Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Ba, 03/08/2021, 07:51 (GMT+7)
Phòng, chống tham nhũng - Cuộc chiến không ngừng, nghỉ

(Tiếp theo)

I. Tham nhũng - một hiện tượng xã hội

II. Đẩy lùi tham nhũng - thúc đẩy xã hội phát triển

Mỗi quốc gia - dân tộc, mỗi tổ chức có thể tiếp cận và đưa ra những chủ trương, giải pháp, khuyến cáo về phòng, chống tham nhũng mang sắc thái riêng. Ở Mỹ, giới luật gia và một cuốn sách xuất bản năm 1968 đã luận giải vấn đề này ở những góc độ khác nhau, nhưng cùng khẳng định: tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”. Tổ chức Minh bạch Quốc tế (viết tắt là TI) có trụ sở chính tại Đức (chuyên đánh giá chỉ số minh bạch và hoạt động chống tham nhũng ở các nước trên thế giới) cho rằng: “tham nhũng” (gồm cả tham ô) là yếu tố quan trọng làm cản trở sự thành công của các chương trình phát triển. Ở Việt Nam, Điều 2, Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành (Luật số 36/2018/QH 14) quy định các hành vi tham nhũng gồm: tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, v.v. Dù quan niệm, cách tiếp cận thế nào, thì mẫu số chung của tham nhũng cũng là: kìm hãm, tác động tiêu cực đến sự phát triển của xã hội. Từ khi xã hội có đối kháng giai cấp cho thấy, khi nào, ở đâu đẩy lùi được tham nhũng, thì ở đó, khi đó xã hội phát triển mạnh mẽ; ngược lại, tình trạng này càng nhiều, càng cản trở, kìm hãm sự vận động phát triển của xã hội. Vì thế, mỗi quốc gia - dân tộc (bao gồm Việt Nam) đã và đang tiến hành quyết liệt, đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp nhằm hạn chế, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt nạn tham nhũng, thúc đẩy xã hội phát triển.

1. Vì sao đẩy lùi tham nhũng lại thúc đẩy xã hội phát triển?

Mỗi hình thái kinh tế - xã hội gồm các yếu tố chủ yếu: lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, cơ sở hạ tầng, kiến trúc thượng tầng. Sự thống nhất biện chứng giữa các yếu tố đó hợp thành các quy luật cơ bản chi phối quá trình vận động, phát triển của xã hội; khởi nguồn quá trình đó là do nhu cầu tồn tại, phát triển sản xuất của con người. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về đời sống vật chất, tinh thần, con người thường xuyên, liên tục cải tiến, sáng tạo công cụ lao động nhằm không ngừng nâng cao năng suất, giảm sức lao động, làm cho lực lượng sản xuất – thành phần chiếm đa số và đại diện cho tiến bộ xã hội (gọi tắt là người lao động) ngày càng phát triển. Thế nhưng, việc phân phối sản phẩm lại do cá nhân, lực lượng, hay bộ phận (gọi tắt là người sở hữu), nắm giữ tư liệu sản xuất (thường là một bộ phận, hoặc là “đồng minh” của kiến trúc thượng tầng - lực lượng được trao quyền nắm giữ các trọng trách trong hệ thống bộ máy nhà nước) quyết định. Vì không có tư liệu sản suất, người lao động phải tự nguyện “bán” sức lao động nên họ luôn tìm cách cải tiến, sáng tạo công cụ lao động nhằm tăng năng suất, với mong muốn nhận được thù lao ngày càng nhiều hơn. Ngược lại, người nắm giữ, sở hữu tư liệu sản xuất cũng luôn mong muốn sản xuất ra nhiều sản phẩm, nhưng lại tìm mọi cách trả thù lao cho người lao động, nộp thuế cho nhà nước và chi phí sản xuất ở mức thấp nhất có thể, để thu về ngày càng nhiều của cải vật chất. Kiến trúc thượng tầng - thành phần thiểu số trong xã hội, nhưng đó là cá nhân, bộ phận được trao quyền lực thực hiện các chức năng của nhà nước; đặc biệt là quyền hoạch định đường lối, chính sách phát triển, ban hành pháp luật,... và sử dụng “công cụ” quyền lực để quản lý, điều hành, duy trì trật tự xã hội, v.v. Về danh nghĩa, mức thu nhập (thù lao) của bộ phận này được chi từ chính sách thuế của nhà nước, theo thang bảng lương quy định; nhưng do bản năng sinh vật và nhu cầu địa vị, lợi ích của họ được “ý thức hóa” theo hướng tiêu cực, dẫn đến “tha hóa”, họ thường sử dụng quyền lực để thực hiện các hành vi tham ô, tham nhũng, sách nhiễu,... nhằm vơ vét tiền của, vật chất của xã hội, công dân làm của riêng. Cùng với đó, họ được bộ phận nắm giữ, sở hữu tư liệu sản xuất mua chuộc để được giảm, miễn, thậm chí trốn thuế, hình thành hệ thống những nhóm lợi ích, cùng nhau nắn “dòng chảy” tiền của, vật chất, quyền lực xã hội hướng vào cá nhân, nhóm người liên quan đến lợi ích,... gây thất thoát, cản trở, kìm hãm sự phát triển của xã hội. Những năm gần đây, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng khá cao (đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người gần 3.500USD/người), nhưng tình trạng tham nhũng cũng diễn ra khá phức tạp, “Chưa bao giờ một khoá mà mấy ông Bộ Chính trị bị đi tù, cách chức, tịch thu lại bao nhiêu tài sản, chỉ một vụ việc mà 300 triệu USD”1. Qua đó có thể khẳng định, nếu hạn chế, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt được tham nhũng, thì hàng tỉ USD cùng với lượng vật chất khổng lồ sẽ được chi dùng, phục vụ nhu cầu chung, nâng cao mức thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy xã hội phát triển.  

