Thứ Bảy, 23/11/2024, 04:22 (GMT+7)
Là đơn vị làm nhiệm vụ đặc thù, suốt 60 năm qua, Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và Nghiên cứu biển luôn nêu cao bản lĩnh, trí tuệ và năng lực toàn diện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đây là những tiền đề quan trọng để Đoàn tiếp tục vươn lên, góp phần thiết thực vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phát triển kinh tế biển và hội nhập quốc tế.
Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và Nghiên cứu biển1 (Bộ Tham mưu, Quân chủng Hải quân) là đơn vị duy nhất của Quân đội và cả nước làm nhiệm vụ khảo sát, đo đạc, biên vẽ hải đồ, nghiên cứu biển, thăm dò khai thác tài nguyên biển; đo đạc địa lý quân sự trên biển, ven biển, quản lý sản xuất bản đồ biển phục vụ quân sự, quốc phòng và phát triển kinh tế biển. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuy quân số ít, phương tiện, trang bị thô sơ, lại làm nhiệm vụ trong môi trường đặc thù, khắc nghiệt, song cán bộ, chiến sĩ của Đoàn đã mưu trí, dũng cảm, vượt lên mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong bối cảnh địch điên cuồng ngăn chặn, đánh phá vùng biển miền Bắc, Đoàn vẫn kiên cường, chủ động đo đạc, khảo sát xác định luồng lạch, vị trí xây dựng các khu trú đậu, hang, hầm sơ tán, cất giấu tàu, thuyền, quân cảng, căn cứ hải quân, trận địa pháo binh bờ biển, doanh trại các đơn vị Hải quân; khảo sát luồng lạch, bến, bãi để bộ đội Đặc công đánh địch ở vùng biển Cửa Việt - Đông Hà; đo đạc, đánh dấu chính xác các bãi thủy lôi, bom từ trường của địch thả xuống ven biển miền Bắc để phòng tránh, rà phá. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng của Quân chủng lập nên kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển, góp phần giải phóng các vùng biển, đảo, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đoàn tập trung đo đạc, thành lập mới bản đồ biển các tỷ lệ; tham gia khảo sát, đo đạc, thực hiện các đề tài, dự án về biển, như: đo đạc, thành lập mới hệ thống hải đồ vùng biển Việt Nam, khu vực Trường Sa, DK1, các cửa sông, cảng biển, các đảo,… với nhiều tỷ lệ khác nhau phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; khảo sát, đo đạc xác định các điểm cơ sở lãnh hải để Nhà nước tuyên bố đường cơ sở, vùng lãnh hải và phân định Vịnh Bắc Bộ. Cùng với Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ Việt Nam biên tập bản đồ độ sâu vùng biển Tây Thái Bình Dương trong chương trình khoa học kỹ thuật của Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ trực thuộc UNESCO, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học biển.
Những năm gần đây, trước yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đoàn tham gia thực hiện nhiều đề án, dự án trọng điểm quốc gia, như: đo đạc, khảo sát phục vụ nghiên cứu, thăm dò, khai thác các lô dầu khí trên biển, thềm lục địa Việt Nam; lắp đặt, sửa chữa các tuyến cáp quang biển; lắp đặt cáp điện ngầm ra các đảo ven bờ; cập nhật, bổ sung hệ thống bản đồ biển, khu vực các cửa sông, cảng biển; điều tra, khảo sát thành lập bản đồ từ trường khu vực quần đảo Trường Sa. Thực hiện hợp phần các dự án: Điều tra, tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng biển Tây Vịnh Bắc Bộ; Quy hoạch không gian biển quốc gia về lĩnh vực quốc phòng; Khảo sát, đo đạc thu thập số liệu trên thực địa các đảo thuộc quần đảo Trường Sa; Xây dựng hồ sơ đặt tên các thực thể ngầm dưới biển ở khu vực Biển Đông,... đạt kết quả tốt.
