Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Sáu, 30/07/2021, 15:50 (GMT+7)
Phòng, chống tham nhũng - Cuộc chiến không ngừng, nghỉ

Từ tính chất nguy hại đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và sự tồn vong của chế độ, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn coi tham nhũng là “giặc nội xâm”. Nó tự ngụy trang rất tinh vi và ẩn dấu ngay trong nội bộ, nên cuộc chiến phòng, chống loại “giặc” này luôn cam go, phức tạp; cần có sự đồng thuận, quyết tâm cao và tiến hành thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ.

I. Tham nhũng - một hiện tượng xã hội

II. Đẩy lùi tham nhũng - thúc đẩy xã hội phát triển

III. Để đẩy lùi tham nhũng ở nước ta hiện nay

Các nghiên cứu về lịch sử nhân loại cho thấy, ở mỗi thời đại, tham nhũng được hiểu, đề cập và định danh với những tên gọi khác nhau, phạm vi rộng hẹp cũng khác nhau,... nhưng điểm chung của vấn nạn này là gây ra những hậu quả nghiêm trọng, cản trở hoặc đối lập với tiến bộ xã hội. Với cách tiếp cận đó, có thể hiểu tham nhũng là một hiện tượng xã hội, xuất hiện cùng với sự xuất hiện tư hữu và quá trình hình thành, phát triển của giai cấp, nhà nước; nó được biểu hiện qua hành vi của con người, tác động tiêu cực đến xã hội và sẽ mất đi khi xã hội không còn sở hữu tư nhân (sở hữu cá nhân vẫn còn). Căn nguyên của hiện tượng này nằm ngay trong lòng xã hội, do cá nhân hay bộ phận giữ những trọng trách trong xã hội thực hiện với mục đích vụ lợi riêng, làm cản trở, kìm hãm quá trình vận động, phát triển của xã hội. Vì thế, đây là cuộc chiến lâu dài, gian nan, phức tạp đối với tất cả các quốc gia dân tộc, trong đó có Việt Nam.

1. Tham nhũng xuất hiện, tồn tại trong những chế độ xã hội nhất định.

Từ lý luận và những bằng chứng khoa học cho thấy, thủa “bình minh”, loài người muốn tồn tại phải đoàn kết, sống theo “bầy đàn”, cùng nhau sáng tạo ra công cụ lao động, chinh phục, cải tạo tự nhiên và cùng nhau sản xuất, sử dụng tư liệu sinh hoạt,… nên mọi của cải vật chất đều là của chung, chưa có hành vi chiếm hữu và lúc đó chưa có tham nhũng. Quá trình đó liên tục lặp lại, làm cho nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cao, thúc đẩy sản xuất phát triển. Khi sản xuất phát triển đến một trình độ nhất định, năng suất lao động được nâng lên, tư liệu sinh hoạt chung được sản xuất ra vượt quá nhu cầu duy trì sự sống của cộng đồng, dẫn đến hiện tượng dư thừa; khi đó, bắt đầu xuất hiện những cá nhân, bộ phận người bị “tha hóa”, tìm mọi cách độc chiếm lượng tư liệu sinh hoạt dư thừa đó làm của riêng – hành vi tham nhũng xuất hiện. Sự “tha hóa” ngày càng tăng, nhu cầu chiếm hữu ngày càng lớn, dẫn đến chiếm đoạt về lao động và tư liệu sản xuất, rồi tổ chức lực lượng chuyên trách để bảo vệ, mở rộng nội dung, phạm vi, lãnh thổ chiếm hữu,… đưa đến sự ra đời của nhà nước cùng chế độ chiếm hữu nô lệ - xã hội có đối kháng về địa vị, lợi ích giữa các giai cấp. Như vậy, tham nhũng xuất hiện từ cuối xã hội nguyên thủy; khởi đầu là hành vi chiếm đoạt tư liệu sinh hoạt dư thừa trong cộng đồng; sau đó, nội dung, phạm vi chiếm hữu ngày càng mở rộng. Ban đầu là một, hay một bộ phận người trong cộng đồng, rồi đến giai cấp bóc lột (trong xã hội có đối kháng giai cấp); khi xã hội phát triển đến giai đoạn mà nhu cầu tối thượng của mỗi người là lao động, cống hiến, “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, không còn đối kháng giai cấp – không còn cơ sở xã hội cho sự tồn tại của nó nữa, tham nhũng sẽ mất đi. Hiện nay, nhân loại đang trong giai đoạn phát triển có sự đan xen giữa cái cũ và cái mới, vẫn còn cơ sở tồn tại, nên vẫn còn tình trạng tham nhũng, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

