QPTD -Thứ Năm, 14/03/2024, 09:35 (GMT+7)
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng trong Chiến dịch Thượng Lào năm 1954

Chiến dịch Thượng Lào năm 1954 đã tiêu diệt bộ phận quan trọng sinh lực, làm phân tán mạnh lực lượng cơ động chiến lược của địch, góp phần cô lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và mở rộng vùng giải phóng cho nước bạn Lào. Thắng lợi của Chiến dịch để lại nhiều kinh nghiệm quý về nghệ thuật tiến công trong điều kiện thời gian gấp, thời tiết khắc nghiệt, chiến trường xa hậu phương; mà điển hình là nghệ thuật sử dụng lực lượng.

Sau khi tướng Nava - Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương quyết định thiết lập Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm “bất khả xâm phạm” với mưu đồ thu hút, “nghiền nát” bộ đội chủ lực của ta, thì ở Thượng Lào, từ đầu tháng 12/1953, địch gấp rút xây dựng “phòng tuyến sông Nậm Hu” bao gồm các cứ điểm từ Pắc U đến Mường Ngòi, Mường Khoa với lực lượng khoảng 20 đại đội. Đây được coi là “hành lang chiến lược”, một giải pháp tình thế của địch, hòng bảo vệ Thượng Lào và Điện Biên Phủ khỏi bị cô lập, tạo thế liên hoàn và “sân sau an toàn” cho lực lượng địch ở tập đoàn cứ điểm có thể rút lui về Luông Pha Băng khi cần thiết.

Trước tình hình địch tăng cường phòng ngự vững chắc ở “lòng chảo” Điện Biên, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Để nghi binh, đánh lạc hướng phán đoán của địch, tiêu diệt thêm sinh lực, buộc chúng phải lún sâu vào thế phân tán lực lượng cơ động chiến lược; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ làm tốt công tác chuẩn bị theo phương châm tác chiến mới, ta quyết định mở chiến dịch tiến công sang Thượng Lào. Với phương châm “tự lực và gấp rút”, chủ động nắm bắt tình hình địch, kịp thời điều chỉnh, bổ sung quyết tâm trong quá trình tác chiến, ta đã giáng cho địch một đòn chí mạng. Mặc dù diễn ra trong thời gian ngắn, ở quy mô nhỏ, nhưng thắng lợi của Chiến dịch mang ý nghĩa chiến lược và để lại nhiều kinh nghiệm quý về nghệ thuật tác chiến chiến dịch, trong đó có nghệ thuật sử dụng lực lượng.

Một là, huy động lực lượng tham gia Chiến dịch phù hợp với thực tế chiến trường. Trong chiến dịch Thượng Lào năm 1954, ta chỉ sử dụng Đại đoàn 308 và Trung đoàn 148 của Quân khu Tây Bắc phối hợp với bộ đội Pa-thét Lào; thậm chí để Chiến dịch diễn ra kịp thời, đúng thời cơ, Bộ Tổng Tư lệnh tiền phương chỉ thị Đại đoàn 308: “lực lượng sử dụng bao nhiêu tùy thuộc vào khả năng cung cấp của đại đoàn… làm sao bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, giữ vững lực lượng, khi có lệnh trở về ngay”1. Quyết định này thể hiện rõ tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn chiến trường lúc bấy giờ. Bởi quá trình trinh sát nắm địch, ta nhận thấy các cứ điểm thuộc “phòng tuyến sông Nậm Hu” được xây dựng rất sơ sài, nằm ở xa hậu phương địch, phòng ngự thiếu chặt chẽ, không tạo được thế trận liên hoàn, vững chắc, nếu ta bí mật bao vây, bất ngờ tiến công thì lực lượng phòng ngự ở đây sẽ nhanh chóng bị tan rã, tiêu diệt. Khi đánh giá về tình hình của ta, Bộ Tổng Tư lệnh nhận định: Đại đoàn 308 là một trong những đơn vị chủ lực, được thành lập sớm của Quân đội ta và có nhiều kinh nghiệm chiến đấu trong các chiến dịch lớn, nhất là kinh nghiệm tác chiến ở Chiến dịch Thượng Lào năm 1953, nên đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhất, hiệu suất chiến đấu cao nhất. Hơn nữa, thời điểm này, ta đang tập trung các đại đoàn chủ lực cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, nếu điều động số lượng lớn lực lượng tham gia chiến dịch Thượng Lào thì sức tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sẽ bị giảm sút, do lực lượng, phương tiện của các đơn vị sẽ bị tiêu hao phần nào trong quá trình tác chiến. Khi đó, ta sẽ mất thêm thời gian để củng cố, bổ sung quân số, vũ khí, trang bị cho các đơn vị khi quay trở về. Nếu để thời gian chuẩn bị Chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài, địch sẽ có điều kiện để củng cố, tăng cường sức mạnh và chủ động phản kích, phá thế tiến công của ta, làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn và có thể làm lỡ thời cơ nổ súng. Mặt khác, Chiến dịch Thượng Lào năm 1954 chỉ diễn ra trên địa bàn Nậm Hu, Mường Khoa, Phong Xa Lì, Mường Sài, phạm vi hẹp hơn và mục đích đề ra cũng hạn chế hơn nhiều so với Chiến dịch Thượng Lào năm 1953; chỉ mang ý nghĩa phối hợp, tạo thế và thời cơ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ chuyển sang phương châm tác chiến mới. Vì thế, ta chỉ huy động lực lượng hơn một đại đoàn là phù hợp, thể hiện tư duy nhạy bén, sự linh hoạt của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch trong quá trình tác chiến, bảo đảm bám sát thực tiễn chiến trường, đạt hiệu quả cao.

Để tăng cường sức mạnh tiến công bảo đảm chắc thắng, ta đã phối hợp với Bạn sử dụng một số đơn vị bộ đội địa phương và du kích Lào hoạt động trên địa bàn Chiến dịch cùng tham gia. Đây chính là lực lượng tại chỗ, thông thạo địa hình, nắm chắc tình hình địch, nên đã nâng cao khả năng tiến công cũng như hỗ trợ, giải quyết kịp thời những khó khăn trong quá trình chuẩn bị và thực hành tác chiến do các đơn vị của ta cơ động từ xa đến. Như vậy, nhờ sử dụng lực lượng linh hoạt, phù hợp với diễn biến trên chiến trường nên ta vừa có lực lượng thiện chiến, tinh nhuệ để đảm bảo chắc thắng, đập tan phòng tuyến của địch ở sông Nậm Hu; đồng thời, lập thế, tạo lực hiệu quả, nhất là có điều kiện để làm tốt công tác chuẩn bị theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, giành thắng lợi quyết định trong Chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.

Hai là, sử dụng hiệu quả lực lượng trinh sát nắm tình hình. Nhận nhiệm vụ tiến công địch ở Thượng Lào, các đơn vị của ta phải đối mặt với một số khó khăn: thời gian làm công tác chuẩn bị rất ngắn, yêu cầu tổ chức chiến đấu phải khẩn trương và bảo đảm bí mật cao, địa bàn tác chiến xa; địa hình hiểm trở, lực lượng trinh sát hạn chế, v.v. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải nâng cao khả năng nắm tình hình để xác định kế hoạch tác chiến nhanh, chính xác, sát với thực tế, nhanh chóng đập tan phòng tuyến của địch. Giải quyết những khó khăn trên, ta kết hợp linh hoạt nhiều biện pháp, phát huy hiệu quả các lực lượng để trinh sát nắm địch, địa hình, nhất là sử dụng lực lượng trinh sát của Đại đoàn 308 - đơn vị đảm nhiệm tiến công trên hướng chủ yếu trong Chiến dịch Thượng Lào năm 1953, đã có kinh nghiệm và thông thuộc địa bàn tác chiến. Nhằm bảo đảm cho Đại đoàn 308 tiến công thuận lợi, ta cử 01 đại đội trinh sát của Bộ đi trước nắm địch ở Mường Khoa; đồng thời, phát huy tinh thần chủ động, các đơn vị vừa đi, vừa trinh sát nắm địch, địa hình, vừa đánh địch, v.v. Cùng với đó, Chiến dịch triệt để tận dụng các nguồn tin trinh sát của cấp trên, chủ động phối hợp với lực lượng tại chỗ bộ đội Pa-thét Lào nắm tình hình. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, ta đã nắm chắc được ý định của địch trong tổ chức, bố trí và sử dụng lực lượng, tính chất công sự, trận địa, vật cản,… ở phòng tuyến sông Nậm Hu; quá trình tác chiến liên tục bám nắm, đặc biệt là phát hiện sớm ý đồ rút chạy của địch khỏi Mường Khoa và các cứ điểm lân cận về Nậm Bạc. Nhờ có nguồn thông tin kịp thời và chính xác nên Bộ Tư lệnh Chiến dịch có cơ sở vững chắc, nhanh chóng xác định quyết tâm chiến đấu sát, đúng, chuyển hóa thế trận kịp thời, liên tục truy kích tiêu diệt và làm tan rã từng bộ phận quân địch, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Như vậy, mặc dù với thời gian chuẩn bị gấp, phải cơ động qua địa hình hiểm trở, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, xa hậu phương của ta, nhưng nhờ chủ động, linh hoạt, sử dụng hiệu quả lực lượng trinh sát nên Đại đoàn 308 và các đơn vị luôn giữ vững quyền chủ động tiến công, kịp thời xử trí linh hoạt, hiệu quả các tình huống trong quá trình tác chiến, liên tục đẩy địch vào thế bị động, nhanh chóng bị tiêu diệt. Đây cũng là một trong những nét nổi bật trong phát huy thế mạnh của lực lượng trinh sát tại chỗ và tính tích cực, chủ động của các đơn vị trong quá trình chuẩn bị và thực hành tiến công.

Ba là, linh hoạt, kịp thời điều chỉnh lực lượng trong chuyển hóa thế trận đánh địch rút chạy. Ý đồ ban đầu của địch là phòng ngự, giữ vững phòng tuyến sông Nậm Hu, tạo thế tương hỗ với tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nhưng khi phát hiện Đại đoàn 308 cơ động sang Thượng Lào, áp sát các cứ điểm, địch hoảng hốt ra lệnh rút lực lượng khỏi Mường Khoa và các cứ điểm lân cận về Nậm Bạc. Nhận thấy trạng thái của địch có sự thay đổi cơ bản, mặc dù tình huống diễn ra sớm, nhưng Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã nhanh chóng nắm thời cơ, thay đổi phương án tác chiến từ tiến công địch phòng ngự sang truy kích địch rút chạy, kịp thời điều chỉnh lực lượng, chuyển hóa thế trận linh hoạt, góp phần đưa Chiến dịch đến thắng lợi hoàn toàn.

Nét nổi bật trong sử dụng lực lượng truy kích là tính tích cực, chủ động khắc phục khó khăn, liên tục tiến công, không chờ lệnh của cấp trên, không chờ đủ lực lượng; đơn vị nào gặp địch trước là chủ động triển khai đánh địch, đơn vị đến sau hiệp đồng theo tiếng súng, hỗ trợ cho đơn vị đến trước, nhanh chóng khoét sâu vào tinh thần hoảng loạn của quân địch khi rút chạy để tiến công giành thắng lợi. Cùng với đó, trong truy kích, các đơn vị đã triệt để tận dụng thế có lợi của địa hình để linh hoạt tổ chức sử dụng lực lượng, chuyển hóa thế trận; điển hình là nghệ thuật sử dụng lực lượng gọn, nhẹ vượt lên trước chặn địch, tạo thế và thời cơ có lợi cho các đơn vị phía sau đuổi kịp đội hình địch rút chạy, phối hợp tiến công nhịp nhàng, ăn khớp, làm tan rã từng bộ phận quân địch.

Thực tiễn Chiến dịch cho thấy, sau khi được lệnh chuyển sang truy kích địch rút chạy, Đại đoàn 308 nhanh chóng hình thành 02 cánh quân tiến công địch rút chạy về hướng Mường Sài (Trung đoàn 102), Mường Ngòi (Trung đoàn 36); bộ phận quân báo của Đại đoàn với trang bị gọn, nhẹ, tiện cơ động đã tìm đường vượt lên trước, kết hợp với đơn vị địa phương Pa-thét Lào chiếm địa hình có giá trị, tạo “nút chặn” vững chắc, nhanh chóng chặn đứng đội hình rút chạy của địch. Dựa vào thế trận chốt chặn có lợi, các đơn vị chủ lực đến sau bao gồm Đại đội 261, Tiểu đoàn 18; Tiểu đoàn 79,… nhanh chóng hình thành các hướng, mũi tiến công, phối hợp chiến đấu chặt chẽ, tiêu diệt gọn đội hình đang rối loạn của địch. Với cách điều chỉnh sử dụng lực lượng linh hoạt, hợp lý, Đại đoàn 308 đủ sức truy kích địch, liên tục tiến công, trận trước tạo thế và thời cơ cho trận sau trên chặng đường dài hơn 200 km, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Đó chính là nét đặc sắc của nghệ thuật sử dụng lực lượng để kịp thời chuyển hóa thế trận, góp phần đập tan phòng tuyến sông Nậm Hu của địch trong thời gian ngắn, áp sát Luông Pha Băng, buộc địch phải vội vã tăng cường lực lượng, phương tiện, làm phân tán mạnh khối chủ lực cơ động chiến lược của chúng.

Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào năm 1954 góp phần quan trọng lập thế, tạo lực có lợi cho mặt trận Điện Biên Phủ thực hiện phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc”, làm nên thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng được rút ra từ Chiến dịch cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

TS. TRẦN LỆNH AN, Trường Sĩ quan Lục quân 2
__________________
        

1 - Bộ Tổng Tham mưu – Lịch sử Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Nxb QĐND, H. 2015, tr. 544.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng Điện Biên Phủ – "Thiên sử vàng" dân tộc
Thắng lợi vĩ đại đó là “thiên sử vàng” dân tộc; là mốc son chói lọi được tạc vào lịch sử nước nhà như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa,... của thế kỷ XX, làm nức lòng nhân dân cả nước. Cũng từ thời khắc lịch sử đó những tiếng: Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ vang vọng khắp non sông nước Việt và trên trường quốc tế.