QPTD -Thứ Tư, 11/04/2018, 13:43 (GMT+7)
Bạn đọc, cộng tác viên với Tạp chí Quốc phòng toàn dân

(Tiếp theo)
4- Cộng tác với Tạp chí quốc phòng toàn dân - tình cảm và trách nhiệm

Giáo sư, Tiến sĩ  HOÀNG CHÍ BẢO

Là người nghiên cứu và giảng dạy lý luận, tôi có quan hệ cộng tác với nhiều tạp chí khoa học, trong đó có Tạp chí Quốc phòng toàn dân - cơ quan lý luận quân sự, chính trị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Đã gần 30 năm kể từ Đại hội VII, khi Đảng ta công bố Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tôi bắt đầu có quan hệ cộng tác với Tạp chí. Quan hệ này ngày càng trở nên thân thiết, gần gũi, nhất là trong những năm gần đây.

Tôi còn nhớ rõ, Đại hội VI (1986) khi khởi xướng đường lối đổi mới, Đảng ta xác định mục tiêu của đổi mới là “dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh”. Đến Đại hội VII (1991) đã bổ sung một mục tiêu quan trọng thể hiện bản chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội mà chúng ta nỗ lực hướng tới là: “công bằng xã hội”. Từ đây, chúng ta nhận thức rằng, đổi mới được định hướng bởi những giá trị cốt lõi trong mục tiêu phát triển “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Nhận thức là một quá trình, xuất phát từ thực tiễn mà kiểm chứng tính đúng đắn hay còn khiếm khuyết của lý luận để khẳng định cái đúng, khắc phục cái không đúng, vượt qua cái không còn phù hợp, đồng thời phát hiện cái mới. Nhất quán với quan điểm thực tiễn, Đảng ta luôn chú trọng tổng kết thực tiễn trên trình độ lý luận để phát triển lý luận mới. Trải qua 15 năm đổi mới, đến Đại hội IX (2001), năm mở đầu thế kỷ XXI, trong hệ mục tiêu của đổi mới đã có thêm mục tiêu quan trọng là dân chủ. Và giờ đây, sau hơn 30 năm đổi mới, hệ mục tiêu của đổi mới, của phát triển và hiện đại hóa đất nước đã định hình đầy đủ, hoàn chỉnh “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), hệ mục tiêu đó được xác định là đặc trưng tổng quát của chủ nghĩa xã hội Việt Nam, của xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà nhân dân ta xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Từ sự biến đổi, phát triển của thực tiễn đổi mới, nhất là từ khi Đảng ta chủ trương phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường hiện đại định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng xã hội dân chủ và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập quốc tế, thực hiện đồng bộ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, dân chủ ngày càng được chú trọng, xem đó như một giá trị ưu tiên, vừa là mục tiêu vừa là động lực của đổi mới, ra sức thực hành dân chủ rộng rãi, từ dân chủ trong Đảng đến dân chủ trong xã hội. Giờ đây, khi công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, triển khai trên quy mô rộng lớn, đất nước đang ở trong thời kỳ phát triển bước ngoặt dường như bắt đầu cuộc đổi mới lần thứ hai, với nỗ lực rất cao để hội nhập quốc tế thành công, để “từ sông đi ra biển lớn”, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức với sức mạnh của trí tuệ sáng tạo, của bản lĩnh vững vàng “dĩ bất biến ứng vạn biến”, chúng ta ngày càng ý thức sâu sắc hơn vai trò dẫn đường của lý luận  nguồn xung lực mạnh mẽ của dân chủ. Muốn “làm mới” lý luận, muốn phát triển và hiện đại hóa lý luận cần phải ra sức đổi mới tư duy trên cơ sở giải phóng tư tưởng, khuyến khích tự do tư tưởng, tạo môi trường xã hội lành mạnh sao cho tinh thần đối thoại, tranh luận, phản biện thấm sâu vào đời sống học thuật và đời sống văn hóa tinh thần của xã hội. Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý báu, trong đó có lý luận về dân chủ  thực hành dân chủ. Đây là một trong những thực hành lớn, tiêu biểu trong cuộc đời của Người1. Người đặc biệt quý trọng nhân tài trí thức. Luận điểm đặc sắc về dân chủ mà Người dành cho giới trí thức là: trong một nước dân chủ, ai ai cũng có quyền tự do thảo luận, tranh luận để cùng nhau tìm tòi chân lý. Khi chân lý đã tìm thấy rồi thì quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Nghĩ về luận điểm có tính khoa học và ý nghĩa nhân văn sâu sắc này của Người, ta bỗng liên tưởng tới luận đề nổi tiếng của Ph. Ăng-ghen: tự do là giác ngộ cái tất yếu và hành động phù hợp với cái tất yếu. Không chỉ hành trình giải phóng để phát triển của nhân loại mà ngay cả đối với từng cá nhân, cả thể người, nhất là người trí thức chân chính, nỗ lực cả đời để không ngừng “đụng chạm vào chân lý”, góp phần sản xuất ra tri thức và tư tưởng bằng một tiếng nói riêng của mình cũng đều trải qua một hành trình nhọc nhằn, gian khổ “từ vương quốc của tất yếu tới vương quốc của tự do”.

