QPTD -Thứ Hai, 22/04/2024, 15:55 (GMT+7)
Nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Cách đây 70 năm, với nghệ thuật đánh trận mở đầu chiến dịch xuất sắc, ta nhanh chóng tiêu diệt gọn cụm cứ điểm Him Lam, khiến quân Pháp ở “lòng chảo” Điện Biên bất ngờ, choáng váng. Đây là chiến thắng mở đầu không chỉ góp phần quan trọng tạo lực, lập thế vững chắc, mà còn cổ vũ, động viên, tạo niềm tin vào thắng lợi hoàn toàn của Chiến dịch Điện Biên Phủ.                         

Thực hiện ý đồ biến “lòng chảo” Điện Biên trở thành “cối xay thịt”, nơi thu hút và “nghiền nát” các đại đoàn chủ lực của ta, thực dân Pháp (được sự “hà hơi tiếp sức” của đế quốc Mỹ) ráo riết xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương - một “pháo đài bất khả xâm phạm”. Theo đó, chúng huy động những đơn vị tinh nhuệ, thiện chiến nhất, tập trung số lượng lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, bố trí thành 49 cứ điểm, chia thành 03 phân khu (phân khu Bắc, phân khu Trung tâm, phân khu Nam) yểm trợ lẫn nhau, với hệ thống công sự, hầm ngầm vững chắc, hệ thống hỏa lực mạnh, vật cản dày đặc,… hòng chặn đứng, tiêu diệt sinh lực và đập tan các cuộc tiến công của ta. Với những cố gắng cao nhất, đến đầu tháng 3/1954 địch huênh hoang tuyên bố và tin rằng, không thế lực nào có thể công phá được tập đoàn cứ điểm, nếu đối phương liều lĩnh tấn công sẽ chuốc lấy thất bại, thậm chí chúng còn cho máy bay rải truyền đơn, khiêu khích, thách thức ta sớm tiến công vào lòng chảo Điện Biên. Trước khi ta mở chiến dịch một ngày, tướng Nava - Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương còn phiêu lưu sử dụng khá lớn lực lượng quân cơ động chiến lược đổ bộ đánh chiếm Quy Nhơn (Bình Định), tiếp tục thực hiện kế hoạch tiến công chiến lược ở miền Nam đang dang dở.

Nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp, ta chủ động mở các chiến dịch trên những địa bàn chiến lược quan trọng như Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào, Trung - Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia,… nhằm phân tán mạnh khối chủ lực cơ động của chúng, cô lập hoàn toàn lực lượng địch ở Điện Biên Phủ; đồng thời, tích cực làm công tác chuẩn bị về mọi mặt, chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Với quyết tâm chiến đấu cao, sự nghiên cứu triển khai thế trận và lựa chọn mục tiêu mở đầu chiến dịch chính xác, tập trung ưu thế về lực lượng và hỏa lực cùng khả năng hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, linh hoạt, ta đã đánh trận mở đầu xuất sắc, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Him Lam; cùng với thắng lợi ở Đồi Độc Lập, Bản Kéo, cánh cửa tiến vào phân khu Trung tâm của địch ở phía Bắc, Đông Bắc được mở toang. Thắng lợi quan trọng này đã làm “rung chuyển” tập đoàn cứ điểm của địch, góp phần tạo lực, lập thế có lợi cho toàn mặt trận tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Một là, lựa chọn chính xác mục tiêu mở đầu chiến dịch. Trong điều kiện tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được xây dựng thành thế liên hoàn, vững chắc, được chi viện hỏa lực mạnh của không quân, pháo binh, xe tăng, để tạo lập thế trận có lợi, mở cánh cửa tiến công vào phân khu Trung tâm, Bộ Tư lệnh Chiến dịch hết sức coi trọng, lựa chọn mục tiêu đánh trận mở đầu chiến dịch. Yêu cầu của lựa chọn này là, không chỉ bảo đảm chắc thắng, gây rúng động lớn mà còn phải tạo thế và lực vững chắc cho Chiến dịch. Trên cơ sở phân tích, đánh giá, kết luận tình hình, ta lựa chọn cứ điểm Him Lam để đánh trận mở đầu chiến dịch.  Đây là sự lựa chọn đúng đắn, thể hiện tầm nhìn, tư duy nhạy bén, sáng tạo, khả năng đánh giá chính xác tình hình của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch, bởi Him Lam không chỉ là “cứ điểm tiền tiêu”, mà còn được coi là “then cửa” của địch ở hướng Đông Bắc, trấn giữ tuyến đường huyết mạnh từ Lai Châu đi Điện Biên, cùng với cứ điểm Đồi Độc Lập và Bản Kéo, tạo nên thế chân kiềng, hình thành vành đai phòng ngự - “vỏ bọc mạnh” ở vòng ngoài, mưu đồ chặn đứng các đợt tiến công của ta trên hướng Bắc và Đông Bắc vào phân khu Trung tâm. Ngoài ra, cứ điểm Him Lam còn được coi là “đài quan sát” cho pháo binh và máy bay Pháp ở Mường Thanh nhằm thu thập các dữ liệu chính xác, làm cơ sở mở các đợt tiến công bằng hỏa lực, hòng tiêu diệt lực lượng, phương tiện của ta từ xa. Bên cạnh đó, nếu ta tiêu diệt gọn cứ điểm quan trọng này, đồng thời, xóa sổ cứ điểm đồi Độc Lập thì địch ở Bản Kéo sẽ bị uy hiếp mạnh, cô lập hoàn toàn, không còn lối thoát, nhanh chóng bị tan rã. Vì vậy, để khép chặt vòng vây quân địch ở “lòng chảo” Điện Biên, mở toang cánh cửa ở phía Đông Bắc, hình thành hướng tiến công chọc thẳng vào phân khu Trung tâm, chia cắt sân bay Mường Thanh, triệt tiếp tế bằng đường không của địch, ta phải nhanh chóng xóa sổ cứ điểm quan trọng này, tạo “đột biến”, thúc đẩy Chiến dịch phát triển thuận lợi.

