QPTD -Thứ Sáu, 10/02/2017, 15:05 (GMT+7)
Phát triển văn hóa Việt Nam theo tinh thần Đại hội XII của Đảng

Kế thừa các quan điểm trước đây về phát triển văn hóa, Đại hội XII của Đảng đã nêu tư tưởng chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Để tư tưởng chỉ đạo phát triển văn hóa của Đảng đi vào cuộc sống, cần tích cực quán triệt, thống nhất nhận thức, đề cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. 

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh hun đúc nên phẩm chất, cốt cách con người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Nền tảng đó đã giúp cho nhân dân ta vượt qua bao khó khăn, thử thách, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc và nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của văn hóa, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã đề ra đường lối, chủ trương, chính sách về văn hóa, được thể hiện thông qua các chỉ thị, nghị quyết, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, … góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách của con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tiêt mục văn nghệ chào mừng Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000 - 2015
của tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: ninhbinh.gov.vn)

Những thành tựu nổi bật trong xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam thời gian qua là: văn hóa đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đúng mức trong các chính sách kinh tế - xã hội; quan hệ biện chứng giữa văn hóa với con người và những đặc trưng của văn hóa, đặc tính của con người Việt Nam được xác định đầy đủ hơn; vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và trách nhiệm của các đoàn thể chính trị - xã hội, của nhân dân, đặc biệt của đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa được đề cao. Hệ thống thể chế, thiết chế văn hóa từng bước được tăng cường. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, từng vùng, miền được kế thừa và có bước khởi sắc, nhất là trong điều kiện hội nhập, giao lưu văn hóa với thế giới. Nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, tôn tạo; xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng mở rộng. Văn học, nghệ thuật có bước phát triển mới; nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống được quan tâm đầu tư gìn giữ; nhiều tác phẩm về đề tài cách mạng và kháng chiến, về công cuộc đổi mới có chất lượng tốt. Truyền thông đại chúng phát triển nhanh cả về loại hình, quy mô, lực lượng, phương tiện và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với đời sống xã hội. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã khơi dậy được nhiều giá trị nhân văn trong cộng đồng; giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa có nhiều sắc thái mới, v.v. Bởi vậy, những năm qua, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, “bước đầu hình thành những giá trị mới về con người với các phẩm chất về trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, dân chủ, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên”1.

Tuy nhiên, so với các lĩnh vực khác, việc đầu tư phát triển và thành quả trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, còn dàn trải. Điều đó đã làm cho “đời sống văn hóa, tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội và một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Hệ thống thông tin đại chúng phát triển thiếu quy hoạch khoa học, gây lãng phí nguồn lực và quản lý không theo kịp sự phát triển. Một số cơ quan truyền thông có biểu hiện thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích”2. Đáng chú ý là, “hệ thống thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động văn hóa còn thiếu và yếu, có nơi xuống cấp, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp. Tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ”3, v.v.

Để khắc phục tình trạng đó và đảm bảo cho văn hóa phát triển, Đại hội XII của Đảng đã xác định rõ tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới. Đây là định hướng hết sức quan trọng cần được quán triệt, thống nhất nhận thức về một số vấn đề chủ yếu sau:

Một là, nắm vững tư tưởng chỉ đạo phát triển văn hóa. Kế thừa, phát triển quan điểm chỉ đạo, những định hướng lớn của Đảng và tình hình phát triển văn hóa Việt Nam thời gian qua, Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”4. Trong tư tưởng đó, cần nhận thức rõ hai điểm quan trọng nổi bật, là: thứ nhất, xây dựng, phát triển nền văn hóa phải gắn chặt với xây dựng, phát triển con người, không tách khỏi cội nguồn dân tộc. Thứ hai, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội, mà là sức mạnh nội sinh trực tiếp để phát triển bền vững. Với vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa được xác định vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Chăm lo văn hoá là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội thì không thể có sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Ngược lại, xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hoá; văn hoá phát triển là kết quả của sự phát triển kinh tế, đồng thời tạo động lực cho kinh tế ngày càng phát triển. Không những thế, văn hoá còn phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện: chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật, kỷ cương,… để trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của sự phát triển. Trên cơ sở nhận thức đúng, đề cao trách nhiệm trong xác định chủ trương, biện pháp xây dựng nền văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo cho văn hóa thẩm thấu trong mọi hoạt động chính trị, kinh tế của đất nước.

