Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 11/07/2024, 09:59 (GMT+7)
Cảnh sát biển Việt Nam nâng cao hiệu quả nghiên cứu, đánh giá tình hình, đáp ứng yêu cầu thực thi pháp luật trên biển

Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, đánh giá tình hình trên biển, làm cơ sở tham mưu, đề xuất chủ trương, đối sách xử lý thắng lợi các tình huống quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Nghiên cứu, đánh giá chính xác tình hình nói chung, tình hình an ninh, trật tự, an toàn trên biển nói riêng để chủ động đề xuất chủ trương, giải pháp, phương án bảo vệ an ninh quốc gia và thực thi pháp luật là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên của lực lượng Cảnh sát biển1. Đây là nhiệm vụ khó khăn, bởi phạm vi vùng biển nước ta rất rộng, tiếp giáp với nhiều nước, trong khi tình hình trên biển, nhất là tình hình vi phạm pháp luật nơi đây thường xuyên biến động, phức tạp, khó lường. Ý thức rõ điều đó, những năm qua, cùng với các lực lượng chức năng, Cảnh sát biển Việt Nam đã tổ chức tốt công tác này, qua đó đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương và phương án xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển. Từ năm 2021 đến nay, Cảnh sát biển đã thu thập gần 2.000 tin trinh sát kỹ thuật và tổng hợp, xây dựng hơn 80 báo cáo chuyên đề phục vụ Bộ Quốc phòng có các văn bản chỉ đạo toàn quân. Đặc biệt, vừa qua, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng xây dựng báo cáo chuyên đề của Bộ Quốc phòng về tình hình vi phạm pháp luật khu vực biên giới, biển, đảo, trình Chính phủ và đề xuất nhiều giải pháp chủ động phòng ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả, linh hoạt, đúng pháp luật các tình huống trên biển. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin, đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật trên biển.

Hiện nay và những năm tiếp theo, dự báo tình hình trên Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp. Một số nước tăng cường điều động tàu quân sự, tàu chấp pháp và sử dụng tàu cá để tranh chấp ngư trường, tiến hành khảo sát, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tình trạng tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam và tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm ma túy còn tiếp diễn phức tạp, v.v. Trong khi đó, tổ chức biên chế và trang bị của lực lượng Cảnh sát biển trực tiếp thực hiện công tác nắm tình hình trên biển còn mỏng, chưa đồng bộ; địa bàn, vùng biển quản lý rộng, thời tiết diễn biến phức tạp; công tác phối hợp với các lực lượng chức năng có nội dung chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Trước thực tế đó, để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, cùng với triển khai đồng bộ các mặt công tác, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, đánh giá tình hình trên biển; tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, đánh giá tình hình an ninh, trật tự, an toàn trên biển, nhất là an ninh phi truyền thống. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc đảm bảo tính khách quan, khoa học, độ chính xác cao trong nghiên cứu, đánh giá tình hình trên biển. Vì thế, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt, tổ chức thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc các nhiệm vụ trong nắm, quản lý tình hình được xác định trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế biển đáp ứng mục tiêu, yêu cầu. Đặc biệt, thực hiện tốt phương châm “nắm chắc tình hình, phát hiện sớm, xử lý kịp thời hiệu quả những yếu tố bất lợi, nhất là nguy cơ gây đột biến, thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống từ cơ sở” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của từng cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng chuyên trách nắm tình hình an ninh, trật tự, an toàn trên biển. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa thành các nội dung, chỉ tiêu, biện pháp thực hiện trong nghị quyết lãnh đạo thường kỳ, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp tình hình thực tiễn.

Hiện nay, các vấn đề an ninh phi truyền thống diễn biến nhanh chóng, phức tạp; không chỉ tác động mà còn tạo nguy cơ chuyển hóa từ an ninh phi truyền thống thành an ninh truyền thống. Vì vậy, lực lượng Cảnh sát biển, nòng cốt là các đoàn trinh sát cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan theo dõi, bám nắm tình hình trên các khu vực biển trọng điểm; theo sát hoạt động của các giàn khoan, tàu nghiên cứu thăm dò, tàu quân sự, chấp pháp, tàu cá của nước ngoài trong khu vực vùng biển đơn vị quản lý; hoạt động của tàu cá Việt Nam ở khu vực giáp ranh, chồng lấn, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài và hoạt động của các tàu vận tải, tàu thương mại có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đồng thời, tích cực nắm, quản lý, khai thác những vấn đề liên quan đến các loại tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, ma túy, buôn bán người, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế, tội phạm công nghệ cao, v.v. Trên cơ sở đó, đưa ra các dự báo sâu, chính xác xu hướng phát triển của tình hình, nhất là những vấn đề mới ở tầm chiến lược, làm cơ sở để tham mưu hoạch định đường lối, đối sách xử lý các tình huống, ngăn ngừa những vấn đề thuộc về an ninh phi truyền thống có nguy cơ gây đột biến và đe dọa đến an ninh, trật tự, an toàn trên biển, thách thức đối với môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển kiểm tra công tác tuần tra, giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn trên biển.

Hai là, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa trang bị, phương tiện phục vụ thu thập thông tin, nắm tình hình. Những năm qua, Cảnh sát biển đã được quan tâm đầu tư nhiều trang bị, phương tiện tàu, thuyền, thiết bị nghiệp vụ hiện đại. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ thì số lượng, chất lượng trang bị và phương tiện vẫn còn hạn chế, nhất là những hạn chế khi phải hoạt động liên tục, dài ngày, trong điều kiện thời tiết phức tạp trên biển. Khắc phục thực trạng này, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 594-NQ/ĐU, ngày 20/7/2022 của Đảng ủy Cảnh sát biển, Kế hoạch số 7118/KH-BTL, ngày 25/7/2022 của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển về tổ chức lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo gắn với thực hiện Đề án “Xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đến năm 2025 và những năm tiếp theo”. Để đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tham mưu cho cấp trên huy động mọi nguồn lực để hiện đại hóa hệ thống trang bị kỹ thuật, đảm bảo tính đồng bộ, khả năng cơ động cao và đa năng trong thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu quản lý và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển. Trước mắt, ưu tiên bổ sung một số tàu hiện đại có khả năng hoạt động dài ngày trên vùng biển xa, thích ứng tốt với điều kiện khắc nghiệt và trang bị hệ thống quan sát, thông tin liên lạc hiện đại, đồng bộ tại một số khu vực trọng điểm. Về lâu dài, tham mưu cho Bộ Quốc phòng đầu tư phát triển các loại tàu có độ giãn nước lớn, phương tiện bay, hệ thống quan sát, thông tin liên lạc, chỉ huy điều hành, trinh sát kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ, thiết bị bảo đảm an toàn, cứu hộ, cứu nạn đồng bộ và hiện đại; có khả năng hoạt động dài ngày trong điều kiện thời tiết phức tạp, đảm bảo khả năng hiệp đồng tác chiến, giao lưu và hợp tác quốc tế. Đồng thời, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và huấn luyện cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có đủ năng lực làm chủ trang bị kỹ thuật công nghệ cao, đảm bảo thu thập và xử lý nhanh thông tin, phục vụ chỉ huy xử lý các tình huống kịp thời và chính xác.

Ba là, tăng cường phối hợp với các lực lượng trong nắm, nghiên cứu, trao đổi thông tin về tình hình an ninh, trật tự, an toàn trên biển. Với vai trò là lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển đã tham mưu, phối hợp xây dựng đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật về công tác phối hợp giữa các lực lượng, đặc biệt là Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 và Nghị định số 61/2019/NĐ-CP, ngày 10/7/2019 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam”. Trên cơ sở đó, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã ký quy chế, chương trình, kế hoạch phối hợp hoạt động với 03 đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng; 08 đầu mối thuộc các bộ, ngành và cơ quan ngang bộ. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị ký 75 quy chế, chương trình, kế hoạch phối hợp với đơn vị thuộc lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường của nhiều tỉnh, thành phố ven biển. Qua đó, tạo sức mạnh tổng hợp cả về lực lượng, thế trận và pháp lý, nâng cao hiệu quả công tác nắm, nghiên cứu và đánh giá chính xác tình hình an ninh, trật tự, an toàn trên biển. Để nâng cao hơn nữa chất lượng thực hiện nhiệm vụ này, thời gian tới, Cảnh sát biển tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng triển khai thực hiện chặt chẽ các quy chế, chương trình, kế hoạch đã ký kết; tích cực nghiên cứu, đề xuất phương thức phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan nhằm xây dựng cơ chế phối hợp nắm, trao đổi thông tin, đảm bảo khi cần thiết cơ chế phối hợp được “kích hoạt” để nắm và xử lý tình huống nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, các đơn vị Cảnh sát biển tiếp tục phối hợp triển khai thiết thực, hiệu quả hơn nữa công tác dân vận, nhằm tăng cường đoàn kết, gắn bó với nhân dân, hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển vững mạnh, rộng khắp, phát huy “tai mắt” của ngư dân hoạt động trên biển trong nắm, thông báo tình hình, trao đổi thông tin cần thiết.

