QPTD -Thứ Hai, 13/08/2018, 09:43 (GMT+7)
Sức mạnh toàn dân tộc - nhìn từ cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân ta nửa cuối Thế kỷ XIX

Nằm ở phía Đông bán đảo Đông Dương, tiếp giáp Biển Đông với hơn 3.260 km bờ biển,… Việt Nam có vị trí địa, chính trị quan trọng, nên luôn thu hút sự quan tâm, nhòm ngó của các thế lực bên ngoài. Hơn thế nữa, nước ta lại nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, bên cạnh những thuận lợi cũng phải gồng mình đương đầu với sự tàn phá của nhiều loại hình thiên tai. Chính vì lẽ đó, ngay từ rất sớm, người Việt Nam luôn có ý thức cố kết cộng đồng, tạo sức mạnh toàn dân tộc để chiến thắng thiên tai, giặc giã, tạo nên truyền thống cực kỳ quý báu trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trong dòng chảy ấy, việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc, chống lại cuộc xâm lược của thực dân Pháp vào nửa cuối thế kỷ XIX là một điển hình của lịch sử đất nước ta.

Thực hiện âm mưu thôn tính Việt Nam, ngày 01-9-1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha với 17 chiến thuyền và gần 2.500 quân đã nổ súng tiến công vào Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Với một lực lượng mạnh, thực dân Pháp chủ trương và hy vọng đánh nhanh, thắng nhanh, buộc triều đình nhà Nguyễn phải đầu hàng vô điều kiện. Một lần nữa, dân tộc ta lại phải đương đầu với thế lực ngoại xâm hùng mạnh. Nhưng khác với các cuộc đấu tranh giữ nước trước đây, kẻ thù của nhân dân ta lần này tới từ phương Tây, có tiềm lực kinh tế, quân sự và phương tiện chiến tranh hơn ta gấp nhiều lần. Tuy vậy, dưới sự chỉ huy của danh tướng Nguyễn Tri Phương, quân và dân Quảng Nam đã làm tốt công tác chuẩn bị, tổ chức rào làng, đắp ụ, dùng sọt tre, thùng gỗ chứa đất đá lấp dòng sông Vĩnh Điện,... để chặn đường tiến công của địch. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, đồng tâm, nhất trí, anh dũng chiến đấu, ta đã kìm chân địch suốt 5 tháng liền, khiến cho mưu đồ nhanh chóng đánh chiếm Đà Nẵng1, làm bàn đạp tiến vào kinh đô Huế của chúng bị phá sản. Trước tình hình đó, chúng đã chuyển hướng tiến công, đưa quân đánh chiếm Nam Bộ để từng bước đánh chiếm toàn bộ nước ta. Tại đây, tuy chiếm được thành Gia Định, nhưng thực dân Pháp không bình định được nông thôn, không thể khuất phục nhân dân Việt Nam, chúng luôn phải đối mặt với những “trung tâm kháng chiến ở khắp mọi nơi, chia nhỏ ra vô cùng, hầu như có bao nhiêu người An Nam thì có bấy nhiêu trung tâm kháng chiến”2. Bằng hình thức đấu tranh vũ trang là chủ yếu, với mọi thứ vũ khí có trong tay, nhân dân miền Nam đã đoàn kết, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, sáng tạo trong chiến đấu, quyết tử vì nền độc lập của dân tộc, đẩy quân Pháp vào thế bất lợi, khiến cho Giờ-nu-ly (Genouily) - viên chỉ huy trực tiếp cuộc xâm lược đã phải thốt lên “Cuộc chiến tranh ở nước này còn khó hơn cuộc chiến tranh chống vương quốc Trung Hoa”3. Chính tinh thần yêu nước, ý chí giữ vững độc lập, tự do là cội nguồn sức mạnh, làm thất bại âm mưu nhanh chóng xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp.

Trước sự xâm lăng của địch, triều đình nhà Nguyễn không những không dốc sức cùng toàn dân đánh giặc, mà luôn mang nặng tư tưởng cầu hòa, nhượng bộ, từng bước đầu hàng giặc, khiến cho nhân dân phải tự mình đảm đương sự nghiệp cứu nước. Vì thế, mặc dù ngày 25-8-1883, nhà Nguyễn ký Hiệp ước Hác-măng, thừa nhận Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp, chấp nhận nền bảo hộ của Pháp ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ, nhưng nhân dân trên cả nước, nhất là quân và dân Bắc Kỳ vẫn nêu cao quyết tâm chiến đấu đến cùng, khiến quân Pháp phải thiết quân luật ở cả Hà Nội và các vùng lân cận.

