Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 17/09/2018, 09:37 (GMT+7)
Tăng cường kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ

Tiếp theo*

II. Nạn chạy chức, chạy quyền và hệ lụy

Chạy chức, chạy quyền là hành vi đã xuất hiện từ lâu trong xã hội. Vấn nạn này được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận diện ngay sau ngày đất nước giành được độc lập. Người chỉ rõ: “Có những đồng chí còn giữ thói “một người làm quan cả họ được nhờ”, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ. Hỏng việc đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”1. Những biểu hiện của chạy chức, chạy quyền gắn liền với sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên cũng được Đảng ta nhận định và chỉ ra qua các kỳ đại hội Đảng, nhất là từ khi nước ta thực hiện đổi mới, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Bộ Chính trị đã chỉ ra 5 loại “chạy”: chạy chức, chạy quyền, chạy lợi, chạy chỗ, chạy tội. Mới đây nhất, tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), nói về cán bộ và công tác cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn nêu ra: tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội,... trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Nhận định trên xuất phát từ thực tế nạn chạy chức, chạy quyền hiện đang thực sự rất “nóng”, dù nó được “ngụy trang” dưới nhiều chiêu thức khác nhau, thậm chí rất tinh vi, nhưng toàn xã hội đang cảm nhận được sự “phát tác” mạnh mẽ hơn bao giờ hết của “bệnh dịch” này.

Chạy chức, chạy quyền là hành vi đáng lên án theo chuẩn mực của đạo đức xã hội, vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng. Tuy nhiên, nó lại đang thẩm thấu, phát triển, vừa ẩn giật, vừa công khai; chi phối sâu sắc các mối quan hệ ở nhiều cấp, bộ, ngành, nhiều đơn vị, địa phương. Thậm chí, nó còn vượt qua mọi giá trị về đạo đức và quy định của pháp luật để trở thành “tất yếu” trong công tác cán bộ ở một số nơi. Tệ chạy chức, chạy quyền không chỉ còn nằm trong dư luận mà nó đã hiện hữu bằng những vụ việc cụ thể, với những con người cụ thể.

Ai chạy chức, chạy quyền? Về cơ bản, đó là những người không (hoặc chưa) đủ các điều kiện, tiêu chuẩn (trình độ, năng lực, uy tín, kinh nghiệm thực tiễn,...) đối với vị trí, chức danh muốn đạt được. Bên cạnh đó, có những người đủ tiêu chí nhưng vẫn phải chạy vì “xu thế chung”, nếu không chạy sẽ bị loại khỏi “cuộc chơi”. Chạy để làm gì? Để chưa có chức thành có chức, có quyền; từ chức vụ thấp lên chức vụ cao; từ chỗ không (hoặc ít) bổng lộc đến nơi nhiều bổng lộc; từ nơi có lợi ích vật chất sang nơi có quyền lực chính trị để “hạ cánh an toàn”, v.v. Chạy bằng cách nào? Phổ biến nhất là dùng tiền bạc và những thứ mua bằng tiền (nhà cửa, đất đai, vật dụng xa xỉ đắt tiền,...); chạy thông qua quan hệ (anh em, họ hàng, tình cảm,...); chạy bằng những lợi ích khác theo kiểu “đôi bên cùng có lợi”; thậm chí, chạy bằng cách dùng thủ đoạn để hạ bệ “đối thủ”, giành lợi thế về mình! Chạy ai? Có nhiều con đường chạy khác nhau, nhưng cuối cùng đều hướng đến người có quyền quyết định (phần lớn là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương,... có thể ban phát quyền lực), hoặc người có thể can thiệp vào công tác tổ chức cán bộ. Cũng có những trường hợp chạy cả một tổ chức (khi họ cùng chung lợi ích nhóm).

Chạy chức, chạy quyền có thể được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, song hiện nay, hành vi này đang được số ít người xem như một kênh đầu tư để thu lợi nhuận. Về bản chất, chức quyền không tạo ra tiền. Đó là quyền lực của nhân dân, của Đảng và Nhà nước trao cho cán bộ chứ không phải của cá nhân hay tổ chức nào. Song, những người chạy chức, chạy quyền lại coi chức quyền như một kênh đầu tư. Họ biến báo, tha hóa để chức quyền ấy đẻ ra tiền, đem lại lợi nhuận khủng khiếp. Họ bỏ tiền để “đấu thầu” vị trí, chức vụ cần có. Khi đạt được rồi, họ tìm mọi cách để thu lại vốn và phải có lãi. Họ tìm mọi cách, mọi mánh khóe, thủ đoạn để trục lợi, đục khoét, vơ vét của công; dùng tiền, nguồn lực của Nhà nước để sử dụng vào mục đích cá nhân, thu lợi bất chính cho bản thân; sách nhiễu, vòi vĩnh cấp dưới, nhân dân, doanh nghiệp, v.v. Họ sử dụng công cụ quyền lực bất chấp các ràng buộc, kể cả quy định của Đảng, của pháp luật để kiếm tiền bằng mọi cách.

Điều nguy hại nhất là chạy chức, chạy quyền đã trở thành vòng tròn khép kín không có điểm dừng. Khi người chạy thành công, ngồi vào vị trí có chức quyền (nhất là vị trí đứng đầu, các chức vụ quan trọng trong bộ máy công quyền), họ áp dụng tư duy, phong cách “con buôn” vào điều hành, quản lý. Họ lợi dụng quyền hành trong công tác cán bộ để đưa vào tổ chức (ê kíp của mình) những người không đủ năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức, v.v. Cứ như thế, hoạt động “chạy” sẽ thành dây chuyền, ai cũng phải chạy, ai cũng được chạy, liên tục tăng lên và không có điểm dừng.

Vì sao nạn chạy chức, chạy quyền có thể tồn tại? Những yếu kém về kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ, như: kiểm tra, kiểm soát quyền lực thiếu chặt chẽ, cơ chế tổ chức, vận hành của hệ thống chính trị chậm đổi mới, chưa thích ứng kịp với sự vận động, phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội,... chính là nguyên nhân cốt lõi nảy sinh chạy chức, chạy quyền. Bởi, như V.I. Lê-nin đã nhấn mạnh: lãnh đạo mà không có kiểm tra, kiểm soát là không có lãnh đạo. Ngược lại, chạy chức, chạy quyền là điều kiện phát sinh, dẫn tới việc buông lỏng kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ. Đồng thời, chạy chức, chạy quyền còn do tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường; ở sự tha hóa đạo đức, chủ nghĩa cá nhân thực dụng của một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ trong cơ quan quản lý cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, tính chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng và của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao, khiến cho hiện tượng chạy chức, chạy quyền diễn ra ngang nhiên, nhưng không bị đấu tranh, ngăn chặn, vạch trần; tạo mảnh đất màu mỡ để những người mua quan, bán chức có cơ hội tồn tại, lộng hành.

Với những biểu hiện trên, chạy chức, chạy quyền đã trở thành ung nhọt của Đảng, chế độ, gây ra những hệ lụy hết sức nặng nề. Nó cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những người chạy chức, chạy quyền dù không đủ đức, đủ tài; không có năng lực quản lý, điều hành công việc nhưng lại nắm giữ trong tay tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Do vậy, tài sản đó sẽ bị lãng phí, không được khai thác, sử dụng hiệu quả; thậm chí bị thất thoát theo nhiều cách khác nhau, mà chủ yếu là bị tham ô, chiếm đoạt. Họ chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích của tập thể, vì thế, mục tiêu, phương hướng hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bị chệch hướng. Họ chỉ lo sử dụng ngân sách, nguồn lực cho hết trong nhiệm kỳ, mà không cần quan tâm đến chiến lược phát triển lâu dài. Việc họ cất nhắc, sử dụng cấp dưới theo phe cánh, còn những người tài - “nguyên khí” của quốc gia không được trọng dụng, không có cơ hội được cống hiến, chất xám bị bỏ quên, lãng phí,… làm cho hiệu quả, năng suất lao động không cao, kìm hãm, kéo lùi sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của đất nước.

Chạy chức, chạy quyền cũng là căn nguyên của sự xuống cấp về đạo đức xã hội, chà đạp lên những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, bóp méo hệ giá trị con người mới xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang tập trung xây dựng; thay vào đó là những giá trị xoay quanh lợi ích vật chất, những quan hệ được kết nối bằng tiền.