2. Một số kinh nghiệm thực tiễn. (Tham khảo một số kinh nghiệm của các nước)

Trong điều kiện quốc tế hóa cùng với thành tựu cách mạng Công nghiệp 4.0 và bùng nổ thông tin hiện nay, ranh giới một số lĩnh vực giữa các nước ngày càng thu hẹp tiến tới xóa nhòa, làm cho thế giới ngày càng “phẳng” hơn. Vì thế, sự phát triển cùng với trình độ văn minh cũng như mặt trái của tiến bộ xã hội ở tất cả các nước trên thế giới được cập nhật thường xuyên, liên tục và được chia sẻ với tốc độ nhanh chóng. Theo đánh giá của TI, các nước phát triển, trình độ văn minh cao, thì thứ hạng chỉ số minh bạch cao - tức là cảm nhận tham nhũng thấp và ngược lại; Singapore là một trong những minh chứng sinh động. Khi tiếp quản chính quyền từ Anh (năm 1963) và tách khỏi Malaysia trở thành quốc gia độc lập năm 1965, tình trạng tham nhũng ở Singapore khá phổ biến, các lĩnh vực y tế, giáo dục, kinh tế,... kém phát triển, Pháp lệnh Phòng, chống tham nhũng (do chính phủ Anh ban hành năm 1937) ít tác dụng. Trong quá trình kiến thiết đất nước, Chính phủ Singapore ban hành và thực hiện đồng bộ nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật chi tiết, chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, để cán bộ, viên chức nhà nước “không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng”. Một trong những công cụ hữu hiệu là Luật Phòng, chống tham nhũng (POCA) ban hành năm 1960, được sửa đổi nhiều lần để tăng sức mạnh cho Cơ quan Điều tra Tham nhũng (CPIB) đặt dưới sự giám sát trực tiếp của Văn phòng Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan này có quyền điều tra bất kỳ người nào, kể cả cảnh sát và bộ trưởng, có thể bắt giữ nghi phạm, tìm kiếm những người bị bắt, kiểm tra tài khoản ngân hàng và các tài sản khác của công chức bị điều tra; đồng thời, có nhiệm vụ giáo dục cộng đồng và nâng cao nhận thức, xây dựng các chuẩn mực xã hội. Theo số liệu mới nhất, trên 95% vụ án tham nhũng ở Singapore được đưa ra xét xử, chỉ có 10% là công nhân viên chức nhà nước, còn lại là lĩnh vực tư nhân. Báo cáo mới nhất của TI xếp hạng Singapore đạt 84 điểm, đứng thứ 6/180 quốc gia về tính minh bạch trong quản lý đất nước. Thomas Friedman (cây bút cừ khôi của tờ New York Times) đã bình luận, “Hệ thống công quyền Singapore là một trong những hệ thống hiệu quả và ít tham nhũng nhất thế giới, đi cùng tiêu chuẩn cao về kỷ luật và tinh thần trách nhiệm”. Hiện Singapore là một trong các trung tâm thương mại, trung tâm tài chính lớn và là một trong năm cảng “bận rộn” nhất thế giới; thu nhập bình quân đầu người cao thứ ba thế giới, các lĩnh vực: giáo dục, y tế, sự minh bạch của Chính phủ, tính cạnh tranh kinh tế,... đều xếp hạng quốc tế cao.