Tôi nói lan man những điều trên đây cốt là để dẫn đến một kỷ niệm tốt lành, khó quên của tôi với Tạp chí Quốc phòng toàn dân. Đó là ngay sau Đại hội VII, khi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng ta được Đại hội thông qua năm 1991, tôi nhận được thư mời của lãnh đạo Tạp chí, mời tôi tham gia cộng tác và viết bài với yêu cầu làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn hệ mục tiêu của đổi mới, từ đó góp phần khẳng định và củng cố niềm tin: “đổi mới là sự nghiệp sáng tạo của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. Lúc đó, tôi đang là Phó viện trưởng và Viện trưởng Viện chủ nghĩa xã hội khoa học, trực thuộc Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác Lê-nin; đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Mác Lê-nin (sau là Viện Mác Lê-nin Hồ Chí Minh). Nhắc lại kỷ niệm khó quên này, tôi muốn bày tỏ lời cảm ơn chân thành và sâu sắc tới Tạp chí Quốc phòng toàn dân. Ngay từ hồi đó, tôi đã cảm nhận thấy hai điều:

 Thứ nhất, như một sự nhạy cảm nghề nghiệp, từ tôn chỉ và mục đích đã xác định, lãnh đạo và tập thể các cán bộ khoa học của Tạp chí đặc biệt quan tâm tới lý luận chính trị và giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng của Tạp chí - một diễn đàn rất quan trọng của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.

Thứ hai, qua làm việc, tiếp xúc với các biên tập viên của Tạp chí, tôi rất trân trọng và quý mến thái độ nghiêm túc, khoa học, phương pháp làm việc cẩn thận, đầy trách nhiệm, sự công phu trong lao động biên tập, cả biên tập khoa học (nội dung lý luận) lẫn biên tập văn học và kỹ thuật (văn phong trình bày, diễn đạt,...). Đặc biệt là ứng xử văn hóa khiêm nhường, trọng thị của các đồng chí biên tập viên trong quan hệ làm việc, giao tiếp với tác giả. Tôi học được nhiều điều thiết thực, bổ ích từ thực tế ấy, nhất là từ các đồng chí tướng lĩnh lãnh đạo Tạp chí đến các nhà khoa học Quân đội, các biên tập viên có chuyên môn nghiệp vụ chắc chắn, không chỉ am hiểu lý luận mà còn là sự hiểu biết thực tiễn trong và ngoài Quân đội.

Từ bài đăng đầu tiên cho đến các loạt bài đã đăng gần đây, tôi nghiệm ra rằng, ở tất cả các bài do Tạp chí đặt hàng tôi viết và rồi được đăng tải (theo những chủ đề, ở những chuyên mục khác nhau) trên nhiều số của Tạp chí, các biên tập viên của Tạp chí đã lao động miệt mài trên từng trang bản thảo của tác giả. Các đồng chí biên tập viên đã rất công phu tổ chức lại bản thảo, biết điều chỉnh nội dung cho phù hợp với dung lượng, theo khuôn khổ Tạp chí, biết phát hiện rất tinh những điểm nhấn, những chỗ dụng công, dụng ý của tác giả. Ngòi bút của các biên tập viên khi sửa chữa ý và lời, từ hay chữ của tác giả trong bài viết cho tôi cảm nhận rằng, các anh đã tỏ rõ tính chuyên nghiệp cao, đúng là những biên tập viên có nghề đáng nể trọng. Cảm động hơn nữa, sau khi đã biên tập xong, Tạp chí bao giờ cũng gửi lại để xin ý kiến tác giả, đó không chỉ là sự chu đáo, cẩn thận, trách nhiệm mà còn là tinh thần dân chủ, thái độ khiêm tốn, tôn trọng lẫn nhau. Không phải mọi Tạp chí đều làm được những công việc như thế, như Tạp chí Quốc phòng toàn dân.

