Thứ Bảy, 23/11/2024, 01:23 (GMT+7)
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những trang sử vẻ vang nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dân Việt Nam đã vùng lên đập tan ách phát xít Nhật, lật đổ ách thống trị gần 100 năm của thực dân Pháp, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi đó có nhiều nguyên nhân, trong đó huy động tối đa sức mạnh lòng dân là một trong những nhân tố quyết định.
1. Chủ trương phát huy sức mạnh lòng dân
“Lòng dân” bao giờ cũng có, nhưng để chuyển hóa thành sức mạnh vật chất to lớn giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, đòi hỏi Đảng phải: “thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa c.m đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến”1; “hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt,… để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư sản An Nam mà chưa rõ mặt phản c.m thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập”2. Theo đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ Nhất của Đảng (tháng 3/1935) khẳng định: “Đảng Cộng sản phải dùng hết, kéo hết các lực lượng phản đế xứ Đông Dương ra mưu cuộc vận động dân tộc giải phóng. Mặt trận phản đế bao hàm chẳng những quần chúng công nhân, nông dân lao động, dân nghèo thành thị, mà cả các lớp, các phần tử lẻ tẻ, cấp tiến trong các giai cấp khác, các lớp lao động người dân tộc thiểu số, người ngoại quốc… Không phân biệt chủng tộc, nam nữ, tôn giáo, xu hướng chính trị, đảng phái, hễ ai có tính chất phản đế là có thể kéo vào Mặt trận phản đế”3. Đầu năm 1936, tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, nguy cơ nổ ra chiến tranh thế giới thứ Hai đang cận kề, ngày 26/7/1936, Hội nghị các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ban Chỉ huy ở ngoài họp tại Thượng Hải (Trung Quốc) quyết định thành lập “Mặt trận thống nhất nhân dân Đông Dương”4 để thu hút các giai cấp, đảng phái, đoàn thể chính trị, tín ngưỡng, tôn giáo, các dân tộc trong toàn Đông Dương thực hiện mục tiêu chung là chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc, đòi tự do, cơm áo và hòa bình.
Có thể khẳng định, chủ trương lập Mặt trận nhân dân phản đế rộng rãi là sự thay đổi chiến lược và sách lược kịp thời, chính xác của Đảng; phù hợp với trào lưu chung của cách mạng thế giới, tình hình cụ thể ở Đông Dương và diễn biến chính trị ở nước Pháp. Vì thế, Đảng không chỉ huy động “quảng đại nhân dân từ thành thị cho tới thôn quê, từ các dân tộc tiền tiến cho tới các bộ lạc hậu tiến, từ các phần tử có giác ngộ cho tới những lớp dân chúng mấy lâu nay còn yên tĩnh rụt rè, nay trở ra tham gia Mặt trận thống nhất”5, mà còn thu hút “những phần tử cấp tiến dân chủ người Pháp, người Nam, người Miên, người Lào, người Trung Quốc, người Thổ… liên hợp lại tranh đấu lập Mặt trận dân chủ”6. Thực tiễn cho thấy, nhờ có chủ trương lãnh đạo đúng đắn trong thời kỳ 1936 - 1939, Đảng ta đã vượt qua mọi sự đàn áp đẫm máu của kẻ thù. Các tổ chức của Đảng được khôi phục, phát triển trên phạm vi toàn Đông Dương để lãnh đạo nhân dân đấu tranh; gắn kết cuộc đấu tranh của nhân dân Đông Dương với cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới. Cũng chính từ sự thay đổi chiến lược đó, Đảng đã tạo ra hình thức tập hợp lực lượng mới, hiệu quả trong huy động, tập dượt quần chúng thực hiện nhiệm vụ chiến lược trước những biến động của tình hình thế giới. Đặc biệt, sự ra đời Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương để “tranh đấu chống đế quốc chiến tranh, chống xâm lược phát xít, đánh đổ đế quốc Pháp, vua chúa bổn xứ và tất cả bọn tay sai của đế quốc đòi hòa bình cơm áo, thực hiện nền độc lập hoàn toàn cho các dân tộc Đông Dương với quyền dân tộc tự quyết”7 càng thể hiện rõ chủ trương tập hợp lực lượng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Đảng, phù hợp với điều kiện lịch sử và nhiệm vụ cách mạng cụ thể. Tuy nhiên, nếu Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 11/1939) là một bước phát triển mới về năng lực tư duy, sáng tạo và sự nhạy bén chính trị của Đảng thì Hội nghị Trung ương (tháng 11/1940) lại có những chủ trương chưa phù hợp với thực tiễn cách mạng đang diễn ra, như việc xác định “Cách mạng thổ địa và cách mạng phản đế phải đồng thời tiến,… Tình thế hiện tại không thay đổi gì tính chất cơ bản của cuộc cách mạng tư sản dân quyền Đông Dương”8, nên đã hạn chế việc tập trung sức lực chống kẻ thù chung.
