó không có điều khoản kêu gọi Tổng thống Xy-ri    B. At-xát từ chức. Vì thế, đề xuất này được HĐBA LHQ nhất trí và ngày 14-4-2012 đã thông qua Nghị quyết 2042 tuyên bố ủng hộ và yêu cầu các bên xung đột ở Xy-ri chấp nhận. Có thể thấy, trong đề xuất 6 điểm của ông Cô-phi A-nan có một nội dung rất cơ bản trùng hợp với tinh thần nội dung dự thảo Nghị quyết về Xy-ri do Nga đề xuất, được Trung Quốc ủng hộ và trình lên HĐBA LHQ ngày 15-12-2011. Đó là, yêu cầu cả hai bên, nghĩa là cả lực lượng ủng hộ chính phủ Xy-ri và phe đối lập phải chấm dứt bạo lực và không đòi Tổng thống Xy-ri B. At-xát từ chức.

Một biến thể của Nghị quyết 1973 về Li-bi. Nghiên cứu kỹ nội dung Nghị quyết 2042 về Xy-ri và Nghị quyết 1973 về Li-bi, có thể thấy một điểm trùng hợp là: “hai bên xung đột chấp nhận ngừng bắn”. Ông Ca-đa-phi cũng đã từng tuyên bố chấp hành Nghị quyết 1973, nghĩa là ngừng bắn. Trong khi đó, lực lượng nổi dậy ở Li-bi không ngừng bắn mà còn tiếp tục đẩy mạnh các hành động quân sự dưới sự hỗ trợ của hoạt động “thiết lập vùng cấm bay” từ phía NATO. Kết quả là một cuộc chiến tranh xâm lược trên quy mô lớn nhằm vào Li-bi, dẫn tới kết cục lật đổ chính quyền Li-bi và tiêu diệt nhà lãnh đạo Ca-đa-phi. Tương tự, ở Xy-ri, trong khi Tổng thống B. At-xát chấp nhận ngừng bắn, ra lệnh rút quân và các vũ khí hạng nặng ra khỏi các thành phố và các khu vực mà trước đó họ đã đánh đuổi các lực lượng đối lập, thì quân nổi dậy tranh thủ thời cơ tiếp nhận thêm vũ khí hạng nặng do các nước phương Tây và đồng minh của họ ở Trung Đông cung cấp, phối hợp với mạng lưới khủng bố Al Qaeda tái chiếm các thành phố và vu cáo các lực lượng ủng hộ Tổng thống Xy-ri B. At-xát “vi phạm Nghị quyết 2042” của HĐBA LHQ. Tình hình đó đã đưa Tổng thống Xy-ri B. At-xát vào thế bế tắc: nếu không ra tay trấn áp các lực lượng đối lập thì rút cuộc sẽ bị đánh bại ngay trên “sân nhà”, còn nếu ra tay thì ngay lập tức bị cáo buộc vi phạm Nghị quyết 2042.

Nguyên nhân sâu xa khiến Nghị quyết 2042 không được thực thi, trước hết là do Mỹ và một số nước phương Tây ra sức ủng hộ cả về kinh tế, chính trị và tinh thần cho các lực lượng đối lập ở Xy-ri, đẩy đất nước và nhân dân Xy-ri vào một cuộc chiến tranh tương tàn chưa từng có trong lịch sử. Thực chất, đó là cuộc chiến tranh do bên ngoài tiến hành thông qua bàn tay của các lực lượng đối lập cực đoan kết hợp với các tổ chức khủng bố quốc tế được hợp pháp hoá bằng các công cụ pháp lý quốc tế. Do đó, Nghị quyết 2042 được đánh giá chỉ như luồng ánh sáng yếu ớt cuối đường hầm, không đủ sức chiếu rọi để tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Xy-ri.