Tôi muốn một lần nữa bày tỏ lời cảm ơn và biết ơn Tạp chí với sự tin cậy khi đặt bài cho tác giả, về đức khiêm nhường trong ứng xử, về sự gia công biên tập rất có hiệu quả. Nhờ đó, diện mạo, phong cách tác giả qua bài viết được thể hiện như bạn đọc đã biết đến,... là có công sức rất lớn của Tạp chí, của các biên tập viên. Thực tế này đã cho tôi một thu hoạch nữa, không chỉ về chuyên môn mà còn là nhiệt tâm và trách nhiệm của người cầm bút, tôi nhận ra từ phong cách làm việc của Tạp chí  văn hóa lao động của các biên tập viên. Qua đây tôi muốn nói một tâm sự thật lòng: viết báo, viết bài nghiên cứu cho Tạp chí có những cái khó rất đặc thù của nó so với viết sách, viết các công trình chuyên khảo có dung lượng lớn. Chỗ quen thuộcquen tay của các nhà nghiên cứu quen viết sách lại là chỗ họ rất lúng túng, khó nhọc khi phải đáp ứng những yêu cầu mới, có phần khắt khe trong những sự chế ước của bài đăng tạp chí, từ dung lượng đến lời văn, từ quan điểm tới phương pháp thể hiện. Đây là trường hợp nói về bản thân tôi và cũng nói về Tạp chí Quốc phòng toàn dân - một Tạp chí chuẩn mực, chính thống, đòi hỏi cao không chỉ về hàm lượng lý luận mà còn có sức nặng của thực tiễn.

Viết sách, viết báo đối với nhà khoa học là sự tự thể hiện mình, tự đón nhận những đánh giá phê bình của dư luận và của bạn đọc. Đó là lao động nghiêm túc, không cho phép dễ dãi, cẩu thả. Đối với tôi, viết bài cho Tạp chí Quốc phòng toàn dân càng không được dễ dãi, cẩu thả, thiếu trách nhiệm. Tôi không thể phụ lòng tin của Tạp chí, sự tin cậy và yêu mến của các đồng nghiệp và độc giả trong và ngoài Quân đội. Từ những trang viết gửi đăng Tạp chí, nhất là yêu cầu cao mà Tạp chí nêu ra về tính phê phán, tính chiến đấu khi viết những bài về “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm”, “không thể tam quyền phân lập trong mô hình nhà nước ta”, hay một loạt bài để khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giá trị di sản Mác Lê-nin, tư tưởng, đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,... tôi luôn dành tâm huyết và thể hiện tốt nhất có thể.

Nói những lời tâm sự này, với tôi không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm đối với Tạp chí Quốc phòng toàn dân, đối với tập thể cán bộ khoa học và các đồng chí cán bộ, biên tập tiên, phóng viên trong ngôi nhà Tạp chí Quốc phòng toàn dân thân yêu của chúng ta, nhất là trước sự kiện Kỷ niệm 70 năm  Tạp chí Quốc phòng toàn dân ra số đầu tiên.

Tạp chí đã có bề dày lịch sử đáng tự hào mà đóng góp của tôi - một người ngoại đạo lại quá nhỏ nhoi, luôn tự ý thức rõ những gì mà mình chưa tới, chưa chín. Tôi tự nhủ mình “của tin gọi một chút này làm ghi”, mỗi lần gửi bài tới Tòa soạn, rất mong được các đồng chí, bạn bè, anh em, bạn đọc cảm thông và lượng thứ.

