Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Ba, 08/08/2023, 07:30 (GMT+7)
Quân đội nhân dân gương mẫu đi đầu đấu tranh phòng, chống “giặc nội xâm”

I. “Giặc nội xâm” - kẻ thù của nhân dân, hoạt động tinh vi, diễn biến khó lường

II. Chủ trương đúng, quyết tâm cao, hiệu quả thiết thực

Nhận thức rõ “giặc nội xâm” - kẻ thù nguy hiểm, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ và vận mệnh của đất nước, nên trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị rất cao, nhằm xây dựng bộ máy trong sạch vững mạnh, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, có phẩm chất chính trị, đạo đức trong sáng, trình độ năng lực công tác tốt, trách nhiệm cao, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Với tinh thần đó, trong nhiều năm qua, nhất là những năm gần đây, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một cách bài bản, đồng bộ từ trên xuống dưới, từ cấp cao nhất đến cấp cơ sở, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt cả về nhận thức tư tưởng và tổ chức thực hiện. Nếu như năm 2006, chúng ta chỉ mới thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Chính phủ, thì đến năm 2012, tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI), Đảng ta đã quyết định tổ chức lại Ban Chỉ đạo này từ trực thuộc Chính phủ sang trực thuộc Bộ Chính trị và do Tổng Bí thư đứng đầu. Đây là bước đột phá về tư duy và tầm nhìn chiến lược của Đảng trong chỉ đạo và triển khai công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, khẳng định vị trí, vai trò cùng những khó khăn, phức tạp đối với công tác quan trọng này. Trên thực tế, mô hình Ban Chỉ đạo Trung ương trực tiếp do Tổng Bí thư làm Trưởng ban đã chứng minh hiệu quả rõ rệt khi số lượng vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ án kinh tế lớn được phát hiện, xử lý tăng lên rất nhiều1. Hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này đã đi vào nền nếp, bài bản, khoa học; các thành viên, cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ. Phát huy kết quả đạt được, Đảng ta quyết định tổ chức thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, tích cực rà soát, điều tra đưa các vụ án trọng điểm vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, v.v. Đối với Quân đội, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Bộ Quốc phòng được thành lập do một đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng ban. Như vậy, cả trên phương diện lý luận và thực tiễn, việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến địa phương là chủ trương hết sức đúng đắn, khoa học, cần thiết, thể hiện rõ tinh thần triển khai quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Đây cũng là những cơ sở khoa học để đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch xung quanh vấn đề này.

Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương, Kế hoạch của Bộ Quốc phòng về thực hiện Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các kiến nghị của Đoàn kiểm tra số 01. Ảnh: mod.gov.vn​​​​

Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, kể từ khi thành lập đến nay, trải qua gần 79 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên, chiến sĩ luôn giữ vững phẩm chất người quân nhân cách mạng, kiên quyết đấu tranh, ngăn ngừa biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp luôn giữ vững, phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, có quan điểm chính trị rõ ràng, đúng đắn; luôn kiên định, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách; có ý chí quyết tâm cao, có tinh thần trách nhiệm trước công việc, gương mẫu đi đầu, xung kích, xông pha vào những nơi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn khắc ghi và ra sức thực hiện nghiêm nội dung 10 Lời thề danh dự của quân nhân, 12 Điều kỷ luật khi tiếp xúc với nhân dân, thực hiện “không lấy cái kim, sợi chỉ của dân”; thực hành tiết kiệm từng viên đạn, lít xăng, với tinh thần coi súng, đạn như “vợ, con”, “yêu xe như con, quý xăng như máu”, v.v.

Tuy nhiên, Quân đội cũng là một bộ phận của xã hội, hoạt động và đồng hành cùng xã hội,... nên bên cạnh những điểm đặc thù, cán bộ, chiến sĩ toàn quân cũng chịu tác động nhiều chiều từ bên ngoài xã hội, trong đó có cả những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, v.v. Quán triệt chủ trương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và với tinh thần chủ động, quyết liệt, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp phòng, chống; trong đó, xây dựng và thực hiện Đề án “Phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong Quân đội” là một nội dung trọng tâm. Thông qua Đề án, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Đảng bộ Quân đội và toàn quân quyết tâm chống “giặc nội xâm”, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, góp phần xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại. Việc xây dựng Đề án để triển khai thực hiện thống nhất trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân là việc làm cấp thiết, thể hiện quyết tâm chính trị cao để cùng với Đảng, Nhà nước và Nhân dân kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, lành mạnh hóa các mối quan hệ xã hội.

Quán triệt sâu sắc tinh thần chống “giặc nội xâm” là “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” và “chống tham ô, lãng phí cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận”, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đặc biệt coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Để hiện thực hóa quyết tâm “trong Quân đội không còn tham ô, lãng phí” và trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Quân ủy Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 64-KH/QUTW, ngày 01/02/2017, với 05 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 48 giải pháp cụ thể; đồng thời, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, lựa chọn giải pháp đột phá để triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, Bộ Quốc phòng ban hành Chương trình hành động số 2518/CTr-BQP, ngày 13/3/2017, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, gồm 07 nội dung chính, 42 giải pháp để triển khai thực hiện.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tổ chức hội nghị quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; kịp thời ban hành các chỉ thị, chương trình, kế hoạch, quy chế, quy định trên từng lĩnh vực công tác, bảo đảm sát, đúng, phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của Quân đội, làm cơ sở để triển khai, tổ chức thực hiện thống nhất. Đồng thời, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành quy chế, quy định, chế độ, định mức, tiêu chuẩn; công khai, minh bạch lĩnh vực công tác trọng yếu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, nhằm phát hiện, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; kịp thời điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, đạt chất lượng, hiệu quả. Thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức trong sáng, có ý thức tự giác thực hiện nghiêm các quy chế, quy định về công tác quản lý kinh tế, tài chính,… tập trung vào đội ngũ cán bộ chủ trì, cán bộ đảm nhiệm các vị trí công tác nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực; thực hiện tốt việc thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quy định về quản lý tài chính, tài sản công. Các sai phạm xảy ra trong quá trình thực hiện đều được giải quyết, xử lý kịp thời, nghiêm minh, v.v.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Trọng Hải

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, trong Quân đội nói riêng, muốn đạt hiệu quả cao, trước hết phải có quyết tâm chính trị cao và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của cấp ủy, chỉ huy các cấp và điều quan trọng phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tiễn của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Cần thống nhất nhận thức, tham nhũng là hành vi của con người, diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền gây ra; phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, tiền tài, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có quyết tâm chính trị rất cao, thể hiện thái độ kiên quyết, không khoan nhượng và hành động quyết liệt, cụ thể mới có hiệu quả thiết thực. Trong đó, vai trò của người đứng đầu là cực kỳ quan trọng, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm đối với những yếu kém, sai phạm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình. Để làm được điều đó, bản thân người đứng đầu phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa; đồng thời, phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của cấp dưới. Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm, cần phải “nhốt” quyền lực trong “lồng” cơ chế.

Cùng với đó, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trong toàn quân tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm, xử lý cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu. Công tác kiểm tra, xử lý được tiến hành một cách bài bản, nghiêm túc từ trên xuống dưới, có trọng tâm, trọng điểm; kỷ luật Đảng đi trước, mở đường cho thanh tra, điều tra, xử lý hình sự theo đúng quy định của pháp luật. Đáng chú ý là, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đã thể hiện rõ bản lĩnh, tinh thần kiên quyết, mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm tra xuống đến cả cấp ủy cơ sở, nhằm xử lý dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài, liên quan đến nhiều đối tượng cả ở trong và ngoài Quân đội. Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X đến nay, toàn quân đã thi hành kỷ luật hơn 2.730 cán bộ, đảng viên; trong đó, có hơn 230 đảng viên vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống; gần 70 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; 15 sĩ quan cấp tướng bị điều tra, xét xử. Đây là bước đột phá trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” và cho thấy hiệu quả rõ rệt trong đấu tranh phòng, chống với vấn nạn này, vừa tạo niềm tin đối với số đông cán bộ, đảng viên và nhân dân, vừa kịp thời cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa và hạn chế các vụ việc tương tự xảy ra, góp phần xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Cùng với những thuận lợi và kết quả tích cực mang lại, cuộc đấu tranh phòng, chống “giặc nội xâm” hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Đó là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, sự cản trở của một số cá nhân cực đoan, thoái hóa, biến chất, những người đã trót “nhúng chàm” sợ bị phanh phui khuyết điểm,… nên khi bị buộc tội, đối tượng tham nhũng thường dùng đủ các chiêu trò, từ mua chuộc, hối lộ, đe dọa, chạy trốn và thậm chí là tự sát để hòng chối tội. Đó là chưa kể các hành vi tham nhũng chưa bị phát hiện, hoặc bị nghi vấn điều tra sẽ “rút” vào hoạt động một cách kín đáo, tinh vi và nguy hiểm hơn,... nhất là ở những lĩnh vực trọng yếu, nhạy cảm.

Bên cạnh đó, tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị đã phát sinh tư tưởng né tránh, làm việc cầm chừng, thậm chí có nơi “án binh bất động”,... do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám quyết đoán. Việc đánh giá cán bộ chưa công bằng, thu nhập của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang còn thấp; cơ chế, chính sách, pháp luật thiếu đồng bộ, việc áp dụng quy định pháp luật trong thực tế gặp nhiều vướng mắc do có nhiều cách hiểu khác nhau; môi trường công tác ở một số cơ quan, đơn vị, lĩnh vực,... chưa thực sự thuận lợi để cán bộ, chiến sĩ phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, v.v.

Vì vậy, không lùi bước, không khoan nhượng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang trở thành “mệnh lệnh” đối với cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị. Có thể khẳng định, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí - chống “giặc nội xâm” là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vừa cấp bách, vừa cơ bản lâu dài và là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, mọi cán bộ, đảng viên; trong đó, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam phải tiếp tục phát huy vai trò gương mẫu đi đầu, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ muôn vàn kính yêu: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

(Số tiếp theo và hết: III. Để mãi xứng đáng là đội quân gương mẫu, đi đầu)

PHÙNG CHẤT - CÔNG TOÀN
__________

1 - Theo báo cáo kết quả tại Hội nghị tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 do Bộ Chính trị chủ trì, toàn Đảng đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168 nghìn cán bộ, đảng viên; trong đó, có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; kỷ luật hơn 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (29 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 04 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang)

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...