Bên cạnh đó, Đoàn hợp tác với Viện Địa chất và Địa vật lý biển, Viện Hải dương học, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học khảo sát, đo đạc, nghiên cứu biển và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lĩnh vực Thủy đạc trong huấn luyện, đào tạo cán bộ, cung cấp trang bị, chuyển giao công nghệ, v.v. Hiện nay, Đoàn đã, đang sản xuất nhiều loại sản phẩm hải đồ, như: hải đồ giấy, điện tử, hải đồ quân sự chuyên dụng, bản đồ số,… có chất lượng, độ chính xác cao, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của Tổ chức Thủy đạc quốc tế (IHO), được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao. Trong đó, sản phẩm hải đồ điện tử đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế2, góp phần bảo đảm an toàn hàng hải thế giới.
Với những thành tích xuất sắc đó, Đoàn đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba; 03 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc (02 hạng Nhất, 01 hạng Ba); 03 Huân chương Chiến công (02 hạng Nhì, 01 hạng Ba) và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Những năm tới, tình hình Biển Đông và các khu vực có liên quan tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ khó lường; nhiệm vụ đo đạc, biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, nhất là quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc đặt ra yêu cầu, đòi hỏi rất cao. Trong khi đó, địa bàn hoạt động của đơn vị rộng; một số phương tiện, trang bị kỹ thuật đã qua sử dụng nhiều năm, xuống cấp; đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật chuyên sâu về chuyên ngành đo đạc, nghiên cứu biển còn ít, khả năng làm chủ trang bị kỹ thuật, công nghệ mới, hiện đại có mặt còn hạn chế, v.v. Nhận rõ điều đó, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ.
Trước hết, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, khơi dậy niềm vinh dự, tự hào, tinh thần cống hiến, trách nhiệm, quyết tâm cao cho bộ đội. Đây là nội dung được Đoàn hết sức quan tâm, bởi xuất phát từ đặc thù nhiệm vụ có tính độc lập cao, cán bộ, chiến sĩ phải làm việc dài ngày trên các vùng biển, đảo; môi trường sóng, gió khắc nghiệt, nguy hiểm. Vì vậy, Đoàn tăng cường quán triệt nhiệm vụ, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và duy trì nền nếp, chế độ thông báo chính trị, thời sự cho các đối tượng. Để đạt hiệu quả cao, Đoàn đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 2423-CT/QUTW, ngày 09/11/2023 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị trong giai đoạn mới gắn với thực hiện “3 xây, 3 chống”, “5 chủ động”3. Khắc phục khó khăn do lực lượng, phương tiện thường xuyên hoạt động phân tán, Đoàn yêu cầu đội ngũ cán bộ các cấp tích cực bám cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, nhân viên, kịp thời động viên, khích lệ và nắm bắt tình hình tư tưởng bộ đội để có biện pháp giải quyết. Trước các đợt công tác, Đoàn chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng các cấp rà soát, phân công lực lượng hợp lý, tổ chức khám sức khỏe, sàng lọc, bảo đảm đủ điều kiện làm việc dài ngày trên biển. Khi tàu cập cảng tiếp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, lãnh đạo, chỉ huy Đoàn trực tiếp đến động viên, quán triệt nhiệm vụ, cung cấp thông tin, kết hợp nắm tình hình, giải quyết những vướng mắc nảy sinh.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đòi hỏi cao và thực hiện chủ trương phát triển, nâng cao năng lực ngành Thủy đạc Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045, Đoàn tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ trì, ưu tiên hàng đầu với những cán bộ được đào tạo cơ bản cả về chuyên ngành Hàng hải, Thủy đạc và Nghiên cứu biển. Theo đó, cùng với tham mưu với trên tích cực tạo nguồn tuyển dụng nhân lực có chất lượng vào làm việc, Đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng nguồn nhân lực thông qua việc cử cán bộ đi đào tạo, huấn luyện tại các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội. Đồng thời, chú trọng tuyển chọn, cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài, nhất là các nước có ngành Thủy đạc phát triển, như: Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Ấn Độ, Hà Lan, Nhật Bản, Australia, v.v.
