Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Ba, 04/06/2024, 07:19 (GMT+7)
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích

Thực hiện kế hoạch tác chiến sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ta mở một số chiến dịch tiến công trên các địa bàn quan trọng, trong đó có Chiến dịch Long Khánh. Đây là chiến dịch có quy mô nhỏ nhưng nhờ vận dụng linh hoạt, sáng tạo nghệ thuật tập kích, kết hợp chặt chẽ với các hình thức chiến thuật khác, ta đã liên tục tiến công, giành thắng lợi vang dội, góp phần đánh bại kế hoạch “bình định cấp tốc”, đẩy địch rơi vào thế bị động chiến lược.

Sau những tổn thất nặng nề trong năm 1968, đầu năm 1969, địch đẩy mạnh thực hiện biện pháp chiến lược “quét và giữ”, ra sức hiện đại hóa quân đội, củng cố ngụy quyền Sài Gòn, xúc tiến “bình định cấp tốc”, mở rộng vùng kiểm soát, đẩy lui quân giải phóng ra khỏi vùng giáp ranh, cố gắng làm cho quân ngụy Sài Gòn mạnh lên để dần thay thế cho quân Mỹ. Với mưu đồ biến Long Khánh thành tuyến bảo vệ vững chắc cho Khu liên hiệp quân sự Long Bình - Biên Hòa ở hướng Đông; đồng thời, tạo “vỏ bọc cứng” từ xa cho Sài Gòn - Gia Định, cùng với tập trung xây dựng lực lượng bảo an, dân vệ, cảnh sát,… địch điều Sư đoàn bộ binh 18 (đơn vị chủ lực của quân ngụy Sài Gòn), bố trí ở Xuân Lộc và những vị trí hiểm yếu, tuyến đường huyết mạch; sẵn sàng sử dụng quân Mỹ, lực lượng cơ động của Vùng 3 chiến thuật và lực lượng tổng trù bị chiến lược ứng cứu khi bị ta tiến công.

Về ta, căn cứ vào tình hình chiến trường và yêu cầu, nhiệm vụ trên giao, đầu tháng 5/1969, Bộ Chỉ huy Miền quyết định mở chiến dịch tiến công trên hướng Long Khánh, nhằm tiêu diệt bộ phận quan trọng sinh lực địch, phá kế hoạch “bình định cấp tốc”, làm thất bại một bước biện pháp chiến lược “quét và giữ” của chúng trên chiến trường Đông Nam Bộ. Nhờ vận dụng linh hoạt, sáng tạo nghệ thuật tập kích, kết hợp hiệu quả các hình thức chiến thuật khác; tạo lập và chuyển hóa thế trận kịp thời; hiệp đồng chặt chẽ giữa “hai lực lượng, ba thứ quân”, ta đã liên tục tiến công, nhanh chóng phá vỡ thế trận, buộc địch rơi vào thế bị động chiến lược. Thắng lợi của Chiến dịch Long Khánh để lại nhiều bài học quý về nghệ thuật tác chiến chiến dịch quy mô nhỏ; trong đó, nghệ thuật tập kích là nét đặc sắc, tiêu biểu, được thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau.

Một là, luôn bám sát, nắm chắc địch, làm công tác chuẩn bị chiến đấu khẩn trương. Đặc điểm đối tượng tác chiến của ta trong các trận tập kích ở Chiến dịch Long Khánh chủ yếu là quân địch tạm dừng trong quá trình cơ động tiến công và đổ bộ đường không, nhưng chưa kịp cơ động tiến công để ứng cứu, giải tỏa. Vì vậy, trạng thái của địch thường xuyên thay đổi, tính biến động cao, thậm chí di chuyển vị trí đóng quân ngay trong đêm để tránh bị ta tập kích tiêu diệt. Để hạ quyết tâm chiến đấu chính xác, trong điều kiện thời gian ngắn, giữ được bí mật, bất ngờ, nổ súng đúng thời cơ, đạt hiệu suất chiến đấu cao, đòi hỏi ta phải luôn bám sát, nắm chắc tình hình địch, chuẩn bị chiến đấu hết sức khẩn trương. Theo đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã kết hợp linh hoạt nhiều biện pháp, phát huy hiệu quả các lực lượng để trinh sát, nắm chắc mọi động thái của địch, nhất là lực lượng địch trong từng trận tập kích, bảo đảm chính xác, cụ thể, tỉ mỉ. Cùng với tận dụng các nguồn tin do cấp trên cung cấp, ta phát huy tốt vai trò của lực lượng trinh sát Chiến dịch, trọng tâm là lực lượng trinh sát của Sư đoàn bộ binh 5, những đơn vị trực tiếp tiếp xúc với địch, kết hợp với lực lượng trinh sát của địa phương trong khu vực tác chiến. Nhờ liên tục bám sát, nắm chắc tình hình địch, nên trong Đợt 1 của Chiến dịch, ta đã sớm phát hiện ý định của Trung đoàn 43 quân ngụy Sài Gòn sẽ quay về ứng cứu cho lực lượng phòng ngự ở Xuân Lộc (bị Trung đoàn 29 của ta tập kích), chỉ để lại Tiểu đoàn dù 11, chờ lực lượng Trung đoàn 48 ngụy cơ động lên hợp điểm tiến công. Vì vậy, ngay khi Trung đoàn 43 địch vừa cơ động về Xuân Lộc, nhận thấy đây là thời cơ thuận lợi, Bộ Tư lệnh Chiến dịch sử dụng Trung đoàn 23 khẩn trương làm công tác chuẩn bị chiến đấu, bất ngờ tập kích tiêu diệt Tiểu đoàn dù 11 của địch, phá tan ý đồ hợp điểm của chúng. Nắm chắc ý định của Tiểu đoàn 4, thuộc Trung đoàn 43 ngụy sẽ cơ động về khu vực suối Rết (Tây Bắc Xuân Lộc), Bộ Tư lệnh Chiến dịch điều Trung đoàn 29 cơ động gấp từ Nam suối Gia Huynh sang, chuẩn bị chiến đấu nhanh, bí mật áp sát, nắm thời cơ bất ngờ tập kích địch ngay trong đêm, tiêu diệt gọn 02 đại đội của Tiểu đoàn 4 ngụy khi chúng vừa tạm dừng ở Nam suối Rết, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Như vậy, nhờ luôn bám sát, nắm chắc “nhất cử, nhất động” của địch, chuẩn bị chiến đấu nhanh, ta đã luôn giữ vững quyền chủ động tiến công, liên tục tập kích vào đội hình địch tạm dừng, tiêu diệt gọn từng tiểu đoàn địch, hạn chế được thương vong, kịp thời bẻ gãy các đợt hành quân “quét và giữ”, liên tục đẩy địch ở vào thế bị động đối phó.

