Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Ba, 19/04/2016, 07:47 (GMT+7)
Nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam

Nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chủ động hiệp đồng, khắc phục khó khăn, những năm qua, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, tài nguyên, môi trường và an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc; đồng thời, thực hiện tốt các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia ký kết, hoặc có liên quan.

Thực tế cho thấy, Cảnh sát biển Việt Nam có phạm vi hoạt động rộng, môi trường rất khắc nghiệt, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều loại phương tiện (cả trong nước và nước ngoài), với nhiều thủ đoạn hoạt động rất tinh vi, nguy hiểm không chỉ đối với phương tiện, tính mạng của cán bộ, chiến sĩ, mà còn nguy hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam xác định thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và các đối tượng có liên quan là một giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn chủ trì  Hội nghị Tổng kết đợt cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm,
vi phạm trên biển dịp Tết  Nguyên đán Bính Thân.
(Ảnh: canhsatbien.vn)

Để việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện được thống nhất, hiệu quả, Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Nghị quyết đã chỉ rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp, hình thức thực hiện và trách nhiệm của các tổ chức, cán bộ, đảng viên. Hằng tháng, quý, năm, các cấp ủy, tổ chức đảng căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vào nghị quyết lãnh đạo cấp mình (có thể ban hành nghị quyết chuyên đề); xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện công tác này thành nền nếp, hiệu quả. Hằng năm, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam quan tâm củng cố, phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trong việc tham mưu, đề xuất, hướng dẫn, theo dõi công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nêu cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt các đơn vị trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Căn cứ vào nhiệm vụ, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của trên, nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy, chỉ huy, Hội đồng phối hợp với cơ quan chức năng, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch, biện pháp, xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và từng đối tượng. Trong đó, tập trung giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là với lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển những nội dung trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước Quân đội và của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; cấp ủy cấp mình về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, của Cảnh sát biển, của từng đơn vị và cá nhân; các văn bản pháp luật liên quan công tác nghiệp vụ,… để họ có cơ sở pháp lý trong thực hiện nhiệm vụ1. Đồng thời, chủ động tham mưu với trên, phối hợp với cơ quan chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức biên soạn, xuất bản sách “Biển và hải đảo Việt Nam”, “Những điều ngư dân cần biết trong hoạt động thủy sản” và cung cấp cho các đơn vị làm tài liệu giáo dục bộ đội, tuyên truyền trong ngư dân, cũng như các đối tượng hoạt động trên biển, kể cả đối tượng vi phạm chủ quyền biển, đảo nước ta. Chú trọng tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng cập nhật văn bản quy phạm pháp luật, võ thuật, phương pháp phối hợp trinh sát, kiểm tra, kiểm soát,... nắm tình hình, xử lý tình huống cho các đội nghiệp vụ.

Để kiến thức pháp luật thấm sâu vào nhận thức của cán bộ, chiến sĩ, nhất là đối với lực lượng chuyên trách trên biển, cấp ủy, chỉ huy các cấp coi trọng đa dạng hóa hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng. Theo đó, các đơn vị lấy cụm, đội nghiệp vụ, đơn vị độc lập làm đầu mối; xây dựng mỗi tàu một tủ sách pháp luật; duy trì nghiêm các chế độ, nhất là chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, trực nghiệp vụ, báo cáo, xin chỉ thị; thực hiệt tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, Ngày Pháp luật, Ngày Chính trị và Văn hóa tinh thần. Đồng thời, kết hợp nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát với phát loa tuyên truyền về các quy phạm pháp luật, quy định hoạt động, quan điểm đối ngoại quốc phòng, đối sách của Nhà nước ta,… trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và vùng biển có liên quan. Chủ động biên soạn, in sách, tờ gấp, tờ rơi (bằng tiếng Việt và tiếng Anh, tiếng Trung Quốc),… với những nội dung tuyên truyền phong phú, có trọng tâm, trọng điểm, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện để phát hành rộng rãi đến ngư dân và các đối tượng liên quan. Mô hình “Tổ tư vấn tâm lý - pháp lý”, “Mỗi ngày một điều luật, một câu hỏi pháp luật” được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả, thực sự là địa chỉ tin cậy để cán bộ, chiến sĩ trao đổi, chia sẻ tâm tư, khó khăn, vướng mắc và tìm cách giải quyết. Hệ thống pa nô, áp phích, thông tin, truyền thanh nội bộ, thiết chế văn hóa ở cơ sở được duy trì thường xuyên và phát huy tác dụng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được gắn chặt với công tác dân vận, nên đã phát huy được vai trò trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn ngư dân nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản pháp luật về biển, quy định vùng cấm đánh bắt cá,… và giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, những khó khăn trong quá trình đánh bắt, nuôi trồng hải sản.

Để tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng, các bộ, ban, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng, như: Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư, bộ chỉ huy quân sự các tỉnh (thành phố) ven biển,… để tuyên truyền về vai trò, vị trí của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; các văn bản pháp luật về biển, chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển, nhất là các hoạt động đấu tranh bảo vệ chủ quyền, phòng, chống ma túy, cướp biển, buôn lậu, gian lận thương mại. Năm 2015, Cảnh sát biển Việt Nam đã xây dựng 866 phim, phóng sự, chuyên mục, tin, bài, ảnh tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức 25 đợt tuyên truyền phòng, chống tội phạm, ma túy cho trên 10 nghìn lượt người; in ấn và cấp phát gần 20 ngàn tờ rơi, tờ gấp các loại trên địa bàn các tỉnh (thành phố) ven biển và ngư dân mưu sinh trên biển, v.v. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức nói chuyện truyền thống và tuyên truyền về Luật Biển Việt Nam, Luật Phòng chống ma túy,… cho hàng chục nghìn học sinh, sinh viên và nhân dân. Trong thực hiện, các đơn vị đã gắn công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện kỷ luật với đề cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ; làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những cách làm hay, mô hình hiệu quả, điển hình tiên tiến; lấy kết quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật làm một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức và đội ngũ cán bộ, đảng viên hằng tháng, quý và năm. Đến nay, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của lực lượng Cảnh sát biển đã đi vào nền nếp, thực sự là món ăn tinh thần không thể thiếu của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển. Hằng năm, quân số tham gia học tập các nội dung pháp luật đạt 99,7% trở lên, chất lượng năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm 2015, kiểm tra nhận thức các đối tượng, có: 100% đạt yêu cầu, 86% đạt khá giỏi, trong đó có 25% giỏi. Qua đó, nâng cao sự hiểu biết về luật pháp, ý thức và hành động chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội; tình hình vi phạm kỷ luật thông thường giảm xuống dưới 0,2% (không có vi phạm kỷ luật nghiêm trọng); nội bộ đơn vị đoàn kết, thống nhất, ổn định; năng lực thực thi pháp luật, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ không ngừng được nâng lên2. Từ năm 2010 đến năm 2015, Đảng bộ Cảnh sát biển Việt Nam luôn đạt trong sạch, vững mạnh, Đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống. Với những thành tích đạt được, tháng 8-2015, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.

Những năm tới, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển rất nặng nề, yêu cầu cao. Vì thế, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam xác định phải tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện bằng những giải pháp đồng bộ để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho toàn lực lượng. Trong đó, chú trọng nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy; củng cố hoạt động của Hội đồng phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng tinh, gọn, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội, lực lượng đóng quân trên địa bàn. Từ đó, thiết thực nâng cao năng lực thực thi pháp luật Nhà nước cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thiếu tướng NGUYỄN VĂN SƠN, Phó Tư lệnh Pháp luật Cảnh sát biển Việt Nam
___________________________

1 - Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định 37/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 63/2008/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong Quân đội; Chỉ thị 04/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về “Tăng cường công tác quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật và kỷ luật nghiêm trọng trong Quân đội”. Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (năm 2008); Nghị định 50/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự cửa khẩu, cảng biển; Pháp lệnh Xử lý hành chính sửa đổi, bổ sung (năm 2008); Quyết định 28/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trên biển và Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982; Luật Biển Việt Nam; các hiệp định phân định biên giới biển đã được ký kết giữa nước ta với các nước trong khu vực (Trung Quốc, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Căm-pu-chia…); Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và hợp tác nghề cá giữa Việt Nam với Trung Quốc; quy định của Bộ Quốc phòng liên quan đến quan hệ, tiếp xúc với người nước ngoài; tư tưởng chỉ đạo, phương châm, quy tắc xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình thực thi pháp luật trên biển, v.v.

2 - Năm 2015, lực lượng Cảnh sát biển đã tổ chức cho 702 lượt chiếc tàu làm nhiệm vụ, 620 đợt trinh sát đảm bảo an toàn tuyệt đối; thu thập, nắm được hàng ngàn tin có giá trị phục vụ nhiệm vụ và tin tham khảo; vừa trực tiếp, vừa phối hợp phát hiện, đấu tranh theo đúng đối sách, có hiệu quả với 6.135 lượt chiếc tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam, chủ yếu ở trong và ngoài Vịnh Bắc Bộ; phát hiện, xử lý 822 vụ vi phạm pháp luật; trực tiếp và phối hợp thực hiện thành công 163 chuyên án, vụ án ma túy, bắt giữ 317 đối tượng (trong đó lực lượng Cảnh sát biển khởi tố 55 vụ án), thu giữ 731 bánh heroin, 4.806 viên và 30,93 kg ma túy tổng hợp, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...