Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 25/04/2022, 07:55 (GMT+7)
Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc

Công tác giáo dục quốc phòng và an ninh có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; trực tiếp góp phần củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Trong giai đoạn cách mạng mới, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này càng trở nên cấp thiết.

Năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại,… trong đó có công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, song cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp (sau đây gọi tắt là hội đồng) đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, thu được kết quả tích cực. Nổi bật là, các ban, bộ, ngành Trung ương, hội đồng các cấp đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch công tác năm của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương; tham mưu cho Chính phủ và theo thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật1, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện.

Cơ quan Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương đã nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất chủ trương, biện pháp thực hiện trên phạm vi cả nước. Chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng chỉ đạo, hướng dẫn kiện toàn hội đồng các cấp sau Đại hội XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Triển khai các đề án, dự án về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Tích cực, chủ động tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng bằng nhiều hình thức, phương pháp sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các bộ, ngành Trung ương, địa phương, nhà trường, trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thực hiện đúng chương trình, nội dung môn học giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên; đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy - học, bảo đảm phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Quan tâm bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên2. Công tác phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân được đẩy mạnh với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp thực tiễn địa bàn, vùng miền. Trong đó, các đơn vị Quân đội, Công an, Dân quân tự vệ đã kết hợp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, làm công tác dân vận với tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh, mang lại hiệu quả thiết thực.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước ở một số bộ, ngành Trung ương, địa phương chưa được phát huy đầy đủ; sự phối hợp giữa cơ quan, tổ chức thuộc các bộ, ngành Trung ương với địa phương trong việc rà soát số lượng, phân loại đối tượng bồi dưỡng theo nhiệm kỳ có mặt chưa chặt chẽ. Việc thực hiện quy định liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh ở một số cơ sở đào tạo chưa nghiêm; công tác bảo đảm cơ sở vật chất, nhất là thao trường, bãi tập cùng các trang, thiết bị,... dạy học ở một số trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học được giao tự chủ môn học chưa bảo đảm theo quy định, v.v. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp chính như sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức các cấp đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh. Theo đó, tiếp tục quán triệt, cập nhật, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh; trọng tâm là Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị (khóa X); Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; Quy định số 07-QĐ/BTCTW, ngày 16/4/2008 của Ban Tổ chức Trung ương về tiêu chuẩn kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ, đảng viên, v.v. Trên cơ sở đó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, một tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cán bộ chủ trì các cấp. Các bộ, ngành Trung ương, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tích cực đổi mới, tăng cường công tác quản lý nhà nước, hiệu quả phối hợp trong thực hiện công tác này. Thường xuyên rà soát, bổ sung, đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch, chương trình hành động, đề án về giáo dục quốc phòng và an ninh, phù hợp với điều kiện của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Hai là, thường xuyên củng cố, kiện toàn, bổ sung quy chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội đồng và cơ quan thường trực hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp. Cơ quan thường trực hội đồng các cấp thường xuyên rà soát, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp bổ sung, kiện toàn hội đồng bảo đảm số lượng, cơ cấu, thành phần hợp lý; xây dựng, hoàn thiện quy chế hoạt động, phát huy vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong hội đồng. Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện; chất lượng tham mưu, dự báo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng; giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên; tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc quyền, kịp thời nhân rộng những điển hình tiên tiến, kinh nghiệm, cách làm hay, khắc phục, chấn chỉnh yếu kém trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác này.

Ba là, đổi mới phương pháp quản lý, cách thức tiến hành, đảm bảo nguyên tắc trong giáo dục quốc phòng và an ninh. Cơ quan chức năng của các ban, bộ, ngành Trung ương, hội đồng các cấp làm tốt việc rà soát, nắm chắc số lượng, phân loại đối tượng để xây dựng kế hoạch, triển khai bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo quy định của pháp luật. Quan tâm bồi dưỡng cho đối tượng là cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư và cập nhật bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý 02 nhiệm kỳ liên tiếp không thay đổi chức danh hoặc phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

Các cơ sở giáo dục, trung tâm chấp hành nghiêm quy định liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên bảo đảm nội dung, chương trình, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy - học. Thời gian qua, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các trung tâm đã phối hợp với các trường liên kết tổ chức dạy học trực tuyến nội dung lý thuyết cho sinh viên, giải quyết một phần chương trình môn học. Trong thời gian tới, các trung tâm căn cứ tình hình cụ thể của địa phương để có biện pháp thực hiện phù hợp. Những trung tâm đang được trưng dụng làm nơi cách ly tập trung tiếp tục dạy học trực tuyến nội dung lý thuyết (riêng nội dung liên quan đến yếu tố bí mật không giảng dạy trực tuyến) và căn cứ vào cấp độ dịch tại địa phương để phối hợp với các trường đã cho sinh viên đi học tập trung tổ chức dạy nội dung thực hành, kiểm tra, đánh giá kết quả tại trường liên kết, bảo đảm chất lượng. Đối với các trung tâm đủ điều kiện dạy học tập trung phải tăng cường công tác quản lý, rèn luyện sinh viên theo nếp sống Quân đội, môi trường quân sự, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và tuân thủ quy định của Bộ Y tế.

Các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương chủ động phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng chương trình, nội dung, triển khai phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân theo Thông tư số 38/2017/TT-BTTTT, ngày 13/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Bốn là, quan tâm bảo đảm đủ cơ sở vật chất, phương tiện, trang bị kỹ thuật, thiết bị dạy học phục vụ công tác giáo dục quốc phòng và an ninh. Các bộ, ngành Trung ương, địa phương và nhà trường tiếp tục đầu tư xây dựng cơ bản các trung tâm theo Quyết định số 161/QĐ-TTg, ngày 30/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo; Quyết định số 1841/QĐ-TTg, ngày 18/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó, đẩy mạnh nâng cấp cơ sở vật chất, hệ thống giảng đường, phòng học chuyên dùng, thao trường, bãi tập cho các trung tâm đang hoạt động. Các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học được tự chủ môn học tăng cường mua sắm bổ sung vật chất, trang thiết bị dạy học, mô hình học cụ; củng cố, nâng cấp thao trường, bãi tập, giảng đường, phòng học chuyên dùng theo quy định hiện hành. Cục Dân quân tự vệ tham mưu tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Hoán cải, vô hiệu hóa súng tiểu liên AK cấp 5; mua sắm trang bị, thiết bị bắn tập phục vụ môn học giáo dục quốc phòng và an ninh”. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng in bổ sung giáo trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng; biên soạn, ban hành giáo trình, sách giáo khoa môn học giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo đúng lộ trình, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng LƯƠNG QUANG CƯƠNG, Phó Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ
_______________________

1 - Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định: số 517/QĐ-TTg, ngày 01/4/2021 về thành lập Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh quân khu; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp; số 45/QĐ-TTg, ngày 14/6/2021 về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; số 1013/QĐ-TTg, ngày 29/6/2021 về phê duyệt Kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh đối tượng 1 năm 2022. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành các quyết định: số 1870/QĐ-BQP, ngày 19/6/2021 về phê duyệt Kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh đối tượng 2 năm 2022; số 2861/QĐ-BQP, ngày 24/8/2021 về điều chỉnh, bổ sung danh sách liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh.

2 - Năm 2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn cho 600 cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên thuộc các sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...