QPTD -Thứ Hai, 09/04/2018, 10:49 (GMT+7)
Mãi mãi xứng đáng là ngọn cờ lý luận bảo vệ Tổ quốc của Đảng trong Quân đội

Cách đây đúng 70 năm (tháng 4-1948), Quân sự Tập san (nay là Tạp chí Quốc phòng toàn dân) được thành lập và xuất bản số đầu tiên theo Quyết nghị của Hội nghị Quân sự toàn quốc lần thứ ba (tháng 6-1947) và Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đặc biệt vinh dự là, ngay trong số đầu tiên, Tạp chí đã nhận và đăng thư gửi Quân sự Tập san của Hồ Chủ tịch, Thư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và lời giới thiệu của đồng chí Tổng Tham mưu trưởng.

Thư gửi Quân sự Tập san của Bác hết sức ngắn gọn, súc tích, chỉ vẻn vẹn 135 từ nhưng hàm chứa những nội dung chỉ đạo sâu sắc và thể hiện rõ tính chất nghiên cứu, tôn chỉ, mục đích của một tờ tạp chí lý luận quân sự. Trong thư, Người nêu rõ: “Nghiên cứu mà không thực hành là nghiên cứu suông. Thực hành mà không nghiên cứu thì thường hay bị mù quáng. Vậy cần phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ, làm cho nó đầy đủ dồi dào thêm”1.

Trong thời kỳ này, Quân sự Tập san, rồi Quân chính Tập san đặt dưới sự chỉ đạo của Tổng Tham mưu trưởng, sau đó là dưới sự chỉ đạo trực tiếp của một Ban Biên tập chung cho cả tờ Vệ quốc quân và Quân du kích. Đây cũng là những “viên gạch” đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển của báo chí Quân đội trong kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như sau này. Việc ra đời của tờ Tạp chí lý luận quân sự trong bối cảnh những năm đầu của cuộc kháng chiến, kiến quốc, khi đất nước còn bộn bề khó khăn và việc hệ trọng phải làm cho thấy, tầm quan trọng của công tác lý luận nói chung, lý luận quân sự nói riêng, mà trực tiếp là báo chí Quân đội; đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tầm nhìn sắc sảo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ quân sự - nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ này, trong đó lý luận quân sự giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt.

Bám sát thực tiễn chiến trường, hoạt động chiến đấu, huấn luyện của bộ đội, Quân sự Tập san2 tuy còn non trẻ, ít kinh nghiệm, nhưng bước đầu đã thể hiện khá rõ tính chỉ đạo, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về lĩnh vực quân sự, thực sự là tài liệu học tập bổ ích đối với cán bộ quân sự các cấp. Với bố cục gồm 4 mục chính (bình luận, tham khảo, kinh nghiệm, tin tức), các số của Quân sự Tập san đăng những bài bình luận, kinh nghiệm, nghiên cứu tham khảo và những tin tức nóng hổi trên các mặt trận cùng các hoạt động của bộ đội đã giúp cho cán bộ có những thông tin, nhận định, đánh giá về tình hình chung. Trong đó, đáng chú ý đã có những bài viết quan trọng của các tác giả là cán bộ quân sự cấp cao, cán bộ nghiên cứu trong Quân đội, như: bài “Tiến mạnh sang giai đoạn mới” của Võ Nguyên Giáp; “Du kích vận động chiến trong chiến tranh Việt Pháp” của Hoàng Văn Thái; “Luyện quân” của Hoàng Đạo Thúy; “Kinh nghiệm trận Kẻ Sặt” của H.S và “Kinh nghiệm chống tảo Đảng trong vùng địch chiếm đóng” của Nguyễn Tâm, v.v.