Với tất cả tấm lòng, sự tin cậy và tôn trọng, cho phép tôi được có một đôi điều mong muốn: Tạp chí Quốc phòng toàn dân của chúng ta đã là một Tạp chí có uy tín sẽ uy tín cao hơn nữa; đã là một “thương hiệu” sẽ giữ vững thương hiệu, tên tuổi này bằng những nét đặc sắc hơn nữa; đã có một phong cách sẽ làm cho phong cách này có sức hấp dẫn, lan tỏa nhiều hơn nữa. Tôi mong muốn như vậy trên tư cách một bạn đọc thường xuyên và có nhiều thiện cảm với Tạp chí. Để mong muốn đó được thỏa mãn, tôi nghĩ, Tạp chí Quốc phòng toàn dân của chúng ta sẽ:

- Chú trọng hơn nữa hàm lượng lý luận, đăng tải những kết quả nghiên cứu mới của các tác giả trong và ngoài Quân đội về di sản kinh điển Mác xít; về tư tưởng - đạo đức - phong cách Hồ Chí Minh; về chủ nghĩa xã hội đương đại trong cải cách, đổi mới; về thời đại và thời cuộc hiện nay; về Đảng Cộng sản cầm quyền qua thực tiễn xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng ta.

- Tăng thêm dung lượng cho các bài viết phê phán sự xuyên tạc của các thế lực thù địch, đồng thời ở chủ đề rất quan trọng này cần có nhiều bài viết có tầm tư tưởng cao, có phong cách luận chiến sắc sảo thể hiện một trình độ cao và nhuần nhuyễn về văn hóa chính trị.

- Chú ý đăng tải các bài viết phù hợp với Tạp chí của các học giả nước ngoài để gợi mở những tìm tòi sáng tạo mà chúng ta cần tham khảo.

- Cần tổ chức những tọa đàm khoa học, những nghiên cứu tổng kết làm chất liệu xây dựng hệ thống bài vở cho Tạp chí về các vấn đề tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; về đổi mới hệ thống chính trị; về các mối quan hệ lớn phản ánh tính quy luật của đổi mới ở Việt Nam2.

- Lý luận về “quốc phòng toàn dân”, “chiến tranh nhân dân”, “thế trận lòng dân”, “chiến tranh phi truyền thống” (nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0) cũng là những vấn đề không chỉ cần thiết trong Quân đội và quốc phòng mà còn thu hút sự chú ý của xã hội, cũng nên được Tạp chí quan tâm hơn nữa trong chương trình nghị sự của mình.

- Cuối cùng, nhân sự kiện kỷ niệm 70 năm Tạp chí ra số đầu tiên, và xét về lâu dài, sẽ là rất tốt nếu chúng ta công phu tuyển chọn những tác giả, tác phẩm tiêu biểu, qua phân loại, ít nhất là từ khi nước ta đi vào đổi mới đến nay, chúng ta xuất bản những tuyển chọn công trình đánh dấu bước trưởng thành của Tạp chí. Những ấn phẩm này cần thiết, hữu ích cho công tác đào tạo trong và ngoài Quân đội, cho việc tham khảo, nghiên cứu của đông đảo bạn đọc.

Chúc Tạp chí Quốc phòng toàn dân mãi mãi xứng đáng với tình cảm yêu mến và tin cậy của đông đảo bạn đọc bằng những thành tựu phát triển mới, sáng tạo và hiện đại, dân chủ - đoàn kết và đồng thuận. Đó là ngọn nguồn sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng của “Quốc phòng toàn dân” - một nền quốc phòng thể hiện mối liên hệ máu thịt giữa Quân đội và nhân dân, của mối quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Giáo sư, Tiến sĩ  HOÀNG CHÍ BẢO, Chuyên gia cao cấp
nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
__________________

1 - Với quan niệm Hồ Chí Minh là “nhà biện chứng thực hành”, tôi đã để tâm sức nghiên cứu năm thực hành lớn trong cuộc đời của Người: 1. Thực hành lý luận trong thực tiễn; 2. Thực hành dân chủ; 3. Thực hành dân vận; 4. Thực hành đoàn kết, đại đoàn kết; 5. Thực hành đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính.

2 - Đại hội XII (2016) đã nêu lên chín mối quan hệ lớn phản ánh tính quy luật của đổi mới. Xem Văn kiện Đại hội XII (01-2016).
___________________

Tiếp theo: 5 - Tạp chí Quốc phòng toàn dân người bạn gắn bó với lực lượng vũ trang Quân khu 9

Ý kiến bạn đọc (0)

Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Quân sự Tập san
Nhân kỷ niệm 70 năm Tạp chí ra số đầu tiên, Tòa soạn Tạp chí Quốc phòng toàn dân xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc toàn văn thư gửi Quân sự Tập san của Chủ tịch Hồ Chí Minh.