Thứ Năm, 21/11/2024, 00:31 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tổ chức sử dụng lực lượng là một trong những nhân tố quan trọng, nhằm tạo sức mạnh, giành thắng lợi cho từng trận đánh, chiến dịch,... và cả cuộc chiến tranh. Trong Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972, việc tổ chức sử dụng lực lượng đã trở thành nét nghệ thuật đặc sắc, góp phần đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công quy mô lớn mang tính chiến lược của địch, tạo cục diện mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sau khi bị đánh bật ra khỏi Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, từ giữa tháng 4/1972, địch gấp rút tăng cường lực lượng1, tổ chức thay phiên các binh đoàn của Vàng Pao (đã bị thiệt hại nặng) hòng tái chiếm khu vực chiến lược quan trọng đã mất ngay trong mùa mưa. Thực hiện mưu đồ đó, để làm bàn đạp tiến công, địch hình thành 04 khu vực xung quanh Cánh đồng Chum gồm: Sảm Thông - Loong Chẹn; Buôn Lọng; Tôm Tiêng - Pha Đông và Sa La Phu Khun.
Về phía ta, ngay khi kết thúc Chiến dịch tiến công giải phóng Cánh đồng Chum và tiến sâu vào khu vực Sảm Thông - Loong Chẹn, thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, các đơn vị đã chủ động phối hợp chặt chẽ với bộ đội Pa-thét Lào nhanh chóng chuyển vào phòng ngự, hình thành Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, sẵn sàng đánh bại các cuộc tiến công lấn chiếm của địch trong mùa mưa, giữ thế chiến lược ở Bắc Lào; đồng thời, bảo vệ vững chắc sườn phải cho cuộc tiến công chiến lược ở Tây Nguyên và Trị - Thiên. Với tư tưởng tích cực, chủ động, kiên cường, vững chắc, các đơn vị chủ lực của ta và Bạn đã tổ chức hàng trăm trận đánh với nhiều quy mô, lực lượng và hình thức chiến thuật khác nhau, bẻ gãy các đợt tiến công quy mô lớn của địch, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực của chúng2, giữ vững địa bàn chiến lược Cánh đồng Chum, tạo thế liên hoàn, vững chắc giữa các vùng giải phóng trọng yếu của ta và Bạn. Thắng lợi quan trọng này đã đánh bại thêm một bước học thuyết Nixon ở Lào, làm phá sản công thức “Quân ngụy Lào + quân đánh thuê Thái Lan + yểm trợ tối đa của không quân và hậu cần Mỹ”; đánh dấu bước phát triển vượt bậc của nghệ thuật chiến dịch phòng ngự với những nét đặc sắc về nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng.
Một là, tập trung lực lượng cho khu vực, hướng phòng ngự chủ yếu. Sau khi nhận lệnh chuyển vào phòng ngự, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá tình hình các mặt, nhất là địa bàn khu vực tứ giác: Mường Sủi - Nọng Pẹt - thị xã Xiêng Khoảng - Thẩm Lửng, với vị trí trung tâm là Cánh đồng Chum, Bộ Tư lệnh Chiến dịch tổ chức lực lượng phòng ngự theo khu vực. Trong đó, tập trung 02 trung đoàn bộ binh (Trung đoàn 164 và 866), 1/3 lực lượng xe tăng, thiết giáp, 1/4 lực lượng pháo binh của Chiến dịch, xây dựng các điểm tựa và cụm điểm tựa phòng ngự vững chắc, liên hoàn ở khu vực phòng ngự chủ yếu - trung tâm Cánh đồng Chum. Đồng thời, điều Trung đoàn 174 (thay thế Trung đoàn 335) và 01 đại đội pháo xe kéo, 01 tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7mm (thiếu) ra ngăn chặn địch ở Hin Tặng, tạo thành “vỏ bọc cứng” chủ động đánh địch từ sớm, từ xa ở khu vực tác chiến vòng ngoài trên hướng chủ yếu (điều chưa từng có trong phòng ngự trận địa trước đây). Đây là sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn, là nét nổi bật về sử dụng lực lượng của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, bởi nếu vẫn sử dụng lực lượng theo kiểu “dàn đều” như phòng ngự trận địa cấp chiến thuật trước đây thì rất khó tập trung được ưu thế sức mạnh trên từng hướng, khu vực hoặc tại những thời điểm quan trọng có ý nghĩa quyết định trong điều kiện khu vực phòng ngự rộng, ít dân, lực lượng có hạn, ta mới chuyển vào phòng ngự, địch tiến công từ nhiều hướng, với quân số đông và được sự chi viện mạnh của hỏa lực pháo binh, không quân, v.v.