Đến tháng 10-1948, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội trong giai đoạn mới, mà trực tiếp là triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban thường vụ Trung ương Đảng về “Lập chế độ chính trị ủy viên đại diện Đảng phụ trách trong Quân đội”, Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy ra quyết định 414/TCH đổi Quân sự Tập san thành Quân chính Tập san3 với đối tượng bạn đọc được mở rộng hơn. Quân chính Tập san ra số 7 tiếp tục số thứ tự của Quân sự Tập san, đăng thư “Gửi toàn thể các cấp chỉ huy trong quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; trong đó nêu rõ: “Quân chính Tập san là một công trình do toàn thể bộ đội ta với xương và máu hun đúc nên, không phải là tạo phẩm của một số nhỏ. Các cấp cần quan niệm rõ điều này và phải coi viết bài về cho Quân chính Tập san là một nhiệm vụ cần thiết”4. Bám sát nhiệm vụ Quân đội và nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ này, Quân chính Tập san với nội dung đề cập rộng, thể hiện rõ tính chỉ đạo, tính nghiên cứu, tính lý luận và thực sự trở thành cơ quan lý luận quân sự và chính trị của Tổng Chính ủy. Cùng với việc đăng “Lời kêu gọi tích cực chuẩn bị tổng phản công” của Hồ Chủ tịch, “Lời hiệu triệu của Mặt trận Trung du”, quân lệnh, nhật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Quân chính Tập san còn đăng các bài bình luận, chuyên luận chỉ đạo, như: “Giai đoạn mới và nhiệm vụ quân sự hiện nay” của Quốc Bình (bút danh của đồng chí Hoàng Văn Thái), “Sự phối hợp giữa Quân đội và nhân dân” của Lê Liêm; “Tổ chức và huấn luyện bộ đội chủ lực” của Chiến Thắng, “Chiến trường Đông Bắc” của Trần Trung Kiên, “Gây cơ sở Đông Bắc” của Lê Trọng Tấn, “Kỷ luật chiến trường” của Văn Tiến Dũng,… cùng nhiều bài kinh nghiệm, nghiên cứu tham khảo có giá trị. Ngoài các số Quân chính Tập san, Tòa soạn còn biên soạn các tài liệu chiến thuật, kỹ thuật để giúp cho các đơn vị trong công tác huấn luyện chiến đấu. Như vậy, qua gần 5 năm hoạt động (từ tháng 4-1948 đến tháng 01-1953), Quân sự Tập san và Quân chính Tập san đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, thiết thực nâng cao trình độ lý luận quân sự, chính trị cho cán bộ các cấp trong toàn quân, góp phần vào thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Quán triệt và thực hiện Nghị quyết 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng”, ngày 06-6-1957, Tổng Quân ủy ra Quyết định 104-TT/TQU về việc xuất bản “Tạp chí Quân đội nhân dân” tiếp nối nhiệm vụ của Quân sự Tập san và Quân chính Tập san. Trong đó, xác định rõ: “Tạp chí Quân đội nhân dân có nhiệm vụ tuyên truyền lý luận quân sự của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đường lối, chính sách quân sự của Đảng và Chính phủ, chủ trương công tác của Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh; trao đổi và tổng kết những kinh nghiệm công tác của Quân đội, góp phần vào việc nâng cao trình độ lý luận chính trị, quân sự và nghiệp vụ cho cán bộ cao cấp và trung cấp trong toàn quân. Tạp chí Quân đội nhân dân đặt dưới sự chỉ đạo của Tổng Quân ủy và do Tổng cục Chính trị quản lý, có Hội đồng Chỉ đạo giúp cho Tổng Quân ủy chỉ đạo Tạp chí. Tổng Quân ủy chỉ định phụ trách Ban Biên tập, gồm: Tổng Biên tập là đồng chí Lê Liêm và 02 Phó Tổng Biên tập là đồng chí Hoàng Minh Thảo và đồng chí Hoàng Phương. Tạp chí Quân đội nhân dân ra Số 1 (tháng 8-1957), khổ 19x27 cm, dung lượng 100 trang. Trong số này, Tạp chí đăng “Quyết định của Tổng Quân ủy về xuất bản Tạp chí Quân đội nhân dân”, “Lời chào mừng Tạp chí Quân đội nhân dân” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và dành hầu hết các trang còn lại để đăng các bài về quán triệt Nghị quyết 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Gắn liền với quá trình trưởng thành, phát triển của Quân đội, Tạp chí  Quân đội nhân dân không ngừng phát triển về mọi mặt, “thực sự trở thành Tạp chí lý luận của Đảng trong Quân đội”. Từ tháng 8-1957 đến tháng 12-1961, Tạp chí Quân đội nhân dân phát hành đều đặn hằng tháng, thậm chí có tháng phát hành 2 số hoặc 3 số; đặc biệt, năm 1959 và năm 1960 là những năm có nhiều sự kiện chính trị quan trọng5 đã phát hành lần lượt 18 số và 15 số. Thời kỳ này, Tạp chí tập trung tuyên truyền về xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, Quân đội tham gia xây dựng đất nước và thực hành tiết kiệm. Trong đó, có những bài xã luận, bình luận, chuyên luận chỉ đạo, trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu tham khảo có giá trị lý luận và chỉ đạo thực tiễn cao, như: bài “Chống chủ nghĩa cá nhân” (tháng 9-1957) của Nguyễn Chí Thanh; “Nội dung 4 chế độ mới”6 (tháng 10-1957) của Song Hào; “Cách mạng Tháng Mười mở đường cho một nền khoa học quân sự mới - khoa học quân sự Xô viết” (tháng 11-1957) và xã luận “Những vấn đề chính trong công tác tổng kết huấn luyện quân sự năm 1957” (tháng 02-1958) của Tòa soạn; “Nhiệm vụ xây dựng lực lượng hậu bị” (tháng 12-1958) của Văn Tiến Dũng; “Chế độ lãnh đạo của Đảng trong Quân đội” (tháng 9-1959) của Phạm Ngọc Mậu; “Tích cực phấn đấu để xây dựng Quân đội hùng mạnh tiến lên chính quy và hiện đại” (tháng 12-1959) của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Xã luận “30 năm đấu tranh gian khổ, 30 năm thắng lợi vẻ vang” và bài “Vấn đề lập trường tư tưởng và thành phần giai cấp trong Đảng” (tháng 1-1960) của Nguyễn Chí Thanh; “Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III là động lực thúc đẩy công tác củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân” (tháng 3-1960) của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, v.v

