Thứ Sáu, 22/11/2024, 22:30 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Thành phố Thủ Đức được thành lập theo Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14, ngày 24/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (có hiệu lực ngày 01/01/2021)1, gồm 34 phường, 182 khu phố; dân số hơn 01 triệu người. Đây là địa bàn quan trọng, cửa ngõ phía Đông của Thành phố Hồ Chí Minh, với nhiều công trình, dự án trọng điểm, khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở giáo dục, đào tạo có uy tín, thu hút số lượng lớn người lao động, học sinh, sinh viên đến sinh sống, học tập. Sau gần 3 năm thành lập, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang, Thành phố đã đạt được những thành tựu nổi bật trên tất cả các lĩnh vực; an ninh chính trị được giữ vững; kinh tế trên đà phát triển; hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư theo hướng thông minh, hiện đại. Thành phố được kỳ vọng trở thành khu vực hạt nhân dẫn dắt ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, vùng Đông Nam Bộ nói chung. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển, nhiều hệ lụy của nó cũng phát sinh, làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tiềm ẩn những nguy cơ không thể xem nhẹ. Một số phần tử cơ hội, chống đối chính trị, cực đoan trong tôn giáo lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do tôn giáo”, những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, như: quy hoạch đô thị, tranh chấp đất đai, ô nhiễm môi trường,… để xuyên tạc, lôi kéo, kích động tụ tập khiếu kiện đông người, v.v. Bên cạnh đó, tác động của mặt trái kinh tế thị trường; những tệ nạn xã hội,... có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Nhận rõ thuận lợi và những khó khăn, thách thức, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác; trong đó, tập trung thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, ổn định địa bàn, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Trước hết, Thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, duy trì hiệu quả hoạt động của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp. Ban Chỉ huy Quân sự Thành phố với vai trò là Cơ quan Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, chỉ thị, kế hoạch của Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh và Quân khu 7 về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quan trọng này. Trên cơ sở tham mưu của cơ quan quân sự, Thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch làm cơ sở thống nhất trong tổ chức thực hiện. Nhờ đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh được cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức quan tâm đúng mức, chỉ đạo triển khai chặt chẽ. Cùng với đó, để đưa công tác giáo dục quốc phòng và an ninh phát triển cả bề rộng và chiều sâu, Thành phố chú trọng kiện toàn hội đồng từ Thành phố đến cấp phường, bảo đảm số lượng, thành phần theo luật định; xây dựng và duy trì quy chế hoạt động; phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Do địa bàn rộng, tốc độ đô thị hóa nhanh, dễ phát sinh vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, Thành phố yêu cầu các thành viên hội đồng đề cao trách nhiệm trong tham mưu, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh; nhất là phát huy vai trò của Ban Chỉ huy Quân sự Thành phố trong hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các phường, cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công. Ban Chỉ huy Quân sự Thành phố đã chủ động chủ trì phối hợp với hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các phường, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức thuộc các bộ, ngành Trung ương, sở, ban, ngành Thành phố Hồ Chí Minh có trụ sở trên địa bàn khảo sát nắm chắc các đối tượng để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quốc phòng và an ninh theo quy định. Đồng thời, phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác giáo dục quốc phòng và an ninh các trường trung học phổ thông trên địa bàn2, kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, thực hiện tốt hơn nữa công tác này.
Xuất phát từ đặc thù đội ngũ cán bộ các cấp cơ bản mới được bổ nhiệm, yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao; trên địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp, trường học,… nên số lượng đối tượng cần giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh rất lớn. Vì vậy, để thực hiện tốt Luật Giáo dục Quốc phòng và an ninh, hằng năm, Ban Chỉ huy Quân sự Thành phố phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu cho Thành ủy rà soát cử đối tượng 2 và 3 tham gia các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quốc phòng và an ninh do Quân khu 7 và Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cử các vị chức sắc, chức việc trong các tôn giáo tham dự bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh do Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức3. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 4 theo phân cấp4. Cùng với đó, Thành phố tích cực mở rộng đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, chú trọng đối tượng là chủ doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh trên địa bàn. Để đạt hiệu quả, Thành phố yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, các phường,… quản lý chặt chẽ đối tượng theo quy định, lập kế hoạch bồi dưỡng khoa học, phù hợp và thông báo sớm tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ sắp xếp công việc tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quốc phòng và an ninh. Nhờ đó, 100% đối tượng trong diện bồi dưỡng được học tập đúng, đủ chương trình, nội dung; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức đối với quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình quốc phòng, an ninh; nắm chắc âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; thấy rõ trách nhiệm đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; nâng cao hiệu quả, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ.
Nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh được Thành phố chú trọng. Thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, Ban Chỉ huy Quân sự luôn phối hợp chặt chẽ với Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn triển khai thực hiện tốt khâu tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, bố trí đủ giáo viên giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định. Những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố đã phối hợp, tham mưu triển khai thực hiện Thông tư số 01/VBHN-BGD&ĐT, ngày 02/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn học giáo dục quốc phòng và an ninh trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, thiết thực nâng cao chất lượng môn học. Đến nay, môn học giáo dục quốc phòng và an ninh trong các nhà trường trên địa bàn bảo đảm đúng nội dung, chương trình quy định; từng bước chuẩn hóa, quản lý, khai thác hiệu quả vật chất, trang thiết bị, mô hình, học cụ; chất lượng giáo dục ngày càng chuyển biến rõ rệt. Để nâng cao hiệu quả giáo dục cho thế hệ trẻ, các nhà trường còn lồng ghép, đưa nội dung giáo dục truyền thống của các quận, huyện trước khi sáp nhập, mục tiêu, phương hướng xây dựng Thành phố Thủ Đức; các vấn đề liên quan, khẳng định chủ quyền biên giới, biển, đảo,… vào bài giảng; kết hợp tham quan nhà truyền thống, các di tích lịch sử trên địa bàn. Qua đó, giúp học sinh thấm nhuần sâu sắc tinh thần yêu nước, lòng tự tôn, tự hào về truyền thống cách mạng của Thành phố, làm cơ sở hướng nghiệp, hăng hái tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao ngay từ cơ sở, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, Ban Chỉ huy Quân sự chú trọng tham mưu cho Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Thành phố nâng cao hiệu quả công tác phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân5. Theo đó, cùng với phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở, Ban Chỉ huy Quân sự phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Công an Thành phố, Phòng Văn hóa Thông tin, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục quốc phòng và an ninh, định kỳ phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là hệ thống truyền thanh các của phường, cơ quan, đơn vị. Nội dung tập trung tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; nhiệm vụ chính trị của địa phương, hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương, v.v. Để đạt hiệu quả cao, Thành phố chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức; kết hợp tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng với tuyên truyền, vận động trực tiếp thông qua các buổi sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể ở khu phố, sinh hoạt cộng đồng. Qua đó, giúp quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác cách mạng; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, nhất là luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng của các thế lực thù địch; đẩy mạnh phòng, chống tội phạm, v.v. Đồng thời, tăng cường sự hiểu biết, xây dựng niềm tin, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần, “thế trận lòng dân” vững chắc, ổn định an ninh trật tự địa bàn, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng Thủ Đức trở thành “Đô thị thông minh, sáng tạo; có chất lượng sống tốt, văn minh - hiện đại - nghĩa tình; phát triển nhanh, bền vững”.
Thượng tá TRẦN VĂN QUYẾT, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Thành phố ___________________
1 - Trên cơ sở sáp nhập từ Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức trước đây.
2 - Năm 2022 và 2023, kiểm tra 20 phường, 20 trường đại học, 20 trường trung học phổ thông, 20 doanh nghiệp, kết quả đều đạt khá.
3 - Năm 2022, cử 50 vị chức sắc, chức việc tôn giáo tham gia.
4 - Năm 2022, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng được 17 lớp/2.125 người, đạt 100% so với kế hoạch; năm 2023, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng được 18 lớp/2.250 người, đạt 100% so với kế hoạch.
5 - Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh cấp phường tổ chức 26 lớp phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, có 2.375 thanh niên tham dự, đạt 76.47% so với chỉ tiêu.
Thành phố Thủ Đức,công tác giáo dục,quốc phòng và an ninh,thực hiện tốt
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543 30/10/2024
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh 07/10/2024
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh