Thứ Năm, 24/04/2025, 02:24 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Theo gương Bác
Từ những phát kiến lý luận của V.I.Lênin về vấn đề sở hữu và kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Điều đó không những góp phần phát triển lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, mà còn là tiền đề để Đảng ta nhận thức rõ hơn mô hình phát triển đất nước trên con đường xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
1. Tư tưởng cốt lõi của V.I.Lênin về sở hữu và kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
Sau khi giành chính quyền, cách mạng xã hội chủ nghĩa tất yếu sẽ bước vào giai đoạn cải tạo xã hội cũ với đặc trưng là dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu để xây dựng xã hội mới trên cơ sở của chế độ công hữu. Trước thực tiễn cách mạng chưa có tiền lệ, để cải tạo xã hội cũ, V.I.Lênin đã nêu lên nhiều vấn đề lý luận mới về vấn đề sở hữu và kinh tế nhiều thành phần thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Theo V.I.Lênin, chính quyền cách mạng giành được cơ sở vật chất - kỹ thuật của chế độ cũ là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là việc sử dụng hiệu quả các yếu tố đó để tạo ra năng suất lao động cao hơn xã hội cũ và khi ấy các nhân tố của xã hội mới (sở hữu công cộng) sẽ thay thế, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Và thực chất đó là thời kỳ quá độ lâu dài để cải tạo chế độ sở hữu cũ, xây dựng chế độ sở hữu mới. Đây là quá trình tất yếu, bởi đặc điểm kinh tế của thời kỳ này là các yếu tố của xã hội mới đang dần hình thành, chưa đủ sức để đảm nhận sứ mạng lịch sử trong bối cảnh mới ngay được. Trong khi đó, cơ sở vật chất - kỹ thuật của chế độ sở hữu cũ đang hiện hữu với nhiều hình thức sở hữu khác nhau, nên việc chính quyền biết khai thác, sử dụng các nhân tố của xã hội cũ đã được cải biến, phát triển để tăng năng suất lao động là điều rất quan trọng. Quá trình cải tạo các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa phải mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với vị thế, tương quan lực lượng giữa các thành phần gắn với yêu cầu giữ vững chính quyền và phát triển sức sản xuất trong điều kiện cụ thể của từng nước. Đồng thời, không nóng vội áp đặt các hình thức sở hữu công cộng khi chưa tích lũy đủ những yếu tố cần thiết cho phát triển công nghiệp và mở rộng quy mô sở hữu xã hội chủ nghĩa.
Là người đầu tiên nêu rõ các thành phần kinh tế, V.I.Lênin cũng đề ra các chính sách ứng xử với từng thành phần kinh tế; trong đó, nhấn mạnh vai trò của nhà nước dân chủ nhân dân trong quản lý có kế hoạch, thực thi chính sách mềm dẻo với các thành phần kinh tế tư bản tư nhân, thu hút và quản lý các thành phần này hướng đến nâng cao năng suất lao động, khôi phục và phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất.
Một trong những nguyên tắc nền tảng trong chủ trương duy trì nền kinh tế nhiều thành phần được V.I.Lênin đề ra là công hữu và thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa phải giữ vị trí then chốt, chủ đạo; cải tạo, thu hút các thành phần kinh tế khác vào quỹ đạo chủ nghĩa xã hội. Nhà nước xã hội chủ nghĩa giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhiều thành phần không chỉ với tư cách là cơ quan quản lý kinh tế bằng đường lối, kế hoạch, mà còn là tổ chức thu hút người lao động tham gia quản lý nền kinh tế; phát huy sáng kiến của nhân dân để tạo ra các hình thức tổ chức lao động mới; giáo dục, giác ngộ, thu hút giai cấp công nhân tham gia xây dựng, quản lý nhà nước; xây dựng thể chế quản lý mới, chống tư bản hóa nền kinh tế.