2. Hành vi tham nhũng do người bị “tha hóa” thực hiện.

Quá trình nghiên cứu xây dựng học thuyết về con người, các nhà kinh điển Mác – Lênin khẳng định: “con người khác với con cừu chỉ là ở chỗ trong con người, ý thức thay thế bản năng, hoặc bản năng của con người là bản năng đã được ý thức”1. Thực tế là, sự tồn tại của con người luôn gắn liền với bản năng, nhu cầu tự nhiên: ăn, uống, mặc, ở, đi lại,... và nó được “ý thức hóa”, đó là sự khác biệt căn bản nhất giữa con người so với con vật. Quá trình hoạt động thực tiễn làm cho sự thống nhất biện chứng giữa bản năng sinh vật và mặt xã hội trong con người ngày càng hoàn thiện, nhu cầu về đời sống vật chất, tinh thần – tức nhu cầu về lợi ích ngày càng cao, không có giới hạn, vì nó được “ý thức hóa”; ngược lại, những nhu cầu đó cũng tác động mạnh mẽ trở lại, thúc đẩy hoạt động thực tiễn, làm cho ý thức con người phát triển ngày càng hoàn thiện. Để thỏa mãn nhu cầu của mình, mỗi người, bộ phận, cộng đồng người,… có mục đích, cách thức tiến hành riêng; phần đông (nhất là thành phần lao động trong xã hội chiếm đa số) đều mong muốn được phát triển toàn diện, cống hiến tài năng, trí tuệ, sức lực của mình, góp phần vào sự phát triển chung của cộng đồng, xã hội, theo hướng: dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người đều bình đẳng trong thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Mặc dù, “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”2 và “Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên”3, nhưng sự tác động, chi phối của quy luật phát triển không đều làm cho cá nhân, bộ phận và thậm chí là giai cấp (trong xã hội có đối kháng giai cấp) bị “tha hóa”; hoạt động của họ là nhằm thỏa mãn nhu cầu về địa vị xã hội, lợi ích riêng, chứ không vì sự phát triển chung của cộng đồng, xã hội. Nguy hại và vô cùng khó khăn, phức tạp trong phòng, chống là sự “tha hóa” chủ yếu rơi vào những cá nhân, bộ phận nắm giữ những trọng trách nhất định trong xã hội; họ thường xuyên trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến những quyết sách, điều tiết về mặt lợi ích, quyền lực xã hội. Thực tế là, đã có những người được xã hội giao cho giữ cương vị nguyên thủ quốc gia, nhưng vẫn tham nhũng4. Tuy số lượng cá nhân, bộ phận người bị “tha hóa” nhỏ hơn nhiều so với thành phần lao động và các tầng lớp khác trong cộng đồng, xã hội, nhưng hành vi tham nhũng luôn kìm hãm, gây hậu quả nghiêm trọng đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì, bản năng, sinh vật, nhu cầu tự nhiên của họ được “ý thức hóa” theo hướng tiêu cực, luôn tìm mọi thủ đoạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, biến tài sản chung của xã hội, tập thể hay của công dân thành tài sản riêng, làm thất thoát, lãng phí kìm hãm sự phát triển; đảo lộn những giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức,… và len lỏi vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

3. Vài nét về tham nhũng và công tác phòng, chống nó ở nước ta qua các thời kỳ.

Cùng với những giá trị truyền thống tốt đẹp, tình trạng tham nhũng thời kỳ phong kiến Việt Nam cũng diễn ra phức tạp, làm cho đời sống nhân dân lao động lâm vào cảnh bần hàn cơ cực; hình ảnh xã hội được phản ánh khá đầy đủ qua những nhân vật trong các tác phẩm dòng văn học hiện thực phê phán, như: “Truyện Kiều”, “Tắt Đèn”, “Làng Vũ Đại ngày ấy”, v.v. Ngược lại, nhiều triều đại cũng sớm nhận rõ tác hại và có những quy định ngăn ngừa, nghiêm trị hành vi tham nhũng, điển hình như: Nhà Lý (1009 - 1225) quy định, nếu quan nha, thư lại nào mà thu thuế vượt quá số lượng thì bị khép vào tội ăn trộm; nếu Khố ty “ăn lụa” của dân thì cứ mỗi thước bị phạt 100 trượng, “ăn” từ một đến trên 10 tấm thì phạt thêm phối dịch từ một đến 10 năm. Điều 138, Bộ luật Hồng Đức thời vua Lê Thánh Tông ghi rõ, Quan lại mà tham nhũng, nhận hối lộ, làm sai phép nước thì bị phạt: tham ô từ 01 đến 09 quan tiền bị cách chức, từ 10 đến 19 quan thì bị đánh trượng rồi đi đày, từ 20 quan trở lên bị xử chém,… của hối lộ, một phần trả lại chủ, một phần sung vào kho. Trực tiếp chứng kiến cảnh tham nhũng và ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với đời sống xã hội thời vua Lê chúa Trịnh, bác học Lê Quý Đôn (từng giữ chức Thượng thư bộ Công) đã tổng kết và chỉ ra năm nguy cơ dẫn đến mất nước gồm: 1. Trẻ không kính già (đạo đức suy đồi); 2. Trò không trọng thầy (giáo dục suy đồi); 3. Binh kiêu tướng thoái (quân đội suy đồi); 4. Tham nhũng tràn lan (thể chế suy đồi dẫn đến mất nước); 5. Sĩ phu ngoảnh mặt (niềm tin suy đồi).

