Thứ Bảy, 23/11/2024, 05:12 (GMT+7)
Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ cuối năm 1940, thực dân Pháp thực hiện khủng bố trắng, đàn áp phong trào cách mạng bằng nhiều thủ đoạn dã man, tàn bạo, hầu hết cán bộ Xứ ủy, cấp ủy địa phương trong đó có Sài Gòn - Chợ Lớn, Gia Định bị địch bắt, thủ tiêu, số còn lại mất liên lạc với tổ chức. Trước những tổn thất, khó khăn chồng chất, những người cộng sản trung kiên vẫn không chùn bước, tiếp tục hoạt động, kiên trì vận động quần chúng, khôi phục lực lượng hướng về mục tiêu “Làm một trận lớn hơn” giành chính quyền. Do điều kiện lúc bây giờ, Xứ ủy Nam kỳ hình thành hai hệ thống tổ chức đảng: “Tiền phong” và “Giải phóng”. Đảng bộ tỉnh Gia Định1 thuộc tổ chức đảng “Giải phóng” phát triển các đoàn thể cứu quốc, xây dựng các đội tự vệ ở vùng nông thôn và vùng ven đô. Cuối năm 1943, Xứ ủy “Tiền phong” tổ chức lại Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn, thành lập Ban cán sự Thành do đồng chí Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy trực tiếp phụ trách. Đảng bộ đặt trọng tâm “chạy đua với thời gian” xây dựng lực lượng cách mạng, phát triển “vành đai đỏ” ở vùng ven Thành phố, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Đặc biệt, trong lúc các tổ chức yêu nước đang phải hoạt động bí mật, thì lực lượng Thanh niên Tiền phong (do Xứ ủy “Tiền phong” thành lập) lợi dụng thế công khai, hợp pháp để tập hợp thanh niên hoạt động hướng về những mục tiêu yêu nước. Chỉ sau ba tháng Sài Gòn đã có 200.000 đoàn viên, trong đó có 120.000 đoàn viên, thường xuyên học tập quân sự, chờ đến ngày khởi nghĩa. Những lực lượng này đã tạo tiền đề cho sự hình thành lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định sau này.
Các tổ chức đảng kiên trì thâm nhập, đi sâu vào đời sống mọi tầng lớp nhân dân, tuyên truyền, vận động, khơi dậy tinh thần dân tộc, hình thành nhiều phong trào yêu nước ở cả thành thị và nông thôn. Phong trào đòi giảm tô, giảm tức, bớt công nợ, chống bắt lính của nông dân, các cuộc đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập công nhân diễn ra liên tục. Nhiều cuộc mít tinh, rải truyền đơn diễn ra ở khắp mọi nơi. Phong trào học sinh, sinh viên yêu nước sáng tác các bài hát, kịch, tuồng, như: Tiếng gọi thanh niên, Lên đàng, Hội nghị Diên Hồng,... Phong trào Hướng đạo tổ chức học sinh, sinh viên ở Sài Gòn phát triển mạnh mẽ. Phong trào thể dục, thể thao với tinh thần “khỏe vì nước”, nhằm rèn luyện thân thể, tu dưỡng tinh thần, chí khí, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Từ những phong trào đó, gắn liền với khôi phục lực lượng của Đảng bộ tạo nên cao trào tiền khởi nghĩa tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Quán triệt Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, với tinh thần “khởi nghĩa phải giành thắng lợi trước tiên ở Sài Gòn với sự hỗ trợ của nông thôn”, Xứ ủy cùng Thành ủy Sài Gòn và Tỉnh ủy Gia Định trực tiếp lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Sòn. Ngày 15/8/1945, Xứ ủy Tiền phong thành lập Ủy ban khởi nghĩa. Ngày 23/8, Tân An khởi nghĩa điểm để thử phản ứng của quân đội Nhật và đã giành thắng lợi. Trước tình hình đó, Xứ ủy Nam kỳ quyết định đêm 24/8 Sài Gòn sẽ khởi nghĩa. Từ trong đêm đó, quần chúng cách mạng của Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh Gia Định, Tân Bình2, Mỹ Tho, Biên Hòa,... từng đoàn công nhân, nông dân, thanh niên có tổ chức, vũ trang giáo mác, tầm vông vạt nhọn,... rầm rập kéo về Sài Gòn để tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Lực lượng khởi nghĩa chiếm các mục tiêu: Sở công an, Sở cảnh sát, Nhà ga, Bưu điện, Nhà đèn, các đồn bốt, dinh Khâm sai “Soái phủ Nam Kỳ”, địch chỉ chống trả yếu ớt. Rạng sáng 25/8/1945, thành phố Sài Gòn là cả biển người, với cờ, khẩu hiệu, băng rôn,... khoảng trên một triệu người tập trung về các điểm trung tâm, như: Nhà hát lớn, Vườn Ông Thượng3,... tiếng hô vang lên khắp các ngả đường: “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Tất cả chính quyền về tay Việt Minh”, “Mặt trận Việt Nam muôn năm!”, “Độc lập hay là chết!”. Cờ đỏ sao vàng và Cờ búa liềm của Đảng Cộng sản phấp phới bay trên đường phố và các công sở.
Cuộc khởi nghĩa tại Sài Gòn - Chợ Lớn và tỉnh Gia Định đã thành công trọn vẹn, bằng bạo lực của quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, song không có đổ máu. Đó là thắng lợi của cao trào cách mạng và tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm, sáng tạo, quyết đoán, nhạy bén nắm bắt thời cơ của Xứ ủy Nam kỳ, đây cũng là công lao to lớn của toàn thể nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn, Gia Định. Nam Bộ trong khí thế hừng hực lần lượt đứng lên giành chính quyền ở các tỉnh trong vòng bốn ngày (từ ngày 25 đến ngày 28/8/1945. Sáng ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân, đồng bào, và toàn thế giới: Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Cũng tại thời điểm này, ở Sài Gòn - Gia Định do không tiếp được sóng của Đài tiếng nói Việt Nam, nhưng Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ đã gấp rút chuẩn bị và có bài diễn thuyết thay thế, với đầy đủ ý nghĩa như lời Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là bước nhảy vọt lịch sử vĩ đại, đánh dấu sự biến đổi to lớn trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, đập tan ách thống trị của chế độ thực dân trong hơn 80 năm, đưa dân tộc ta bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Tinh thần quật khởi, giá trị to lớn và những bài học quý của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại đã khơi nguồn, bồi đắp sức mạnh cho Ðảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang nỗ lực xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị đặc biệt, có vị trí chiến lược của cả nước. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, lực lượng vũ trang Thành phố tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:
Trước hết, tập trung tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để Thành phố phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Đảng ủy Quân sự, Bộ Tư lệnh Thành phố tiếp tục tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ, theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) và Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22/02/2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ. Qua đó, xây dựng khu vực phòng thủ mạnh về tiềm lực, vững về thế trận, thực sự nâng cao khả năng phòng thủ của Thành phố trong thế trận chung của Quân khu 7 và cả nước. Trong đó, coi trọng xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần. Cơ quan quân sự các cấp phát huy vai trò nòng cốt, tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị. Thực hiện tốt công tác dân vận, chính sách hậu phương Quân đội, chính sách đối với Người có công với cách mạng. Từ đó, từng bước củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh, chiến tranh phi truyền thống, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đồng thời, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện để Thành phố phát triển kinh tế bền vững.
Trước yêu cầu cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng lực lượng vũ trang Thành phố theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời định hướng tư tưởng cho bộ đội và nhân dân trước những sự kiện, vấn đề phức tạp, bằng lý luận và thực tiễn có tính thuyết phục cao. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Trước mắt, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thành phố tập trung nâng cao chất lượng các văn kiện đại hội, công tác chuẩn bị nhân sự cấp uỷ nhiệm kỳ mới, gắn với kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp. Về lâu dài, lực lượng vũ trang Thành phố quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tốt, vừa có năng lực, phương pháp, tác phong công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Cùng với xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, lực lượng vũ trang Thành phố không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu. Các đơn vị thường trực tổ chức, biên chế “tinh, gọn, mạnh”, cân đối giữa các thành phần, phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ. Với lực lượng dự bị động viên xây dựng thực sự “hùng hậu”; lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”. Các đơn vị đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, bám sát và thực hiện tốt phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, bảo đảm huấn luyện bộ đội giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị trong biên chế, làm chủ và khai thác tốt các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại mới được trang bị, có trình độ chiến thuật cao, sức khỏe tốt; kết hợp chặt chẽ với rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở các cấp. Huấn luyện, diễn tập gắn với các phương án tác chiến trên địa bàn, nhất là các phương án phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng thủ dân sự. Bên cạnh đó, cơ quan quân sự các cấp tập trung nâng cao trình độ, năng lực, hiệu quả làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác quốc phòng, quân sự địa phương, quản lý nhà nước về quốc phòng.
Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy truyền thống và tinh thần quật khởi của Cách mạng Tháng Tám, đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, cùng cả nước, vì cả nước xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, góp phần xây dựng, phát triển Thành phố Hồ Chí Minh lên tầm cao mới.
Thiếu tướng NGUYỄN VĂN NAM, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh ______________
1 - Tháng 5 năm 1975, tỉnh Gia Định (ngoại trừ 2 quận: Cần Giờ và Quảng Xuyên) được sáp nhập với Đô thành Sài Gòn, thêm một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Hậu Nghĩa để trở thành thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến ngày 2/7/1976, thành phố Sài Gòn - Gia Định được chính thức đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.
2 - Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, chính quyền thực dân tách một phần đất của tỉnh Gia Định, lập ra tỉnh Tân Bình, gồm: một phần quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận, quận Tân Bình, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ ngày nay. Sau ngày 23/9/1945, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ sáp nhập tỉnh Tân Bình trở lại tỉnh Gia Định.
3 - Nay là Công viên Văn hóa Tao Đàn.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945,Sài Gòn - Chợ Lớn,
Cách mạng Tháng Tám và văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh 19/08/2020
Phát huy vai trò, sức mạnh của quần chúng trong Cách mạng Tháng Tám, Quân đội tích cực tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay 18/08/2020
Tinh thần Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Động lực để xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại 17/08/2020
Xây dựng Công an nhân dân vững mạnh xứng đáng là “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân 16/08/2020
Lực lượng vũ trang Thủ đô bảo vệ vững chắc “trái tim” của cả nước 16/08/2020
Tiếp nối truyền thống “Thủ đô Kháng chiến”, Tuyên Quang thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược 13/08/2020
Cố đô Huế trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 13/08/2020
Sự lãnh đạo của Đảng trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 12/08/2020
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi của sức mạnh lòng dân 11/08/2020
Cách mạng Tháng Tám 1945: Mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử 18/08/2018