Bốn là, tăng cường các hoạt động, cơ chế hợp tác quốc tế trong trao đổi thông tin trên biển. Hiện nay, Cảnh sát biển Việt Nam đang hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của 21 quốc gia và tổ chức quốc tế; tham gia 05 cơ chế và diễn đàn đa phương; ký kết 09 văn bản hợp tác với các nước: Hàn Quốc, Philippines, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Campuchia, Malaysia và Indonesia. Thông qua các hoạt động, cơ chế hợp tác, Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp với các quốc gia, tổ chức quốc tế, nhất là các quốc gia có chung đường biên giới, ranh giới trên biển thực hiện tốt công tác nắm, trao đổi thông tin về tình hình an ninh, trật tự, an toàn trên biển. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình biển Đông; xu hướng gia tăng tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển, nhất là buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán ma túy, xuất nhập cảnh trái phép, khai thác hải sản bất hợp pháp, vi phạm IUU,… Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trọng tâm là Nghị quyết số 2662-NQ/QUTW, ngày 26/02/2024 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Nghị định số 22/2016/NĐ-CP, ngày 31/3/2016 của Chính phủ Quy định về đối ngoại quốc phòng. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, trao đổi, chia sẻ thông tin, tuần tra liên hợp, hội nghị song phương,... với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước láng giềng và trong khu vực nhằm xây dựng, phát triển bền vững các mối quan hệ hợp tác song phương tin cậy, ổn định. Tiếp tục tham gia tích cực và trách nhiệm trong các cơ chế, khuôn khổ đa phương, tăng cường kênh hợp tác với đại sứ quán các nước có quan hệ hợp tác với Việt Nam về lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển. Đồng thời, thiết lập và cân bằng các mối quan hệ với lực lượng bảo vệ bờ biển của nhiều nước lớn trên thế giới, qua đó tiếp thu kinh nghiệm và tranh thủ các nguồn hỗ trợ về trang thiết bị, đào tạo, huấn luyện nâng cao năng lực nắm, dự báo tình hình an ninh, trật tự, an toàn trên biển.

Cùng với các nội dung, giải pháp trên, Cảnh sát biển Việt Nam tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai nghiệp vụ cơ bản để quản lý địa bàn, nắm bắt tình hình, phát hiện sớm thủ đoạn của các đối tượng. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, những thông tin công khai về hoạt động tàu, thuyền trên biển dễ dàng được tìm kiếm, tra cứu thông qua các kênh khác nhau, như: thông báo hàng hải, các trang mạng giám sát hành trình tàu, thuyền trên biển, v.v. Đây là một trong những nguồn thông tin trực tiếp, nhanh chóng và đa dạng về các hoạt động trên biển. Vì vậy, lực lượng Cảnh sát biển tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác tối đa các nguồn thông tin này; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, lực lượng chức năng kịp thời trao đổi, phối kiểm thông tin nhằm đảm bảo tính chính xác cao. Bên cạnh đó, chủ động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận tin báo và tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển từ nhân dân, đặc biệt là từ các tổ chức và cá nhân trực tiếp hoạt động trên biển, xây dựng mạng lưới thông tin rộng khắp trên các tuyến biển, đảm bảo thu thập và xác minh chính xác thông tin, từ đó nắm chắc tình hình và các phương thức hoạt động của đối tượng, làm cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật hoặc tham mưu xử lý các tình huống liên quan đến an ninh, an toàn trên biển theo chức năng, nhiệm vụ.

Quán triệt sâu sắc Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, làm cơ sở thực hiện tốt vai trò chuyên trách, nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thiếu tướng LÊ QUANG ĐẠO, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam
_____________________
        

1 - Khoản 1, Điều 8, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...