Từ năm 1963 đến năm 1975, Tạp chí Quân đội nhân dân với lực lượng phóng viên hùng hậu, dày dạn kinh nghiệm, bám sát thực tiễn chiến trường, thấu suốt quan điểm, đường lối quân sự của Đảng, có nhiều bài viết sắc sảo, thực sự là những sản phẩm báo chí chất lượng, giàu tính lý luận, thực tiễn, kịp thời tuyên truyền cổ vũ động viên quân và dân ta ở hai miền Nam - Bắc thi đua đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nét nổi bật trong công tác tuyên truyền của Tạp chí trong thời kỳ này là, thu hút được đông đảo cán bộ cao cấp trong Quân đội viết bài. Ngoài ra, Tạp chí còn thường xuyên cử phái viên theo sát các tư lệnh mặt trận, chiến dịch để có những bài viết từ chiến trường gửi về Tòa soạn, vì thế, những bài viết này thực sự là những công trình khoa học quân sự có giá trị lý luận cao và hơi thở thực tiễn phong phú. Cùng với đó, Tạp chí còn tích cực tổ chức các cuộc trao đổi ý kiến về các sự kiện, vấn đề đặt ra trong nghiên cứu khoa học quân sự, đồng thời phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam để chuyển tải những nội dung này. Chẳng hạn như: cuộc trao đổi ý kiến giữa Đài tiếng nói Việt Nam và Tạp chí Quân đội nhân dân về “Thất bại quân sự của Mỹ ở Việt Nam”, được Đài phát sóng trong 9 buổi, từ 26-8 đến 05-9-1971; hoặc cuộc trao đổi về vấn đề “Quân và dân ta quyết đánh và quyết thắng, đã đánh và biết thắng giặc Mỹ xâm lược”, được Đài phát sóng trong 10 buổi, từ 19-12 đến 28-12-1971. Những bài chuyên luận của Tòa soạn với bút danh: Quyết thắng, Trung Dũng, Q.S có hàm lượng khoa học và tri thức quân sự, chính trị cao, thực sự là tiếng nói của Tạp chí, khẳng định vị thế của Tạp chí, luôn được bạn đọc quan tâm, theo dõi, đánh giá cao.

Có thể nói, thông qua những bài viết, nhất là các bài của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, Tạp chí đã góp phần quan trọng vào việc quán triệt quan điểm, đường lối cách mạng, đường lối chiến tranh nhân dân Việt Nam độc đáo, sáng tạo và tư tưởng chiến lược tiến công của Đảng ta. Đồng thời làm sáng tỏ những vấn đề về phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân; nghệ thuật quân sự; nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến lược, chiến dịch, chiến thuật; kết hợp chặt chẽ các hình thức tác chiến, đánh địch ở mọi quy mô, cả đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ, v.v. Những đóng góp của Tạp chí Quân đội nhân dân vào công tác tư tưởng, lý luận của Đảng nói chung, lý luận quân sự, chính trị nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta là rất đáng trân trọng. Nó không chỉ góp phần nâng cao trình độ lý luận, nghiệp vụ, tri thức và kiến thức quân sự cho cán bộ trung, cao cấp trong và ngoài Quân đội, mà còn thiết thực giúp cho công tác tổng kết chiến tranh, tổng kết trên các lĩnh vực và nghiên cứu, phát triển khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời kỳ mới.

