Thứ Năm, 21/11/2024, 00:43 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Cách đây 50 năm, với thắng lợi của Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức, ta đã tiêu diệt lớn lực lượng, phá vỡ hệ thống phòng thủ của địch trên chiến trường Quảng Đà. Thắng lợi quan trọng này đánh dấu bước trưởng thành về nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng của Quân đội ta, trong đó có nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định chiến dịch, góp phần tạo thế và lực cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Bước sang năm 1974, trước sức tiến công mạnh mẽ của ta, quân địch bắt đầu bộc lộ dấu hiệu suy yếu cả về thế và lực trên khắp chiến trường miền Nam; mưu đồ thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” và biện pháp “bình định” nhằm xóa “thế da báo” trên chiến trường, giành dân, lấn đất sau Hiệp định Paris đứng trước nguy cơ sụp đổ; xu hướng rút bỏ các đồn bốt ngoại vi, co cụm về phòng ngự ở các cứ điểm lớn của chúng ngày càng hiện hữu. Trên chiến trường Quảng Đà, để bảo vệ cửa ngõ phía Tây khu căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng, địch cho xây dựng khu vực Nông Sơn - Thượng Đức thành tiền đồn trọng yếu, bố trí những đơn vị tinh nhuệ, thiện chiến, tập trung số lượng lớn vũ khí, trang bị hiện đại, kết hợp với hỏa lực không quân, pháo binh sẵn sàng chi viện, ngăn chặn ta tiến công từ xa. Dựa vào địa hình hiểm trở và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, địch chủ quan, huênh hoang tuyên bố: “Nước sông Vu Gia có chảy ngược thì Việt Cộng mới lấy được Thượng Đức”1.
Về phía ta, những thắng lợi liên tiếp trên các chiến trường đã mở ra khả năng đánh tiêu diệt lớn lực lượng chủ lực địch. Nhằm tạo thế và thời cơ có lợi cho năm 1975, thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chủ trương mở đợt hoạt động Thu – Đông và chọn Quảng Đà là địa bàn tác chiến chủ yếu. Với quyết tâm đánh bật đối phương ra khỏi những khu vực quan trọng, mở thông hành lang vận chuyển từ khu vực rừng núi xuống đồng bằng Quảng Nam, Đà Nẵng; đồng thời, tạo thế và lực cho các đợt hoạt động chiến lược mùa khô năm 1974 - 1975, ta quyết định mở Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức. Nhờ có quyết tâm chiến đấu cao, vận dụng nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định xuất sắc, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương và nổi dậy của nhân dân trong địa bàn tác chiến,… ta đã liên tục tiến công, tiêu diệt lớn quân địch, phá vỡ thế trận của chúng, mở rộng vùng giải phóng. Thắng lợi quan trọng này đã giúp ta đánh giá chính xác sức mạnh chiến đấu của quân chủ lực ngụy sau khi quân Mỹ rút về nước, dội “gáo nước lạnh” vào mưu đồ lấn đất, giành dân của chúng; đồng thời, tạo thế và lực mới cho ta ở chiến trường Khu 5, uy hiếp mạnh khu căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng của địch. Đây là thắng lợi lớn cả về quân sự và chính trị; trong đó, nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định chiến dịch là nét đặc sắc, tiêu biểu.
Thứ nhất, nắm chắc tình hình, lựa chọn đúng mục tiêu đánh trận then chốt quyết định. Trên cơ sở nắm chắc tình hình mọi mặt, ta xác định mục tiêu tiến công là Chi khu quận lỵ Thượng Đức. Đây là sự lựa chọn hoàn toàn chính xác, thể hiện tư duy sáng tạo trong xác định mục tiêu tiến công của của Bộ Tư lệnh Chiến dịch. Cứ điểm này là “mắt xích” quan trọng, “tiền đồn” trong hệ thống phòng thủ phía Tây Nam của khu căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng; nơi được coi là “cánh cửa thép” ở vùng giáp ranh để ngăn chặn hành lang vận chuyển của ta từ vùng rừng núi xuống đồng bằng của Quảng Nam, Đà Nẵng theo sông Vu Gia và Đường số 14B. Nếu san phẳng Thượng Đức, ta sẽ lập thế và tạo lực có lợi, phá vỡ thế trận phòng ngự của địch ở khu vực giáp ranh, cánh cửa tiến về Đà Nẵng được mở toang, tạo điều kiện, thời cơ có lợi để dẫn đến những đột biến dây chuyền, ảnh hưởng mạnh đến chiến cục ở khu vực miền Trung và Bắc Tây Nguyên. Làm chủ được Thượng Đức, ta sẽ giữ vững được tuyến vận chuyển từ vùng rừng núi chi viện cho khu vực đồng bằng duyên hải miền Trung. Thấy rõ tầm quan trọng của Thượng Đức, địch ra sức bố phòng chặt chẽ, tuy nhiên, cụm cứ điểm này lại bộc lộ những yếu điểm cốt tử, như: nằm lọt sâu vào giữa vùng giải phóng của ta, bị chia cắt bởi sông Côn và sông Vu Gia, nên khi bị tiến công dễ bị cô lập, mất thế liên hoàn với Đà Nẵng; việc ứng cứu, giải tỏa gặp khó khăn trong thế trận cài răng lược của ta. Do vậy, ta có điều kiện để chia cắt về chiến dịch và chiến thuật, tập trung đánh dứt điểm từng cụm cứ điểm, giải phóng từng khu vực, khéo “lừa dụ địch” để tiêu diệt chúng ngoài công sự. Mặt khác, khi tiến công Chi khu quận lỵ Thượng Đức, ta lợi dụng được thế hiểm của địa hình, bí mật làm công tác chuẩn bị, thuận lợi triển khai thế trận, thiết bị chiến trường, vì khu vực này giáp với vùng căn cứ phía Tây của ta, bốn bề là rừng núi hiểm trở. Đánh chiếm được Thượng Đức, ta sẽ tạo thế uy hiếp trực tiếp đối với khu căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng, thu hút được lực lượng lớn quân địch, tạo điều kiện cho quân và dân ở các khu vực khác có điều kiện nổi dậy tiến công, phá vỡ từng mảng kìm kẹp của chúng, mở rộng vùng giải phóng. Vì thế, lựa chọn quận lỵ Thượng Đức để đánh trận then chốt quyết định chiến dịch là ta đã “điểm trúng huyệt”, đánh vào mục tiêu rất mạnh, nhưng lại là nơi hiểm yếu của địch. Thực tiễn Chiến dịch cho thấy, sau những đòn tiến công liên tục của ta, địch phải chịu những tổn thất nặng nề, ta nhanh chóng làm chủ Thượng Đức, kịp thời bố trí lại thế trận, đánh bại cuộc phản kích của sư đoàn dù thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược của địch, đẩy chúng lún sâu vào thế bị động chiến lược.
Thứ hai, tập trung ưu thế cả về binh lực và hỏa lực, đảm bảo chắc thắng; chuyển hóa thế trận linh hoạt, kịp thời. Là căn cứ quan trọng nhất trong hệ thống phòng ngự ở Tây Nam Đà Nẵng, nên ngoài việc điều đến Thượng Đức những đơn vị tinh nhuệ, thiện chiến, địch còn tổ chức xây dựng hệ thống công sự, trận địa vững chắc; hỏa lực mạnh, nhiều tầm, nhiều tầng; vật cản gồm nhiều lớp hàng rào dây thép gai kết hợp các bãi mìn dày đặc, tạo nên thế phòng ngự liên hoàn. Hỏa lực pháo binh, không quân của Vùng chiến thuật 1 sẵn sàng chi viện tối đa để ngăn chặn các đợt tấn công của ta. Vì vậy, để tiêu diệt gọn cứ điểm quan trọng này, đòi hỏi ta phải tập trung ưu thế về binh lực, hỏa lực, tạo sức mạnh vượt trội, đột phá liên tục; chuyển hóa thế trận linh hoạt, xử lý kịp thời các tình huống trong tác chiến. Theo đó, để đảm bảo chắc thắng, ta sử dụng lực lượng bộ binh nhiều hơn địch gấp ba lần2 và tập trung lực lượng pháo binh hơn hẳn địch, liên tục dùng những đòn hỏa lực bão táp, kịp thời điều đại đội tên lửa B72 bước vào chiến đấu, nhanh chóng tiêu diệt các ụ súng, lô cốt, hỏa điểm ở khu vực đầu cầu, chi viện hiệu quả cho bộ binh phát triển chiến đấu, giành thắng lợi.
