QPTD -Thứ Năm, 22/02/2024, 06:23 (GMT+7)
Thông tin biển, đảo
Những định hướng, nhiệm vụ trong Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo

Tài nguyên biển và hải đảo bao gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật thuộc khối nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng đất ven biển và quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Nhận rõ giá trị to lớn của nguồn tài nguyên biển và hải đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là việc phát triển bền vững kinh tế biển, Đảng ta xác định những định hướng, nhiệm vụ cơ bản trong Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển đến năm 2030,... trên một số lĩnh vực then chốt sau:

Trước hết, trong khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, Đảng ta chỉ rõ, cần phân vùng sử dụng không gian biển hợp lý; thực hiện các mục tiêu bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản và bảo tồn các di sản văn hóa biển, v.v. Trong đó, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0% - 4,0%/năm, đảm bảo tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp đạt 32,3%/năm, v.v.

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển và hải đảo, thực hiện định kỳ công tác điều tra, thống kê, phân loại, quan trắc và đánh giá các loại hình ô nhiễm, tình trạng ô nhiễm, nguồn lây ô nhiễm môi trường biển. Đến năm 2025, hoàn thành lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm và đánh giá sức chịu tải môi trường tại một số vùng rủi ro ô nhiễm cao ở vùng biển ven bờ. Đến năm 2030, tỷ lệ thu hồi, xử lý rác thải nhựa tại các bãi biển, khu du lịch biển và khu bảo tồn biển đạt 100%.

Đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi biển và hải đảo, phấn đấu đến năm 2030, tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 06% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, 80% các khu vực biển có đa dạng sinh học cao, diện tích rừng ngập mặn ven biển được phục hồi tối thiểu bằng mức năm 2000; 100% các khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản được xác định và quản lý hiệu quả.

Trong ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phải tăng cường năng lực giám sát biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo, hệ thống truyền tin cảnh báo sớm rủi ro trên biển và vùng ven biển để chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, v.v. Đến năm 2030, hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu được hiện đại hóa và được kết nối thông suốt. Rà soát và đổi mới công nghệ trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo theo hướng giảm thiểu phát thải khí nhà kính theo cam kết của Việt Nam tại COP 26 về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đối với lĩnh vực điều tra cơ bản biển và hải đảo, tiếp tục thực hiện các đề án, dự án điều tra thuộc chương trình trọng điểm về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; đẩy mạnh điều tra cơ bản kết hợp với nghiên cứu khoa học để phát hiện các loại tài nguyên mới, xác định khả năng phục hồi, chống chịu của hệ sinh thái biển, đảo và sức chịu tải môi trường biển, v.v.

Những định hướng, nhiệm vụ chiến lược quan trọng nêu trên là cơ sở nền tảng - cơ chế, thể chế pháp lý thuận lợi để các ban, bộ, ngành và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển, các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, giữ vững chủ quyền biển và hải đảo, tạo bước đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc trong phát triển kinh tế biển của nước ta thời gian tới.

Thực hiện: CAO VƯƠNG

Ý kiến bạn đọc (0)