Xuất phát từ tình hình và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cũng như yêu cầu chung của việc đổi mới, tổ chức lại, nâng cao chất lượng và hiệu quả của hệ thống báo chí Quân đội, ngày 26-01-1988, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) ra Quyết định 06/ĐUQSTW về việc phát triển nhiệm vụ của Tạp chí Quân đội nhân dân và đổi tên Tạp chí Quân đội nhân dân thành Tạp chí Quốc phòng toàn dân. Trong đó nêu rõ: “Phát triển nhiệm vụ của Tạp chí Quân đội nhân dân, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả của Tạp chí, bảo đảm cho Tạp chí làm tròn chức năng và nhiệm vụ của Tạp chí, phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là một nhiệm vụ chiến lược của cách mạng xã hội chủ nghĩa của nước ta hiện nay”.

Từ năm 1988 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Hội đồng Chỉ đạo Tạp chí mà thường xuyên và trực tiếp là Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, sự định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tạp chí Quốc phòng toàn dân luôn bám sát tình hình quốc tế, trong nước và Quân đội, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không có sai sót về quan điểm, đường lối. Trên cơ sở quán triệt, nắm vững nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và nhận thức rõ vai trò là cơ quan lý luận quân sự và chính trị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Tạp chí tập trung tuyên truyền lý luận quân sự của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, những chủ trương công tác lớn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các tổng cục; trao đổi và tổng kết kinh nghiệm các hoạt động quốc phòng, quân sự của lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là các đơn vị quân đội, địa phương, cơ quan Trung ương và bộ, ngành Nhà nước; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, nhất là “thế trận lòng dân” và xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố); giáo dục quốc phòng và an ninh; đối ngoại quốc phòng; quốc phòng, quân sự nước ngoài; lịch sử, kinh nghiệm và truyền thống quân sự của dân tộc, v.v. Đáng chú ý là, những năm gần đây, trước yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Tạp chí thường xuyên có những bài viết quán triệt quan điểm của Đảng được thể hiện thông qua các chỉ thị, nghị quyết, như: Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX, XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và những vệt bài “Tư duy mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc”; bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ lúc nước chưa nguy; về đối tác, đối tượng; xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đặc biệt, trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội, Tạp chí đã nhạy bén mở chuyên mục “Đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch”. Trong các số Tạp chí in và Tạp chí Quốc phòng toàn dân Điện tử thường xuyên có những bài viết đấu tranh trực diện, sắc sảo, có tính chiến đấu và sức thuyết phục, được các cơ quan chức năng và bạn đọc đánh giá cao, góp phần bảo vệ trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội.

Trải qua 70 năm xây dựng, trưởng thành (tháng 4-1948 - 4-2018), Tạp chí Quốc phòng toàn dân đã nỗ lực khắc phục khó khăn, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng qua các thời kỳ, mà trực tiếp nhất là công tác tư tưởng và lý luận. Trước yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đòi hỏi cán bộ, phóng viên Tạp chí tiếp tục phấn đấu, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ nghiệp vụ, năng lực tư duy lý luận để hoàn thành tốt công tác nghiên cứu - biên tập, góp phần đưa Tạp chí không ngừng phát triển, xứng đáng là ngọn cờ lý luận bảo vệ Tổ quốc của Đảng trong Quân đội. v

Thiếu tướng NGUYỄN MẠNH HÙNG
________________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 511.

2 - Từ tháng 4 đến tháng 10-1948, Quân sự Tập san xuất bản được 06 số.

3 - Từ tháng 10-1948 đến tháng 01-1953 xuất bản tiếp được 28 số, tổng cộng 34 số.

4 - Ban Biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân, 50 năm Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Biên niên sự kiện (lưu hành nội bộ), Nxb QĐND, H.1998, tr.23.

5 - Năm 1959: Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 ra Nghị quyết về đường lối cách mạng miền Nam. Năm 1960: năm kết thúc Kế hoạch 5 năm lần thứ I, Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III và Đại hội Đảng bộ Quân đội, Đại hội kỹ thuật toàn quân.

6 - 4 chế độ mới, gồm: Chế độ Nghĩa vụ quân sự, Chế độ Quân hàm, Chế độ Khen thưởng, Chế độ Tiền lương sĩ quan.

Ý kiến bạn đọc (0)

Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Quân sự Tập san
Nhân kỷ niệm 70 năm Tạp chí ra số đầu tiên, Tòa soạn Tạp chí Quốc phòng toàn dân xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc toàn văn thư gửi Quân sự Tập san của Chủ tịch Hồ Chí Minh.