Trước diễn biến mau lẹ của tình hình, để đánh bại các thủ đoạn tác chiến của địch, ta chuyển hóa thế trận kịp thời, luôn giành và giữ quyền chủ động tiến công. Trong đợt 1 và 2 của trận đánh, do ta lựa chọn cách đánh chưa phù hợp, xác định hướng tiến công chủ yếu chưa chính xác (tiến công vào tiền đồn B và Khu biệt động là nơi phòng ngự vững chắc nhất của địch) nên hiệu suất chiến đấu chưa cao. Nắm chắc diễn biến chiến đấu, Bộ Tư lệnh Chiến dịch kịp thời điều chỉnh lực lượng, phương tiện, xác định lại cách đánh, chia làm bốn bước tiến công: bước một, tiêu diệt địch ở đồn Hà Tân và tiền đồn C; bước hai, tiêu diệt địch ở chi khu và Đồn bảo an; bước ba, tiêu diệt địch ở quận lỵ; bước bốn, tiêu diệt lực lượng địch còn lại ở Hà Tân. Quá trình chiến đấu, ta kịp thời điều chỉnh quyết tâm, chuyển hướng tiến công thứ yếu thành hướng tiến công chủ yếu; chuyển từ đánh mạnh, dứt điểm nhanh sang đánh chắc, tiến chắc; từ hình thức vận động tiến công sang vây lấn kết hợp đánh địch co cụm theo phương pháp tiến công lần lượt. Cùng với đó, ta kịp thời điều chỉnh hỏa lực, nhanh chóng di chuyển trận địa pháo 85mm từ Điểm cao 118 lên Điểm cao 296 (cách vị trí địch khoảng 01km) - “lên cao, vào gần, bắn thẳng”, bắn phá trực tiếp công sự, trận địa địch, chi viện hiệu quả cho bộ binh tiến công, làm cho chúng không kịp trở tay, dẫn đến thất bại. Kết quả, mặc dù địch dựa vào hệ thống công sự, trận địa chống trả rất quyết liệt, nhưng bằng sức mạnh tiến công hiệp đồng binh chủng, chuyển hóa thế trận linh hoạt, kịp thời, ta đã san phẳng Chi khu quận lỵ Thượng Đức và đánh bại những nỗ lực cao nhất của địch hòng tái chiếm lại căn cứ quan trọng này.
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong khu vực tác chiến, phát huy sức mạnh tổng hợp để tiến công địch. Trận tiến công Thượng Đức có nhiều thành phần, lực lượng tham gia, nên việc phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, lực lượng được Bộ Tư lệnh Chiến dịch chú trọng ngay từ đầu và suốt quá trình tác chiến, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp tiến công địch. Khi tiến công vào Thượng Đức, các đơn vị chủ lực phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương nhằm tạo lập thế trận hiểm sắc ngay từ đầu, nhanh chóng hình thành thế bao vây, chia cắt, cô lập Thượng Đức với Đà Nẵng và các cụm cứ điểm khác. Thực hiện ý định đó, Tiểu đoàn Pháo binh 575 của Tỉnh sử dụng pháo ĐKB tập kích hỏa lực vào sân bay Đà Nẵng, phá hủy 11 máy bay; Tiểu đoàn 2 địa phương vây ép đồn Kiến Thiết, xã Điện An, quần chúng nổi dậy phá khu dồn dân, đập tan ngụy quyền và bọn tề điệp, ác ôn ở nhiều địa phương. Tại Quảng Nam, Tiểu đoàn 10 và Tiểu đoàn 74 địa phương đánh chiếm Gia Mốc Xa, Hòn Giang, Hòn Đụn...; du kích xã Sơn Thắng và Sơn Long tiến công trung đội dân vệ địch; công binh huyện Quế Sơn đánh sập cầu Xuân Phước,... biến quân địch ở Thượng Đức rơi vào thế bị cô lập, bị động, lúng túng đối phó, dẫn đến thất bại. Để gia tăng sức mạnh, lực lượng phòng không, pháo binh hiệp đồng chặt chẽ, chi viện hiệu quả cho Sư đoàn 304 kịp thời cơ động lực lượng, triển khai đội hình, phát triển chiến đấu trên các hướng, kết quả ta bắn rơi 13 máy bay, bắn cháy 03 xe M113 và tiêu diệt nhiều hỏa điểm, lô cốt địch. Như vậy, nhờ phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các thành phần lực lượng trong khu vực tác chiến, ta đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, vượt trội, nhanh chóng tạo lập thế trận có lợi ngay từ đầu, liên tục tiến công, kịp thời đánh bại các thủ đoạn tác chiến của địch, giành thắng lợi.
Trận then chốt quyết định giải phóng chi khu quận lỵ Thượng Đức đã góp phần vào thắng lợi chung của toàn Chiến dịch, đập tan tuyến phòng thủ quan trọng của chúng ở Tây Nam Đà Nẵng, lập thế và tạo lực mới cho ta ở địa bàn Khu 5. Những bài học kinh nghiệm quý về nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định chiến dịch được rút ra từ thắng lợi này vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Thượng tá, TS. NGUYỄN VĂN PHÚC, Trường Sĩ quan Lục quân 1 _________________
1 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam – Tổng kết những trận then chốt chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb QĐND, H. 2011, tr. 828.
2 - Sư đoàn 304 được tăng cường Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324), 02 tiểu đoàn địa phương Quảng Đà, 02 tiểu đoàn công binh.
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định,Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974,lựa chọn đúng mục tiêu,tập trung ưu thế
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch Phước Bình - Bù Đốp năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh 22/01/2024
Nghệ thuật tạo lập và chuyển hóa thế trận trong Chiến dịch giải phóng Lai Châu năm 1953 14/12/2023
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào