QPTD -Chủ Nhật, 24/03/2024, 21:43 (GMT+7)
Củng cố, phát triển thế trận và bố trí lực lượng chuẩn bị tiến công đợt 2

Với thắng lợi của đợt 1 chiến dịch (từ ngày 13 đến 17/3/1954), quân ta đã đập tan hệ thống phòng ngự tiền tiêu của địch trên hai hướng Bắc và Đông Bắc, mở thông đường xuống vùng lòng chảo Điện Biên Phủ để tiến vào phân khu trung tâm. Đây là thắng lợi mở đầu rất quan trọng cả về quân sự và chính trị, tạo thuận lợi cho ta củng cố, phát triển thế trận và bố trí lực lượng chuẩn bị cho đợt 2 chiến dịch.

Sau khi ta chiếm Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo, Bộ chỉ huy quân Pháp tăng cường Tiểu đoàn 6 dù xung kích lê dương, cùng khối lượng lớn vũ khí, phương tiện chiến tranh cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và củng cố trận địa phòng ngự ở phân khu trung tâm (gồm nhiều trung tâm đề kháng với tổng quân số hơn 10.000 tên, bố trí hơn 30 cứ điểm, có sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm, các căn cứ hỏa lực chính...). Đây là khu vực phòng ngự then chốt rất hiểm yếu của địch, nếu chiếm được, ta có thể tiến công vào bên trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Về phía ta, để củng cố, phát triển thế trận tiếp cận phân khu trung tâm, phải đánh chiếm khu vực phòng ngự then chốt gồm các cứ điểm: A1, C1, D1, E ở phía Đông. Vấn đề đặt ra cho ta là bằng cách nào để tiến vào khu vực cánh đồng bằng phẳng (kể cả pháo binh, pháo cao xạ) và chiến đấu quyết liệt khi địch dùng pháo binh, cơ giới và không quân đánh phá liên tục. Tại Hội nghị sơ kết đợt 1 (ngày 17/3/1954), Bộ chỉ huy chiến dịch đề ra nhiệm vụ: Phải nhanh chóng tiếp cận, bao vây địch bằng cách xây dựng trận địa tiến công và bao vây quân địch khắp các mặt Đông, Tây, Nam, Bắc, trong cự ly bắn có hiệu quả của tất cả các loại súng lớn, nhỏ của ta; đồng thời chia cắt phân khu Hồng Cúm với khu trung tâm.

Bộ đội ta đào hào trên chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Để tiếp cận gần địch, đánh theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, trên cơ sở thế trận đợt 1 chiến dịch đã hình thành, bộ đội ta tiếp tục củng cố, đặc biệt là phát triển mạnh hệ thống chiến hào và công sự mới với quy mô rất lớn. Hằng ngày, bộ đội thường ngủ vào buổi sáng, ăn cơm trưa xong, lên rừng đẵn cây, chặt lá ngụy trang. Sau bữa cơm chiều, bộ đội từ trong rừng tiến xuống cánh đồng trước khi trời tối và đào chiến hào, xây dựng trận địa đến lúc trời sắp sáng. Từ các hướng, quân ta củng cố, rồi phát triển thế trận tiến công vào cánh đồng Mường Thanh. Đại đoàn 308 củng cố thế trận từ đồi Độc Lập qua Bản Kéo rồi phát triển tới Pe Luông, Hồng Lếch và bản Cò My. Đại đoàn 312 và Đại đoàn 316 xây dựng thế trận dọc phía Đông, nối liền thế trận phía Tây của Đại đoàn 308, tạo thành thế bao vây phân khu trung tâm của địch. Trung đoàn Bộ binh 57 (Đại đoàn 304) được tăng cường Tiểu đoàn 88, Trung đoàn 176 (Đại đoàn 316) xây dựng thế trận từ phía Đông sang phía Tây, cắt phân khu Hồng Cúm khỏi trung tâm Mường Thanh.

Khi thế trận của ta với những chiến hào và công sự phát triển ngày càng vào sâu cánh đồng trống trải thì địch phát hiện được. Chúng đánh phá ngăn chặn, bộ đội ta đánh trả quyết liệt. Đáng lưu ý, ngày 25/3, phát hiện tuyến chiến hào Trung đoàn 57 phát triển chia cắt giữa Hồng Cúm và Mường Thanh, địch điều một tiểu đoàn phản kích nhưng đã bị ta đánh bại. Ngày 28/3, chúng điều hai tiểu đoàn có 6 xe tăng yểm hộ phản kích ra Pe Luông, Hồng Lếch, Long Pét và Cò My. Do phần lớn bộ đội đã rút vào rừng nghỉ ngơi, Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) chỉ để lại một bộ phận nhỏ bảo vệ trận địa, nên địch phá được một số đoạn hào trục, sau đó ta đánh trả, khôi phục lại trận địa...

Sau 10 ngày đêm vừa lao động vất vả, khẩn trương, vừa đối phó với bom đạn và đánh trả các đợt phản kích của địch, ta đã đào được hàng trăm ki-lô-mét giao thông hào, cùng hàng nghìn công sự và ụ súng các loại. Một thế trận bao vây và tiến công từ đại đoàn đến phân đội đã hình thành hoàn chỉnh để bộ đội ta tiếp cận các mục tiêu, chuẩn bị tiến công địch.

Đến cuối tháng 3/1954, thế trận tiến công và bao vây các cứ điểm địch ở phía Đông được bộ đội ta củng cố và phát triển cơ bản hoàn thành. Trên cơ sở đó, Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch triệu tập Hội nghị cán bộ chuẩn bị đợt 2 (từ ngày 25 đến 27/3/1954) để xem xét các mặt công tác chuẩn bị, trong đó đánh giá: Một thành công của việc xây dựng trận địa là đã làm cho các cuộc oanh tạc dữ dội của địch gần như vô hiệu quả. Nhưng thành công lớn hơn nữa là trận địa đó đã thực hiện được việc thắt chặt vòng vây và tạo điều kiện để tiếp cận, tiến công quân địch. Căn cứ vào nhiệm vụ đợt 2, Bộ chỉ huy chiến dịch giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị tiến công trên các hướng và các mục tiêu của địch ở Điện Biên Phủ.

Như vậy, sau khi đợt 1 chiến dịch kết thúc, Bộ chỉ huy chiến dịch đã chỉ đạo bộ đội ta chuẩn bị về mọi mặt, trong đó tập trung củng cố, phát triển thế trận tiến công và bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nói chung, phân khu trung tâm của quân Pháp nói riêng; gồm các đường hào trục, đường hào nhánh để vận chuyển và cơ động lực lượng, hệ thống trận địa tiến công và xuất phát xung phong của các trung đoàn cùng nhiều hầm trú ẩn, hầm chỉ huy. Trên cơ sở thế trận đó, ta bố trí lực lượng (có cả pháo cao xạ) trên các hướng, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị sẵn sàng bước vào đợt 2, đánh vào phân khu trung tâm của địch ở Điện Biên Phủ.

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP, Nguyên cán bộ Viện Lịch sử Quân sự

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng Điện Biên Phủ – "Thiên sử vàng" dân tộc
Thắng lợi vĩ đại đó là “thiên sử vàng” dân tộc; là mốc son chói lọi được tạc vào lịch sử nước nhà như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa,... của thế kỷ XX, làm nức lòng nhân dân cả nước. Cũng từ thời khắc lịch sử đó những tiếng: Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ vang vọng khắp non sông nước Việt và trên trường quốc tế.