2. Mặt trận Việt Minh - đỉnh cao về phát huy sức mạnh lòng dân trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Trước những diễn biến mau lẹ của tình hình, ngày 28/01/1941, sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Dưới sự chỉ đạo của Đồng chí, công tác thí điểm xây dựng phong trào Việt Minh được triển khai mạnh mẽ ở các châu: Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình; đội Du kích Bắc Sơn cũng được phát triển thành đội Cứu quốc quân làm nòng cốt cho việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Đây là cơ sở nền tảng cho Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng (tháng 5/1941) đưa ra quyết định thành lập ở mỗi nước một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, với những tên dễ hiểu, có ý nghĩa cho từng dân tộc. Ở Việt Nam, Hội nghị quyết định lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), với khẩu hiệu chính là: phản Pháp - kháng Nhật - liên Hoa - độc lập. Sau khi được thành lập, tháng 10/1941, Tổng bộ Việt Minh đã công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ hoạt động của Mặt trận Việt Minh. Trong đó, chỉ rõ “Nguy cơ diệt vong đã bày ra trước mắt. Hiện thời chúng ta chỉ có một con đường mưu sống là đoàn kết, thống nhất, đánh đuổi Nhật, Pháp, trừ khử Việt gian… Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn… Coi quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy, Việt Minh sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để dựng lên một nước Việt Nam tự do và độc lập”9. Bằng cương lĩnh hành động đúng đắn, thể hiện tinh thần dân tộc, dân chủ, cùng hình thức tổ chức và phương pháp hành động thích hợp, phong trào Việt Minh được phát triển nhanh chóng và rộng khắp. Các hội cứu quốc (Công nhân cứu quốc hội, Nông dân cứu quốc hội, Thanh niên cứu quốc hội…) được xây dựng ở khắp các vùng nông thôn, đồng bằng, rừng núi và các đô thị. Đội tự vệ cứu quốc được thành lập ở hầu khắp các hội cứu quốc của Mặt trận Việt Minh. Đảng Dân chủ Việt Nam sau khi thành lập cũng tự nguyện trở thành một thành viên của Việt Minh. Tính đến giữa năm 1945, Việt Minh đã có trên 05 triệu hội viên. Tại Hà Nội, “gần đến ngày khởi nghĩa, số hội viên trong các tổ chức của Mặt trận Việt Minh thành phố đã có tới hàng vạn và hàng chục vạn quần chúng cảm tình sẵn sàng ủng hộ cách mạng”10. Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, với khoảng 5.000 đảng viên, cùng Mặt trận Việt Minh, Đảng đã lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra trên toàn quốc thắng lợi.
Như vậy, bằng đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng ngời chính nghĩa của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Mặt trận Việt Minh đã thực sự trở thành trung tâm tập hợp đoàn kết các giai cấp, đảng phái, dân tộc, tôn giáo, thân sĩ yêu nước trong nước; ngay cả những người chưa từng tham gia đời sống chính trị, lầm đường, lạc lối trong ngụy quân, ngụy quyền… cũng nhận rõ con đường lầm lạc trở về với dân tộc, theo cách mạng đứng lên chống kẻ thù chung. Với mục đích, tôn chỉ rõ ràng, đáp ứng và tổ chức chặt chẽ, khoa học, lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, một khối đoàn kết toàn dân được kiến tạo rộng rãi, vững chắc và phát triển mạnh mẽ từ Bắc đến Nam, ở miền ngược và miền xuôi, ở nông thôn và thành thị, tạo sức mạnh vô địch. Khi thời cơ đến, theo hiệu triệu của Đảng và Mặt trận Việt Minh, cả nước nhất tề nổi dậy, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với vũ trang quần chúng (lực lượng tham gia chủ yếu là quần chúng - biểu tượng của sức mạnh lòng dân), dũng cảm xông lên đập tan bộ máy chính quyền của phát xít Nhật và phong kiến tay sai, giành quyền làm chủ đất nước. Trong thắng lợi to lớn đó, Mặt trận Việt Minh đã hoàn thành xuất sắc vai trò trọng đại của mình, trở thành mẫu hình về phát huy sức mạnh toàn dân tộc, quy tụ sức mạnh lòng dân cả nước (lấy sức ta mà giải phóng cho ta). Đây cũng là hình thức điển hình đầu tiên trong việc thống nhất mọi lực lượng có thể tập hợp được phục vụ nhiệm vụ cách mạng đặt ra; làm cơ sở trực tiếp cho sự ra đời và phát triển của Mặt trận Liên Việt (kháng chiến chống Pháp); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở miền Bắc, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (kháng chiến chống Mỹ, cứu nước) và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay.
Hiện nay, bối cảnh thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, Việt Nam đang đứng trước nhiều vấn đề mới, có cả những thuận lợi, khó khăn, thời cơ, thách thức đan xen. Bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau gần 35 năm đổi mới toàn diện đất nước, vẫn còn tồn tại những hạn chế, yếu kém nảy sinh trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên; sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình” ngày càng tinh vi, xảo quyệt… đã ảnh hưởng không nhỏ làm suy giảm lòng tin của một bộ phận nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ. Hơn bao giờ hết, bài học về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - sức mạnh lòng dân luôn được Đảng, Nhà nước ta kế thừa và phát huy cao độ. Đó là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc, mọi người Việt Nam trong và ngoài nước. Tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân. Thường xuyên chăm lo xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân vững mạnh, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường đồng thuận xã hội, thực hiện “ý Đảng hợp lòng Dân”, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Nhằm không ngừng phát huy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển; sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa kết hợp sức mạnh thời đại để đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
PGS, TS. VŨ QUANG VINH, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ________________
1, 2 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 1998, tr. 4.
3 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 85.
4 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 222.
5, 6, 7 - Sđd, tr. 224, 597, 537.
8, 9 - Sđd, Tập 7, tr. 68, 461.
10 - Quân khu Thủ đô - Thủ đô Hà Nội lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Nxb Hà Nội, H. 1986, tr. 54.
Cách mạng Tháng Tám,sức mạnh lòng dân
Cách mạng Tháng Tám và văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh 19/08/2020
Phát huy vai trò, sức mạnh của quần chúng trong Cách mạng Tháng Tám, Quân đội tích cực tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay 18/08/2020
Tinh thần Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Động lực để xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại 17/08/2020
Xây dựng Công an nhân dân vững mạnh xứng đáng là “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân 16/08/2020
Sài Gòn - Chợ Lớn, Gia Định trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 16/08/2020
Lực lượng vũ trang Thủ đô bảo vệ vững chắc “trái tim” của cả nước 16/08/2020
Tiếp nối truyền thống “Thủ đô Kháng chiến”, Tuyên Quang thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược 13/08/2020
Cố đô Huế trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 13/08/2020
Sự lãnh đạo của Đảng trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 12/08/2020
Cách mạng Tháng Tám 1945: Mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử 18/08/2018