Hai là, lựa chọn chính xác mục tiêu tập kích, nhanh chóng phá vỡ thế trận của địch, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Trong Chiến dịch Long Khánh, để “đánh hiểm, đánh đau”, tiêu diệt gọn từng phân đội địch; đồng thời, thực hiện ý định lấy trung đoàn bộ binh làm cơ sở để tổ chức các trận đánh nhỏ và vừa bằng “vây điểm, diệt viện”, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã tập trung nghiên cứu, lựa chọn chính xác mục tiêu tập kích, bảo đảm chắc thắng, nhanh chóng phá vỡ thế trận của địch. Trên cơ sở nắm, đánh giá, kết luận chính xác tình hình địch, ta, địa hình, thời tiết trong khu vực tác chiến, Bộ Tư lệnh Chiến dịch lựa chọn các mục tiêu của địch chốt giữ trên trục Đường 20; lực lượng của Lữ đoàn 3 kỵ binh không vận Mỹ đổ bộ ở khu vực Núi Đất, Nam Bến Sáu; địch tạm dừng ở Trà Tân 3, đồi Đăng Ca,… để liên tục tập kích tiêu diệt. Đó là sự lựa chọn hoàn toàn chính xác, thể hiện tầm nhìn, tư duy nhạy bén, sáng tạo của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, bởi đây là những mục tiêu địch tạm dừng trong cơ động tiến công hoặc đổ bộ đường không nhưng chưa kịp cơ động ứng cứu, giải tỏa; đứng chân chưa vững, đội hình tạm dừng thiếu ổn định, bố phòng không chặt chẽ, hệ thống công sự, trận địa chưa hoàn chỉnh, vật cản bố trí sơ sài; chỉ huy, hiệp đồng bộc lộ nhiều sơ hở, khi ta tập kích sẽ bảo đảm chắc thắng, hạn chế được thương vong cho bộ đội, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Cùng với đó, khi lựa chọn những mục tiêu này, ta có khả năng tiêu diệt gọn từng tiểu đoàn địch, nhất là các phân đội thuộc Lữ đoàn 3 kỵ binh không vận Mỹ, làm cho địch choáng váng, thiệt hại nặng, góp phần đánh bại ý chí xâm lược của chúng. Ngoài ra, đây là những mục tiêu nằm ở vị trí hiểm yếu (dọc theo quốc lộ 20; khu vực tiếp giáp của Đường số 767 và Đường số 1), khi có khả năng bị xóa sổ hoàn toàn, địch sẽ liên tục ứng cứu, giải tỏa, tạo điều kiện cho ta tập trung lực lượng, phương tiện tiêu diệt lực lượng lớn quân địch ngoài công sự, đẩy chúng lún sâu hơn vào thế bị động. Thực tiễn Chiến dịch cho thấy, Trung đoàn bộ binh 23 đã lựa chọn tiểu đoàn kỵ binh không vận Mỹ vừa đổ bộ xuống Nam Bến Sáu để tập kích, nhanh chóng hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, bí mật cơ động lực lượng áp sát trận địa địch, hình thành nhiều mũi, hướng, đồng loạt nổ súng, bao vây, chia cắt, thọc sâu tiêu diệt ngay mục tiêu chủ yếu, làm cho địch hoàn toàn bị động, bất ngờ, rối loạn chỉ huy, chống cự yếu ớt, tạo điều kiện cho ta diệt gọn từng bộ phận, tiến đến tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Phối hợp chặt chẽ với hướng tiến công chính, ta còn chủ động lựa chọn các mục tiêu quan trọng, tập kích vào nơi sơ hở, mỏng yếu, sâu trong hậu cứ của địch, gây rối loạn chỉ huy, phá vỡ hiệp đồng và thế tiến công của chúng. Thực hiện ý định trên, Trung đoàn 29 tập kích hậu cứ Sư đoàn 18 của địch ở Xuân Lộc; sử dụng pháo binh, súng cối tập kích hỏa lực vào Sở Chỉ huy Chiến đoàn 25 quân ngụy Sài Gòn ở Bắc núi Chứa Chan, tạo bất ngờ và gây thiệt hại nặng, buộc địch phải điều lực lượng từ nơi khác đến ứng cứu, giải tỏa, lực lượng bị xé lẻ trên các hướng, ý định hành quân “quét và giữ” các địa bàn quan trọng của địch bị tan vỡ.

