Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 26/08/2024, 08:26 (GMT+7)
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới

LTS: Để xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống, kế thừa và phát triển các nghị quyết trước đó, ngày 26/01/2022, Bộ Chính trị (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”. Đây là văn kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện tư tuy, tầm nhìn chiến lược của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng thời kỳ mới.

Để góp phần làm rõ hơn vấn đề này, từ số 8/2024, Tạp chí Quốc phòng toàn dân trân trọng giới thiệu chùm bài viết: “Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới”.

I. Thực tiễn đòi hỏi và quan điểm của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng thời kỳ mới

Công nghiệp quốc phòng là bộ phận của công nghiệp quốc gia, có vai trò đặc biệt quan trọng, trực tiếp nghiên cứu, sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự và các sản phẩm, góp phần nâng cao tiềm lực, sức mạnh quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng luôn là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, không thể xem nhẹ.

Thực tiễn lịch sử đã cho thấy, trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nói chung, quân đội nói riêng là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố: con người, vũ khí, trang bị, nghệ thuật, cách đánh,… trong đó, con người và vũ khí là hai yếu tố cơ bản nhất, có mối quan hệ biện chứng với nhau; trong mối quan hệ này, con người luôn giữ vai trò quyết định, song vũ khí cũng có vị trí rất quan trọng. Đề cập vấn đề này, V.I. Lênin đã chỉ ra rằng: “Một đội quân giỏi nhất, những người trung thành nhất với sự nghiệp cách mạng cũng đều sẽ lập tức bị kẻ thù tiêu diệt, nếu họ không được vũ trang, tiếp tế lương thực và huấn luyện đầy đủ”1. Vì vậy, cùng với xây dựng và phát huy nhân tố con người, việc sản xuất, trang bị vũ khí cho quân đội là rất quan trọng.

Bác Hồ với Thiếu tướng, Giáo sư Trần Đại Nghĩa (nguyên Cục trưởng đầu tiên của Cục Quân giới). Ảnh tư liệu

Vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống của dân tộc, từ kinh nghiệm các nước trên thế giới, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, bên cạnh xây dựng, phát huy nhân tố hàng đầu là con người, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng phát triển vũ khí, trang bị để vũ trang toàn dân, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng. Theo đó, ngày 15/9/1945, tức là chỉ ít ngày sau khi đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng, đặt nền móng cho sự ra đời, phát triển của ngành Công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cùng với sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, ngành Quân giới và sau đó là ngành Công nghiệp quốc phòng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách; vừa xây dựng, chiến đấu, vừa chế tạo, sửa chữa, cung cấp vũ khí, trang bị kỹ thuật,… cho các chiến trường, đáp ứng yêu cầu phát triển của chiến tranh nhân dân và tác chiến ngày càng hiện đại của bộ đội chủ lực. Đặc biệt, cuối năm 1972, bằng trí thông minh, sáng tạo, chúng ta đã cải tiến thành công, nâng cao hiệu suất tác chiến của tên lửa SAM-2, bảo đảm vươn tầm và đủ uy lực tiêu diệt “Pháo đài bay” B52 của địch, làm nên Chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” lịch sử, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Tên lửa SAM-2 trong Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.
Ảnh tư liệu

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, công nghiệp quốc phòng tiếp tục nhận được sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của Đảng, Nhà nước và có sự phát triển vượt bậc. Chỉ tính 10 năm trở lại đây, công nghiệp quốc phòng đã tự chủ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, cũng như sửa chữa, cải tiến, đồng bộ và hiện đại hóa nhiều loại vũ khí trang bị, nhất là các loại vũ khí, trang bị mới, từng bước đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn đặt ra, năng lực công nghiệp quốc phòng còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Trong khi đó, bối cảnh thế giới và khu vực đang hằng ngày, hằng giờ diễn biến phức tạp, khó lường; xung đột vũ trang, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chiến tranh cục bộ, tấn công mạng diễn ra gay gắt; khoa học kỹ thuật, công nghệ quân sự phát triển mạnh mẽ, nhiều loại vũ khí mới ra đời, kéo theo các hình thái chiến tranh, loại hình tác chiến, không gian chiến lược và phương thức tiến hành chiến tranh mới; xu hướng chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, chiến tranh từ xa ngày càng phổ biến, v.v. Tất cả những vấn đề đó đã, đang tác động mạnh mẽ đến tiến trình xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trên cơ sở nhận thức rõ tầm quan trọng của công nghiệp quốc phòng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như đánh giá đúng tình hình mọi mặt, từ nhiều năm nay, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về phát triển công nghiệp quốc phòng. Ngày 20/7/1993, Bộ Chính trị (khóa VII) đã ra Nghị quyết số 05-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển công nghiêp quốc phòng đến năm 2000”; ngày 16/6/2003, Bộ Chính trị (khóa IX) tiếp tục ra Nghị quyết số 27-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2010”. Tiếp đó, nhằm cụ thể hóa chủ trương, quan điểm Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, ngày 16/7/2011, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ra Nghị quyết 06-NQ/TW về “Xây dựng công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

