Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Năm, 16/10/2014, 18:06 (GMT+7)
Một số vấn đề về quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh hiện nay

Thực tế cho thấy, chất lượng, hiệu quả giáo dục quốc phòng và an ninh ở các Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh cao hơn nhiều so với các cơ sở giáo dục khác. Vì vậy, quy hoạch hệ thống Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, thiết thực đối với việc nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng.

Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) là môn học chính khóa trong hệ thống các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, cao đẳng và đại học trên cả nước. Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh (QP&AN) cho cán bộ, đảng viên là yêu cầu bắt buộc được quy định trong các văn bản hiện hành của Đảng, Nhà nước. Thực tế hiện nay, phần lớn các cơ sở giáo dục rất khó khăn về giảng đường, thao trường, bãi tập cũng như các trang thiết bị để thực hiện giảng dạy môn GDQP&AN. Một số cơ sở giáo dục - đào tạo có khoa, tổ bộ môn GDQP&AN, nhưng đội ngũ giáo viên, giảng viên chủ yếu là sĩ quan quân đội biệt phái và thỉnh giảng mời cán bộ quân đội, công an đã nghỉ hưu đảm nhiệm nên quá trình thực hiện môn học nảy sinh không ít bất cập. Nhằm từng bước nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP&AN và giảm bớt khó khăn cho các cơ sở giáo dục đại học, những năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng có liên quan đẩy mạnh xây dựng quy hoạch hệ thống Trung tâm GDQP&AN (sau đây gọi tắt là Trung tâm) theo nguyên tắc: không tổ chức ở tất cả các cơ sở giáo dục đại học và các nhà trường quân đội mà căn cứ vào mật độ các trường và quy mô sinh viên từng khu vực. Các Trung tâm có nhiệm vụ giảng dạy môn học GDQP&AN cho sinh viên theo phân luồng của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho các đối tượng theo thẩm quyền. Tính đến nay, cả nước đã thành lập 34 Trung tâm; trong đó, có 26/34 Trung tâm đã đi vào hoạt động. Hằng năm, các Trung tâm này đã tiến hành GDQP&AN cho khoảng 28 vạn đến 32 vạn sinh viên (chiếm trên 35% tổng số sinh viên) và bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho khoảng 3,5 vạn cán bộ, công chức, viên chức quản lý, đảng viên bảo đảm chất lượng và hiệu quả.

Tuy nhiên, hiện nay lưu lượng sinh viên hằng năm đang tăng mạnh1; số lượng cán bộ, công chức, viên chức quản lý, đảng viên cần được bồi dưỡng kiến thức QP&AN lớn. Vì vậy, để bảo đảm cho sinh viên được học tập, rèn luyện tập trung theo nếp sống quân sự và các đối tượng được bồi dưỡng kiến thức QP&AN theo đúng quy định của Luật GDQP&AN thì việc quy hoạch, đầu tư đẩy nhanh xây dựng hệ thống Trung tâm là vấn đề quan trọng, cấp thiết. Nhận rõ sự cần thiết phải quy hoạch, xây dựng hệ thống Trung tâm, trong Kế hoạch triển khai thi hành Luật GDQP&AN2, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng (BQP) đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng có liên quan xây dựng Quy hoạch hệ thống Trung tâm và Quy định chi tiết điều kiện thành lập mới Trung tâm để thay thế các quyết định trước đây.

Trong Dự thảo Quy hoạch hệ thống Trung tâm giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo đã bám sát chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về GDQP&AN. Mục tiêu đặt ra là đưa sinh viên vào học tập, rèn luyện, sinh hoạt tập trung theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 Luật GDQP&AN: “Tổ chức dạy và học tập tại trung tâm GDQP&AN hoặc trường cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại học,…”. Theo lộ trình, đến năm 2020, cả nước sẽ thành lập đủ các Trung tâm để thực hiện GDQP&AN cho gần 01 triệu sinh viên, đạt 90% số sinh viên đại học, cao đẳng được tuyển hằng năm; bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho trên 90% đối tượng 2 và đối tượng 3. Vì vậy, các bộ, ngành, cơ quan chức năng có liên quan cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị 12-CT/TW, ngày 03-5-2007 của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, Luật GDQP&AN và các văn bản quy phạm pháp luật về GDQP&AN, trên cơ sở đó, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn được giao để tổ chức thực hiện.

Trong Chỉ thị 12-CT/TW nêu rõ: “BQP chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan, nghiên cứu, nâng cấp, mở rộng các trường quân sự quân khu, trường quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hệ thống trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện để đảm nhận chức năng giáo dục quốc phòng, an ninh cho học sinh, sinh viên và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở”. Cùng với đó, tại Khoản 2 Điều 34 Luật GDQP&AN về nhiệm vụ, quyền hạn của BQP quy định: “Chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan lập quy hoạch hệ thống trung tâm GDQP&AN trên phạm vi cả nước, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; quyết định thành lập trung tâm GDQP&AN thuộc nhà trường quân đội”.