Một điển hình nữa là Phần Lan - một trong những quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới (theo đánh giá của TI). Ở Phần Lan, những giá trị văn hóa được duy trì, phát huy và hiện diện trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Luật pháp điều chỉnh mọi lĩnh vực, mọi mối quan hệ và dựa trên tục lệ địa phương, phù hợp với tâm lý xã hội nên được đông đảo người dân chấp nhận. Cấu trúc của hệ thống hành chính khá đơn giản, ít quan liêu, với quyền tự chủ cao cho cấp tỉnh và địa phương. Hệ thống giáo dục bảo đảm cho mỗi người đều có việc làm tốt để cống hiến, dựa trên năng lực thực tiễn của từng người; thang bảng lương công chức, viên chức có thể thấp hơn so với các lĩnh vực khác, nhưng công bằng, hợp lý: “Bánh mì của công chức có thể nhỏ nhưng dài”, với hàm ý sự nghiệp công chức luôn được bảo đảm để thích ứng với mức lương thấp. Trước khi một người được bổ nhiệm vào vị trí nào đó, luôn được các cơ quan chức năng kiểm tra độc lập và phổ biến các tình huống phát sinh nguy cơ tham nhũng. Việc ra quyết định ở các cấp đều do tập thể, được thông qua Hội đồng tham vấn, theo quy trình chặt chẽ, có sự ràng buộc trách nhiệm giữa tập thể - cá nhân, giữa cấp trên - cấp dưới và bảo đảm công khai, minh bạch. Mọi người đều có quyền hợp hiến, giải quyết mọi việc theo pháp luật, được theo dõi, giám sát, nghe ý kiến và nhận những quyết định hợp lý, cũng như được xét xử, quản lý một cách công bằng, bình đẳng trước pháp luật. Phần Lan có quy định cụ thể, cơ chế rõ ràng đối với các cơ quan thực thi pháp luật trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các quyết định của chính quyền cũng như mọi lĩnh vực của xã hội, bảo đảm mọi đối tượng đều tuân thủ nghiêm luật pháp. Cùng với đó, thực hiện công khai trong phân bổ ngân sách và công khai quyền lực công; bất kể người nào cũng có quyền yêu cầu thông tin hoặc tài liệu do cơ quan công quyền quản lý mà không cần giải thích lý do. Người dân có quyền kiện ra tòa mà không cần luật sư, họ sẽ được hỗ trợ pháp lý. Vì thế, khi ai đó cho là quyền lợi của họ có thể bị ảnh hưởng do tham nhũng thì đều có thể kiện và được tòa giải quyết theo đúng pháp luật. Các chỉ số về dân chủ, công bằng, bình đẳng giới, phát triển con người, an sinh xã hội,... ở Phần Lan luôn xếp thứ hạng cao; đặc biệt là, giáo dục miễn phí và bảo hiểm y tế cơ bản cho mọi người dân, Chính phủ quan tâm đúng mức đến các đối tượng thất nghiệp, khó khăn,... là những chính sách quan trọng đẩy lùi tham nhũng, thúc đẩy xã hội phát triển. Hiện Phần Lan nằm trong “top” những nước có thu nhập bình quân đầu người cao, nhiều lần được xếp hạng là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới2. Nhiều nước, như: Đức, Thụy Điển, Hà Lan, Áo, New Zealand, Hàn Quốc,... có cảm nhận về tham nhũng thấp và cũng là những nước có các chỉ số phát triển, trình độ văn minh xếp thứ hạng cao trên thế giới.

Ở Nước ta, những năm gần đây, nhất là từ đầu khóa XII, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, điều hành của Chính phủ, trực tiếp là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, cuộc chiến này được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, diễn ra ở mọi cấp, mọi ngành và đã: “đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội”3. Kết quả khảo sát của TI năm 2020 cho thấy, chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam đạt 36/100 điểm, giảm 1 điểm so với năm 2019; Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2021 của Liên hợp quốc cũng cho thấy, Việt Nam thăng hạng từ vị trí thứ 83 lên 79. Dù vậy, “Tham nhũng trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi”4, nên cuộc chiến này ở nước ta còn gặp nhiều gian nan phức tạp, cần có quyết tâm chính trị cao và được tiến hành thường xuyên, liên tục không ngừng, nghỉ.  

VĂN THẢNH
__________

1 - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Trả lời phỏng vấn tại buổi họp báo ngày 01/02/2021 (sau khi bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng).

2 - Báo cáo Hạnh phúc Thế giới của Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững Liên hợp quốc xếp hạng, dựa trên 6 tiêu chí: tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người, tuổi thọ, quyền tự do, sự hào phóng, phúc lợi xã hội và tình trạng tham nhũng.

3 - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Phát biểu Kết luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020.

4 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQG, H. 2021, tr. 213.

 Tiếp theo: III. Để đẩy lùi tham nhũng ở nước ta hiện nay (Bấm vào đây)

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.