Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 20/03/2025, 09:59 (GMT+7)
Bàn về tạo, lập thế trận quân sự trong tác chiến phòng thủ quân khu

Tạo, lập thế trận là một nội dung cơ bản của phương thức tác chiến, nhằm phát huy cao nhất sở trường của các lực lượng, khả năng của các địa phương trên địa bàn,... tạo sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ. Trong tác chiến phòng thủ quân khu, thế trận được chuẩn bị trước một bước trong thời bình và tiến hành điều chỉnh, bổ sung trong quá trình chiến tranh. Vì vậy, nghiên cứu về tổ chức tạo, lập thế trận tác chiến phòng thủ quân khu, nhất là thế trận quân sự vững chắc, liên hoàn, hiểm hóc, linh hoạt và có chiều sâu là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), quân địch tiến công vào địa bàn quân khu nhằm thực hiện mưu đồ: phá hủy tiềm lực quân sự, quốc phòng, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng vũ trang, đánh chiếm các mục tiêu quan trọng, tạo bàn đạp đánh chiếm các mục tiêu chiến lược trọng yếu. Tùy theo vị trí, đặc điểm địa hình từng quân khu mà quân địch sử dụng lực lượng, phương tiện tiến công nhiều hay ít, nhưng chủ yếu là lực lượng tinh nhuệ, thiện chiến và vũ khí, trang bị hiện đại, nhằm tiến hành cuộc tiến công tổng lực, thực hiện “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn. Về lực lượng địch, thường là cụm lực lượng tác chiến liên hợp, nòng cốt là các lữ đoàn bộ binh, bộ binh cơ giới dưới sự chỉ huy của 01 đến 02 sở chỉ huy sư đoàn lục quân; 01 sư đoàn hải quân đánh bộ; từ 01 đến 02 lữ đoàn đổ bộ đường không; được hỏa lực không quân, pháo binh, hải quân chi viện, v.v. Về phương pháp tác chiến, chúng có thể sử dụng lần lượt hoặc đồng thời các biện pháp: lấn chiếm, xâm phạm biên giới, biển, đảo, tiến công hỏa lực, tác chiến điện tử, chiến tranh tâm lý, đổ bộ đường biển, tiến công đường bộ, đổ bộ đường không, kết hợp với gây bạo loạn từ bên trong.

Thực hành đánh chiếm mục tiêu trong diễn tập khu vực phòng thủ Thành phố Hà Nội năm 2024. Nguồn: quocphongthudo.vn

Trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, phòng thủ quân khu là loại hình tác chiến có tính tổng hợp cao, do quân và dân trên địa bàn quân khu tiến hành, có thể có lực lượng của Bộ tham gia, lấy lực lượng vũ trang quân khu làm nòng cốt; dựa trên nền tảng khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố được xây dựng và chuẩn bị từ thời bình. Trải qua các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, nhất là chiến tranh giải phóng, chúng ta đã có một số kinh nghiệm về tác chiến phòng thủ. Hiện nay, lực lượng vũ trang các quân khu đang được xây dựng “tinh, gọn, mạnh”; trang bị vũ khí, khí tài mới, ngày càng hiện đại; được huấn luyện cơ bản, thực hành diễn tập ở các cấp độ, quy mô, loại hình tác chiến khác nhau, trong đó có tác chiến phòng thủ quân khu. Tuy nhiên, đây là loại hình tác chiến mới, hoạt động diễn ra trên tất cả các lĩnh vực: quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,... và các quân khu cũng chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Vì vậy, để giành thắng lợi trong tác chiến phòng thủ, người chỉ huy và cơ quan quân khu phải giải quyết nhiều vấn đề về: lực lượng, thế trận, lý luận và thực tiễn trong tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến,... nhất là nghệ thuật tạo, lập thế trận chính trị, kinh tế, quân sự. Phạm vi bài viết, xin trao đổi một số vấn đề về tạo, lập thế trận quân sự, tác chiến phòng thủ quân khu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Chúng ta biết, tạo, lập thế trận quân sự là cách thức tổ chức, bố trí, triển khai lực lượng, phương tiện theo hướng lập thế ta đi đôi với phá thế địch, tạo ra thế trận liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu, có thế đánh, thế giữ và chịu được áp lực trước sức mạnh hỏa lực địch; đồng thời, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, đánh bại địch tiến công vào địa bàn, bảo vệ các mục tiêu chiến lược, khu vực phòng thủ chủ yếu, các trọng điểm phòng ngự. Việc tạo, lập thế trận này được tiến hành từ thời bình, kịp thời được điều chỉnh, bổ sung trong quá trình tác chiến. Vì vậy, khi tạo, lập thế trận quân sự, người chỉ huy và cơ quan cần tổ chức và bố trí lực lượng, phương tiện hình thành thế trận phòng ngự, phòng thủ vững chắc, liên hoàn, có thế tiến công, phản công bất ngờ, hiểm hóc. Thực hiện tốt giải pháp quan trọng này sẽ tạo tiền đề, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, vũ khí, thiết bị chiến trường. Muốn vậy, khi bố trí lực lượng, phương tiện, các cơ quan, đơn vị, lực lượng phải bám sát quyết tâm tác chiến phòng thủ của tư lệnh quân khu; thế trận khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố; phát huy cao nhất sở trường và cách đánh của lực lượng vũ trang quân khu.

Đối với các đơn vị, lực lượng phòng ngự, phòng thủ trên hướng chủ yếu và các trọng điểm của quân khu, khi bố trí lực lượng nên lấy đại đội bộ binh làm đơn vị cơ bản để xây dựng các điểm tựa, cụm điểm tựa phòng ngự; liên kết với các làng xã, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, hình thành khu vực phòng ngự cấp trung đoàn, sư đoàn trên từng hướng, khu vực, tập trung vào hướng, khu vực phòng thủ chủ yếu; thế trận vững chắc, liên hoàn, hiểm hóc, linh hoạt và có chiều sâu, đủ sức ngăn chặn, làm giảm tốc độ hoặc chặn đứng các hướng, mũi tiến công của địch; có khả năng sát thương, tiêu hao, tiêu diệt lớn quân địch tại các trọng điểm. Quân khu ở địa hình trung du, rừng núi, khi bố trí phải triệt để tận dụng lợi thế của địa hình kết hợp với hệ thống công sự trong khu vực phòng thủ để tạo thành thế trận hoàn chỉnh, đủ sức chịu được áp lực lớn của bom đạn và vũ khí công nghệ cao của địch. Với khu vực đồng bằng, phải dựa vào các công trình kiến trúc kiên cố, bờ đê, trục đường địch phải đi qua để bố trí, triển khai lực lượng. Với khu vực đồng bằng sông nước, cần tận dung tối đa thế trận khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, căn cứ, làng xã chiến đấu,... để bố trí.

Đối với lực lượng cơ động tiến công, khi bố trí, triển khai phải ở nơi bí mật kín đáo, tiện cơ động ra các hướng để thực hiện các đòn tiến công, trận chiến đấu cũng như tham gia các chiến dịch do quân khu tổ chức; hoặc có thể tự tiến hành các trận then chốt đánh địch đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không, tiến công vượt điểm, vu hồi, đột nhập vào khu vực phòng thủ chủ yếu. Căn cứ vào đặc điểm địa bàn, điều kiện của ta trên từng hướng phòng thủ, có thể lấy cấp tiểu đoàn, trung đoàn bộ binh làm đơn vị cơ bản để bố trí; song lực lượng phải phân tán, có thể tập trung nhanh vào thời điểm, thời cơ quan trọng. Với lực lượng đánh hiểm, đánh phá giao thông, đánh căng kéo, cần bố trí ở những nơi bí mật, bất ngờ, tiện cơ động đánh phá, tiêu diệt các mục tiêu quan trọng, ngăn chặn, sát thương, tiêu hao tiêu diệt lớn quân địch, tạo điều kiện cho các lực lượng khác thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng này khi bố trí dựa trên đội hình các tổ, đội, trong thế trận các làng xã, căn cứ chiến đấu của khu vực phòng thủ cấp huyện, tỉnh, gần các mục tiêu tiến công.

Đối với lực lượng binh chủng chiến đấu và bảo đảm, khi bố trí, triển khai phải ở nhiều khu vực (chính thức, dự bị), bí mật, an toàn, có khả năng di chuyển nhanh, tiện cơ động ra các hướng, phát huy được hỏa lực cả mặt đất và trên không, tạo ra thế trận có lợi, đánh được địch từ xa về gần và chi viện hiệu quả cho lực lượng đánh địch trên các hướng, nhất là khu vực phòng thủ chủ yếu. Đặc biệt, sở chỉ huy các cấp phải bố trí ở những nơi thuận tiện cho chỉ huy, điều hành các hoạt động tác chiến, bảo đảm chỉ huy ổn định, thông suốt, xử trí được các tình huống,... có như vậy mới hình thành thế trận phòng ngự, phòng thủ hoàn chỉnh, vững chắc, liên hoàn, có chiều sâu, chuyển hóa thế trận linh hoạt, giữ vững các khu vực, mục tiêu trọng yếu, đánh bại địch khi chúng tiến công vào địa bàn.

Cùng với tổ chức, sử dụng lực lượng phương tiện, cần xây dựng hệ thống công sự trận địa, vật cản và đường cơ động hoàn chỉnh cả trước và trong quá trình tác chiến. Đây là những yếu tố cơ bản, trực tiếp góp phần tạo sức mạnh trong phòng ngự, phòng thủ. Hơn thế, sự liên kết giữa các yếu tố này còn là nền tảng cho tạo, lập thế trận tác chiến phòng thủ quân khu vững chắc, liên hoàn, hiểm hóc, có chiều sâu, chuyển hóa thế trận linh hoạt. Vì vậy, người chỉ huy và cơ quan cần chỉ đạo các đơn vị và lực lượng tham gia chiến dịch xây dựng hệ thống công sự, trận địa, vật cản và đường cơ động cho các thành phần, lực lượng đánh địch một cách đầy đủ, vững chắc, liên hoàn, phù hợp với tính chất, đặc điểm, nhiệm vụ tác chiến, có thể chi viện hỗ trợ cho nhau trong suốt quá trình chiến đấu, đáp ứng được nhiều phương án.

Đối với hệ thống công sự, trận địa của lực lượng phòng ngự, phòng thủ, khi xây dựng phải hình thành các điểm tựa, cụm điểm tựa hoàn chỉnh, có trận địa phòng ngự, trận địa hỏa lực, trận địa tiến công,… đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, nhất là công sự chiến đấu, ẩn nấp, đài quan sát, hầm dự trữ cơ sở vật chất, hầm điều trị thương bệnh binh...; đồng thời, phải đánh được địch tiến công từ nhiều hướng và phải dự kiến khả năng bố trí đủ cho lực lượng được tăng cường khi cần thiết.

Với hệ thống vật cản, nếu bố trí khoa học sẽ góp phần tạo nên thế trận chặt chẽ, hiểm hóc; vững chắc hơn trong phòng ngự, phòng thủ; ngăn chặn làm giảm tốc độ tiến công đối phương; hỗ trợ đắc lực cho xung lực, hỏa lực sát thương tiêu hao quân địch trong quá trình chiến đấu. Vì vậy, khi bố trí vật cản, cần triệt để tận dụng các chướng ngại vật tự nhiên, kiến trúc nhân tạo kết hợp với vật cản của các đơn vị, lực lượng, hình thành hệ thống vật cản liên hoàn, hiểm hóc, không ảnh hưởng tới hành động tác chiến của các đơn vị; gây trở ngại lớn đối với khả năng cơ động và sức chiến đấu của địch, đẩy địch vào thế bất lợi, góp phần ngăn chặn, sát thương, tiêu hao quân địch.

Đối với lực l­ượng cơ động tiến công và triển khai binh khí kỹ thuật hỗ trợ cho các lực lượng tham gia đánh địch, đường cơ động có vai trò đặc biệt quan trọng; là huyết mạch gắn kết giữa các lực l­ượng tạo nên sức mạnh tổng hợp. Vì vậy, cần có kế hoạch chuẩn bị đường cơ động từ sớm, bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ; phải tận dụng đư­ợc thế của địa hình, sẵn sàng có các phương án mở đường khác (dự bị) khi đường chính bị đối phương đánh phá, hình thành thế trận liên hoàn, tận dụng hiệu quả khả năng bảo đảm tại chỗ của các địa phương, lực lư­ợng.

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), để đánh thắng địch tiến công vào địa bàn quân khu, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là tạo, lập được thế trận có lợi, nhất là thế trận quân sự. Muốn thực hiện được vấn đề này, người chỉ huy và cơ quan phải dựa vào thế trận khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố; tổ chức, sử dụng lực lượng hợp lý; kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố: công sự, hỏa lực, vật cản và đường cơ động để hình thành thế trận vững chắc, liên hoàn, hiểm hóc, có chiều sâu, chuyển hóa linh hoạt trong quá trình tác chiến. Tạo, lập thế trận quân sự trong tác chiến phòng thủ quân khu là nét nghệ thuật quân sự đặc sắc trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và phát triển cho phù hợp với điều kiện tác chiến mới.

Đại tá, TS. NGUYỄN QUỐC THANH, Học viện Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.