Hai là, thống nhất nhận thức về mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam.  Mục tiêu trước mắt là, gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa; làm cho văn hóa tham gia tích cực vào thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Xây dựng những giá trị văn hóa mới đi đôi với việc mở rộng giao lưu quốc tế. Nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động, sáng tạo văn hóa của nhân dân; từng bước thu hẹp sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường đầu tư của Nhà nước, nâng cao tỷ lệ ngân sách cho văn hóa, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa; coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững. Xây dựng và nâng cấp đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, chú trọng các công trình văn hóa lớn, tiêu biểu; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở, v.v. Mục tiêu lâu dài là, tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế - xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Xây dựng môi trường, lối sống văn hóa; phát huy tinh thần tự nguyện, tự chủ, sức sáng tạo, vai trò chủ thể văn hóa của nhân dân; xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam. Đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, bảo đảm tính thống nhất trong đa dạng về bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Phát huy tiềm năng, khuyến khích sáng tạo văn học, nghệ thuật, sáng tác những tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu phản ánh sức sống của nền văn hóa mới.

Ba là, quán triệt, thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tiên tiến không chỉ về nội dung tư tưởng mà cả trong hình thức biểu hiện, trong các phương tiện chuyển tải. Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Bản sắc văn hoá dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo; giữ gìn bản sắc dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán. Để làm được điều đó, cần quán triệt, thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp mà Đại hội XII đã nêu lên, đó là: xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, đạo đức, lối sống; xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế; làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa; đầu tư của Nhà nước cho văn hóa phải tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa, v.v. Trên cơ sở các nhiệm vụ đó, căn cứ vào tình hình cụ thể của từng ngành, địa phương, lĩnh vực mà xác định nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp, hiệu quả; đề cao trách nhiệm trong phát triển văn hóa theo tinh thần của Đảng, đồng thời khắc phục những nhận thức không đúng về vị trí, vai trò của văn hóa, đặt văn hóa ra ngoài chính trị và kinh tế hoặc thiếu đầu tư, quan tâm phát triển, v.v.

Bốn là, tích cực đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái thù địch trên lĩnh vực văn hóa. Hiện nay, trước những biến động chính trị phức tạp trên thế giới, một số người dao động, hoài nghi về con đường xã hội chủ nghĩa, thậm chí phủ nhận thành quả của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; phủ nhận lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị văn hoá dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ,… đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Trong sáng tác và lý luận, phê bình văn hóa, nghệ thuật, có lúc đã nảy sinh khuynh hướng phủ nhận thành tựu văn học cách mạng và kháng chiến, đối lập văn nghệ với chính trị, nhìn xã hội với thái độ bi quan, v.v. Trong khi đó, các thế lực thù địch đang hằng ngày, hằng giờ sử dụng con bài tư tưởng, văn hóa làm đòn tấn công phủ đầu, dọn đường thực hiện các thủ đoạn khác để chống phá cách mạng nước ta. Chúng tuyên truyền, xâm nhập các loại văn hóa độc hại, lối sống cơ hội, thực dụng, ích kỷ, hẹp hòi, vô cảm vào đời sống xã hội, với mục đích hình thành lối sống tiêu cực, đi ngược lại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, v.v. Tất cả những điều đó có tác động không nhỏ đến sự phát triển nền văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, sự đồng thuận xã hội. Bởi vậy, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, nhất là trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản,… đấu tranh với quan điểm sai trái và mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch lợi dụng văn hóa để chống Đảng và chế độ ta.    

Phát triển nền văn hóa tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là mục tiêu xuyên suốt quá trình phát triển của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bởi vậy, việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về phát triển văn hóa là cơ sở rất quan trọng để biến mục tiêu thành hiện thực, góp phần xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền tảng tinh thần xã hội vững mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đại tá, TS. ĐỖ HỒNG LÂM
__________________

1- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2016, tr.123.

2 - Sđd, tr.125.

3 - Sđd, tr.125.

4 - Sđd, tr.126

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.