Thời gian qua, BQP đã chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, cơ quan liên quan, tổ chức khảo sát thực tế trên cơ sở quy hoạch mạng lưới các trường cao đẳng nghề, cao đẳng, đại học, nhà trường quân đội trên phạm vi cả nước, làm cơ sở tham mưu, giúp Chính phủ xây dựng Quy hoạch hệ thống Trung tâm giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo. Trong đó, chú trọng tận dụng, phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên và tận dụng cơ sở vật chất hiện có của các trường cao đẳng nghề, cao đẳng, đại học, nhà trường quân đội, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Điều đó đã đáp ứng yêu cầu là, nội dung quy hoạch phải phù hợp với hệ thống nhà trường quân đội; trường cao đẳng, cao đẳng nghề và cơ sở giáo dục đại học. Những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 638/QĐ-TTg, ngày 21-5-2009; Quyết định 412/QĐ-TTg, ngày 10-4-2012 về phê duyệt Đề án thành lập trung tâm GDQP&AN tại các nhà trường quân đội giai đoạn 2009 - 2015 và những năm tiếp theo; phê duyệt Quy hoạch hệ thống trung tâm GDQP&AN sinh viên giai đoạn 2011 - 2015. Trên cơ sở đó, BQP đã ban hành các Quyết định 1588/QĐ-BQP, 1589/QĐ-BQP làm cơ sở để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nhất là kinh phí đầu tư xây dựng một trung tâm rất lớn nên đến nay mới chỉ có 26/34 Trung tâm đi vào hoạt động; các Trung tâm còn lại đang trong giai đoạn tiếp tục chờ đầu tư xây dựng. Vì vậy, việc Quy hoạch hệ thống Trung tâm giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo cần có tư duy đột phá; đồng thời, có sự kế thừa, phát triển các Trung tâm đã được quy hoạch trước đây, phấn đấu nhanh chóng hoàn thiện và đưa vào hoạt động 34 Trung tâm đã có quyết định thành lập. Mặt khác, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất quy hoạch xây dựng một số Trung tâm mới theo từng giai đoạn phù hợp để đáp ứng yêu cầu thực hiện môn học GDQP&AN và bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho đối tượng 2, đối tượng 3 khi được giao.

Để đảm bảo việc quy hoạch Trung tâm không bị chồng chéo, phát huy hiệu quả khi đi vào hoạt động, tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí, các nhà trường quân đội, cơ sở giáo dục đại học chỉ được thành lập Trung tâm khi có đủ các điều kiện sau:

1. Phù hợp với hệ thống nhà trường quân đội, trường cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại học.

2. Đối với các tỉnh biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hằng năm có từ 3.000 sinh viên trở lên, khu vực khác có từ 6.000 sinh viên trở lên vào học.

3. Có đất đai, mặt bằng, kết cấu hạ tầng, giảng đường, cơ sở vật chất bảo đảm học tập, rèn luyện, sinh hoạt tập trung theo nếp sống quân sự; có thao trường, bãi tập, trường bắn hoặc có điều kiện liên kết thực hiện môn học GDQP&AN.

4. Có đội ngũ giáo viên, giảng viên cơ hữu đạt trình độ chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Bộ GD&ĐT và đội ngũ cán bộ quản lý để thực hiện nhiệm vụ.

Theo tiêu chí trên, từng bộ, ngành cần rà soát chặt chẽ, hoàn thiện quy hoạch hệ thống nhà trường, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng thuộc phạm vi mình quản lý; trên cơ sở đó, dự báo lưu lượng sinh viên hằng năm để đề xuất xây dựng mới Trung tâm cho phù hợp. 

Trong điều kiện ngân sách, kinh phí bảo đảm có hạn, các Trung tâm cần tận dụng doanh trại, cơ sở hạ tầng, hệ thống giảng đường, phòng học chuyên dùng, thao trường, bãi tập, vũ khí, trang thiết bị, vật chất hậu cần, kỹ thuật hiện có của các nhà trường quân đội, cơ sở giáo dục đại học để tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng, hạn chế tăng biên chế đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên. Qua khảo sát thực tế tại các nhà trường quân đội, trường cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại học, đối chiếu với các điều kiện nêu trên cho thấy việc đưa vào quy hoạch, thành lập mới các Trung tâm tại một số nhà trường quân đội và trường quân sự cấp tỉnh là phù hợp hơn cả. Bởi vì, hiện nay các trường quân sự cấp tỉnh đang đảm nhiệm bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho đối tượng 3 và chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Hội đồng GDQP&AN cấp tỉnh. Mặt khác, các trường này có đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên đã được đào tạo cơ bản trong các học viện, nhà trường quân đội, có trình độ chuyên môn, kỹ năng quân sự tốt; có kinh nghiệm quản lý nên chỉ cần tham gia bồi dưỡng, tập huấn về nội dung, chương trình khung GDQP&AN theo quy định là có thể đảm nhiệm công tác quản lý và giảng dạy cho sinh viên. Như vậy, sẽ hạn chế tăng biên chế cán bộ, giáo viên, giảng viên, nhân viên khi thành lập mới các Trung tâm; đồng thời, tận dụng được cơ sở vật chất hiện có, như: mặt bằng, hệ thống giảng đường, thao trường, bãi tập, vũ khí và các cơ sở vật chất hậu cần, kỹ thuật, đáp ứng đặc thù của môn học GDQP&AN. Mô hình Trung tâm này trong thực tế đã và đang khẳng định được tính hiệu quả, tiêu biểu như: Trung tâm GDQP&AN Trường Quân sự Quân khu 5, Quân khu 7, Trường Quân sự tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình.

Một thuận lợi khác là, các nhà trường quân đội và trường quân sự cấp tỉnh phần lớn đứng chân ở gần các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, thành phố trên cả nước, đây là nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề nên có số lượng sinh viên theo học đông. Hơn nữa, việc thành lập Trung tâm tại các địa phương sẽ tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và huy động được nhiều nguồn lực của địa phương cho công tác GDQP&AN trong nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quan trọng này.

Đại tá LÊ THANH TRÌ, Cục Dân quân tự vệ
_________________

1 - Mỗi năm tuyển sinh gần 01 triệu sinh viên.

2 - Ban hành kèm theo Quyết định 1911/QĐ-TTg, ngày 18-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...