Ngày 06-6-1884, Hiệp ước Pa-tơ-nốt được ký, đánh dấu sự đầu hàng của triều đình nhà Nguyễn cũng như sự sụp đổ của nhà nước phong kiến Việt Nam và nước ta trở thành thuộc địa của Pháp. Thế nhưng, bất chấp sức mạnh của địch và sự ươn hèn của triều đình Huế, hưởng ứng phong trào Cần Vương, nhân dân Việt Nam từ mọi miền Tổ quốc đã nhất tề đứng lên chống Pháp. Các văn thân, sĩ phu mặc dù xuất thân từ giai cấp phong kiến, nhưng không chấp nhận thái độ đầu hàng của nhà Nguyễn, họ quyết tâm đứng về phía nhân dân, cùng nhân dân chiến đấu và trở thành những người đại diện, lãnh đạo phong trào. Tin vào sức mạnh của nhân dân, dựa vào dân để đánh giặc; tin tưởng vào sức mạnh chính nghĩa của cuộc đấu tranh giữ nước là cơ sở quan trọng để các thủ lĩnh phong trào Cần Vương tập hợp lực lượng, tiến hành cuộc chiến đấu lâu dài, có quy mô sâu rộng trong cả nước, với sự tham gia của “hàng triệu quần chúng nhân dân trên cơ sở thống nhất giữa lòng yêu nước, đã một lòng đứng dậy chống giặc cứu nước”4. Trong phong trào này, nhân tài, vật lực lúc bấy giờ đã huy động tới mức cao nhất cho cuộc chiến chống quân xâm lược. Thực tế đã chứng minh, trong hơn 10 năm (từ 1885 đến 1895), trên đất nước Việt Nam, bất cứ ở nơi nào có thực dân Pháp xâm lược thì ở đó đều có sự nổi dậy của quần chúng nhân dân. Nghĩa quân Cần Vương đã lập nên nhiều chiến công oanh liệt ở Hương Khê, Ba Đình, Hùng Lĩnh, Bãi Sậy, v.v.

Cùng với phong trào Cần Vương, cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế, do thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám đứng đầu đã huy động được đông đảo lực lượng tham gia và luôn được nhân dân che chở, vì thế đã tạo nên cuộc khởi nghĩa lớn nhất, bền bỉ nhất trong phong trào đấu tranh vũ trang chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX. Nhưng do thiếu đường lối lãnh đạo đúng đắn, phương pháp khoa học, nên Hoàng Hoa Thám không phát triển được lực lượng, mở rộng địa bàn hoạt động, tăng cường sức mạnh để giành thắng lợi to lớn hơn. Bởi vậy, phong trào chỉ dừng lại ở cuộc khởi nghĩa cục bộ, bị thực dân Pháp bao vây, tiêu diệt. Mặc dù có lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần chiến đấu quật cường, nhưng các sĩ phu, văn thân đã không vượt qua được hạn chế về ý thức hệ phong kiến, không bắt kịp xu thế của thời đại, các cuộc khởi nghĩa không liên kết được với nhau để tạo sức mạnh to lớn của toàn dân tộc, thúc đẩy phong trào đi đến thắng lợi cuối cùng.

Như vậy, ngay từ khi thực dân Pháp phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhân dân ta từ Nam chí Bắc với quyết tâm một lòng đánh Pháp, cứu Tổ quốc, đã đứng lên kháng chiến. Kể cả khi triều đình bạc nhược, bất lực, quay lưng với lợi ích của quốc gia, dân tộc thì phong trào yêu nước chống Pháp vẫn tiếp tục phát triển trên khắp mọi miền đất nước. Các phong trào đó huy động được đông đảo nhân dân tham gia, tạo sức mạnh to lớn, làm thất bại hoàn toàn âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp. Thậm chí, kẻ xâm lược phải mất gần 4 thập kỷ (1858 - 1896) mới hoàn thành việc đánh chiếm và bình định Việt Nam với nhiều tổn thất về người và của. Sức mạnh của dân tộc được bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, ý chí giữ vững độc lập, tự do là nguyên nhân quan trọng để làm nên thắng lợi trên, khiến cho kẻ xâm lược phải thốt lên: nếu chiến tranh cứ tiếp tục theo kiểu này sẽ kéo dài hàng trăm năm. Lời nguyền đó đã vắt qua hai thế kỷ, các cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra khiến cho kế hoạch nhanh chóng bình định toàn cõi Việt Nam của thực dân Pháp thất bại. Tiếc rằng, triều đình nhà Nguyễn đã không nắm bắt cơ hội lãnh đạo, tập hợp nhân dân, huy động sức mạnh của toàn dân tộc để tiến hành cuộc kháng chiến vẻ vang, tô thắm truyền thống giữ nước của dân tộc. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta cuối thế kỷ XIX tuy đã tạo ra xung lực mạnh mẽ, nhưng đó cũng chỉ là những phong trào tự phát, thiếu sự tổ chức và lãnh đạo thống nhất nên chưa thúc đẩy, động viên và khai thác triệt để sức mạnh của dân tộc. Do vậy, dù đã viết nên những trang sử oanh liệt, nhưng không đi đến thành công, mà “chỉ có thể dấy lên rồi tắt, chính vì thiếu lực lượng lãnh đạo đủ năng lực”5. Đây chính là bài học sâu sắc về việc lãnh đạo, huy động sức mạnh toàn dân tộc cho sự nghiệp đấu tranh giữ nước.