Ba là, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp tập kích, làm chủ và rời khỏi trận đánh an toàn. Trong Chiến dịch Long Khánh, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã chỉ đạo các đơn vị, nhất là bộ phận trực tiếp tiến công, căn cứ vào tình hình địch, địa hình cụ thể, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp tập kích như mật tập (không có hỏa lực chuẩn bị trước), cường tập (có hỏa lực chuẩn bị trước), giáng cho địch những đòn chí mạng. Bám sát, nắm chắc trạng thái của địch, trong trận tập kích địch ở Định Quán của Trung đoàn 23 và trận tập kích vào hậu cứ Sư đoàn 18 ngụy của Trung đoàn 29 ta đã vận dụng phương pháp cường tập, bởi đây là những vị trí địch bố phòng tương đối chặt chẽ, ta khó có điều kiện bí mật, áp sát trận địa của chúng ngay từ đầu. Vì vậy, sau khi bất ngờ sử dụng súng cối 60mm và 82mm bắn mãnh liệt, dồn dập vào đội hình địch, các đơn vị bộ binh nhanh chóng bao vây, chia cắt, táo bạo thọc sâu tiêu diệt mục tiêu chủ yếu ngay từ đầu, phá vỡ đội hình của địch, tiêu diệt từng bộ phận tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch, giành thắng lợi. Cùng với phát huy hiệu quả phương pháp cường tập, trong trận tập kích địch ở Bến Sáu của Trung đoàn 174, Trà Tân 3 của Trung đoàn 21,… khi nhận thấy địch mới chuyển vào tạm dừng, chưa kịp ổn định đội hình, bộc lộ nhiều sơ hở ta quyết định sử dụng phương pháp mật tập, bí mật cơ động lực lượng, áp sát, dò, gỡ vật cản, triển khai đội hình ngay trong trận địa địch, bất ngờ, đồng loạt nổ súng, thực hiện “trong đánh ra, ngoài đánh vào” tiêu diệt gọn quân địch trong thời gian ngắn, đạt hiệu suất chiến đấu cao.

Nét đặc thù của lối đánh tập kích là “đánh nhanh, rút nhanh”, nếu không nhanh chóng làm chủ và rời khỏi trận đánh an toàn, để quân địch kịp hồi phục, sử dụng không quân, pháo binh đánh phá hoặc điều động lực lượng lớn bộ binh phản kích thì không những làm hạn chế hiệu suất của trận đánh, bộ đội bị thương vong mà còn làm giảm tính chất “xuất quỷ, nhập thần” - một yếu tố đã làm cho quân địch kinh sợ. Bởi vậy, trong Chiến dịch Long Khánh, các trận tập kích của ta đều kết thúc đúng thời cơ, làm chủ và tổ chức rời khỏi trận đánh nhanh chóng, chặt chẽ, hạn chế thương vong. Điển hình trong trận tập kích Tiểu đoàn kỵ binh không vận Mỹ vừa đổ bộ xuống Nam Bến Sáu (trong Đợt 2 của Chiến dịch), Trung đoàn bộ binh 23 đã nhanh chóng làm chủ trận đánh, lùng sục tiêu diệt những tên địch còn sống sót, thu chiến lợi phẩm, tổ chức rời khỏi trận đánh theo kế hoạch, bảo đảm nhanh, gọn, an toàn, tránh được đòn hỏa lực không quân, pháo binh của địch bắn trùm lên trận địa, bảo toàn lực lượng, sẵn sàng cho các trận đánh tiếp theo.

Thắng lợi của Chiến dịch Long Khánh đã làm thất bại một bước chiến lược “quét và giữ” của địch, giáng một đòn mạnh vào âm mưu “phi Mỹ hóa” cuộc chiến tranh, buộc địch phải lâm vào thế bị động chiến lược. Những bài học kinh nghiệm quý về nghệ thuật tập kích được rút ra từ Chiến dịch vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Thượng tá, TS. PHẠM QUANG TẠO, Trường Sĩ quan Pháo binh

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.