QPTD -Thứ Năm, 13/08/2020, 06:53 (GMT+7)
Tiếp nối truyền thống “Thủ đô Kháng chiến”, Tuyên Quang thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược

 Tuyên Quang có vị trí chiến lược quan trọng, nơi đây đã được lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chọn là Thủ đô Khu giải phóng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và là “Thủ đô Kháng chiến” trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày nay, Tuyên Quang trở thành “địa chỉ đỏ” ghi dấu những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Mùa Xuân năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Cùng với quyết định lựa chọn Cao Bằng làm căn cứ địa để chỉ đạo cách mạng, Người cũng đã dự tính đến việc xây dựng một địa bàn khác, nhằm đáp ứng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của phong trào đấu tranh, làm bàn đạp cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Theo Người: nơi ấy phải vững vàng; có địa thế hiểm yếu che chở và quần chúng cảm tình ủng hộ; phải phát triển được lực lượng vũ trang; có chính quyền cách mạng của địa phương và có căn cứ địa vững vàng, để khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ.

Đình Tân Trào (Sơn Dương - Tuyên Quang) - nơi diễn ra quốc dân Đại hội do Việt Minh triệu tập và quyết định Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.

Cuối năm 1944, đầu năm 1945, khi nhận thấy thời cơ giành độc lập đã đến rất gần, lãnh tụ Hồ Chí Minh rời Pác Bó, Cao Bằng về Tuyên Quang. Sau khi khảo sát tình hình địa bàn, Người đã quyết định chọn Nà Nưa, thôn Tân Lập, xã Tân Trào để dựng lán ở, làm việc và là “đại bản doanh” của cách mạng. Chỉ trong một thời gian ngắn, nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại quyết định vận mệnh của dân tộc, như: Hội nghị toàn quốc của Đảng phát động và lãnh đạo toàn dân nổi dậy giành chính quyền; Quốc dân Đại hội Tân Trào (tiền thân của Quốc hội Việt Nam) nhất trí tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa, thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc (tiền thân của Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh; quy định quốc kỳ, quốc ca và dưới bóng đa Tân Trào lịch sử, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã cử hành lễ xuất quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc Bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, chỉ huy Đơn vị tiến về Hà Nội, giành chính quyền.

Trong kháng chiến chống thực dân xâm lược, Tuyên Quang là “Thủ đô Kháng chiến”, nơi Trung ương Đảng, cơ quan tiền thân của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và hầu hết các ban, bộ, ngành chọn là nơi làm việc để lãnh đạo cuộc kháng chiến giành thắng lợi. Tuyên Quang vinh dự là nơi tổ chức Đại hội II của Đảng (tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa) - Đại hội đầu tiên được tổ chức ở trong nước và là Đại hội duy nhất cho đến nay được tổ chức ngoài Thủ đô Hà Nội.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang vừa xây dựng, bảo vệ quê hương, vừa tích cực chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, bảo đảm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, góp phần cùng quân dân cả nước viết nên trang sử hào hùng Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, tạo niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu đều đạt và vượt mức kế hoạch; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,18%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ1. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện đồng bộ, là một trong những tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng và cấp chứng chỉ rừng cao nhất cả nước.

Tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 22/02/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Với phương châm: Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ, đã mang lại kết quả tích cực trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới2; các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được gắn kết chặt chẽ, linh hoạt, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp. Năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tuyên Quang xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố (tăng 16 bậc so với năm 2015); chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố (tăng 33 bậc so với năm 2015). Nhờ đó, Tỉnh thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư, như các tập đoàn: Geleximco, Vingroup, Mường Thanh, Dệt may Việt Nam, DABACO, FLC, Công ty cổ phần Woodsland, v.v. Đồng thời, quan tâm chăm lo các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nhất là việc giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục; trẻ trong độ tuổi đến trường đạt 33,27%, cao hơn tỷ lệ bình quân của các tỉnh khu vực Trung du miền núi phía Bắc. Chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân ngày càng được nâng cao, bảo hiểm y tế toàn dân đạt trên 98%; chương trình giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, hộ nghèo từ 23,3% (năm 2016) giảm xuống còn 11,8% (năm 2019). Công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa được chú trọng gắn với phát triển du lịch. Năm 2019, thu hút trên 1,9 triệu lượt khách, dự kiến năm 2020 đạt trên 02 triệu lượt khách, tăng 56% so với năm 2015.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng các nhà đầu tư vào tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: baodautu.vn

