Thứ Bảy, 23/11/2024, 06:31 (GMT+7)
Mùa thu năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân cả nước nhất tề vùng lên tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ thành người làm chủ đất nước. Đó là cuộc hồi sinh vĩ đại mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc ta - kỷ nguyên đấu tranh bảo vệ nền độc lập, thống nhất đất nước; tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, ngày 19/8/1945 có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của Nhân dân Việt Nam, dẫn tới sự kiện lịch sử trọng đại: ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, thay mặt quốc dân đồng bào, Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội - thắng lợi của tinh thần kiên quyết, kịp thời, sáng tạo, nhạy bén chớp thời cơ
Chớp thời cơ “ngàn năm có một”, chỉ trong vòng hai tuần (từ 14/8/1945 đến 28/8/1945), với tinh thần cách mạng tiến công, cùng với sức mạnh đoàn kết chiến đấu của cả dân tộc, cuộc Tổng khởi nghĩa đã diễn ra và giành thắng lợi trên phạm vi toàn quốc. Thực hiện kế hoạch của Thành ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội, ngày 19/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội được diễn ra nhanh, gọn, ít đổ máu. Ngay ngày hôm sau, chính quyền cách mạng được thành lập và ra mắt nhân dân tại Bắc Bộ Phủ trước sự chứng kiến của đông đảo nhân dân Hà Nội (Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ do đồng chí Nguyễn Khang làm Chủ tịch, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Hà Nội do đồng chí Nguyễn Huy Khôi làm Chủ tịch)1. Trong không khí phấn khởi, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Hà Nội khẩn trương ổn định tình hình, Hà Nội trở thành trung tâm chính trị của chế độ mới.
Phát huy thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, quân và dân Hà Nội, các thế hệ đã tiếp bước nhau, lập nên những chiến công vang dội trong 60 ngày đêm khói lửa mở đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954 “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, giải phóng Hà Nội vào ngày 10/10/1954. Từ năm 1954 đến tháng 4/1975, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã trải qua những chặng đường xây dựng và chiến đấu vô cùng quyết liệt, đầy hy sinh gian khổ và giành thắng lợi vẻ vang. Trong những năm 1966 - 1975, Hà Nội trải qua ba thời kỳ lớn: hòa bình - trực tiếp có chiến tranh - trở lại hòa bình. Trong thử thách, với trí tuệ và lòng quả cảm, Đảng bộ Hà Nội đã huy động sức mạnh toàn dân, phối hợp các lực lượng đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ vào Thủ đô, đỉnh cao là chiến thắng của quân và dân Thủ đô trong 12 ngày đêm chiến đấu (cuối tháng 12/1972) đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không bằng pháo đài bay B52 của không lực Hoa Kỳ, làm nên “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Bản hùng ca bất diệt, góp phần quan trọng cùng quân và dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước, đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội. Hà Nội trở thành Thủ đô - trái tim thân yêu của nước Việt Nam thống nhất.
Thắng lợi của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Hà Nội trong Cách mạng Tháng Tám đã để lại nhiều bài học quý, là: sự năng động, bản lĩnh, quyết đoán trong lãnh đạo cách mạng, về tạo thời cơ cách mạng và tận dụng triệt để thời cơ, về nghệ thuật khởi nghĩa, để giành chính quyền nhanh chóng mà ít tổn thất; về phát huy sức mạnh toàn dân tộc, lấy sức mạnh của đội quân chủ lực giai cấp công - nông làm nòng cốt; về vai trò lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, có đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, biết dựa vào dân và phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân. Những bài học này đã được Đảng bộ Thành phố Hà Nội nhận thức một cách sâu sắc và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn lãnh đạo xây dựng và phát triển Thủ đô.
Tiếp tục phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại
Ngay sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức các phong trào thi đua lao động, sản xuất xây dựng Thủ đô, đồng thời chi viện cán bộ và các nguồn lực giúp các tỉnh ở miền Nam nhanh chóng ổn định tình hình sau giải phóng2. Trong 10 năm (1976 - 1985), Hà Nội cùng cả nước bước vào thời kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai, lần thứ ba. Kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực nhà ở, giao thông và chiếu sáng đô thị, v.v. Nhiều công trình lớn được xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng, như: cầu Thăng Long, cầu Đuống, cầu Chương Dương, cảng Phà Đen, đường 6 (đoạn Hà Nội - Hà Đông), Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Nhi Việt Nam - Thụy Điển, Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (nay là cung văn hóa Hữu Nghị),… bước đầu đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Từ năm 1986, cùng với cả nước, thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, nêu cao tinh thần: “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương cho các đảng bộ khác”3, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã chủ động, sáng tạo, triển khai thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Sau gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, đặc biệt sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2016 - 2020), Hà Nội đã gương mẫu đi đầu trong quán triệt và thực hiện sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng vào điều kiện cụ thể của Thủ đô, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.
Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của cả nước, bình quân giai đoạn (2016 - 2020), tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3 - 7,8%). Năm 2020, quy mô GRDP ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng (khoảng 45 tỷ USD); GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, bằng 1,8 lần bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ.
Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực. Thành phố chủ động, tích cực coi trọng việc phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị. Công tác xây dựng và quản lý đô thị gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô được ưu tiên đầu tư phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại; xây dựng các khu dân cư và các khu đô thị mới gắn với quản lý và điều chỉnh phân bố dân cư trên địa bàn, cải tạo các khu chung cư cũ thành các khu đô thị hiện đại, v.v.
Xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, đạt kết quả toàn diện, nổi bật, diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét. Hạ tầng kinh tế, xã hội khu vực nông thôn được tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới, tổng mức vốn huy động đầu tư hằng năm trên 08 nghìn tỷ đồng. Đường làng, ngõ xóm được kiên cố hóa, hệ thống thoát nước cơ bản đáp ứng yêu cầu4; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm mạnh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt. Thành phố tập trung đầu tư chuẩn bị các điều kiện để thành lập các quận mới từ các huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng). Diện tích đô thị ngày càng được mở rộng và nâng cao chất lượng, đến năm 2019, tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2%.
An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân Thủ đô được nâng lên, các chính sách đối với Người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số,… được thực hiện đúng, đủ, kịp thời. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được quan tâm triển khai. Chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hoàn thành sớm 02 năm. Hiện nay, Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.
Về văn hóa xã hội, Hà Nội luôn đi đầu về phát triển văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là trung tâm trong chính sách phát triển bền vững Thủ đô. Địa phương đầu tiên hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích, bảo vệ di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích, nhiều di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, xứng tầm với vị thế là Thủ đô của đất nước, trung tâm văn hóa hàng đầu của khu vực. Thực hiện tốt việc bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị, truyền thống tốt đẹp, ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội; xây dựng những giá trị mới trong đời sống tinh thần xã hội, tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, vừa tiên tiến, hiện đại, phong phú, đa dạng về bản sắc dân tộc.
Sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo, Thành phố Hà Nội giữ vị trí dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục toàn diện; có 318/384 xã đạt tiêu chí trường học chuẩn quốc gia ở cả ba cấp; 100% giáo viên đạt chuẩn, tỷ lệ trên chuẩn cao. Khoa học, công nghệ tập trung phát huy tiềm lực, nhất là trí tuệ, tiềm năng, chất xám của đội ngũ trí thức, các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu trên địa bàn Thành phố. Đầu tư xây dựng trung tâm công nghệ sinh học, trung tâm thông tin khoa học - kỹ thuật, nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ,… để Hà Nội trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ cao của cả nước, có uy tín trong khu vực.
Giữ vững ổn định an ninh chính trị, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa diễn ra trên địa bàn, nổi bật là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao, làm lan tỏa mạnh mẽ thông điệp “Thành phố vì hòa bình”. Công tác quốc phòng luôn được coi trọng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh. Quan hệ đối ngoại, hội nhập, hợp tác phát triển tiếp tục được mở rộng, góp phần nâng cao vị thế Thủ đô trong khu vực và thế giới.
Đặc biệt, từ đầu năm 2020, mặc dù trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động của đại dịch Covid-19, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, sự cố gắng, đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Hà Nội đã tập trung thực hiện có kết quả “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội5. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ khó khăn, thực hiện đối thoại, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19. Đã khẩn trương rà soát, giãn, hoãn hơn 17.500 tỷ đồng tiền thuế cho các doanh nghiệp trên địa bàn, chiếm 45% của cả nước. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) - năm thứ hai liên tiếp duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố; chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) năm thứ ba liên tiếp duy trì vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Tổng vốn đầu tư xã hội sáu tháng đầu năm 2020 ước đạt 152,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9%. Thông qua Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác và phát triển”, Thành phố trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án với tổng vốn đầu tư 405,570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD). Các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng; đã bổ sung nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố 1.020 tỷ đồng hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay với mức lãi suất 0% để phát triển sản xuất, khắc phục khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 155 của Thành ủy về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, đảm bảo chất lượng theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, chỉ thị của Bộ Chính trị và hướng dẫn của các cơ quan chức năng Trung ương và Thành phố.
Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo; các thế lực thù địch quyết liệt đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt; đại dịch Covid-19 vẫn lan rộng và diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi toàn Đảng bộ phải đoàn kết, chung sức đồng lòng, quyết tâm cao hơn nữa để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Kế thừa, phát huy và vận dụng sáng tạo các bài học quý của Cách mạng Tháng Tám, truyền thống Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng, xây dựng, phát triển Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước; có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô tập trung thực hiện tốt một số mục tiêu, nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thành phố đổi mới, sáng tạo; duy trì tăng trưởng kinh tế cao hơn so với trung bình cả nước; cơ bản trở thành Thành phố công nghiệp hóa, hiện đại hóa; GRDP/người đạt 8.100 - 8.300 USD, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 7,5% - 8,0%. Tỷ lệ đô thị hóa: 60% - 62%; tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đạt 100%; 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới; số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu: 30%. Đến năm 2030, phấn đấu trở thành Thành phố “Xanh - Văn minh - Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000 USD - 13.000 USD. Tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; trở thành Thành phố toàn cầu, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
2. Mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế, giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, góp phần tăng cường vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô. Xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm hiệu quả; bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan của Trung ương và Thành phố, các sự kiện quốc gia, quốc tế diễn ra tại Thủ đô.
3. Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự gương mẫu, trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện có hiệu quả phong trào Thi đua Yêu nước và các cuộc vận động lớn của đất nước, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Chủ động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu,… củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng bộ, Chính quyền Thành phố.
Với ý chí kiên định, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy và chính quyền các cấp, cùng với sự đồng thuận của nhân dân, sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đã và đang tạo ra sức mạnh mới của Thủ đô. Mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, lao động sáng tạo, hiệu quả, góp phần cùng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại - “Thành phố vì hòa bình”, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân Thủ đô và đồng bào cả nước.
VƯƠNG ĐÌNH HUỆ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội ________________
1 - Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội (1930 - 2000), Nxb Hà Nội, H. 2004, tr. 131.
2 - Đến cuối năm 1975, đã có 1.484 cán bộ được tăng cường cho các tỉnh phía Nam.
3 - Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội - Thủ đô Hà Nội với Bác Hồ, Nxb Hà Nội, H. 2013, tr. 103.
4 - Đến nay, đã có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 96,5%, hoàn thành vượt mức trước thời hạn 2 năm so với mục tiêu đề ra, là địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất cả nước; có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đạt 55 triệu đồng/người/năm, gấp 1,36 lần năm 2016.
5 - Tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 3,39% - mức tăng khá cao so với các tỉnh, thành phố và mức chung của cả nước (1,81%). Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,94%. Nông nghiệp từ tăng trưởng âm 1,17% trong quý I, đã tăng trưởng 3,5% trong quý II, 6 tháng tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 1,15% so cùng kỳ 2019. Dịch vụ tăng 2,59% so với cùng kỳ. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số CPI bình quân tăng 3,68% .
Cách mạng Tháng Tám năm 1945,Thủ đô Hà Nội
Cách mạng Tháng Tám và văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh 19/08/2020
Phát huy vai trò, sức mạnh của quần chúng trong Cách mạng Tháng Tám, Quân đội tích cực tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay 18/08/2020
Xây dựng Công an nhân dân vững mạnh xứng đáng là “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân 16/08/2020
Sài Gòn - Chợ Lớn, Gia Định trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 16/08/2020
Lực lượng vũ trang Thủ đô bảo vệ vững chắc “trái tim” của cả nước 16/08/2020
Tiếp nối truyền thống “Thủ đô Kháng chiến”, Tuyên Quang thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược 13/08/2020
Cố đô Huế trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 13/08/2020
Sự lãnh đạo của Đảng trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 12/08/2020
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi của sức mạnh lòng dân 11/08/2020
Cách mạng Tháng Tám 1945: Mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử 18/08/2018