Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 05/08/2021, 07:59 (GMT+7)
Phòng, chống tham nhũng - Cuộc chiến không ngừng, nghỉ

(Tiếp theo và hết)

I. Tham nhũng - một hiện tượng xã hội

II. Đẩy lùi tham nhũng - thúc đẩy xã hội phát triển

III. Để đẩy lùi tham nhũng ở nước ta hiện nay

Trả lời phỏng vấn về phòng, chống tham nhũng tại buổi họp báo sau khi bế mạc Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nói: “Tôi khẳng định đây là cuộc đấu tranh còn lâu dài, gian khổ quyết liệt. Vừa qua mới hạn chế nó, ngăn ngừa nó một bước thôi. Còn tiền, còn chức, còn quyền, người ta không tu dưỡng được thì còn xảy ra tham nhũng”1. Với những chủ trương, đường lối được Đại hội XIII của Đảng hoạch định và kinh nghiệm, kết quả đạt được trong những năm qua, chúng ta hoàn tin tưởng rằng, thời gian tới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ luôn kề vai sát cánh, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh”; thường xuyên tiến hành quyết liệt, đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp để hạn chế, đẩy lùi, tiến tới loại trừ tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội. Từ góc độ nghiên cứu, đề xuất một số nội dung giải pháp chủ yếu sau: 

1. Biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tiễn. Đây là nội dung tiên quyết để chuyển hóa đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng thành hiện thực. Thông qua những chủ trương, quy định của Đảng, văn bản pháp luật về công tác này ở nước ta thời gian qua, nhất là từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (do Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng Ban năm 2013) đến tháng 12/20202 có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ quyết tâm chính trị trong cuộc chiến này lại cao như hiện nay. Vì hành vi tham nhũng chủ yếu do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, diễn ra trong nội bộ, nên biện pháp hiệu quả nhất để phòng, chống, đẩy lùi nó là “tự chiến đấu với chính mình”. Theo đó, mỗi người làm việc trong các cơ quan, tổ chức, ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực, đơn vị, địa phương liên quan đến lợi ích tiền của, vật chất, địa vị, quyền lực xã hội phải tự đấu tranh, chiến thắng chính bản thân mình, không để bản năng, nhu cầu được “ý thức hóa” trái với tiến bộ xã hội. Mỗi người, trước hết là cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp trong hệ thống chính trị, những cán bộ, nhân viên trực tiếp, gián tiếp đảm nhiệm những công việc dễ nảy sinh tham nhũng cần có bản lĩnh thực sự “miễn dịch” tốt với sự “tha hóa”; thường xuyên, liên tục “tự soi, tự sửa” hằng ngày, thông qua hành động, việc làm cụ thể. Thực sự gương mẫu, quyết liệt, tự đấu tranh không khoan nhượng với những cám dỗ tiền của, vật chất, quyền lực; rèn luyện lối sống lành mạnh, trong sạch, giữ vững và phát huy tốt phẩm chất đạo đức cách mạng mọi lúc, mọi nơi, v.v. Cùng với đó, luôn đề cao trách nhiệm với công việc, với tập thể, tổ chức và với người khác; luôn là tấm gương sáng về phẩm chất, năng lực để mọi người noi theo, tích cực, dũng cảm và kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện, hành vi tham nhũng, lợi ích nhóm trong cơ quan, đơn vị, địa phương,... nơi học tập, công tác cũng như nơi sinh sống. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cũng như mỗi công dân Việt Nam luôn phát huy dân chủ, thực hiện đúng quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và chủ trương: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”3; tích cực lao động, sản xuất, học tập, công tác,... nhận thức, giải quyết hài hòa giữa cống hiến và hưởng thụ, bảo đảm công bằng, bình đẳng: “làm theo năng lực, hưởng theo lao động”. Kiên quyết loại bỏ văn hóa “phong bì”, “lót tay”, hay biến tướng của nó mỗi khi gặp khó khăn, hoặc để được “ưu tiên”, “châm chước”, thăng tiến. Đồng thời, xác định phương pháp phù hợp, tiến hành đúng trình tự, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với những hành vi tham nhũng, lợi ích nhóm,... dù đó là ai, có thế lực nào “chống lưng”, tạo hiệu ứng tích cực, sâu, rộng trong cơ quan, đơn vị, địa phương và toàn xã hội.

2. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để “không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần tham nhũng”. Đây là nội dung tích hợp đồng bộ các biện pháp: chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự,... có vị trí đặc biệt quan trọng, quyết định hiệu quả cuộc chiến. Hiện nay, chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực này khá đầy đủ, chặt chẽ, nhưng hiệu quả trong tổ chức thực hiện chưa thực sự đáp ứng mong đợi của xã hội. Những bộ phận, cá nhân bị “tha hóa” cũng lợi dụng thành tựu của khoa học, công nghệ, hội nhập quốc tế,... để ngụy trang, thực hiện hành vi tham nhũng với trình độ ngày càng tinh vi, xảo quyệt; phạm vi, quy mô ngày càng lớn; tính chất ngày càng tinh vi, nguy hại hơn. Thực hiện phương châm: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”4, các ngành, lĩnh vực liên quan, theo chức năng của mình cần tích cực, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước rà soát, bổ sung, ban hành, hoàn thiện hệ thống văn bản về chính sách, pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo hành lang pháp lý và cơ chế chặt chẽ, nhằm thiết lập những “hàng rào” phòng, ngừa thực sự vững chãi làm cho cá nhân, nhóm lợi ích không thể tham nhũng. Cùng với đó, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng: cập nhật, bao quát hết những nội dung mới nảy sinh trong quá trình vận động, phát triển của thực tiễn; bảo đảm quyền lực được kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên được “nhốt” vào trong “lồng” cơ chế; tăng tính răn đe bằng khung hình phạt và sự ràng buộc liên đới trách nhiệm xã hội đối với: bố, mẹ, vợ (chồng), các con của người tham nhũng, v.v. Đồng thời, quyết liệt thực hiện “không có vùng cấm” trong công tác bảo vệ, thực thi pháp luật; mọi hành vi tham nhũng, liên quan, liên đới,... đều bị điều tra, xét xử đúng người, đúng tội và bị trừng trị nghiêm khắc, đúng pháp luật, bất kể người đó là ai, giữ cương vị, trọng trách nào trong hệ thống chính trị để không dám tham nhũng. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách tiền lương, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập cá nhân, hộ gia đình và các chính sách an sinh xã hội phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từng bước nâng cao mức thu nhập, chất lượng sống của cán bộ, công chức, viên chức cùng gia đình họ và đời sống vật chất, tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân: “không để ai bị bỏ lại phía sau”, đẩy lùi, tiến tới loại bỏ - không cần tham nhũng.

3. Xây dựng hệ thống chính trị thực sự liêm, chính, kiến tạo, đội ngũ cán bộ trong sạch. Về cơ bản, khi bổ nhiệm người giữ các chức danh trong bộ máy của hệ thống chính trị đều bảo đảm tiêu chí về phẩm chất, năng lực và “đúng quy trình”. Song, do thiếu tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên nên họ bị “tha hóa”, lợi dụng chức vụ, quyền hạn và sự ảnh hưởng về tiền của, lợi ích vật chất, địa vị, quyền lực xã hội,... để thực hiện hành vi tham nhũng, vụ lợi riêng. Do đó, cơ quan chức năng các cấp cần tiếp tục kế thừa những nội dung hợp lý, tham mưu cho Đảng, Nhà nước rà soát, bổ sung tiêu chuẩn, quy trình, quy hoạch, bồi dưỡng, sử dụng, tuyển chọn,... tất cả các chức danh, nhất là chủ trì, chủ chốt trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm chặt chẽ, đủ đức, đủ tài và sự thống nhất biện chứng giữa đức và tài trong mỗi nhân sự cụ thể, ứng với mỗi chức danh cụ thể, phù hợp với sự vận động phát triển của thực tiễn. Đồng thời, sớm hoàn thiện quy chế, quy định và thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, công khai, rộng rãi việc thi tuyển các chức danh có thể, để lựa chọn vào bộ máy những cán bộ thực sự “sáng về tâm, xứng về tầm”, đặt lợi ích của nhân dân, dân tộc và sự phát triển thịnh vượng, hùng cường của đất nước lên trên hết, trước hết, đóng góp tích cực vào xây dựng hệ thống chính trị thực sự liêm, chính, kiến tạo. Nội dung thi tuyển cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng thành hệ thống các nhóm kiến thức phù hợp với hệ tiêu chí chức danh các cấp, gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và kiện toàn tổ chức hệ thống chính trị tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của đất nước trong tình hình mới. Thường xuyên làm tốt công tác bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện để cán bộ không ngừng nâng cao phẩm chất, trình độ, năng lực thực tiễn, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; vì: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”5. Chú trọng nâng cao nhận thức, vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào quá trình hoạt động thực tiễn, gắn với những yêu cầu mới về phẩm chất, kiến thức, năng lực,... của từng chức danh được biên chế ở mỗi cấp, ngành, lĩnh vực, địa phương: “Làm việc gì học việc ấy. Vô luận ở quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, tổ chức, tuyên truyền, công an, v.v., cán bộ ở môn nào phải học cho thạo công việc ở trong môn ấy”6. Ngược lại, mỗi cán bộ trong hệ thống chính trị cần chủ động tận dụng mọi điều kiện có thể để tự học, tự rèn, tự bồi dưỡng, giáo dục, trau dồi tri thức,... không ngừng nâng cao phẩm chất, trình độ, năng lực toàn diện và lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp, tự hoàn thiện bản thân, thực sự trong sạch, là “cái gốc của mọi công việc”, thúc đẩy cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

4. Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan chức năng các cấp về phòng, chống tham nhũng. Thường xuyên kiện toàn đủ số lượng, tốt về chất lượng và phát huy vai trò, trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động thực tiễn của cơ quan, đơn vị có chức năng về phòng, chống tham nhũng, nhất là: Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Nội chính, Kiểm tra, Thanh tra, Kiểm sát, Công an, v.v. Có cơ chế, chính sách đãi ngộ thỏa đáng để xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng, chống tham nhũng ở các cơ quan, đơn vị về phẩm chất, năng lực toàn diện, nhất là bản lĩnh thực sự vững vàng, liêm chính, miễn dịch với mọi sức ép, mọi sự cám dỗ, mua chuộc. Họ phải thực sự là những người: “Giàu sang không thể quyến rũ,/Nghèo khó không thể chuyển lay,/Uy lực không thể khuất phục”7 và phải “phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng”8. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán,... cùng với đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và thu hồi tài sản tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; gắn cuộc chiến này với thực hiện: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và thực hiện các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh quyết liệt với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, “Coi phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”9

5. Phát huy sức mạnh tổng hợp đẩy lùi tham nhũng. Theo đó, cơ quan chức năng các cấp chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp mình nghiên cứu, rà soát, bổ sung, ban hành quy chế, chính sách phù hợp để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phát huy tốt vai trò của mình, tiến hành đoàn kết, tập hợp, huy động “tai, mắt” của mọi thành phần lực lượng, mọi tầng lớp nhân dân, kịp thời phát hiện, đấu tranh đẩy lùi, tiến tới chấm dứt nạn tham nhũng. Đồng thời, sớm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng. Nghiên cứu mở rộng các hình thức lấy ý kiến của quần chúng nhân dân về phẩm chất, năng lực, nhất là sự liêm chính đối với từng chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phúc đáp những ý kiến phản ánh, khiếu nại, tố cáo của quần chúng nhân dân về hành vi tham nhũng. Phát huy tốt vai trò định hướng, chỉ đạo, quản lý của ngành: Tuyên giáo, Thông tin và truyền thông các cấp để huy động các cơ quan thông tấn, báo chí - “binh chủng tuyên truyền” - đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, thực hành văn hóa liêm chính, nâng cao đạo đức cách mạng, biến những văn bản của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng thành hiện thực,... tạo sự tự giác, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân tích cực tham gia cuộc chiến này. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với hành động nêu gương thẩm thấu, lan tỏa sâu, rộng, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần xã hội, góp phần đẩy lùi, tiến tới chấm dứt nạn tham nhũng ở nước ta.

VĂN THẢNH
__________

1  - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn tại buổi họp báo ngày 01/02/2021 (sau khi bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng).

2  - Từ năm 2013 đến tháng 12/2020, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan chức năng của Đảng ban hành hơn 200 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng; Quốc hội ban hành hơn 250 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 2.600 nghị định, quyết định, chỉ thị; cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương ban hành hơn 45.000 văn bản; các bộ, ngành, địa phương ban hành gần 88.000 văn bản cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện phòng, chống tham nhũng.

3 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQG, H. 2021, tr. 249.

4 - Sđd, tr. 250.

5 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 612.

6 - Sđd, Tập 5, tr. 309-310.

7 - Sđd, Tập 7, tr. 50.

8 - Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020.

9 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQG, H. 2021, tr. 251.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.