Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Tư, 16/04/2025, 22:07 (GMT+7)
Bàn về sử dụng đặc công nước trong tác chiến bảo vệ biển, đảo

Tác chiến bảo vệ biển, đảo là loại hình tác chiến chiến lược, tiến hành trong môi trường đặc thù; trong đó, đặc công nước là một thành phần chiến đấu quan trọng. Để sử dụng, phát huy hiệu quả vai trò sức mạnh chiến đấu của lực lượng quan trọng này, cần nghiên cứu thấu đáo cả về lý luận và thực tiễn.

Việt Nam là quốc gia biển; biển, đảo Việt Nam là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và là “cửa ngõ”, không gian sinh tồn có ý nghĩa chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta cho thấy, trong 14 cuộc chiến tranh xâm lược nước ta thì đã có 10 cuộc chiến tranh được kẻ thù tiến hành từ hướng biển. Chính vì vậy, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), hướng biển vẫn là hướng chiến lược quan trọng, địch có thể tiến hành tiến công ngay từ đầu hoặc trong quá trình chiến tranh, nhằm đánh chiếm các vùng biển, đảo của ta; chia cắt ta về chiến lược; cũng có thể nhằm tạo hướng tiến công chiến lược mới buộc ta phải phân tán đối phó. Đối tượng tác chiến trực tiếp trên chiến trường biển, đảo là lực lượng liên hợp của đối phương; trong đó, lực lượng hải quân đánh bộ là nòng cốt; sử dụng vũ khí công nghệ cao, trang bị hiện đại, có khả năng cơ động cao, tác chiến không gian mạng và tác chiến điện tử quy mô lớn. Về phía ta, tác chiến bảo vệ biển, đảo có nhiều lực lượng tham gia; trong đó, đặc công nước là một lực lượng chiến đấu quan trọng. Trong chiến tranh giải phóng, Bộ đội Đặc công nước đã lập được nhiều chiến công và tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý. Tuy nhiên, trong điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ tác chiến bảo vệ biển, đảo có những thay đổi, phát triển mới cả về đối tượng, phương thức, thủ đoạn tác chiến, v.v. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đòi hỏi người chỉ huy, cơ quan tham mưu các cấp và các đơn vị đặc công nước cần tiến hành đồng bộ các nội dung, biện pháp cả về chính trị, tư tưởng, kỹ thuật, chiến thuật, nghệ thuật tác chiến, v.v. Trong đó, tổ chức, sử dụng lực lượng là vấn đề thuộc nghệ thuật quân sự, nội dung quan trọng, cốt lõi, nhằm tạo thế trận, phát huy vai trò, sức mạnh của đặc công nước trong chiến đấu.

Bộ đội Đặc công luyện tập vượt chướng ngại vật trên biển. Nguồn: mod.gov.vn

Một làsử dụng lực lượng tập trung, đúng nhiệm vụ, khả năng. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc trong nghệ thuật tác chiến nói chung, nghệ thuật sử dụng đặc công nói riêng nhằm tạo thế, tạo lực, tạo sức mạnh tổng hợp trong tác chiến bảo vệ biển, đảo. Đặc công nước là lực lượng “đặc biệt tinh nhuệ” của Binh chủng Đặc công và của Quân đội ta, được sử dụng để thực hiện những nhiệm vụ “đặc biệt”. Trong điều kiện quy mô lực lượng còn khiêm tốn, vũ khí, trang bị chiến đấu có mặt còn hạn chế; để lực lượng đặc công nước hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chiến lược, chiến dịch giao, yêu cầu đặt ra đối với tư lệnh chiến trường, chiến dịch và cơ quan tham mưu các cấp là phải sử dụng đặc công nước tập trung cho khu vực, nhiệm vụ, mục tiêu tác chiến chủ yếu, nhất là khu vực đánh hiểm và mục tiêu trọng yếu,… làm rối loạn đội hình phòng ngự, phá vỡ chỉ huy, hiệp đồng, tạo điều kiện cho lực lượng chủ lực tiến hành các trận then chốt, then chốt quyết định.