Dựa vào kết quả trinh sát nắm địch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch nhận định: mặc dù được tổ chức phòng ngự vững chắc nhưng cứ điểm Him Lam lại ở vị trí tương đối độc lập so với các cứ điểm còn lại, địa hình ở hướng Bắc và Đông Nam cứ điểm thuận lợi để các đơn vị của ta bí mật cơ động, lợi dụng đêm tối, thời tiết sương mù của tháng Ba, áp sát, triển khai đội hình tiến công, bảo đảm an toàn, đúng kế hoạch, thực hiện “đánh vào nơi sơ hở, hiểm yếu” của địch. Ngoài ra, tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam, ta sẽ chặt đứt “mắt xích” quan trọng trong hệ thống phòng ngự của địch, gây bất ngờ, choáng váng, hoảng loạn, làm giảm sút ý chí chiến đấu của chúng; đồng thời, thắng lợi của trận đánh sẽ củng cố vững chắc cho phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch, kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ không ngại hy sinh, gian khổ, quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng. Thực tiễn Chiến dịch cho thấy, sự lựa chọn trên là hoàn toàn đúng, Đại đoàn 312 (thiếu Trung đoàn 165) đã nhanh chóng tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam ngay trong đêm, khiến tiểu đoàn tinh nhuệ bậc nhất của quân viễn chinh Pháp - “một đơn vị thần thoại chưa bao giờ bị thua một trận nào”1 bị xóa sổ hoàn toàn. Cùng với thắng lợi ở cứ điểm Đồi Độc Lập đã uy hiếp mạnh, buộc địch ở Bản Kéo phải đầu hàng, quân ta nhanh chóng khép chặt vòng vây, tạo thế trận và thời cơ có lợi để Chiến dịch phát triển tiến công, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm địch.

Hai là, tập trung ưu thế binh lực, hỏa lực, liên tục đột phá, đánh chắc thắng. Để tạo “vỏ bọc cứng” bảo vệ phân khu Trung tâm từ hướng Đông Bắc, địch không chỉ điều đến cứ điểm Him Lam những đơn vị thiện chiến nhất, mà còn tập trung xây dựng hệ thống công sự, trận địa vững chắc theo hình vành khăn, có hầm ngầm và giao thông hào, hào chiến đấu liên hoàn, nhiều tầng; hệ thống vật cản gồm nhiều lớp hàng rào dây thép gai kết hợp các bãi mìn dày đặc; hệ thống hỏa lực được bố trí thành nhiều tầm, nhiều tầng để kiểm soát, ngăn chặn các đợt tiến công của đối phương trên các hướng. Vì vậy, để tiêu diệt gọn cứ điểm quan trọng này, đòi hỏi ta phải tập trung ưu thế về binh lực, hỏa lực, tạo sức mạnh vượt trội, hơn hẳn địch, bảo đảm đột phá liên tục, xử lý linh hoạt, kịp thời các tình huống trong tác chiến. Theo kế hoạch ban đầu, ta sẽ tiến công đồng thời hai cứ điểm Him Lam và Đồi Độc Lập, nhưng sau khi trinh sát ta nhận thấy địch bố trí nhiều hỏa điểm ở tiền duyên, nên nếu tiến công đồng thời thì số lượng sơn pháo 75mm của ta không đủ để chi viện. Vì vậy, để sử dụng tập trung hỏa lực pháo binh chi viện cho bộ binh phát triển chiến đấu thuận lợi, dội xuống đầu quân thù những đòn hỏa lực sấm sét, ta kịp thời điều chỉnh phương án tác chiến, nổ súng tiến công cứ điểm Him Lam trước. Để chuẩn bị tốt cho trận công kiên tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam - trận then chốt mở đầu Chiến dịch, ta đã huy động 100% pháo xe kéo, hơn 70% sơn pháo và 80% súng cối 120mm, tạo ưu thế hỏa lực lớn gấp 10 lần địch. Cùng với tập trung hỏa lực pháo binh, để bảo đảm tiêu diệt cứ điểm Him Lam trong thời gian ngắn nhất, ta sử dụng lực lượng bộ binh nhiều hơn địch gấp 03 lần, nếu tính cả lực lượng dự bị thì gấp 05 lần. Nhờ sử dụng tập trung lực lượng, khi nổ súng tiến công, ta đã tạo ưu thế hơn hẳn địch, mặc dù địch dựa vào hệ thống công sự trận địa vững chắc, sử dụng hỏa lực chống trả rất quyết liệt, nhưng các đơn vị của Đại đoàn 312 liên tục đột phá, thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, đập tan cứ điểm Him Lam, tiến thẳng vào cánh đồng Mường Thanh. Thắng lợi của trận mở đầu đã tạo thế và lực mạnh mẽ để ta nhanh chóng khép chặt vòng vây phân khu Trung tâm, mở ra điều kiện, thời cơ thuận lợi thúc đẩy Chiến dịch phát triển đến thắng lợi hoàn toàn.