Nạn “chạy” là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Ở phạm vi nhỏ, khi một người chạy chức, chạy quyền thành công, tức là một cán bộ không có tài, không có tâm, không có tầm đã được cất nhắc bổ nhiệm. Ở đó, nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt, quy trình công tác cán bộ, tiêu chuẩn cán bộ bị đảo lộn, bóp méo; dân chủ không được phát huy; những kẻ xu nịnh được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong công việc; những người trung thực, thẳng thắn, có năng lực bị trù dập, chèn ép, chịu thiệt thòi về các quyền lợi, v.v. Điều này tác động rất lớn đến tâm tư, tình cảm, niềm tin của cán bộ, đảng viên. Họ không phục, không nghe, “bằng mặt nhưng không bằng lòng”; làm việc cầm chừng, thiếu động lực để phấn đấu, cống hiến,... và xuất hiện tư tưởng chán nản, bất mãn; mất niềm tin vào tổ chức, vào Đảng, vào chế độ. Đó là mảnh đất cho “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hình thành và phát triển. Thực tế đã có những cán bộ vì bất mãn mà “trở cờ”, xa rời mục tiêu lý tưởng, bị các thế lực thù địch lôi kéo, lợi dụng, để rồi có những hành động chống Đảng, Nhà nước và chế độ.

Ở tầm vĩ mô, hệ quả nặng nề nhất của nạn chạy chức, chạy quyền là làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng. Chạy chức, chạy quyền là nguyên nhân dẫn tới những phức tạp trong quan hệ xã hội, làm méo mó những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước; bẻ lệch kỷ cương xã hội; là nguyên nhân dẫn tới sự tha hóa nhân cách cán bộ, đảng viên. Một số cán bộ tài hèn, đức kém được bổ nhiệm thần tốc, được thăng quan, tiến chức nhờ tiền, nhờ quan hệ thường tỏ thái độ kiêu ngạo, bề trên, xem thường tổ chức, coi nhẹ kỷ cương, kỷ luật; thiếu tôn trọng đồng nghiệp, trịch thượng, sách nhiễu nhân dân, v.v. Những hiện tượng, như: địa phương còn nghèo nhưng nhiều quan chức lại có biệt thự sang trọng, giàu lên nhanh chóng; hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền thuế của nhân dân bị tham ô, thất thoát; con nhà nghèo dù tốt nghiệp thủ khoa cũng không có việc làm, trong khi một số cơ quan công quyền thì cả “họ” làm quan, v.v. Đó là những vấn đề cực kỳ nhức nhối, là những “con sâu làm rầu nồi canh”; làm “biến dạng” hình ảnh người cán bộ của Đảng trong mắt nhân dân, khiến nhân dân suy giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Những vụ việc cụ thể với những con người cụ thể, điển hình như: sự thăng tiến nhanh chóng và những vi phạm gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước của Trịnh Xuân Thanh; những vi phạm nghiêm trọng của ông Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; vụ bổ nhiệm thần tốc bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở Thanh Hóa; việc Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam ký bổ nhiệm gần 100 lãnh đạo trong cùng một ngày trước lúc về hưu,… và rất nhiều các vụ việc khác liên quan đến những vi phạm của cán bộ đã được đưa ra ánh sáng trong thời gian qua là sự thật đau xót về nạn chạy chức, chạy quyền. Đó là thách thức to lớn, là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trên con đường thực hiện mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Việc chạy chức, chạy quyền không chỉ làm tha hóa đội ngũ cán bộ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Tuy nhiên, ngăn chặn nạn chạy chức, chạy quyền là vấn đề rất khó, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực công tác của Đảng, Nhà nước, đến nhiều yếu tố về kinh tế, xã hội, con người. Vì thế, cần phải có những giải pháp đồng bộ và bản lĩnh, quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị mới có thể đẩy lùi được căn bệnh này.

HỒNG LÂM - HOÀNG TRƯỜNG - PHẠM TUẤN
_______________

* Xem Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 8-2018.

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 90-91.

(Số sau: III. Giải pháp để tăng cường kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ).

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...