Vì vậy, mặc dù có thời điểm địch tập trung đến 40 tiểu đoàn, tiến công dồn dập từ nhiều hướng, thậm chí liên tục chuyển hướng tiến công chủ yếu từ Tây Bắc (Đợt 02) sang hướng Tây (Đợt 03) và hướng Nam (Đợt 04) vào khu vực phòng ngự chủ yếu của ta, nhưng với nghệ thuật sử dụng lực lượng tập trung, bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, ta đã nhanh chóng bẻ gãy các đợt tiến công quy mô lớn, giáng cho chúng những đòn chí mạng, giữ vững khu trung tâm Cánh đồng Chum trong thời gian dài, tạo thế và thời cơ có lợi cho lực lượng phòng ngự cơ động đánh những đòn quyết định, kết thúc Chiến dịch.
Hai là, tổ chức lực lượng cơ động mạnh, linh hoạt, thực hành phản kích và phản đột kích đạt hiệu suất chiến đấu cao. Trước sức mạnh vượt trội về quân số, hỏa lực và phương tiện chiến đấu của địch, trong Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, lần đầu tiên ta sử dụng lực lượng có 02 thành phần cơ bản là lực lượng phòng ngự tại chỗ và lực lượng cơ động đánh địch trên các hướng; trong đó, lực lượng cơ động được tổ chức mạnh, linh hoạt và sáng tạo ngay từ đầu, thể hiện rất rõ tư tưởng “tích cực tiến công trong phòng ngự” - một hình thức tổ chức lực lượng phòng ngự tích cực. Đây là nét đặc sắc trong nghệ thuật sử dụng lực lượng, bởi lẽ ngay từ đầu, thay vì sử dụng 3/4 lực lượng phòng ngự, 1/4 lực lượng làm dự bị như phòng ngự trận địa thông thường trước đây, ta đã mạnh dạn dùng 1/2 lực lượng bộ binh (02 trung đoàn) và 2/3 xe tăng, 3/4 pháo binh của Chiến dịch làm nhiệm vụ cơ động, tạo thành những “quả đấm mạnh”, chuyển hóa thế trận linh hoạt, kịp thời tiến hành các trận đột kích và phản đột kích mạnh vào đội hình địch tiến công, đập tan lực lượng chủ yếu của chúng. Với cách sử dụng linh hoạt như vậy, trong toàn Chiến dịch ta thường xuyên có 8/14 tiểu đoàn (chiếm 57%) làm nhiệm vụ cơ động và lực lượng này được phân bố đều ở cả cấp chiến dịch cũng như chiến thuật. Nhờ đó, khi địch ồ ạt tiến công vào trung tâm Cánh Đồng Chum từ nhiều hướng, ta luôn có lực lượng cơ động đủ mạnh để thực hành các trận phản kích, phản đột kích then chốt, then chốt quyết định, giành thắng lợi với hiệu suất chiến đấu cao.
Thực tiễn cho thấy, trong Đợt 02 của Chiến dịch, Trung đoàn 335 đã hiệp đồng chặt chẽ với 02 tiểu đoàn của Bạn, lực lượng phòng ngự tại chỗ của Trung đoàn 866, lực lượng xe tăng, pháo binh Chiến dịch, bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, tiến hành phản đột kích (trận then chốt Chiến dịch) vào quân địch ở Phu Keng, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Đặc biệt, khi được Bộ tăng cường Trung đoàn 88 (tháng 10/1972), Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định tăng cường cho lực lượng cơ động, nâng tỷ lệ lực lượng cơ động lên gần 65% (chiếm gần 2/3 lực lượng Chiến dịch). Vì vậy, khi địch huy động một lực lượng rất lớn chuyển hướng tiến công chủ yếu vào Nam Cánh đồng Chum, ta đã khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập về sử dụng lực lượng trong thời gian trước đó, kịp thời tập trung lực lượng cơ động mạnh quy mô tương đương cấp sư đoàn để tiến hành trận phản đột kích lớn nhất - trận then chốt quyết định của Chiến dịch, đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công với quy mô lớn của địch, kết thúc thắng lợi Chiến dịch.
Ba là, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội Pa-thét Lào, tạo sức mạnh tổng hợp, bẻ gãy các đợt tiến công của địch. Thấy rõ vị trí chiến lược của Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng trong thực hiện các ý đồ tác chiến trên chiến trường Đông Dương, địch huy động lớn lực lượng, phương tiện, hỏa lực hòng đánh bật ta ra khỏi khu vực phòng ngự bằng mọi giá. Trước sức mạnh của địch, Quân ủy Trung ương đã chủ trương phối hợp chặt chẽ với Bạn huy động lực lượng khá lớn3, gồm những đơn vị xuất sắc, có nhiều kinh nghiệm tác chiến và rất thông thạo địa bàn để cùng tham gia Chiến dịch. Để phát huy hết khả năng, kinh nghiệm, sở trường của các lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp đánh bại địch tiến công với quy mô lớn, công tác phối hợp, hiệp đồng giữa ta với Bạn luôn được Bộ Tư lệnh Chiến dịch chú trọng và tổ chức chặt chẽ ngay từ đầu. Theo đó, thực hiện Quyết tâm của Tư lệnh Chiến dịch, ta với Bạn thống nhất sử dụng lực lượng tại chỗ của Bạn luồn sâu nắm tình hình mọi mặt từ khi địch chuẩn bị tiến công, làm cơ sở để chuẩn bị lực lượng đánh địch trên các hướng; phân chia cụ thể các khu vực đảm nhiệm; trong đó, ta chịu trách nhiệm chính ở trung tâm Cánh đồng Chum, khu trung gian, Nọng Pẹt; Bạn phụ trách khu vực tác chiến phối hợp ở Xiêng Khoảng và Mường Sủi. Trong quá trình tác chiến, trường hợp địch tiến công đường bộ hoặc đổ bộ đường không vào nơi tiếp giáp thì hai bên sẽ phối hợp đánh địch theo hiệp đồng; trường hợp Bạn bị uy hiếp, theo phương án Chiến dịch, ta sẵn sàng sử dụng lực lượng cơ động để xử trí tình huống hoặc tăng cường cho các khu vực phòng ngự của Bạn. Đây là một điểm sáng trong nghệ thuật sử dụng lực lượng của Chiến dịch, thể hiện sự thống nhất cao, tình đoàn kết, hữu nghị, luôn kề vai, sát cánh bên nhau, liên minh chiến đấu đặc biệt của lực lượng vũ trang hai nước. Bằng cách tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, các lực lượng của ta và Bạn đã tạo nên thế trận phòng ngự liên hoàn, vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, luôn giữ được thế chủ động đánh địch trên các hướng, vừa tiện bọc lót, chi viện, hỗ trợ lẫn nhau, vừa thuận lợi cho chỉ huy, hiệp đồng cũng như phát huy tốt sở trường của từng lực lượng trong suốt quá trình tác chiến, tạo sức mạnh tổng hợp, bẻ gãy các đợt tiến công của địch, giữ vững trận địa.
Thực tiễn cho thấy, nhờ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bạn, quá trình tác chiến, cùng với ngăn chặn địch hiệu quả địch tiến công trên các hướng, Chiến dịch có điều kiện tập trung lực lượng thực hiện thắng lợi 03 trận then chốt, giữ vững khu vực phòng ngự được giao. Điển hình như trong Đợt 4, khi địch điều thêm 04 binh đoàn cơ động (GM21, 26, 30 và 32), 02 tiểu đoàn Thái Lan, 02 đại đội pháo binh,… phối hợp với lực lượng tại chỗ (02 GM) chuyển hướng tiến công chủ yếu vào Nam Cánh đồng Chum, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã nhanh chóng điều chỉnh quyết tâm, sử dụng lực lượng ta với Bạn phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng theo Quyết tâm của Tư lệnh Chiến dịch, kịp thời ngăn chặn địch trên Đường 7A và khu vực Mường Sủi, đánh thiệt hại nặng lực lượng chủ yếu (GM23) của địch ở Nam Cánh đồng Chum, kết thúc thắng lợi trận then chốt quyết định Chiến dịch.
Thắng lợi của Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của bộ đội ta và Bạn cả về thực tiễn và lý luận chiến dịch phòng ngự. Những kinh nghiệm quý được rút ra từ Chiến dịch, nhất là nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá, TS. BÙI THANH ĐÀM, Trường Sĩ quan Lục quân 2 ____________________
1 - Địch có 76 tiểu đoàn bộ binh, 03 tiểu đoàn pháo binh, 02 phi đội máy bay T82 gồm 09 chiếc.
2 - Loại khỏi vòng chiến đấu gần 06 vạn tên, đánh thiệt hại nặng 03 GM (21, 23 và 26) Vàng Pao, 03 tiểu đoàn quân Thái Lan và 05 GM khác (15, 22, 24, 30, 32), bắn rơi 38 máy bay và thu nhiều vũ khí các loại.
3 - Lực lượng Bạn gồm: 07 tiểu đoàn chủ lực, 01 đại đội xe tăng, 02 đại đội pháo binh, 02 đại đội súng máy phòng không, 01 đại đội công binh và 04 đại đội bộ đội địa phương.
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972,nét đặc sắc,nghệ thuật sử dụng lực lượng,phòng ngự theo khu vực
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch Phước Bình - Bù Đốp năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh 22/01/2024
Nghệ thuật tạo lập và chuyển hóa thế trận trong Chiến dịch giải phóng Lai Châu năm 1953 14/12/2023
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào