Thứ Bảy, 23/11/2024, 05:15 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Trường Quân sự Quân khu 4 tiền thân là Trường Quân chính Chiến khu 4 được thành lập ngày 11/02/1946. Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng hàng vạn cán bộ, hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu, xây nên truyền thống “Trung thành vô hạn, bám sát chiến trường, kỷ luật, tự cường, dạy chuyên, học tốt”; được Đảng, Nhà nước và Quân đội tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý.
Những năm gần đây, nhiệm vụ của Nhà trường có sự phát triển, cùng với đào tạo, bồi dưỡng cho khoảng 40 - 45 đối tượng cán bộ, hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn mỗi năm, Nhà trường được giao nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 2 của các địa phương trên địa bàn Quân khu. Đáng chú ý, từ năm 2016, Nhà trường đã thành lập và đưa Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh đi vào hoạt động, tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên của 12 cơ sở giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn 02 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, Nhà trường gặp không ít khó khăn do lưu lượng học viên tăng cao, nhiều đối tượng; trong khi biên chế của Nhà trường không tăng; năng lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên và cơ sở vật chất bảo đảm, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường đã triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, biện pháp; trong đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với nhiệm vụ giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh là giải pháp quan trọng hàng đầu. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới”; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; Nghị định số 13/2014/NĐ-CP, Nghị định số 139/2020/NĐ-CP của Chính phủ; kế hoạch, hướng dẫn của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu 4, Nhà trường đã cụ thể hóa, ra nghị quyết lãnh đạo; xây dựng kế hoạch thực hiện, xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm của Nhà trường. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, khoa giáo viên đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên về vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới. Từ năm 2016, sau khi Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh đi vào hoạt động, Nhà trường phân công một đồng chí Phó Hiệu trưởng phụ trách và tăng cường các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo Trung tâm phát huy hiệu quả, hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện cơ chế hoạt động; quy định khung giáo viên, cán bộ quản lý; quy chế bảo đảm vật chất, trang thiết bị, thao trường, bãi tập,... phân rõ trách nhiệm của Nhà trường và Trung tâm.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ bồi dưỡng cho đối tượng 2, hằng năm, Nhà trường bám sát kế hoạch, hướng dẫn của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu; chủ động phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan, địa phương xây dựng kế hoạch, xác định lưu lượng, thời gian mở các khóa bồi dưỡng phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan và Trung tâm làm tốt công tác chuẩn bị, tạo điều kiện tốt nhất cho học viên hoàn thành khóa học. Do đối tượng 2 là cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ lý luận, kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn phong phú nên Nhà trường hết sức coi trọng lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên bảo đảm đủ năng lực, trình độ, phương pháp sư phạm lên lớp các chuyên đề. Cùng với phát huy đội ngũ cán bộ lãnh đạo Nhà trường, các phòng, khoa giáo viên, Nhà trường tập trung tuyển chọn, xây dựng đội ngũ giáo viên nòng cốt để thực hiện nhiệm vụ này. Những năm qua, Nhà trường tích cực cử giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn và luân chuyển đi thực tế đơn vị, nhằm nâng cao năng lực toàn diện, chuẩn hóa về chất lượng theo quy định. Mặt khác, Nhà trường đẩy mạnh công tác bồi dưỡng tại chỗ; tạo điều kiện và khuyến khích cán bộ, giáo viên tích cực tự học, tự nghiên cứu và bồi dưỡng cho nhau để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Để bài giảng chuyên sâu, sát thực tiễn, tính khoa học cao, Ban Giám hiệu trực tiếp thông qua giáo án bồi dưỡng cho đối tượng 2; quy định 100% giáo viên phải thông qua giáo án, giảng thử từ tổ bộ môn đến khoa. Đến nay, đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác giáo dục quốc phòng và an ninh của Nhà trường đã được chuẩn hóa; trên 92% có trình độ đại học, sau đại học, đảm nhiệm tốt 100% chuyên đề theo quy định.
Do thời gian ngắn, nội dung nhiều, yêu cầu ngày càng cao, Nhà trường tích cực đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng. Căn cứ vào chương trình khung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, Nhà trường chỉ đạo xây dựng hệ thống chương trình chi tiết cho các đối tượng1, biên soạn tài liệu, giáo án bồi dưỡng theo từng chuyên đề sát đặc điểm tình hình địa phương, nhóm đối tượng (sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện; cán bộ các huyện biên giới; cán bộ lực lượng vũ trang,...). Để đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn, Nhà trường chỉ đạo khoa giáo viên chủ động cập nhật vào nội dung bài giảng những vấn đề mới về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn, kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng, an ninh của các địa phương trên địa bàn Quân khu sát với đối tượng học viên. Triệt để vận dụng phương pháp dạy - học tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin, với 100% các nội dung lý luận sử dụng giáo án điện tử, giảng bằng trình chiếu; tăng cường trao đổi, thảo luận, hạn chế truyền thụ một chiều. Để gắn lý luận với thực tiễn, Nhà trường tích cực tổ chức các hoạt động bổ trợ phù hợp với từng đối tượng; tổ chức cho đối tượng 2 diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện; phối hợp tổ chức cho đối tượng 2 tham quan diễn tập khu vực phòng thủ, nghiên cứu thực tế tại các địa phương, đơn vị. Thực hiện sự chỉ đạo của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu, từ năm 2020, Nhà trường tích cực phối hợp, hỗ trợ các tỉnh bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 3. Trọng tâm là cử cán bộ, giáo viên trực tiếp giảng dạy một số chuyên đề; tập huấn, giảng mẫu cho khung giáo viên các tỉnh; cung cấp tài liệu, thông qua giáo án và phối hợp kiểm tra, đánh giá kết quả bồi dưỡng. Năm 2020, Nhà trường đã thẩm định và cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng cho 965 đồng chí đối tượng 3 của các tỉnh.
Thực hiện giáo dục kiến thức quốc phòng và an ninh cho sinh viên trong bối cảnh cạnh tranh cao về cung cấp dịch vụ giáo dục - đào tạo, Nhà trường không ỷ lại vào kế hoạch phân luồng của Bộ Giáo dục mà chủ động xúc tiến các hoạt động nắm nguồn, tổ chức hội nghị liên kết; mời các cơ sở đào tạo tham quan quy mô, cơ sở vật chất của Nhà trường và Trung tâm; qua đó quảng bá hình ảnh, giới thiệu năng lực để thu hút các hợp đồng giáo dục, từng bước phát huy công năng của Trung tâm. Với đối tượng này, Nhà trường chỉ đạo kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục và quản lý, rèn luyện; chỉ đạo Trung tâm linh hoạt thực hiện 02 hình thức: tập trung tại Nhà trường và bán tập trung phù hợp với đặc điểm từng cơ sở đào tạo. Đối với hình thức bán tập trung, Nhà trường cử khung giáo viên đến cơ sở, tổ chức giảng dạy các học phần chính trị, lý luận quân sự gắn với quản lý sinh viên trong giờ hành chính tại cơ sở, sau đó đưa sinh viên về Trung tâm để học thực hành về quân sự. Cách làm đó, vừa bảo đảm chất lượng, vừa giảm khối lượng quản lý, giảng dạy, tiết kiệm chi phí học tập cho sinh viên, đơn vị tổ chức, giải quyết hài hòa yêu cầu của các cơ sở đào tạo và nhiệm vụ của Nhà trường.
Phát huy truyền thống tự lực, tực cường, Nhà trường chủ động khắc phục khó khăn, quan tâm làm tốt công tác bảo đảm, phục vụ dạy tốt, học tốt. Mặc dù nguồn lực còn có hạn, nhưng Nhà trường luôn nỗ lực cố gắng chuẩn bị chu đáo; chỉ đạo Trung tâm tổ chức tốt các khâu đón tiếp, bố trí sinh hoạt; sắp xếp lớp, nhóm học tập và bảo đảm điều kiện tốt nhất cho học viên sinh hoạt, học tập tập trung, duy trì đầy đủ các chế độ theo quy định. Được sự quan tâm của cấp trên, thời gian qua, Nhà trường đã sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư mua sắm, bổ sung hệ thống trang thiết bị, đồ dùng; nâng cấp giảng đường, phòng học chuyên dùng, thư viện số; xây dựng, cải tạo hệ thống doanh trại, thao trường,... tạo cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng2. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ mới, nhất là công nghệ mô phỏng vào học tập, giảng dạy để tăng thêm tiềm lực về vật chất. Bên cạnh đó, Nhà trường thực hiện nghiêm các quy định về quản lý vũ khí, trang bị, nhất là đối với việc sử dụng trang thiết bị của sinh viên, không để hư hỏng xuống cấp do thiếu tinh thần trách nhiệm. Từ năm 2011 đến năm 2020, Nhà trường thực hiện 15 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, hơn 1.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật và biên soạn 30 giáo trình, tài liệu; trong đó, có 02 sản phẩm đạt giải cấp ngành, 55 sản phẩm đạt giải cấp Quân khu và 10 sản phẩm đạt giải thường Nguyễn Viết Xuân.
Bằng nhiều biện pháp tích cực, giai đoạn 2015 - 2020, Trường Quân sự Quân khu 4 đã bồi dưỡng, giáo dục kiến thức quốc phòng và an ninh cho gần 2.000 lượt cán bộ đối tượng 2 và gần 10.600 sinh viên; kết quả 100% đối tượng 2 đạt khá, giỏi, trên 50% sinh viên đạt khá, giỏi. Sau khi được học tập, bồi dưỡng, nhận thức, trách nhiệm, năng lực quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh; tổ chức điều hành địa phương gắn phát triển kinh tế xã hội với quốc phòng, an ninh; chuyển địa phương vào các trạng thái quốc phòng trong diễn tập khu vực phòng thủ,... của cán bộ đối tượng 2 nâng lên rõ rệt. Số lượng sinh viên đăng ký tham gia sĩ quan dự bị ngày càng cao, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đại tá HOÀNG VĂN SINH, Hiệu trưởng Nhà trường _________________
1 - Đối tượng 2 dân sự, quân sự; sinh viên đào tạo cao đẳng, đại học chính quy; sinh viên cao đẳng, trung cấp nghề; sinh viên đào tạo liên thông, v.v.
2 - Đưa vào sử dụng: 05 thao trường dạy kỹ thuật, chiến thuật; bãi tập đội ngũ; khu giảng dạy đa năng; 02 phòng tập bắn ảo; 03 trường bắn cơ bản; 300 khẩu AK hoán cải; nâng cấp 31 phòng học với 05 phòng chuyên dùng, v.v.
Trường Quân sự Quân khu 4,Giáo dục quốc phòng và an ninh
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543 30/10/2024
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh 07/10/2024
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh