Thứ Bảy, 23/11/2024, 18:47 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Bá Thước là huyện miền núi, vùng thượng nguồn của hệ thống sông Mã, nên có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của tỉnh Thanh Hóa. Nhận thức rõ điều đó, quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương chiến lược của Đảng về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong Huyện nêu cao tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy tối đa mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, nhất là quy hoạch phát triển vùng trọng điểm. Việc triển khai được thể chế hóa bằng các nghị quyết, chỉ thị, với các nội dung, giải pháp cụ thể, phù hợp với từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ban, ngành và địa phương.
Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, Huyện ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư vào khai thác các tiềm năng, lợi thế, như: thủy điện, vật liệu xây dựng, khai khoáng, cơ khí, chế biến nông, lâm sản. Tích cực huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng Cụm công nghiệp Điền Trung, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; ưu tiên các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông, như: may mặc, dày da, tiểu thủ công nghiệp gắn với các nghề truyền thống để giải quyết việc làm tại chỗ, chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng quản lý lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ; từng bước xây dựng cơ sở vật chất cơ khí chế tạo có tính lưỡng dụng phục vụ hoạt động quân sự, quốc phòng. Bên cạnh đó, quản lý tốt, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên trong địa bàn, như: đất, nước, khoáng sản gắn với tăng cường bảo vệ môi trường và địa hình có giá trị quân sự. Trong xây dựng, tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, ưu tiên dự án: điện, đường, trường, trạm, cơ sở hạ tầng giao thông, công sở các cấp1,… kết nối liên hoàn các địa phương, tăng cường giao lưu, nâng cao đời sống nhân dân, làm cơ sở xây dựng hệ thống phòng thủ dân sự vừa phát triển kinh tế, vừa xây dựng khu vực phòng thủ Huyện vững chắc.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, quán triệt quan điểm: “xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…”2, Huyện xây dựng chương trình: “Phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới để giảm nghèo nhanh, bền vững” và thực hiện 02 khâu đột phá: “Phát triển chăn nuôi đại gia súc và sản phẩm có ưu thế cạnh tranh”, “Quản lý, sử dụng có hiệu quả lòng hồ Bá Thước II vào phát triển du lịch và nuôi trồng thủy sản”. Đồng thời, đẩy mạnh tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; lựa chọn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững. Xây dựng các vùng nguyên liệu, cơ sở sản xuất an toàn; xây dựng, quản lý thương hiệu có chỉ dẫn địa lý, xác nhận nguồn gốc sản phẩm.
Nhằm phát huy lợi thế, bảo đảm vững chắc sinh kế cho người dân và thực hiện mục tiêu “an dân”, Huyện ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về phát triển vật nuôi có lợi thế giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo; lựa chọn 06 loại vật nuôi, gồm: bò lai sind, bò úc, lợn cỏ, vịt Cổ Lũng, dê núi, gà đồi và các loại thủy sản lồng bè trên sông Mã, hồ thủy điện; khuyến khích trồng các loại cây có hiệu quả cao, như: rau an toàn, lúa, khoai tây, ngô dùng cho chăn nuôi, v.v. Đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; trồng rừng gỗ lớn; khoán khoanh nuôi; bảo vệ rừng phòng hộ; thâm canh khôi phục rừng luồng, v.v. Tích cực huy động nguồn lực xã hội xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp, phòng, chống thiên tai, nhất là các xã vùng đặc biệt khó khăn, bình quân tiêu chí thấp; bảo đảm cảnh quan, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; từng bước nâng cao mức hưởng thụ vật chất, tinh thần của người dân. Đến nay, Huyện có 04 ha rau an toàn, 50.000 ha lúa, 250 ha nuôi trồng thủy sản; tỷ lệ che phủ rừng đạt 68,5%; số lượng gia súc gần 46.000 con; sản lượng thủy sản đạt 1.300 tấn, v.v. Nhờ đó, đã giải quyết được những vấn đề bức xúc về kinh tế của nhân dân, tạo điều kiện xây dựng căn cứ hậu cần, kỹ thuật, bảo đảm nhân lực tại chỗ và an ninh lương thực cho khu vực phòng thủ.
Trong thương mại, dịch vụ, Huyện chủ trương phát triển hệ thống này tại thị trấn Cành Nàng và trung tâm các xã Thiết Ống, Điền Lư, Lũng Niêm, Lương Trung. Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh, khai thác chợ; khuyến khích doanh nghiệp xây dựng trung tâm thương mại; tạo điều kiện phát triển hộ kinh doanh; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho doanh nghiệp; mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ: tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải; khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thông tin, thể thao, an sinh xã hội,… bảo đảm tốt cho các ngành sản xuất và hoạt động dân sinh. Đồng thời, đột phá “phát triển kinh tế, xã hội đặc thù khu vực Quốc Thành, trọng tâm là trồng dược liệu và phát triển du lịch”; xây dựng, thực hiện chương trình “phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng” thông qua chương trình hành động, đề án cụ thể. Tập trung quản lý, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, các di tích đã được xếp hạng; cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; khôi phục các loại hình văn hóa bản địa, sản phẩm đặc trưng,… để thu hút đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng các điểm du lịch ở khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, lòng hồ thủy điện Bá Thước II, thác Dần Long, thác Mơ,... đưa Bá Thước trở thành điểm du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng của Tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng du khách đến địa bàn Huyện là 171.000 (trên 47.000 là khách quốc tế), doanh thu đạt trên 150 tỷ/năm, góp phần tăng thu ngân sách, tạo công ăn việc làm, ổn định dân cư và thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Các hoạt động về y tế, bưu chính viễn thông cũng được Huyện quan tâm, đầu tư phát triển và tính đến nhu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó, cung cấp hệ thống thông tin, truyền thông hiện đại, tốc độ cao, độ phủ rộng; chú trọng đầu tư trang thiết bị y tế cơ sở; nâng cao trình độ chuyên môn, trách nhiệm công vụ, y đức cho đội ngũ thầy thuốc; tổ chức trạm y tế theo mô hình y học gia đình; chủ động phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường vừa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trong thời bình, vừa sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khi có tình huống. Ngoài ra, Huyện thực hiện tốt công tác bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp; trợ cấp xã hội, xóa đói, giảm nghèo; bảo vệ, giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, nhất là nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, vượt qua khó khăn, rủi ro trong đời sống, v.v.
Bằng các giải pháp tích cực, đồng bộ, giai đoạn 2016 - 2020, Huyện hoàn thành 30/34 chỉ tiêu phát triển đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ XXII; tốc độ tăng trưởng sản xuất đạt 16,1%/năm; cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực; thu nhập bình quân đầu người tăng, đạt 31,6 triệu đồng/người vào năm 2020; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện rõ rệt, an ninh chính trị được giữ vững, an ninh nông thôn ổn định; thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn từng bước được củng cố vững chắc. Tuy nhiên, Bá Thước vẫn là huyện nghèo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, v.v.
Trước thực tế đó, để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là một bước tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh, thời gian tới, huyện Bá Thước tập trung triển khai thực hiện tốt 02 chương trình trọng tâm3 gắn với 03 khâu đột phá4 mà Đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Trước mắt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm và vùng phụ cận đến năm 2040, bảo đảm khoa học, kết nối hài hòa với quy hoạch phát triển chung của Tỉnh và các địa phương trong vùng. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế. Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 13/NQ-CP, ngày 03/02/2021 của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 58 gắn với thực hiện có hiệu quả Chương trình 134, 135 và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững, từng bước hình thành một số sản phẩm hàng hóa chủ lực, có lợi thế, xây dựng thương hiệu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Phát huy những giá trị độc đáo về văn hóa, lịch sử, khí hậu, nhất là khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Khu Son - Bá - Mười, cùng với các di tích, danh thắng trong vùng để quảng bá, huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng nhằm chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, lao động trên địa bàn.
Cùng với đó, Huyện tăng cường quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh; thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tạo nền tảng vững chắc về chính trị, tinh thần của khu vực phòng thủ. Hoàn thiện các quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2040, phù hợp với quy hoạch phát triển của Tỉnh. Tích cực huy động nguồn lực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với xây dựng khu vực phòng thủ, cụm chiến đấu làng, xã; phân bổ lại dân cư với tổ chức xây dựng, sắp xếp lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với xây dựng công trình quân sự, phòng thủ dân sự; xây dựng cơ sở chính trị, kinh tế, xã hội vững mạnh gắn với xây dựng căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần, kỹ thuật và hậu phương vững chắc. Tổ chức tốt diễn tập khu vực phòng thủ các cấp, diễn tập phòng, chống lụt, bão, cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn,... qua đó, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền, vai trò làm tham mưu của cơ quan Quân sự, Công an và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu xây dựng Huyện vững mạnh về mọi mặt.
VÕ MINH KHOA, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Huyện __________________
1 - Giai đoạn 2016 - 2020, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng 18,2%/năm; xây mới 11 trụ sở xã, 49 công trình văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục; hoàn thành 100% đường ô tô về các xã, v.v.
2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQGST, H. 2016, tr. 92.
3 - Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.
4 - Phát triển sản phẩm có lợi thế phục vụ du lịch và thị trường; xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Huyện Bá Thước,kinh tế - xã hội,quốc phòng,an ninh
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học