Hành động của Nga và Trung Quốc

Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Xy-ri đã phân chia thế giới thành hai “chiến tuyến” khá rõ nét. Một bên là Mỹ và các nước NATO khác được một số nước ủng hộ, ngay từ đầu cho tới nay kiên quyết đòi Tổng thống Xy-ri B. At-xát phải ra đi. Bên kia là Nga và Trung Quốc cũng được một số nước đồng tình cho rằng, cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Xy-ri là công việc nội bộ của nước này và phải để cho nhân dân Xy-ri tự giải quyết, không một quốc gia nào được phép can thiệp vào. Do đó, Nga và Trung Quốc kiên quyết bác bỏ mọi dự thảo nghị quyết của HĐBA LHQ có thể mở đường cho một cuộc can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Xy-ri. Theo quan điểm của Nga và Trung Quốc, một dự thảo nghị quyết khách quan và đúng đắn phải đưa ra yêu cầu các bên xung đột ở Xy-ri chấm dứt việc sử dụng bạo lực, ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc xung đột trên cơ sở tôn trọng những lợi ích căn bản của nhân dân Xy-ri. Trung Quốc tuyên bố họ không đứng về bất cứ bên nào ở Xy-ri mà chỉ hành động xuất phát từ lợi ích của quốc gia này. Đồng quan điểm đó, từ đầu tháng 12-2011, khi Nga giữ cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ, tình hình Xy-ri là một trong những chủ đề nóng trong các cuộc thảo luận không chính thức cũng như trong khuôn khổ chủ đề "Tình hình Trung Đông". Trong thời gian đó, đã có 2 dự thảo nghị quyết của HĐBA LHQ do Mát-xcơ-va đề xuất. Dự thảo thứ nhất là kết quả phối hợp hành động của Nga và Trung Quốc; trong đó, kêu gọi các bên cần chấm dứt hành động bạo lực và nhà cầm quyền Xy-ri nhanh chóng tiến hành cải cách, ủng hộ nỗ lực của Liên đoàn các nước A-rập (AL) nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng, đưa các quan sát viên của AL vào Xy-ri. Phía Nga cũng loại trừ khả năng áp dụng biện pháp cấm vận vũ khí đối với Xy-ri. Dĩ nhiên, các thành viên phương Tây trong HĐBA LHQ không ủng hộ đề xuất này của Nga. Nhận định việc Mỹ và một số nước thành lập nhóm "Những người bạn của Xy-ri", Nga và Trung Quốc cho rằng, tôn chỉ mục đích của tổ chức này là nhằm tập trung nỗ lực quốc tế bên ngoài khuôn khổ HĐBA LHQ để can thiệp vào tình hình Xy-ri. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga khẳng định  “Những người bạn của Xy-ri” không tìm kiếm giải pháp thiết lập đối thoại giữa các bên ở Xy-ri và giải quyết xung đột bằng biện pháp chính trị mà là chuẩn bị mở đường cho sự can thiệp từ bên ngoài. Báo “Süddeutsche Zeitung”, một tờ báo có uy tín ở Cộng hòa liên bang Đức đăng bài bình luận nhận xét rằng, “Những người bạn của Xy-ri” thực chất là “Những người bạn chiến đấu của phe đối lập ở Xy-ri”.

Như vậy đến nay, Chính phủ và nhân dân Xy-ri đang phải đối mặt với một cuộc chiến tranh với các lực lượng đối lập kết hợp với tổ chức khủng bố Al Qaeda và nhiều tổ chức khủng bố cực đoan khác được bên ngoài chi viện về mọi mặt. Đây là một thử thách nghiệt ngã đối với nền chính trị toàn cầu và cách hoá giải nó sẽ có tác động rất lớn tới cục diện chính trị quốc tế trong những năm tới.

Đại tá LÊ THẾ MẪU

Ý kiến bạn đọc (1)

Đăng ký
05/03/2022 11:40
Nội dung Bình luận hữu ích . Mong tiếp tục nhận thông báo cập nhật mới nhất
Uông Ngọc Dương
10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...