Cùng với đó, Tỉnh ủy Tuyên Quang luôn coi trọng lãnh đạo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Trước hết, Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghiêm túc các văn bản của trên về công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; các nghị quyết, kết luận của Trung ương về Chiến lược quốc phòng, Chiến lược Quân sự, Chiến lược An ninh quốc gia, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, v.v. Đồng thời, yêu cầu Đảng bộ Quân sự Tỉnh tập trung lãnh đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; tổ chức chặt chẽ công tác huấn luyện, diễn tập theo đúng kế hoạch, nội dung, bảo đảm an toàn tuyệt đối3. Các tiềm lực trong khu vực phòng thủ Tỉnh được tăng cường, huy động các nguồn lực, bố trí ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, xây dựng các công trình quốc phòng, đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Nhờ đó, chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng cơ động và chiến đấu của lực lượng vũ trang Tỉnh ngày càng được nâng cao; lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng vững mạnh, rộng khắp, lực lượng dự bị động viên được xây dựng đúng chuyên ngành quân sự, gần, gọn địa bàn, thuận tiện cho việc huy động khi cần thiết.

Công tác phối hợp giữa Quân đội với Công an duy trì có nền nếp, chủ động trao đổi thông tin, nắm, dự báo tình hình, tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo xử lý kiên quyết, kịp thời, hiệu quả những vấn đề phát sinh ngay từ đầu, từ cơ sở. Lực lượng vũ trang Tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh,… góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.

Những kết quả nêu trên là cơ sở thuận lợi cho sự phát triển của Tỉnh trong thời gian tới. Để lãnh đạo thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược, Tỉnh tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một làđề cao trách nhiệm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chủ trương “kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh”. Tiếp tục làm tốt công tác bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và năng lực thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cho đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt. Thường xuyên rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh.

Hai là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm quốc phòng, an ninh. Kịp thời bổ sung, hoàn thiện các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trong từng chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển và trong từng đề án, dự án cụ thể. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, phát triển nguồn nhân lực, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh, bảo đảm hiệu quả chủ trương “kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh”. Ưu tiên huy động nguồn lực, phân bổ và sử dụng nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn trọng điểm, địa bàn còn nhiều khó khăn.

Ba là, tổ chức vận hành thông suốt, đồng bộ, hiệu quả cơ chế lãnh đạo trong xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ. Việc xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ Tỉnh phải đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh, sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương; cơ quan quân sự phối hợp với cơ quan công an, các sở, ban, ngành, đoàn thể tham mưu, tổ chức thực hiện; khi xảy ra tình huống phức tạp phải có sự tập trung thống nhất cao, thông suốt trong chỉ huy, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc chăm lo, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Bốnnâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả xây dựng khu vực phòng thủ Tỉnh theo Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị và Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22/02/2019 của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu tự lực tại chỗ, liên kết chặt chẽ trong thế trận phòng thủ, bám chắc phương châm “làng giữ làng, bản giữ bản, xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh”. Xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc cho nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, nhất là ở những địa bàn trọng điểm. Lực lượng quân sự, công an phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, tích cực tham gia giúp nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.

Năm là, tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Tỉnh. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, an ninh văn hóa, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực và an toàn thực phẩm. Chủ động, sẵn sàng ứng phó hiệu quả đối với các thách thức, nguy cơ an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống; bảo đảm an ninh, an toàn các mục tiêu trọng điểm, các công trình hạ tầng giao thông, viễn thông, thủy điện, thủy lợi, v.v. Đẩy mạnh phong trào ”Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, gắn với thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Các cơ quan chức năng chủ động phối hợp nắm tình hình, kịp thời đề xuất xử lý có hiệu quả những vấn đế phức tạp nảy sinh trong thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Thực hiện thống nhất, đồng bộ các nội dung, biện pháp trên là cơ sở thiết thực để Tuyên Quang thực hiện tốt việc kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược trong điều kiện mới, xứng đáng với truyền thống quê hương “Thủ đô Kháng chiến”.

NGUYỄN HỒNG THẮNG, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tuyên Quang
________________

1 - Cơ cấu kinh tế năm 2020 - Các ngành dịch vụ: 43,12% (Nghị quyết là 39%); nông lâm nghiệp thủy sản: 22,91% (Nghị quyết là 21%).

2 - Đến hết năm 2019, có 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến hết năm 2020 có 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 40 xã so với năm 2015), số tiêu chí bình quân toàn Tỉnh đạt 15 tiêu chí/xã, là tỉnh có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới cao trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

3 - Năm 2019, Tỉnh đã tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, trong đó có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp chỉ đạo, gắn diễn tập khu vực phòng thủ với diễn tập chiến thuật và xử lý những vấn đề an ninh chính trị, được Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đánh giá kết quả đạt xuất sắc.

Ý kiến bạn đọc (0)