QPTD -Thứ Hai, 29/07/2024, 08:51 (GMT+7)
Thông tin biển, đảo
Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 09/5/2024, Chính phủ ban hành Quyết định số 389/QĐ-TTg về “Phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đây là sự cụ thể hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhằm bảo vệ, bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản trên các loại hình thủy vực và bảo tồn đa dạng sinh học biển; khai thác thủy sản bền vững, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.

Theo đó, phạm vi quy hoạch được xác định là các thủy vực thuộc vùng nội địa và các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, bao gồm cả vùng biển huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện, phấn đấu đến năm 2030 đạt được một số mục tiêu cơ bản sau.

Về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Quy hoạch xác định thành lập 27 khu bảo tồn biển với tổng diện tích vùng biển được khoanh vùng bảo tồn khoảng 463.587ha, chiếm khoảng 0,463% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia (các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia); có 149 khu vực ở vùng biển và 119 khu vực nội địa được khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ khu vực tập trung sinh sản, v.v.

Về khai thác thủy sản, phấn đấu tổng số tàu cá có khoảng 83.600 chiếc và được thiết lập theo cơ cấu: nghề lưới kéo chiếm 10%; nghề lưới vây chiếm 6,1%; nghề lưới rê chiếm 40,3%; nghề câu chiếm 18,9%; nghề lưới chụp chiếm 3,0%; nghề lồng bẫy chiếm 2,9%, v.v. Phấn đấu đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại, tương đương với các nước có nghề cá phát triển trong khu vực và trên thế giới; đa dạng sinh học biển và các thủy vực nội địa được bảo tồn và phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự và lợi ích quốc gia trên sông, trên biển của Việt Nam.

Để bảo đảm thực hiện thống nhất, đồng bộ, đạt hiệu quả, Quy hoạch xác định một số định hướng chủ yếu; trong đó, tập trung vào phục hồi nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các loại thủy sản có giá trị kinh tế, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu; tăng cường công tác quản lý, đánh giá, bảo tồn, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các loại hình thủy vực vùng nội địa và vùng biển; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, v.v. Đối với khai thác thủy sản, tập trung điều chỉnh tỷ trọng sản lượng khai thác giữa các vùng biển, phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; khai thác có chọn lọc các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao. Chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản ở các thủy vực vùng nội địa, vùng biển phù hợp với khả năng cho phép khai thác nguồn lợi thủy sản. Đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác thủy sản, v.v. Cùng với đó, Quy hoạch cũng đề ra các giải pháp đồng bộ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, lực lượng, địa phương trong triển khai thực hiện.

Với tầm nhìn chiến lược, bám sát thực tiễn, Quy hoạch là cơ sở quan trọng để phân bố lại không gian cho bảo tồn, bảo vệ, khai thác thủy sản phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi, hệ sinh thái, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội từng vùng và các ngành kinh tế. Đồng thời, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế biển xanh, đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Thực hiện: Cao Vương

Ý kiến bạn đọc (0)