Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Sáu, 27/09/2024, 15:20 (GMT+7)
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969

Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập là chiến dịch tiến công quy mô nhỏ trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Mặc dù công tác bảo đảm khó khăn, nhưng nhờ vận dụng sáng tạo nghệ thuật “đánh điểm, diệt viện” độc đáo, Chiến dịch đã đạt hiệu suất chiến đấu cao, góp phần làm thất bại âm mưu của địch dùng chủ lực ngụy quân Sài Gòn thay thế cho quân Mỹ trên chiến trường.

Sau thất bại Xuân - Hè 1969, để đối phó với các hoạt động tác chiến của ta, trên địa bàn Tây Nguyên, địch tăng cường phòng ngự và bố trí lực lượng cơ động dọc theo Đường số 14, giáp biên giới Việt Nam - Campuchia, nhằm khống chế các vị trí trọng yếu, tuyến đường giao thông huyết mạch, ngăn chặn và phá thế chuẩn bị tiến công của ta. Thực hiện mưu đồ đó, ở khu vực Bu Prăng - Đức Lập, địch tập trung lực lượng1, phương tiện, nhằm biến nơi đây thành tiền duyên vững chắc, “vỏ bọc cứng” vành ngoài bảo vệ Buôn Ma Thuột từ xa; đồng thời, là căn cứ xuất phát hành quân của quân Mỹ, ngụy thực hiện các trận càn quét, đánh phá, hòng cắt đứt tuyến hành lang vận chuyển chiến lược của ta chi viện cho chiến trường miền Nam đi qua địa bàn Tây Nguyên.

Lực lượng xe tăng của Mặt trận Tây Nguyên tham gia chiến dịch năm 1972. Ảnh tư liệu

Về phía ta, sau Chiến dịch Hè 1969, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (Mặt trận B3) tập trung củng cố, xây dựng lực lượng chủ lực cơ động nhằm chuẩn bị cho hoạt động tác chiến trên các địa bàn trọng yếu. Để đánh bại chiến lược “quét và giữ”, phá kế hoạch “bình định cấp tốc” của địch, Bộ Tư lệnh Mặt trận B3 quyết định mở Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập. Mặc dù điều kiện địa bàn Chiến dịch rộng, xa hậu phương, công tác bảo đảm khó khăn, lực lượng địch phòng ngự trong các cứ điểm tương đối vững chắc, được hỏa lực không quân, pháo binh chi viện mạnh, nhưng với quyết tâm chiến đấu cao, vận dụng phương pháp tác chiến chiến dịch phù hợp, ta đã giáng cho địch một đòn chí mạng. Ta đã tiêu diệt lớn lực lượng cơ động chiến lược, phá hủy phương tiện chiến tranh, cơ sở vật chất, phá vỡ thế trận phòng thủ từ xa của địch, góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đập tan mưu đồ của Mỹ vực lại quân ngụy Sài Gòn trên chiến trường Tây Nguyên. Chiến dịch để lại nhiều bài học có giá trị về nghệ thuật tác chiến chiến dịch; trong đó, nghệ thuật “đánh điểm, diệt viện” là nét nổi bật.

Thứ nhất, lựa chọn mục tiêu đánh điểm chính xác. Để đánh điểm, diệt viện đạt hiệu quả cao, vấn đề chọn khu vực, mục tiêu khêu ngòi và vận dụng chiến thuật phù hợp với khả năng tác chiến, phát huy sở trường của ta là hết sức quan trọng. Với chủ trương “chú trọng vây, phá điểm để diệt viện, đánh địch ngoài công sự là chính”, Bộ Tư lệnh Chiến dịch xác định tổ chức vây điểm và tiến công vào các mục tiêu quan trọng trong hệ thống phòng thủ, buộc địch phải điều động lực lượng ứng cứu, giải tỏa để ta thực hiện các trận tiến công tiêu diệt địch ngoài công sự. Vì vậy, trong Đợt 01 của Chiến dịch, để bảo đảm chắc thắng cho trận mở đầu, ta chọn cứ điểm Ka Te làm mục tiêu “đánh điểm” để khêu ngòi. Đây là sự lựa chọn chính xác, thể hiện tư duy sáng tạo, khả năng nghiên cứu, đánh giá sát đúng tình hình mọi mặt của Bộ Tư lệnh Chiến dịch. Bởi vì, Ka Te là “mắt xích” quan trọng trong hệ thống phòng ngự liên hoàn của địch, là cửa ngõ phía Đông bảo vệ căn cứ quân sự Bu Prăng, án ngữ ngã ba Đường số 14 từ Gia Nghĩa đi Đức Lập và hướng đi về biên giới Campuchia. Đây là căn cứ hỗn hợp bộ binh, pháo binh, nằm trong khu vực Điểm cao 936, nhất là tại đây có trận địa pháo binh của quân Mỹ để yểm trợ hỏa lực cho các hoạt động của chúng trong khu vực tác chiến. Nếu mất Ka Te, địch sẽ mất chỗ dựa hỏa lực, ý định thực hiện các cuộc hành quân càn quét hoặc ngăn chặn ta tiến công từ xa gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đây là cứ điểm địch phải giữ bằng mọi giá, nếu ta tiến công Ka Te, nhất định địch phải tổ chức lực lượng ứng cứu, giải tỏa ngay. Mặt khác, qua nghiên cứu, Ka Te là cứ điểm địch mới tổ chức phòng ngự, nên hệ thống công sự, trận địa chưa được xây dựng kiên cố, vững chắc, hệ thống vật cản bố trí có nhiều sơ hở, nếu ta bí mật, bất ngờ bao vây, tiến công, địch sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt, bảo đảm chắc thắng cho trận mở đầu. Nhờ xác định đúng mục tiêu đánh điểm, nên khi Trung đoàn 66 của ta vây ép, pháo binh tập kích hỏa lực phá hủy các mục tiêu bên trong cứ điểm Ka Te, địch hốt hoảng sử dụng 02 tiểu đoàn biệt kích đổ bộ đường không để ứng cứu, giải tỏa, nhanh chóng rơi vào thế trận đã chuẩn bị sẵn của ta, bị thiệt hại nặng nề. Tận dụng thế trận có lợi tạo ra, Trung đoàn 66 tiếp tục vây lấn, đưa bộ binh vào sát Điểm cao 936, sử dụng hỏa lực diệt tăng tiêu diệt các hỏa điểm của địch, kết hợp với pháo cao xạ khống chế máy bay, triệt đường tiếp tế bằng hàng không, triệt nguồn nước. Vì vậy, quân địch trong điểm cao trở nên hoảng loạn, nhanh chóng tan rã, ta làm chủ hoàn toàn cứ điểm, trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao.