Thời kỳ kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, mọi tầng lớp nhân dân ta đều chung sức, đồng lòng đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do thống nhất đất nước. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ hy sinh cả xương máu, tính mạng của mình, nhân dân ra sức đóng góp tiền của, sức lực cho cách mạng và luôn sẵn sàng: “mỗi người dân là một chiến sĩ”. Mặc dù cả nước tập trung sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, song vẫn còn biểu hiện tham nhũng, gây bất bình trong nhân dân. Một trong những sự thật đau lòng là vụ án Trần Dụ Châu bị Tòa án binh Tối cao xét xử, kết án tử hình ngày 05/9/1950, tại thị xã Thái Nguyên (nay là thành phố Thái Nguyên). Trong khi chờ thi hành án, tử tù gửi đơn lên Chủ tịch Hồ Chí Minh xin tha tội chết, nhưng Người đã dứt khoát: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”.

Bước vào công cuộc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới trên phạm vi cả nước, nhất là từ khi đổi mới đến nay, tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra với tính chất, mức độ khác nhau, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước. Để đấu tranh ngăn chặn, phòng, chống hiện tượng này, Đảng, Nhà nước ta ban hành nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với từng giai đoạn. Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (từ ngày 20 đến 25/01/1994), xác định: nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội là một trong những nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của đất nước, chế độ và dân tộc. Mỗi kỳ Đại hội, Đảng ta đều ban hành những nghị quyết chuyên đề, hoặc lồng ghép nội dung phòng, chống tham nhũng vào nhiều nghị quyết Trung ương. Hệ thống luật, nghị định, hướng dẫn thực hiện do Nhà nước ban hành liên quan đến lĩnh vực này ngày càng hoàn thiện (Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành được Quốc hội khóa XIV thông qua 11/2018 là luật thứ 3). Hệ thống cơ quan chỉ đạo, cơ quan chuyên trách được tổ chức từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, chuyên sâu. Những năm gần đây, cuộc chiến này được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đẩy mạnh với quyết tâm chính trị cao và đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Với phương châm: “không có vùng cấm”, từ đầu khóa XII đến tháng 12/2020, cơ quan chức năng các cấp đã tiến hành kiểm tra, thanh tra, điều tra, xét xử công khai hàng chục vụ, với hàng nghìn cán bộ các cấp liên quan đã bị xử lý kỷ luật, thu hồi tài sản, nhiều người bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong đó, có: “trên 3.200 đảng viên liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý: 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang”5.

Tham nhũng luôn là một “căn bệnh” nguy hiểm của xã hội, để có thể phòng ngừa, đẩy lùi, chữa khỏi được nó phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp xóa bỏ chế độ tư hữu, cùng đối kháng giai cấp; đồng thời, ngày càng hoàn thiện bản chất “người” để lao động, cống hiến trở thành nhu cầu, mục đích cao nhất trong hoạt động của mỗi người, đặc biệt là những cá nhân, bộ phận được giao cho nắm giữ những trọng trách xã hội nhất định.

VĂN THẢNH
__________

1 - C. Mác và Ph. Ăng-ghen – Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, H.1995, tr. 44.

2 - Sđd, Tập 3, tr. 19.

3 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 413.

4 - Cựu tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak (tại vị 2008 - 2013), bị truy tố vào tháng 4/2018; cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak (tại vị 2009 - 2018), bị Tòa án Tối cao Kuala lămpur kết án 12 năm tù vào ngày 28/7/2020, v.v.

5- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Phát biểu Kết luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020.

Tiếp theo: II. Đẩy lùi tham nhũng - thúc đẩy xã hội phát triển (Bấm vào đây).

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.