Từ thất bại của các phong trào đấu tranh, nhà chí sĩ Phan Bội Châu nhận ra rằng: chừng nào toàn dân chưa thực sự đồng tâm, đoàn kết dưới một ngọn cờ thì chừng đó dân tộc ta chưa thể tự mình giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Lời kêu gọi lòng “ái quốc” và sự “đồng tâm” đã làm trỗi dậy tinh thần dân tộc, tạo nên phong trào đấu tranh mạnh mẽ. Song, vì thiếu một cơ sở lý luận, thiếu đường lối và biện pháp cụ thể, nên chưa thể tạo được khối đại đoàn kết, không thể phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, vì vậy phong trào do Ông khởi xướng cũng dẫn đến kết cục thất bại. Chỉ đến khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - đội “Tiên phong, Thống nhất, Vững chắc” đã giải quyết được khủng hoảng đường lối cách mạng về giai cấp lãnh đạo, phát huy cao độ lòng yêu nước, huy động được sức mạnh toàn dân tộc, tiến hành cuộc đấu tranh giành chính quyền thành công vào năm 1945.

Thực tiễn lịch sử chứng minh, truyền thống yêu nước là sợi dây cốt lõi cố kết cộng đồng, tạo sức mạnh toàn dân tộc để chiến thắng các thế lực ngoại xâm. Tuy nhiên, để phát huy được sức mạnh này cần có đường lối lãnh đạo đúng đắn và tổ chức chỉ huy chặt chẽ, khoa học, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với xu thế thời đại. Trong giai đoạn hiện nay, để phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam thật sự trong sạch, vững mạnh, bài trừ tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu trong bộ máy chính quyền, nhằm củng cố sức mạnh Nhà nước, tăng cường niềm tin của nhân dân. Phải đổi mới và xây dựng Nhà nước pháp quyền vững mạnh, thực sự của dân, do dân, vì dân, giữ vững mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà toàn dân tộc đã lựa chọn. Để làm được điều đó, Nhà nước ta cần tiến hành cải cách hành chính; hoàn thiện hành lang pháp lý; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ đức, đủ tài, ngang tầm nhiệm vụ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao tiềm lực kinh tế; thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy mọi nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh đất nước. Đồng thời, có chiến lược tổng thể và các chính sách về việc khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn lực để tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, TS. LÊ THANH BÀI, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
_______________

1 - Sau khi hoàn thành xâm lược Việt Nam vào năm 1889, người Pháp tách Đà Nẵng khỏi Quảng Nam và đổi tên thành Tourane đánh dấu sự ra đời thành phố Đà Nẵng ngày nay.

2 - Viện Khoa học xã hội Việt Nam - Lịch sử Việt Nam, Tập 2, Nxb KHXH, H. 1985, tr. 41.

3 - Bazancuount, Les Expe’ de Chine et de Cochinchine d’apre’s le documents officiels (Cuộc hành quân Trung Quốc và Nam Kỳ theo những tài liệu chính thức), Tập 1, Paris. 1861, tr. 352.

4 - Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Lịch sử quân sự Việt Nam, Tập 8, Hoạt động quân sự từ 1802 đến năm 1896, Nxb CTQG, H. 2007, tr. 277.

5 - Phạm Văn Đồng - Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự Thật, H. 1959, tr. 15.

Ý kiến bạn đọc (0)