Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 31/07/2023, 13:52 (GMT+7)
Quân đội nhân dân gương mẫu, đi đầu đấu tranh phòng, chống “giặc nội xâm”

Tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Quân ủy Trung ương chỉ rõ: “Đảng bộ Quân đội phải thật sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, gương mẫu đi đầu trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Quân đội phải thực sự trong sạch nội bộ, đi đầu trong đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí”. Đây là sự tin tưởng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với Quân đội, đồng thời cũng là “mệnh lệnh” đối với một nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhưng đầy vẻ vang, đòi hỏi toàn quân phải quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu chùm bài: Quân đội nhân dân gương mẫu, đi đầu đấu tranh phòng, chống “giặc nội xâm” của nhóm tác giả Phùng Chất - Công Toàn.

I. “Giặc nội xâm” - kẻ thù của nhân dân, hoạt động tinh vi, diễn biến khó lường

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc nội xâm”, là kẻ thù của nhân dân, vì nó gây hậu quả khôn lường về kinh tế, chính trị và xã hội: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”1.

Từ tư duy và tầm nhìn chiến lược đó, sau khi nước nhà giành độc lập chưa được bao lâu, ngày 27/11/1946, Người đã ký Sắc lệnh về việc “Xử phạt đối với tội đưa hối lộ cho công chức, tội công chức nhận hối lộ, biển thủ công quỹ”. Điều này cho thấy, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống vấn nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí đối với sự tồn vong của chế độ, đất nước và dân tộc. Đồng thời, khẳng định sự nguy hại khôn lường của tệ tham nhũng, lãng phí, nó không chỉ làm cho đội ngũ cán bộ cách mạng bị tha hóa, biến chất, không hoàn thành trách nhiệm “người đầy tớ của nhân dân”, mà còn làm cho người dân mất lòng tin và bất bình với chính quyền; việc biến “của công” thành “của tư” chính là đặc trưng nổi bật của hành vi tham ô. Đây cũng chính là hành vi tham nhũng được hiểu theo nghĩa rộng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo phiên họp thứ 22, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: TTXVN

Với cương vị là người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần chỉ rõ: “Tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, trước hết cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu; phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả”2.

Thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước cho thấy, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, ngoài gây ra những tổn thất to lớn về kinh tế còn gây nên những thiệt hại rất lớn về chính trị, xã hội không thể đo đếm được. Điều tệ hại khôn lường là tệ nạn này đã và đang làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền; làm suy giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; làm cho các chủ trương, chính sách bị sai lệch, dẫn đến chệch hướng và là mầm mống cho mọi sự mất ổn định xã hội, là điều kiện thuận lợi cho các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Vì vậy, nhiệm vụ cần kíp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là phải kiên quyết chống “giặc nội xâm” - kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực.

Quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống tham nhũng - chống “giặc nội xâm” là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”, thời gian qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong Quân đội một cách đồng bộ, quyết liệt và bước đầu đạt nhiều kết quả rất quan trọng, tích cực. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã xử lý nhiều cán bộ, đảng viên thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, buông lỏng lãnh đạo, quản lý; ý thức tổ chức kỷ luật kém; vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống và tham nhũng, lãng phí, cố ý làm trái, v.v. Tuy nhiên, thứ “giặc nội xâm” này như một căn bệnh nan y, len lỏi, tồn tại, hoạt động một cách tinh vi ngay trong mỗi con người, mỗi tổ chức,... nên rất khó nhận diện và tìm “thuốc” chữa. Mặc dù trên thực tế, tình hình tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong Quân đội tuy không nhiều nhưng âm thầm, lặng lẽ và mức độ nguy hiểm đặc biệt cao. Điều đó được thể hiện ở những vụ án phức tạp, kéo dài, liên quan đến nhiều đối tượng, thậm chí không ít vụ việc tham nhũng có tổ chức, liên quan đến cán bộ cấp cao, với mức độ đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ làm thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước, uy tín của Quân đội, mà còn làm giảm niềm tin và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, v.v. Đây cũng chính là lý do các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc, nhào nặn, thổi phồng, quy chụp, phát tán lên mạng xã hội, hòng biến hiện tượng thành bản chất, hạ thấp uy tín, bôi đen hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa Quân đội”, tác động không nhỏ đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Vậy, câu hỏi đặt ra là, vì sao Đảng, Nhà nước, Quân đội đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống rất quyết liệt, nhưng tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn tồn tại dai dẳng, diễn biến tinh vi, thậm chí có mặt còn gia tăng, khó kiểm soát. Theo chúng tôi, căn nguyên của bệnh tham nhũng, tiêu cực trên các lĩnh vực nói chung, trong lực lượng vũ trang nói riêng rất phong phú, đa dạng bao hàm cả nguyên nhân khách quanchủ quan; trong đó, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu và được biểu hiện ở một số dạng thức sau.

Về nguyên nhân khách quan, dễ nhận thấy, quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam cũng như mặt trái nền kinh tế thị trường có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, tình cảm, đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ. Điều đó đã kích thích ham muốn lợi ích vật chất của một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ có chức, có quyền, hình thành trong họ lối sống thực dụng, đề cao giá trị vật chất, bỏ qua chuẩn mực đạo đức, phẩm chất, nhân cách người quân nhân cách mạng; làm giàu, kiếm tiền bằng cách tham ô, nhận hối lộ, lợi dụng, lạm dụng chức quyền để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Cùng với đó, hệ thống chính sách, pháp luật về phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí của nước ta còn bất cập, chưa hoàn thiện, chưa phân định rõ nhiệm vụ của các cơ quan, chưa giải quyết triệt để những vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là chưa xóa bỏ được cơ chế “xin - cho” - điều kiện dẫn đến tham nhũng. Các chế tài xử lý tham nhũng chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, còn nhiều kẽ hở; thủ tục hành chính còn rườm rà; cơ chế quản lý tài chính, tài sản công, đất quốc phòng, đầu tư xây dựng cơ bản,… chưa chặt chẽ. Chính sách tuyển dụng, sử dụng và chế độ đãi ngộ đối với lực lượng vũ trang có mặt còn chưa thỏa đáng, đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ còn gặp nhiều khó khăn, v.v.

Có thể thấy, những nguyên nhân khách quan mặc dù không trực tiếp dẫn đến hành vi tham nhũng, nhưng là “chất xúc tác”, môi trường, điều kiện thuận lợi và là “mảnh đất màu mỡ” để tham nhũng tồn tại và phát triển.

Về nguyên nhân chủ quan, trước hết là do một số cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có chức, có quyền suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây là nguyên nhân sâu xa, cơ bản, bao trùm, trực tiếp dẫn đến hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đây cũng được xem như là cái gốc của tham nhũng; vì không suy thoái, hư hỏng thì làm gì dẫn đến tham nhũng. Tiền bạc, tài sản có thể còn thu hồi được, nhưng nếu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là mất tất cả. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên cũng là nguyên nhân chính sản sinh thứ “giặc nội xâm” và nó trực tiếp gây tổn hại đến vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng, sức chiến đấu của Quân đội, tác động không nhỏ đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Số cán bộ này sẽ giảm sút niềm tin vào chế độ, nhận thức mơ hồ, lệch lạc về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Họ cho mình cái quyền “sở hữu quyền lực” mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao phó thành “của riêng” để đổi chác, ban phát, thành hàng hóa để trao đổi bán mua; chỉ vì lợi ích trước mắt, lợi ích cá nhân mà không quan tâm tới lợi ích của cách mạng, của nhân dân, của Quân đội và cơ quan, đơn vị.

Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, dẫn đến sa vào chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cá nhân chính là trở lực, nằm ngay trong mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi con người, là nguyên nhân gây ra bao khuyết điểm, sai lầm và trở lực khác. Biểu hiện thường thấy của nó là đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung, chỉ muốn hưởng thụ, đãi ngộ, còn công việc thì lười nhác, so bì hơn thiệt, công thần, địa vị, kiêu ngạo, tự cao tự đại, v.v. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Số người đó coi Đảng như một cái cầu để thăng quan phát tài. Họ không quan tâm đến đời sống của nhân dân mà chỉ lo nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Họ quên rằng mỗi đồng tiền, hạt gạo đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân, do đó mà sinh ra phô trương, lãng phí. Họ tự cho mình có quyền sống xa hoa, hưởng lạc, từ đó mà đi đến tham ô, trụy lạc, thậm chí sa vào tội lỗi. Tất cả những lỗi lầm nói trên là con đẻ của chủ nghĩa cá nhân”3. Những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền khi bị nhiễm căn bệnh này sẽ dẫn đến tư tưởng ích kỷ, tham lam, ham lối sống vật chất, thích hưởng thụ và tìm mọi cách mưu lợi cho bản thân, bạn bè, người thân, bất chấp lợi ích chung của cơ quan, đơn vị; nhiều trường hợp, còn lợi dụng danh nghĩa “vì lợi ích chung” để vun vén cho lợi ích riêng. Khi đó, từ một cán bộ Quân đội cách mạng, họ nhanh chóng biến chất thành “ông quan cách mạng”, trên những lĩnh vực, cơ quan, đơn vị mà họ được nắm quyền lãnh đạo, quản lý, chỉ huy và khi đó, sẽ không chỉ ảnh hưởng đến một vài cá nhân mà còn tác động xấu đến một bộ phận lớn cán bộ, chiến sĩ.

