QPTD -Thứ Năm, 04/04/2024, 15:12 (GMT+7)
Điện Biên Phủ: Cuộc chiến đấu giằng co, quyết liệt tại Đồi A1, mỗi bên giữ một nửa điểm cao

Đồi A1 - điểm cao quan trọng nhất trong năm ngọn đồi, cũng là điểm cao cuối cùng che chở cho phân khu trung tâm, cuộc chiến đấu diễn ra hết sức gay go, từ đêm 30/3 cho đến ngày 04/4/1954.

Trong đêm đầu, quân ta đánh chiếm hai phần ba vị trí. Đến tảng sáng và suốt ngày hôm sau, địch tăng cường lực lượng, có pháo binh và xe tăng yểm hộ đánh chiếm lại hai phần ba vị trí. Đêm 31/3/1954, quân ta tấn công lần thứ hai; cuộc chiến đấu kéo dài đến sáng ngày 01/4/1954, kết quả, ta chiếm lại hai phần ba vị trí; nhưng tiếp đó địch lại phản kích nhiều lần chiếm lại một phần trận địa đã mất.

Bộ đội ta đánh địch phản kích. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Sang đêm 01/4, ta tổ chức cuộc tấn công lần thứ ba; cuộc chiến đấu giằng co, quyết liệt; cho đến ngày 04/4, ta và địch giành nhau từng tấc đất một; địch đã lợi dụng những hầm ngầm và trận địa kiên cố để chống lại quân ta; cuối cùng mỗi bên giữ một nửa điểm cao.

Trong khi quân ta chưa giải quyết được điểm cao cuối cùng, thì quân địch được tăng viện bằng một lực lượng nhảy dù xuống; sáng ngày 9/4/1954, chúng tổ chức cuộc phản kích đánh chiếm lại Đồi C1; cuộc chiến đấu ở đây lại tiếp diễn trong bốn ngày đêm, kết quả Đồi C1 cũng chia đôi, ta chiếm một nửa, địch chiếm một nửa.

Thế là cuộc tấn công của quân ta vào các ngọn đồi phía Đông phân khu trung tâm đã thu được thắng lợi quan trọng, nhưng chưa hoàn thành được tất cả những mục đích đã đề ra. Tính từ lúc chiến dịch bắt đầu, chúng ta đã tiêu diệt được 5.000 sinh lực tinh nhuệ của địch, nghĩa là một lực lượng tương đương với 6 tiểu đoàn trong đó có 3 tiểu đoàn bị tiêu diệt gọn. Số địch bị tiêu diệt chiếm gần hai phần năm tổng số. Lực lượng còn lại của địch còn khá mạnh, trên một vạn quân, về sau còn được tăng viện thêm một số tiểu đoàn; nhưng tinh thần chiến đấu thì bị giảm sút.

Bộ đội ta xung phong đánh chiếm lô cốt của địch ở cứ điểm C1. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Về địa hình có lợi, thì chúng ta đã khống chế các điểm cao ở phía Bắc, khống chế phần lớn các điểm cao quan trọng ở phía Đông phân khu trung tâm; trận địa tấn công và bao vây của ta đã tiến tới gần sân bay, vòng vây đã thắt chặt thêm, tiếp tế và tiếp viện của địch bị hạn chế, liên lạc giữa phân khu trung tâm và phân khu nam bị cắt đứt. Phạm vi đóng quân của địch bị thu hẹp, vùng trời của chúng cũng bị thu hẹp rất nhiều.

Chúng ta chủ trương tiếp tục hoàn thành nhiệm đề ra cho đợt tấn công thứ hai tức là tiếp tục củng cố và phát triển vào gần địch hơn nữa trận địa tấn công và bao vây, cải tạo địa hình, đánh chiếm một số vị trí quan trọng nhằm từng bước thắt chặt vòng vây hơn nữa, đánh chiếm sân bay đạt đến mục đích triệt hẳn tiếp tế và tiếp viện của địch, uy hiếp mạnh hơn nữa tung thâm của chúng.

Thực hiện chủ trương nói trên, trận địa ta ngày càng tiến sát gần địch, có nơi chỉ cách địch 10-15m. Các ngọn đồi đã chiếm được ở phía Đông, nhất là Đồi D1, đã được biến thành cứ điểm phòng ngự mạnh của ta, có trận địa hỏa lực cho sơn pháo và súng cối, với những công sự rất kiên cố. Hỏa lực các cỡ của ta luôn luôn uy hiếp quân địch. Cuộc chiến đấu diễn ra liên tiếp không kể ngày đêm.

(Trích lược: Đại tướng Võ Nguyễn Giáp: Điện Biên Phủ 50 năm nhìn lại, Nxb QĐND, H. 2004)

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng Điện Biên Phủ – "Thiên sử vàng" dân tộc
Thắng lợi vĩ đại đó là “thiên sử vàng” dân tộc; là mốc son chói lọi được tạc vào lịch sử nước nhà như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa,... của thế kỷ XX, làm nức lòng nhân dân cả nước. Cũng từ thời khắc lịch sử đó những tiếng: Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ vang vọng khắp non sông nước Việt và trên trường quốc tế.