Ba là, hiệp đồng chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp, giành thắng lợi hoàn toàn. Cùng với nghệ thuật sử dụng tập trung lực lượng, để tạo sức mạnh tổng hợp bảo đảm chắc thắng cho trận mở đầu chiến dịch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ phận tham gia tác chiến, phát huy khả năng, sở trường của từng đơn vị, lực lượng, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống. Thực tiễn trận tiến công cứ điểm Him Lam cho thấy, nhờ hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ phận, nên khi nổ súng tiến công, các đơn vị pháo bắn ngắm gián tiếp đã kịp thời chi viện cho các hướng, mũi của Đại đoàn 312 kịp thời cơ động triển khai đội hình tiến công đúng thời cơ, bảo đảm an toàn; các đơn vị pháo binh bắn ngắm trực tiếp (sơn pháo 75mm) nhanh chóng tiêu diệt các ụ súng, lô cốt đầu cầu, chi viện hiệu quả cho bộ binh mở cửa, xung phong tiêu diệt các mục tiêu đầu cầu, liên tục đột phá, phát triển chiến đấu, đập tan cứ điểm của địch. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Trung đoàn 141 và Trung đoàn 209, lực lượng công binh kịp thời bắc cầu, bảo đảm đường cho bộ binh cơ động qua sông Nậm Rốn đúng thời cơ, hạn chế hỏa lực pháo binh địch ngăn chặn đội hình triển khai tiến công của ta. Quá trình chiến đấu, trên hướng Trung đoàn 141, khi nhận thấy Tiểu đoàn 11 gặp khó khăn do bị hỏa lực của địch ngăn chặn quyết liệt, khó dứt điểm Cứ điểm 1, nhờ hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ nên Tiểu đoàn 428 sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt gọn Cứ điểm 2 đã nhanh chóng hình thành một mũi đột phá, phối hợp cùng Tiểu đoàn 11 xóa sổ Cứ điểm 1 của địch. Như vậy, trận tiến công cứ điểm Him Lam đã thể hiện bước phát triển mới của nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng, giữa bộ binh với pháo binh mặt đất, pháo cao xạ, công binh, thông tin liên lạc,… tạo sức mạnh tổng hợp, giáng cho địch đòn mở đầu đích đáng.

Thắng lợi quan trọng trận mở đầu Chiến dịch tiến công cụm cứ điểm Him Lam đã tạo thời cơ, điều kiện thuận lợi để các đơn vị khép chặt vòng vây, lần lượt “bóc vỏ” các trung tâm đề kháng vòng ngoài, tạo thế trận có lợi cho ta tiến tới đánh thẳng vào khu vực trọng yếu nhất trong tung thâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Bài học kinh nghiệm về nghệ thuật đánh trận mở đầu Chiến dịch đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, TS. ĐINH VIẾT HẢI, Học viện Lục quân
____________

1 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam – Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Tập IV, Nxb QĐND, H. 2016, tr. 238.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng Điện Biên Phủ – "Thiên sử vàng" dân tộc
Thắng lợi vĩ đại đó là “thiên sử vàng” dân tộc; là mốc son chói lọi được tạc vào lịch sử nước nhà như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa,... của thế kỷ XX, làm nức lòng nhân dân cả nước. Cũng từ thời khắc lịch sử đó những tiếng: Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ vang vọng khắp non sông nước Việt và trên trường quốc tế.