QPTD -Thứ Năm, 21/05/2015, 09:20 (GMT+7)
Thông tin về biển, đảo Việt Nam
Hòa ước San Francisco (năm 1951) và chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa
Hội nghị Hiệp ước hòa bình San Francisco năm 1951(Ảnh tư liệu)

Sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, Nhật Bản là nước bại trận nên toàn bộ phần lãnh thổ do nước này chiếm đóng cần được phân định bằng một hiệp ước quốc tế. Theo đó, từ ngày 04 đến 08-9-1951, với sự tham dự của 51 quốc gia, Hội nghị San Francisco được tổ chức để bàn về việc ký Hòa ước hòa bình với Nhật Bản. Trong Dự thảo Hòa ước (trình phiên họp toàn thể), tại Điều 2 (Chương II) có ghi:

“a). Nhật Bản, trong khi công nhận nền độc lập của Triều Tiên, từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với Triều Tiên, kể cả các quần đảo Quelpart Port Hamilton và Dagelet.

b). Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với vùng Formosa (Đài Loan) và Pessadores (Bành Hồ).

c). Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với quần đảo Kurile, đảo Skhalin và quần đảo nằm sát nước Nhật Bản, mà ở đó Nhật Bản đã giành được chủ quyền theo Hiệp ước Portsmouth ngày 05-9-1905.

d). Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và đòi hỏi liên quan tới chế độ ủy trị của Hội quốc liên và chấp nhận quyết định ngày 02-4-1947 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gia hạn chế độ ủy trị đối với các đảo Thái Bình Dương trước đây dưới quyền ủy trị của Nhật Bản.

e). Nhật Bản từ bỏ tất cả các đòi hỏi muốn có bất kỳ quyền, hoặc danh nghĩa, hoặc lợi ích nào liên quan tới bất cứ phần nào của vùng Nam Cực, dù đó là các hoạt động của các công dân Nhật Bản hoặc các hình thức khác.

f). Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”1.

Nhìn vào Dự thảo có thể thấy, tuy không nêu cụ thể, nhưng các vùng lãnh thổ liên quan đến quốc gia nào thì được thể hiện trong cùng một khoản, ví như: các quần đảo Quelpart Port Hmilton và Dagelet liên quan đến Triều Tiên (khoản a); quần đảo Kurile và đảo Sakhalin liên quan đến Nga (khoản c). Trong khi đó, Đài Loan, Bành Hồ (liên quan đến Cộng hòa nhân dân Trung Hoa) và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được sắp xếp ở hai khoản tách biệt nhau (b và f). Điều này, tự nó đã bao hàm ý nghĩa: quốc tế không công nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Trung Quốc. Hơn thế nữa, trong phiên họp toàn thể (ngày 05-9-1951) có ý kiến bổ sung đòi Nhật Bản thừa nhận chủ quyền của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đối với đảo Hoàng Sa cùng những đảo xa hơn nữa ở phía Nam2 nhưng đã bị Hội nghị bác bỏ hoàn toàn (với số phiếu áp đảo 46/51 phiếu) và Điều 2 vẫn được giữ nguyên như Dự thảo của Hòa ước. Đặc biệt, tại Hội nghị này, ông Trần Văn Hữu - Thủ tướng chính quyền Bảo Đại đã tuyên bố: “… để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, những quần đảo luôn thuộc về Việt Nam”3, mà không gặp bất cứ sự phản đối hoặc bảo lưu quốc tế nào.

Như vậy, các vùng lãnh thổ mà Tuyên bố Cai-rô (năm 1943), Tuyên ngôn Postdam (năm 1945) xác nhận và Hòa ước San Francisco khẳng định lại đã không công nhận chủ quyền của bất cứ quốc gia nào khác đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đồng thời, tuyên bố của Việt Nam (tại Hội nghị) về chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Điều đó cho thấy, luận điểm: Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý quốc tế và lịch sử về chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hoàn toàn có cơ sở xác đáng.

HẢI BẰNG (thực hiện)
______

1, 3 - Bộ Ngoại giao, Ủy ban Biên giới quốc gia - Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb Tri Thức, H. 2013, tr. 41, 42.

2 - Trần Công Trục - Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông, Nxb Thông tin và Truyền thông, H. 2012, tr. 109.

Ý kiến bạn đọc (0)