Đặc biệt, với tư duy đổi mới và trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, nhất là yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, ngày 26/01/2022, Bộ Chính trị (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”; trong đó, nêu rõ vị trí, tầm quan trọng của công nghiệp quốc phòng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, xác định rõ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp lớn trong triển khai tổ chức thực hiện. Đây là văn kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện tư tuy, tầm nhìn chiến lược của Đảng trong phát triển công nghiệp quốc phòng thời kỳ mới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW. Ảnh: TTXVN

Theo quan điểm của Đảng, công nghiệp quốc phòng là một bộ phận của công nghiệp quốc gia, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia nhưng phải hướng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Điều đó đòi hỏi việc phát triển công nghiệp quốc phòng phải toàn diện; phải là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn dân; trong đó, Quân đội giữ vai trò nòng cốt, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc nói chung, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại nói riêng là một quá trình lâu dài, với lộ trình và bước đi phù hợp, được hợp thành bởi nhiều nhân tố khác nhau; trong đó, công nghiệp quốc phòng đóng vai trò rất quan trọng. Vì thế, quá trình thực hiện phải thấu suốt quan điểm của Đảng: phát triển công nghiệp quốc phòng phải theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, lấy phát huy nội lực là yếu tố quyết định; gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; đồng thời, phải phù hợp với chiến lược quốc phòng, quân sự; về kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng với kinh tế và ngược lại.

Hiện nay, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển như vũ bão tác động mạnh mẽ tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có công nghiệp quốc phòng. Do vậy, việc phát triển ngành công nghiệp đặc thù này phải nắm vững quan điểm của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ quốc phòng là hướng vào làm chủ công nghệ tiên tiến, hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ của thế giới. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lực khoa học, công nghệ phục vụ cho công nghiệp quốc phòng. Đồng thời, chú trọng tổ chức hệ thống công nghiệp quốc phòng theo hướng tinh, gọn, hiệu quả, hoạt động đồng bộ, thống nhất, phù hợp với đặc điểm lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Đặc biệt, coi trọng công tác bảo mật theo quy định, bảo đảm an toàn tuyệt đối mọi mặt hoạt động công nghiệp quốc phòng. Quan điểm này thống nhất với yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; phù hợp với quyết tâm bảo vệ Tổ quốc và thế bố trí chiến lược trên cả 3 miền: Bắc - Trung - Nam, nhất là trên hướng chiến lược, trọng điểm.

Cùng với đưa ra quan điểm chỉ đạo, Đảng ta cũng xác định rõ mục tiêu phát triển công nghiệp quốc phòng thời kỳ mới là: đủ năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật có tính năng chiến thuật - kỹ thuật đáp ứng yêu cầu trang bị cho lực lượng vũ trang, xây dựng Quân đội hiện đại; sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa phần lớn các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật có trong biên chế. Tập trung đầu tư sản xuất thành công các chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại và chiến lược trên 05 nhóm sản phẩm chính: vũ khí trang bị cho lục quân; tàu quân sự và vũ khí dưới nước; tên lửa và hàng không vũ trụ quân sự; khí tài quân sự; vật tư kỹ thuật. Đồng thời, làm chủ được thiết kế, công nghệ nền, công nghệ lõi, tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp quốc phòng; phát triển những lĩnh vực mũi nhọn (cơ khí chế tạo, luyện kim đặc biệt, vật liệu mới, điện tử viễn thông,…) trên cơ sở công nghệ mới, hiện đại, tạo sức cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; từng bước chuyển giao các công nghệ phù hợp cho công nghiệp dân sinh, v.v.

Phấn đấu đến năm 2030, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa được các loại vũ khí trang bị mới, hiện đại cho lực lượng vũ trang. Từ năm 2030, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các loại vũ khí tự động, vũ khí thông minh trang bị cho lục quân; làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, đóng mới các loại tàu chiến hiện đại; hiện đại hóa các loại vũ khí dưới nước và tổ hợp vũ khí trên tàu quân sự. Nghiên cứu, chế tạo các hệ thống tác chiến không gian mạng; một số loại vũ khí, trang bị, vệ tinh cho lực lượng không gian - vũ trụ, lực lượng tên lửa chiến lược; các loại rađa, máy thông tin hiện đại, v.v.

Những quan điểm, định hướng nêu trên thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng, góp phần mở đường cho công nghiệp quốc phòng phát triển vững chắc trong thời gian qua và định hướng chiến lược lâu dài trong thời gian tới. Vấn đề quan trọng trước hết là phải nắm vững chủ trương, quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng đã được thể hiện trong các nghị quyết, chỉ thị, trọng tâm là Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 26/01/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII). Trên cơ sở đó, đánh giá đúng tình hình mọi mặt, thực trạng của công nghiệp quốc phòng, làm cơ sở đề ra các chủ trương, giải pháp phù hợp để tổ chức thực hiện thắng lợi trong thời gian tới.

CAO THÀNH - PHẠM CƯỜNG - MINH ĐỨC
_________________
_
1 - V.I. Lênin – Toàn tập, Tập 35, Nxb Tiến Bộ, M. 1978, tr. 497.

(Số sau: II. Bước phát triển vững chắc của công nghiệp quốc phòng và vấn đề đặt ra).

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...