Tựu trung lại, từ những nội dung cốt lõi về sở hữu và kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, V.I.Lênin đã nêu lên những chỉ dẫn vô cùng quan trọng:
Một là, tùy vào điểm xuất phát của thời kỳ quá độ là đại sản xuất hay sản xuất nhỏ chiếm ưu thế mà lựa chọn phương thức tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa phù hợp. Ở một nước trong đó những người tiểu nông chiếm đại đa số thì chỉ có thể thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa bằng một loạt những biện pháp quá độ; trong đó, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần là tất yếu. Hai là, việc phân định các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ phải phản ánh đúng tình hình kinh tế khách quan trong nước; phải xắp xếp các thành phần kinh tế từ thấp đến cao theo quá trình lịch sử - tự nhiên của sự phát triển lực lượng sản xuất và tuân theo quy luật: quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Ba là, chính sự vận động, phát triển của các thành phần kinh tế từ thấp đến cao thể thiện xu hướng tiến lên chủ nghĩa xã hội. Định hướng xã hội chủ nghĩa là hệ quả tất yếu, yếu tố nội sinh trong nền kinh tế thị trường dưới sự điều tiết của nhà nước xã hội chủ nghĩa, hoàn toàn không phải là sự lắp ghép hai thành tố độc lập. Bốn là, chính những quy luật phát triển của chủ nghĩa tư bản mà chế độ xã hội chủ nghĩa nhất định sẽ phát sinh. Và đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản không phải bằng cách làm chậm sự phát triển của các thành phần kinh tế tư bản mà bằng cách đẩy nhanh sự phát triển của chúng, để chủ nghĩa tư bản tư nhân đóng vai trò trợ thủ cho chủ nghĩa xã hội. Điều nghe như phi lý nhưng hoàn toàn hợp lý. Năm là, chỉ khi nào sức sản xuất và sự xã hội hóa sản xuất đạt đến trình độ rất cao, chế độ công hữu về tư liệu sản xuất sẽ thay thế chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa không còn tương dung. Bởi vậy, không thể nóng vội xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa khi lực lượng sản xuất chưa đòi hỏi.
Trong bối cảnh chính quyền Xô viết còn trong “trứng nước”, tranh thủ thời gian hòa bình ngắn ngủi để xây dựng xã hội mới, lại bị kẻ thù bên ngoài bao vây và đấu tranh quyết liệt với các quan điểm tiểu tư sản trong nội bộ, nên một số ý tưởng và quyết sách thực tiễn của V.I.Lênin về sở hữu và kinh tế nhiều thành phần ít nhiều mang tính sách lược, chưa thực sự được thể chế hóa và còn những hạn chế trong thực thi. Tuy nhiên, những chỉ dẫn ấy là tiền đề vô cùng quan trọng, mở ra bước ngoặt to lớn cho sự phát triển lý luận chủ nghĩa Mác và thực tiễn cách mạng xã hội chủ nghĩa trên thế giới.
2. Sự vận dụng, phát triển sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam
Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, thực hiện “Mục đích của Đảng là lãnh đạo nhân dân kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thực hiện dân chủ mới, tiến đến chủ nghĩa xã hội, rồi đến chủ nghĩa cộng sản”1, Hồ Chí Minh chủ trương gắn cuộc kháng chiến chống thực dân với cách mạng vô sản giành chính quyền, từng bước thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa, đưa nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bằng những chính sách đối xử với các giai cấp linh hoạt, mềm dẻo theo từng giai đoạn.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, phát xít Nhật, Hồ Chí Minh chủ trương liên minh mọi tầng lớp, giai cấp yêu nước trong một tổ chức có vai trò đoàn kết dân tộc đặc thù riêng đó là Mặt trận Tổ quốc, với những chính sách như: giảm tô, giảm tức, chia ruộng đất cho dân cày nhằm động viên nhân dân tham gia kháng chiến mà chưa đưa ra chính sách cải tạo ở vùng tự do.
Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, lãnh đạo đất nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, trên cơ sở nêu ra các thành phần kinh tế của đất nước gồm: kinh tế địa chủ phong kiến bóc lột địa tô; kinh tế quốc doanh; các hợp tác xã tiêu thụ và hợp tác xã cung cấp; kinh tế cá nhân của nông dân và của thủ công nghệ; kinh tế tư bản của tư nhân; kinh tế tư bản quốc gia và làm rõ bản chất của từng thành phần kinh tế, Hồ Chí Minh đề ra chính sách ứng xử linh hoạt với mỗi thành phần tùy thuộc vào bản chất, xu hướng phát triển và ích lợi của chúng đối với nền kinh tế. Người khẳng định: là cách mạng dân chủ mới, nên động lực cách mạng gồm các giai cấp: công nhân, nông dân, tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Mặc dù vai trò cách mạng khác nhau do địa vị, đặc tính của mỗi giai cấp, nhưng “Dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động, bốn giai cấp ấy đoàn kết thành mặt trận thống nhất, đánh đế quốc và phong kiến đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi.”2
Với lập trường giai cấp đó, Hồ Chí Minh phác thảo đường lối kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là “tiến dần từ chế độ dân chủ nhân dân lên chủ nghĩa xã hội bằng cách phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội, biến nền kinh tế lạc hậu thành một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến”3. Cơ cấu sở hữu gồm: “- Sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân. - Sở hữu của hợp tác xã tức là sở hữu tập thể của nhân dân lao động. - Sở hữu của người lao động riêng lẻ. - Một ít tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của nhà tư bản”4; thực hiện tốt, công tư đều lợi, chủ thợ đều lợi, công nông giúp nhau, lưu thông trong ngoài - “Bốn chính sách ấy là mấu chốt để phát triển kinh tế của nước ta”5.
Cùng với ưu tiên phát triển kinh tế quốc doanh để giữ vai trò chủ đạo nền kinh tế, cải tiến cách làm ăn của những người làm nghề thủ công và lao động riêng lẻ, khuyến khích, cải tạo những nhà tư sản công thương, Hồ Chí Minh yêu cầu nhà nước đặc biệt khuyến khích, hướng dẫn, giúp đỡ kinh tế hợp tác xã phát triển. Trong điều kiện đất nước với nông dân chiếm đa số, nông nghiệp là chỗ dựa quan trọng của nền kinh tế, Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm: muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội, cùng với phát triển công nghiệp phải nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, mà “trước hết phải xây dựng tốt phong trào đổi công ở khắp mọi nơi và trên cơ sở đó sẽ xây dựng hợp tác xã nông nghiệp từ thấp đến cao”6. Trong đó, Người rất quan tâm chỉ đạo phong trào hợp tác hóa, nhấn mạnh nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi trong phong trào hợp tác hóa, coi đó là hình thức tổ chức để phát triển nhanh nông nghiệp. Theo Người, quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa không dừng lại ở cải cách ruộng đất, làm cho dân cày có ruộng, mà còn phải đưa nông dân cá thể vào làm ăn tập thể. Cùng với đó, Hồ Chí Minh rất coi trọng xây dựng nhà nước dân chủ và đội ngũ cán bộ quản lý để hoàn thành công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Người luôn yêu cầu cán bộ quản lý nhà nước phải rèn luyện đạo đức cách mạng, rũ sạch chủ nghĩa cá nhân, chống quan liêu, sâu sát thực tế, coi trọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của các chủ thể kinh tế, từng bước lôi cuốn họ phấn đấu vì mục tiêu chung của cách mạng.
Nhờ những quyết sách đúng đắn đó, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã huy động mọi nguồn lực xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp của toàn dân, xây dựng hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ xâm lược. Đồng thời, đó cũng là tiền đề lý luận, thực tiễn quan trọng góp phần định hình mô hình phát triển của đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
PGS, TS. VŨ VĂN PHÚC, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản __________________
1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 289.
2 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 256.
3, 4 - Sđd, Tập 12, tr. 372.
5 - Sđd, Tập 8, tr. 267.
6 - Sđd, Tập 11, tr. 361.
Phát triển sáng tạo,tư tưởng của V.I. Lênin,vấn đề sở hữu,kinh tế nhiều thành phần,mô hình phát triển
Vận dụng tư tưởng “người trước, súng sau” của Hồ Chí Minh trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân hiện nay 16/04/2025
Nêu cao tính đảng của cán bộ, đảng viên trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo tư tưởng Hồ Chí Minh 31/03/2025
Nâng cao chất lượng đội ngũ chính ủy, chính trị viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh 20/03/2025
Sư đoàn 395 thi đua luyện giỏi, rèn nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao theo lời Bác Hồ dạy 13/03/2025
Quan điểm của Hồ Chí Minh về bệnh giấu giếm khuyết điểm và sự vận dụng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng 26/02/2025
Hiệu quả thực hiện Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới ở Sư đoàn 320 20/02/2025
Tổng Công ty Thái Sơn đẩy mạnh công tác dân vận theo lời Bác Hồ dạy 17/02/2025
Tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Cảnh sát biển” 12/02/2025
Làm theo lời Bác, Học viện Biên phòng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo 10/02/2025
Làm theo lời Bác, Lữ đoàn 575 nâng cao chất lượng bảo đảm thông tin liên lạc 01/02/2025
Nêu cao tính đảng của cán bộ, đảng viên trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh - Người vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của V.I. Lênin về vấn đề sở hữu và kinh tế nhiều thành phần
Vận dụng tư tưởng “người trước, súng sau” của Hồ Chí Minh trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân hiện nay