Cùng với đó, Đoàn tập trung huấn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các thành phần. Trong quá trình huấn luyện, Đoàn yêu cầu các đơn vị, chuyên ngành bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện “làm chủ thực chất, vững chắc phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại; các phần mềm, công nghệ mới về đo đạc, biên tập hải đồ và nghiên cứu biển”, lấy thực hành là chính. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn giỏi làm nòng cốt huấn luyện chuyển giao công nghệ, làm chủ trang bị kỹ thuật mới, hiện đại. Hiện nay, do yêu cầu nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ, nhân viên phải thường xuyên nghiên cứu tài liệu, làm việc với chuyên gia nước ngoài nên đòi hỏi trình độ ngoại ngữ rất cao. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế, Đoàn tiếp tục thực hiện nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nâng cao chất lượng, trình độ ngoại ngữ; đẩy mạnh sáng kiến, sáng chế trong thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, tiếp tục quan tâm đầu tư, duy trì hoạt động hiệu quả Câu lạc bộ tiếng Anh và phong trào phát huy sáng kiến, sáng chế, cải tiến kỹ thuật nhằm tạo môi trường thuận lợi để cán bộ, nhân viên trau dồi kiến thức, kỹ năng, trình độ ngoại ngữ, tạo đột phá thực hiện nhiệm vụ.
Đi đôi với xây dựng nguồn nhân lực, Đoàn coi trọng tham mưu với trên đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang bị kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Trước mắt, Đoàn chủ động nghiên cứu, đề xuất Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng tham mưu với Chính phủ sớm phê duyệt Đề án phát triển ngành Thủy đạc Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến 2035. Trọng tâm tham mưu xây dựng, ban hành, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quản lý quốc gia về lĩnh vực đo đạc biển, hợp tác quốc tế về Thủy đạc; đầu tư đóng mới thêm các tàu đo đạc, nghiên cứu biển cỡ lớn, có trang bị, phương tiện hiện đại; xây dựng cơ sở hạ tầng, doanh trại, trung tâm huấn luyện, xưởng sửa chữa,... để nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ.
Nhiệm vụ phía trước của Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và Nghiên cứu biển rất nặng nề, khẩn trương và có không ít khó khăn, thách thức, nhưng với bản lĩnh, kinh nghiệm 60 năm xây dựng, phát triển, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Đoàn tiếp tục phấn đấu viết tiếp truyền thống “Khắc phục khó khăn, phát triển toàn diện, làm chủ kỹ thuật, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, phát triển kinh tế biển, nghiên cứu khoa học và hội nhập Thủy đạc quốc tế.
Đại tá, TS. KHƯƠNG VĂN LONG, Đoàn trưởng Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và Nghiên cứu biển _____________________
1 - Tiền thân là Đại đội 6 Đo đạc biển được thành lập theo Quyết định số 237/HQ-B4, ngày 22/02/1964 của Cục Hải quân (nay là Quân chủng Hải quân) trên cơ sở sáp nhập Đội 6 và Đội 8 đo đạc biển.
2 - Trung bình mỗi năm xuất khẩu hơn 100 cell hải đồ điện tử cho cơ quan Thủy đạc Na Uy, Anh để cung cấp cho thị trường quốc tế.
3 - “3 xây”: xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, xây dựng ý chí quyết tâm cao, xây dựng tinh thần trách nhiệm tốt. “3 chống”: chống tự diễn biến, chống trung bình chủ nghĩa, chống đơn thư khiếu kiện sai quy định. “5 chủ động”: chủ động tuyên truyền, giáo dục, định hướng; chủ động trong quản lý; chủ động trong dự báo; chủ động trong đấu tranh; chủ động xử lý.
Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ,nghiên cứu biển,ngành Thủy đạc,kinh tế biển
Đôi nét về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An 14/11/2024
Vùng 3 Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo 07/11/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU 24/10/2024
Bộ đội Biên phòng Quảng Nam bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển 17/10/2024
Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 27/09/2024
Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Hải quân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc 23/09/2024
Đoàn Đặc nhiệm số 2 nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên biển 19/09/2024
Lữ đoàn 131 thi đua thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu 09/09/2024
Đôi nét về tiềm năng phát triển của cảng Cái Lân 28/08/2024
Lữ đoàn Đặc công 126 tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” 12/08/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU
Vùng 3 Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo
Đôi nét về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An