QPTD -Thứ Ba, 28/05/2024, 07:51 (GMT+7)
Thông tin biển, đảo
Nội dung chủ yếu về Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Trên cơ sở quan điểm và mục tiêu đã xác định, với những tiêu chí khoa học chặt chẽ, bám sát thực tiễn nhu cầu phát triển của từng vùng và địa phương, Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định những nội dung chủ yếu sau:

Trước hết, Quy hoạch phân rõ các nhóm cảng biển nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý, đầu tư, phát triển. Theo đó, cảng biển Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu là cảng biển đặc biệt; 15 cảng biển loại I (Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ, Long An, Trà Vinh); trong đó, quy hoạch cảng biển Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa trong tương lai trở thành cảng biển đặc biệt; 06 cảng biển loại II (Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hậu Giang, Đồng Tháp); 13 cảng biển loại III (Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Phú Yên, Bình Dương, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau), riêng cảng biển Sóc Trăng quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt.

Về định hướng hạ tầng giao thông kết nối: phát triển các tuyến đường sắt kết nối với cảng biển loại đặc biệt và loại I trên hành lang Bắc - Nam; hình thành các bến cho phương tiện thủy nội địa trong vùng nước cảng biển; hệ thống đường bộ cao tốc kết nối với các cảng biển loại đặc biệt, hệ thống quốc lộ, đường địa phương kết nối trực tiếp đến hệ thống cảng biển. Phát triển cảng cạn tại các khu vực kinh tế, hành lang kinh tế, ưu tiên quy hoạch các vị trí có kết nối thuận lợi bằng vận tải đường thủy nội địa, vận tải sông pha biển, đường bộ cao tốc, đường sắt đến các cảng biển quan trọng.

Dự kiến đến năm 2030, tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 33.600ha và sử dụng mặt nước khoảng 606.000ha; nhu cầu vốn đầu tư khoảng 313.000 tỉ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa), huy động chủ yếu từ nguồn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Một số dự án ưu tiên đầu tư: nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải phục vụ tàu đến 200.000 tấn giảm tải (18.000 TEU), dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (cho tàu đến 20.000 tấn giảm tải), nâng cấp đèn biển tại các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, v.v. Đầu tư các bến cảng thuộc khu bến Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn (Hải Phòng), các bến cảng tại khu bến Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu); các bến cảng chính thuộc cảng biển loại I, bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn gắn với trung tâm điện lực than, khí, xăng dầu, luyện kim; các bến phục vụ khu kinh tế ven biển; kêu gọi đầu tư các bến cảng tại các cảng biển tiềm năng Vân Phong và Trần Đề.

Với cách làm bài bản, nghiên cứu cẩn trọng, đánh giá khách quan, tầm nhìn chiến lược theo hướng phát huy thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương, bảo đảm đầu tư và phát triển bền vững, tin tưởng chắc chắn rằng Quy hoạch sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc, tiền đề để phát triển hạ tầng cảng biển nói riêng và kết cấu hạ tầng giao thông nói chung, bảo đảm tính tổng thể, liên kết cao, đồng bộ, hiện đại, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đề ra.

Thực hiện: Cao Vương

Ý kiến bạn đọc (0)