Mặt khác, trong tác chiến bảo vệ biển, đảo, lực lượng đặc công nước tham gia khá đa dạng, gồm: đặc công nước chủ lực, đặc công nước địa phương, đặc công nước trong dân quân, tự vệ; có thành phần trực thuộc Bộ, trực thuộc Quân chủng Hải quân và trực thuộc các quân khu có biển; trong đó có Đặc công nước, Đặc công người nhái, Đặc công chuyên trách chống khủng bố, các đội tàu, xuồng đặc nhiệm, v.v. Mỗi thành phần có sở trường, cách đánh riêng; có đơn vị chuyên làm nhiệm vụ trực tiếp tiêu diệt sinh lực, đánh chiếm lại đảo, nhà giàn; có đơn vị làm nhiệm vụ tiến công phá hủy tàu thuyền, kho tàng, bến cảng; có đơn vị làm nhiệm vụ bảo đảm chiến đấu, khắc phục hậu quả...; có thể tác chiến độc lập (với các hình thức trận chiến đấu, đòn đột kích, đợt hoạt động trong chiều sâu đội hình địch), hoặc có thể tác chiến hiệp đồng trong trận đánh của binh chủng hợp thành, v.v. Vì vậy, trong tác chiến, tùy tình hình, nhiệm vụ, vị trí, tính chất của từng loại mục tiêu, người chỉ huy, cơ quan tham mưu chiến trường, chiến dịch cần sử dụng đúng chức năng, sở trường, cách đánh của từng lực lượng, với quy mô phù hợp: cấp tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn,… bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó, nên sử dụng đặc công nước của Bộ và của Quân chủng Hải quân tác chiến biển xa; sử dụng đặc công nước của các quân khu ven biển tác chiến ở các đảo gần bờ và ven biển. Khi sử dụng đặc công nước đánh chiếm lại đảo thì phải chọn những đảo có giá trị về chiến lược, chiến dịch, có nhiều thuận lợi để đặc công nước tiếp cận được mục tiêu bằng cách bơi, thả hoặc kết hợp với sử dụng tàu, xuồng. Nếu có nhiều lực lượng cùng tham gia tiến công đánh chiếm đảo thì nên sử dụng đặc công nước đánh những mục tiêu hiểm yếu, như: sở chỉ huy các cấp, trận địa hỏa lực; phá hủy các loại tàu chiến, tàu thăm dò hoặc thả thủy lôi phong tỏa cảng, căn cứ hậu cần, kỹ thuật của đối phương, v.v. Quá trình thực hiện phải tập trung toàn diện, cả về chỉ huy, chỉ đạo; về số lượng, chất lượng con người, vũ khí, trang bị và công tác bảo đảm các mặt “chu đáo, đúng, đủ, chính xác, kịp thời”.

Hai làvận dụng linh hoạt, sáng tạo các thủ đoạn chiến đấu, phát huy sở trường, cách đánh của Bộ đội Đặc công nước. Đặc trưng cơ bản của nghệ thuật tác chiến đặc công nói chung và đặc công nước nói riêng là “lấy ít đánh nhiều” bằng nghệ thuật luồn sâu, đánh hiểm theo nguyên tắc: bí mật, bất ngờ, mưu trí, táo bạo; tích cực tiêu diệt, phá hủy mục tiêu; lấy tiêu diệt sinh lực và phá hủy phương tiện vũ khí công nghệ cao của địch là chính, v.v. Trong tác chiến biển, đảo, cách đánh của đặc công nước rất đa dạng và biến hóa linh hoạt, theo từng trường hợp và trận đánh cụ thể. Tuy nhiên, do các mục tiêu đặc công nước đảm nhiệm thường ở xa đất liền, điều kiện thời tiết, khí hậu - thủy văn rất khắc nghiệt; địch có hệ thống trinh sát phát hiện từ trên không, trên biển, dưới nước hiện đại và bố trí thiết bị vật cản chống xâm nhập nhiều tầng, nhiều lớp, phức tạp, tổ chức canh phòng nghiêm ngặt,… nên rất khó khăn trong việc cơ động, bí mật tiếp cận mục tiêu. Vì vậy, khi thực hiện nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra đối với lực lượng đặc công nước là phải tích cực nghiên cứu, sáng tạo nhiều cách đánh mới, hay, độc đáo; trong đó, phải đặc biệt coi trọng thực hiện luồn sâu, đánh hiểm; bí mật cơ động, ém sẵn lực lượng, thực hành tập kích bí mật, tập kích hóa trang,… đánh vào những mục tiêu trọng yếu của địch trên đảo, trên biển. Mặt khác, cần nghiên cứu, lựa chọn đánh vào các mục tiêu ở nơi địch không ngờ tới, đánh vào lúc địch sơ hở, ít đề phòng nhất - biến thời cơ thành lực lượng, nâng cao hiệu suất chiến đấu, khiến kẻ địch bất ngờ, khiếp sợ và nhanh chóng thất bại.

Ba làtổ chức hiệp đồng chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong tác chiến. Trong môi trường tác chiến có tính đặc thù cao, đòi hỏi phải hết sức chú trọng công tác hiệp đồng tác chiến. Để thống nhất hành động của đặc công nước với các lực lượng liên quan, phát huy sức mạnh tổng hợp trong từng trận chiến đấu, giai đoạn, nhiệm vụ, đòi hỏi người chỉ huy, cơ quan, đơn vị đặc công nước phải nắm vững công tác chỉ huy tham mưu, lý luận hiệp đồng; có phương pháp, tác phong công tác linh hoạt, chủ động, sáng tạo sát với từng tình huống, điều kiện cụ thể. Theo đó, trong tổ chức hiệp đồng, lực lượng đặc công nước phải cụ thể đến từng giai đoạn, nhiệm vụ chiến đấu; dự kiến hành động của đối tượng tác chiến; hành động của các đơn vị; mục tiêu đảm nhiệm, địa điểm, thời gian thực hiện, ký, tín, ám hiệu liên lạc; hành động phối hợp chiến đấu giữa các lực lượng; biện pháp bảo đảm, chi viện trong chiến đấu, v.v. Về phương pháp, cần kết hợp linh hoạt giữa hiệp đồng theo nhiệm vụ, mục tiêu đảm nhiệm, thời gian tiến hành; tại sa bàn, bản đồ với tại thực địa theo các bước trong thực hành tác chiến. Khi tham gia đánh chiếm lại đảo, phải hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Hải quân về trình tự đánh chiếm các cứ điểm đầu cầu, mục tiêu độc lập, tạo thế, bàn đạp hoặc bảo vệ hành lang cho các lực lượng thọc sâu, v.v. Với các lực lượng phòng thủ đảo và lực lượng vũ trang địa phương, đi sâu hiệp đồng xây dựng thế đứng chân (khu vực triển khai trú quân, giấu ém lực lượng, vũ khí, trang bị, đường cơ động); nắm thông tin về địch, ta, địa hình, thời tiết, khí hậu, thủy văn và các hoạt động tác chiến nhỏ, lẻ, để thu hút, căng kéo, làm phân tán sự đối phó của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho đặc công nước cơ động, tiếp cận tiến công các mục tiêu xác định.

Bốn là, làm tốt công tác bảo đảm tác chiến. Tác chiến biển, đảo diễn ra trên không gian rộng lớn, điều kiện thời tiết, thủy triều, dòng chảy,… thường xuyên biến động và thay đổi. Địch có ưu thế về phương tiện, trang bị trinh sát phát hiện, ngăn chặn khả năng đột nhập của đối phương từ xa; lực lượng đặc công nước hoạt động xa căn cứ. Để lực lượng đặc công nước bước vào chiến đấu thắng lợi, đòi hỏi phải tiến hành công tác bảo đảm tác chiến toàn diện, đầy đủ, kịp thời, từ trinh sát nắm địch; thông tin liên lạc; khí tượng, thủy văn đến bảo đảm cơ động, hậu cần - kỹ thuật. Để đạt hiệu quả cao, cần phải dự kiến kế hoạch, chuẩn bị trước từ thời bình và nỗ lực bảo đảm khi chuẩn bị trực tiếp cho tác chiến bảo vệ biển, đảo; trong đó, cần đặc biệt coi trọng bảo đảm trinh sát, cơ động và các trang bị kỹ thuật tác chiến đặc công nước.

Như chúng ta biết, trong tác chiến biển, đảo, đặc biệt là tác chiến biển xa, vấn đề cơ động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; nếu không tổ chức cơ động, bí mật tiếp cận mục tiêu thì không thể tiến hành đòn đánh đặc công. Vì vậy, để nâng cao khả năng cơ động lực lượng, tạo thế đánh gần, đánh hiểm, cùng với quan tâm xây dựng hành lang căn cứ trên từng khu vực đảo, hướng biển, lực lượng đặc công nước phải phối hợp chặt chẽ với Hải quân, Không quân, Cảnh sát biển, các lực lượng phòng thủ đảo và lực lượng vũ trang địa phương để nắm tình hình, lực lượng, phương tiện tham gia bảo đảm cơ động, v.v. Quá trình cơ động phải triệt để tận dụng đêm tối, sương mù, thủy triều, luồng lạch; kết hợp cơ động bằng các phương tiện tàu, xuồng với bơi, thả để tiếp cận mục tiêu. Mặt khác, cần tổ chức tốt các biện pháp chống trinh sát, quan sát từ trên không, trên biển, dưới nước của địch; phòng, chống các loại động vật độc hại, nguy hiểm như cá mập, sứa lửa, rắn biển,… bảo đảm an toàn cho bộ đội.

Tổ chức, sử dụng đặc công nước tác chiến bảo vệ biển đảo trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là nội dung có ý nghĩa quan trọng. Đây là vấn đề không mới nhưng thuộc về nghệ thuật quân sự, luôn có sự vận động, phát triển đòi hỏi tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cả về lý luận và thực tiễn.

Đại tá, TS. NGUYỄN XUÂN BÌNH, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Đặc công

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.