Hai là, tổ chức, sử dụng lực lượng hợp lý, tạo sức mạnh tổng hợp, giành thắng lợi. Trước sức mạnh vượt trội về binh lực, hỏa lực và khả năng cơ động bằng cả đường không và đường bộ của địch, để bảo đảm chắc thắng từng trận đánh, cắt đứt từng mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng ngự của địch, ta đã tổ chức, sử dụng lực lượng phù hợp cho từng trận đánh, đợt chiến dịch, phát huy khả năng sở trường của các đơn vị, tạo sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi.

Trước khi Chiến dịch diễn ra, để tạo lập thế trận đánh địch rộng khắp, ta sử dụng lực lượng chủ lực đứng chân trên địa bàn và bộ đội địa phương tiến công thị xã Kon Tum, Pleiku, Buôn Ma Thuột và Phú Bổn; tổ chức phục kích đoàn xe vận tải của Sư đoàn 25 quân ngụy Sài Gòn lên ứng cứu cho Đức Lập; trụ bám vận động quần chúng tiến công thị xã Gia Nghĩa, phá ấp chiến lược dọc Đường số 14,... để nghi binh, lừa dụ, thu hút sự chú ý của địch, tạo bí mật, bất ngờ cho hướng tiến công chủ yếu. Nhờ vậy, ta đã phá vỡ thế trận, căng kéo, phân tán sự đối phó của chúng, tạo điều kiện cho lực lượng trên hướng chủ yếu tập trung tiến công tiêu diệt địch.

Qua trinh sát, nghiên cứu đánh giá về địch, ta xác định lực lượng địch ở căn cứ Ka Te chỉ bố trí 01 trận địa pháo binh và 03 đại đội bộ binh, đây là mắt xích quan trọng trên Đường 14 từ Đức Lập đi Gia Nghĩa nhưng lực lượng ít, mới chuyển vào phòng ngự nên hệ thống công sự, trận địa chưa kiên cố. Vì vậy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ sử dụng một bộ phận bộ binh của Trung đoàn 66 tiến hành vây ép kết hợp sử dụng pháo binh tập kích hỏa lực, phá hủy sở chỉ huy, công sự trận địa, kho đạn, phương tiện chiến đấu, khống chế máy bay, cắt đứt đường tiếp tế của địch, tạo áp lực “đủ lớn” để “khêu ngòi” buộc địch phải ứng cứu, giải tỏa. Lực lượng chủ yếu của Trung đoàn 66 lợi dụng địa hình có lợi, tạo lập thế trận vững chắc ở xung quanh cứ điểm Ka Te, thực hiện tiêu diệt địch ngoài công sự là chủ yếu. Vì thế, khi 02 tiểu đoàn biệt kích của địch ứng cứu giải tỏa bằng đổ bộ đường không đã nhanh chóng bị Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 66) tiến công, tiêu diệt; lực lượng địch bên trong cứ điểm ngày càng bị vây chặt, rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, hoang mang cực độ, hoảng loạn rút chạy, bị ta truy kích tiêu diệt.

Cùng với sử dụng lực lượng đánh trận khêu ngòi hợp lý, ta còn tập trung ưu thế lực lượng, phương tiện, tạo sức mạnh vượt trội, hơn hẳn địch cho trận then chốt quyết định. Theo đó, trong Đợt 03 của Chiến dịch, ta tập trung lực lượng lớn trên hướng tiến công chủ yếu, bao gồm: Trung đoàn 66, Tiểu đoàn đặc công 37, Đại đội đặc công 60, pháo binh,… liên tục tiến công, tập kích hỏa lực phá hủy căn cứ Bu Prăng, đánh thiệt hại nặng Chiến đoàn 53 của địch, thực hiện thắng lợi trận then chốt quyết định, kết thúc thắng lợi Chiến dịch.

Ba là, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu. Trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập, ta luôn nắm chắc tình hình, vận dụng sáng tạo các hình thức chiến thuật, kết hợp chặt chẽ các thủ đoạn chiến đấu, phù hợp với từng đối tượng địch và điều kiện địa hình, phát huy cách đánh sở trường của từng lực lượng, chuyển hóa thế trận linh hoạt để giành thắng lợi.

Đối với các trận đánh khêu ngòi, trong Đợt 01 ta sử dụng lực lượng đặc công tập kích tiêu diệt gọn tiền đồn bảo an ở Bắc Đức Lập, sử dụng pháo binh tập kích hỏa lực, dội những đòn hỏa lực bão táp xuống Điểm cao 936, gây cho địch những thiệt hại nặng nề. Tận dụng kết quả có lợi, bộ binh tiến công địch trong công sự, khép chặt vòng vây cứ điểm Ka Te chứ không đánh tiêu diệt ngay, buộc địch phải sử dụng 02 tiểu đoàn biệt kích ứng cứu, giải tỏa. Khi địch tăng viện, ứng cứu, giải tỏa, dựa vào thế trận đã chuẩn bị sẵn và địa hình có lợi, ta liên tục tập kích vào đội hình đổ bộ đường không còn đứng chân chưa vững, bí mật phục kích địch cơ động ứng cứu giải tỏa cho lực lượng đang bị ta bao vây. Thực tiễn Chiến dịch cho thấy, khi ta vây ép mạnh Đức Lập, địch vội vã đưa Tiểu đoàn 22 biệt động quân xuống Bắc Đắk Song và tung Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 53 cơ động theo Đường số 14 ứng cứu, giải tỏa. Khi đã “điều dụ địch” hành động theo ý định của ta, với thế trận “giăng sẵn”, Trung đoàn 66 và Trung đoàn 28 của ta liên tục tập kích và phục kích, cả phía trước và phía sau đội hình cơ động của địch, gây thiệt hại lớn, ý đồ cứu viện cho Đức Lập của chúng bị phá sản hoàn toàn.

Để đạt hiệu suất chiến đấu cao, ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo các thủ đoạn chiến đấu theo từng trận đánh, tình huống cụ thể. Trong trận đánh cứ điểm Ka Te, ta đã kết hợp bao vây với tập kích hỏa lực, đột phá, thọc sâu. Do đó, chỉ trong thời gian ngắn liên tục vây ép, tiến công, ta loại khỏi vòng chiến đấu gần 200 tên, bắn rơi 14 máy bay, phá hủy nhiều phương tiện chiến đấu của địch. Trong các trận đánh địch ứng cứu giải tỏa, ta đã vận dụng chiến thuật chốt chặn, bao vây, đột phá, thọc sâu để tiêu diệt địch. Trong Đợt 03 của Chiến dịch, sau khi Chiến đoàn 220 bị ta đánh thiệt hại nặng, không thực hiện được ý định giải tỏa cho Bu Prăng, địch đưa Chiến đoàn 53 lên thay thế nhưng bị ta ngăn chặn, tập kích, phục kích đánh thiệt hại nặng. Khi địch co về cố thủ ở căn cứ Bu Prăng, ta đã tổ chức tiến công dồn dập bằng hỏa lực, vây chặt quân địch trong cứ điểm, sử dụng đặc công thọc sâu tập kích Sở Chỉ huy Chiến đoàn 53, kết hợp các trận tiến công, liên tục đột phá của bộ binh, ta đã “đập tan” căn cứ Bu Prăng, đây là trận then chốt quyết định, kết thúc thắng lợi Chiến dịch.

Thắng lợi của chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập đã phá vỡ hệ thống phòng ngự của địch trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, lập thế, tạo lực có lợi, mở ra khả năng có thể sử dụng lực lượng lớn hơn để giải phóng địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ Chiến dịch, đặc biệt là nghệ thuật “đánh điểm, diệt viện” cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, TS. NGUYỄN ĐỨC SAO, Trường Sĩ quan Lục quân 1
______________________
        

1 - Địch sử dụng 11 tiểu đoàn (03 tiểu đoàn quân Mỹ, 08 tiểu đoàn tinh nhuệ của quân đội Sài Gòn) để bảo vệ Bu Prăng - Đức Lập, ngoài ra còn có 03 tiểu đoàn cơ động biệt kích thường xuyên hoạt động trong khu vực.

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.