Bên cạnh đó, một số cán bộ còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn một cách tinh vi, lạm quyền, lộng quyền “coi trời bằng vung”. Những cán bộ này có xu hướng sử dụng quyền lực để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc một nhóm người bằng mọi cách, như: đưa ra những quyết định có lợi cho cá nhân; dùng quyền lực tạo ảnh hưởng để đưa và nhận hối lộ; tiến cử, đề bạt những cán bộ không đủ tài, đủ đức để tạo lập phe cánh trong đơn vị;… đồng thời, lợi dụng việc thiếu kiểm tra, giám sát của cấp trên, coi quyền lực là “của mình”, thách thức, coi thường công luận. Có những cán bộ, đảng viên còn thờ ơ, vô cảm, chưa nêu cao ý thức, trách nhiệm với cơ quan, đơn vị; có suy nghĩ hẹp hòi, thái độ dửng dưng, làm ngơ, không quan tâm đến những sự kiện, sự việc diễn ra của đất nước, Quân đội, cơ quan, đơn vị cũng như khó khăn, bức xúc, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; sống ích kỷ, vun vén cá nhân, kèn cựa, đố kỵ, có những hành vi trái đạo đức, lương tâm của con người; tranh công, đổ lỗi, không trung thực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, có tư duy nhiệm kỳ.

Cùng với đó, bệnh quan liêu của không ít cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp cũng dẫn đến thiếu lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thiếu biện pháp cụ thể, đồng bộ, hiệu quả trong quán triệt, triển khai thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được thường xuyên; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí tại cơ quan, đơn vị do mình quản lý còn thiếu cương quyết; sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn hạn chế, thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình không nghiêm, trong khi đó, cơ chế bảo vệ, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và các biểu hiện suy thoái chưa được hoàn thiện; chưa có nhiều hoạt động vinh danh, khen thưởng đối với những tấm gương tiêu biểu trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa sâu, chưa toàn diện, do đó nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị đối với vấn nạn này còn hạn chế, trách nhiệm chưa cao; một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy còn chưa thực sự gương mẫu, nói chưa đi đôi với làm, thiếu bản lĩnh, dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh, thậm chí bao che cho cán bộ, đảng viên vi phạm, dẫn đến chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phòng, chống “giặc nội xâm”. Đáng chú ý trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua, trước sự vào cuộc quyết liệt của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương, sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, trong đó có Quân đội, cùng nhau quyết tâm cao nhất sớm đẩy lùi và chiến thắng đại dịch, thì một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền vẫn vi phạm quy định về phòng, chống dịch, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Ngoài ra, cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; việc thực thi pháp luật nói chung và các quy định của Đảng, Nhà nước, Quân đội về phòng, chống tham nhũng nói riêng ở một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, phương tiện, điều kiện làm việc của các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng còn bất cập, hạn chế; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, thậm chí có trường hợp suy thoái, tham nhũng.

Có thể thấy, đối tượng phạm tội tham nhũng phần lớn là những người có chức, có quyền, có cả cán bộ cấp cao và cán bộ trong chính cơ quan phòng, chống tham nhũng. Những cán bộ này có trình độ chuyên môn cao, quan hệ xã hội rộng, có nhiều thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng trong việc cất giấu tài sản, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ. Mặt khác, tội phạm tham nhũng thường xảy ra trước đó đã lâu, qua nhiều lần kiểm tra, thanh tra mới phát hiện sai phạm, nên một số đã được đối tượng hợp thức hóa, gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng trong phát hiện, điều tra, xử lý.

Chính vì vậy, việc tập trung phân tích, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, nhận diện đầy đủ hành vi, nắm rõ nguyên nhân dẫn đến “giặc nội xâm” - kẻ thù của nhân dân, hoạt động tinh vi, diễn biến khó lường, để thấy rằng đó là “cuộc chiến không tiếng súng” hết sức cam go, quyết liệt, phức tạp,... nhưng nhất định chúng ta phải chiến thắng. Đây là cơ sở quan trọng để Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề ra chủ trương, xây dựng quyết tâm phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, xây dựng Quân đội hiện đại, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

(Số tiếp theo: II. Chủ trương đúng, quyết tâm cao, hiệu quả thiết thực)

PHÙNG CHẤT - CÔNG TOÀN
__________________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 362-363.

2 - Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, ngày 30/6/2022.

3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 374.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...