Thứ Sáu, 22/11/2024, 22:55 (GMT+7)
Khắc phục và giải quyết các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị nói chung, lực lượng Cảnh sát biển nói riêng trong giai đoạn hiện nay. Quán triệt tinh thần đó, Vùng Cảnh sát biển 1 đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này trên vùng biển được quản lý, góp phần hoàn thành mục tiêu gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản của nước ta.
Vùng Cảnh sát biển 1 được giao nhiệm vụ quản lý, thực thi pháp luật trên vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc, có chiều dài bờ biển trên 700km, trải dài qua 09 tỉnh, thành phố ven biển từ cửa sông Bắc Luân (tỉnh Quảng Ninh) đến đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), bao trùm toàn bộ Vịnh Bắc Bộ. Đây là vùng biển đã được phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa giữa 02 nước Việt Nam và Trung Quốc (từ 30/6/2004 đến nay).
Nắm vững chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm địa bàn và thực trạng tình hình an ninh vùng biển, nhất là hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi các nhiệm vụ; trong đó, phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển được giao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hơn 03 năm qua (2020 - 2023), Vùng đã tổ chức 52 lượt chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” trên địa bàn 46 huyện của các tỉnh, thành phố ven biển, với hơn 10 nghìn lượt người tham gia; phát trên 90.000 tờ rơi, 16.000 cuốn sách tuyên truyền pháp luật, tặng hơn 14.000 cờ Tổ quốc,… cho ngư dân; kết hợp thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển với tuyên truyền phổ biến pháp luật về chống khai thác IUU cho hàng nghìn lượt tàu cá của ngư dân Việt Nam. Đồng thời, theo dõi hệ thống giám sát hành trình, phát hiện và kịp thời tuyên truyền, kêu gọi hơn 4.000 tàu cá Việt Nam vượt ranh giới sang phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ quay về vùng biển Việt Nam. Trong suốt quá trình đó, Vùng đã điều động, sử dụng 174 lượt tàu thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển, phòng, chống khai thác IUU; phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, lực lượng quân sự, Bộ đội Biên phòng 09 tỉnh, thành phố ven biển và Chi cục Kiểm ngư 1 trao đổi thông tin nghiệp vụ, nắm tình hình và xử lý các trường hợp vi phạm. Nhờ đó, công tác quản lý đã được siết chặt, các hoạt động của tàu cá trên biển được theo dõi, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, ý thức chấp hành pháp luật của phần lớn ngư dân trong quá trình khai thác hải sản đã được nâng lên, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài cũng giảm đáng kể cả về số vụ việc và số tàu vi phạm, góp phần giữ vững an ninh, an toàn vùng biển quản lý.
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn tình trạng tàu cá của ngư dân nước ta (trong đó có cả ngư dân các tỉnh phía Nam) khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài và ngược lại, ngư dân nước ngoài cũng vi phạm vùng biển của Việt Nam, nhất là dịp cuối năm. Việc một số ngư dân các tỉnh phía Nam ra khai thác ở vùng biển phía Bắc có những vi phạm; quy định tàu cá loại nhỏ (từ 06 mét đến dưới 15 mét) không phải lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS) và tình trạng mất kết nối do nguyên nhân khách quan, chủ quan (ngư dân cố tình sử dụng các biện pháp kỹ thuật tránh lực lượng chức năng,…) gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát, ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Một số điều khoản quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, ngày 16/5/2019 của Chính phủ còn chưa chặt chẽ, đồng bộ, phù hợp, bộc lộ nhiều bất cập, như: Điều 20 quy định chỉ xử phạt chủ tàu, không xử phạt thuyền trưởng; thẩm quyền xử lý vi phạm chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển, gây tốn kém, ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi nhiệm vụ trên biển. Cùng với đó, cơ chế phối hợp trao đổi, thu thập, cung cấp thông tin giữa các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương về hoạt động nghề cá trên biển còn chưa chặt chẽ, kịp thời; thông tin liên lạc còn gián đoạn; lực lượng tàu tuần tra, kiểm soát còn mỏng, trong khi vùng biển quản lý rộng.
Trước thực trạng đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả đấu tranh, ngăn chặn khai thác IUU trên vùng biển quản lý, góp phần gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), thời gian tới, Vùng Cảnh sát biển 1 tập trung thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu bảo đảm hoạt động phòng, chống khai thác IUU đúng pháp luật của Việt Nam, luật pháp quốc tế và đạt hiệu quả thiết thực. Do đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng tiếp tục chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, trọng tâm là Công điện số 1058/CĐ-TTg, ngày 04/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 102/CT-BQP, ngày 13/12/2023 của Bộ Quốc phòng và Kế hoạch số 14359/KH-BCĐ, ngày 21/12/2023 của Ban Chỉ đạo phòng chống khai thác IUU Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu. Để thực hiện yêu cầu đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp chủ động xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU và cụ thể hóa bằng các kế hoạch, văn bản triển khai, chỉ đạo sát với đặc điểm, tình hình an ninh vùng biển, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Trước mắt, Vùng tập trung thực hiện tốt Kế hoạch triển khai đợt cao điểm chống khai thác IUU, ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu giai đoạn đầu năm 2024; trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, triển khai thực hiện giai đoạn tiếp theo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chỉ huy, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong quá trình thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh, ngăn chặn khai thác IUU trong vùng biển được giao.
Hai là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật về khai thác thủy sản; các chế tài xử lý hành vi vi phạm khai thác IUU. Trong đó, cần chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân theo hướng: tuyên truyền trực tiếp đến các đối tượng là chủ tàu, thuyền trưởng (nhất là các tàu có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép); yêu cầu ký cam kết không vi phạm; tuyên truyền bằng hình thức “sân khấu hóa” trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông của địa phương. Để hiệu quả tuyên truyền thấm sâu trong nhân dân, cần đẩy mạnh họat động này trong các trường học, với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, dễ hiểu, dễ nhớ, như: cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương”, chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, v.v. Đồng thời, tổ chức các tổ, đội tuyên truyền trực tiếp tại tàu cá đang neo đậu tại các âu tàu, cảng cá các địa phương; các tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền cho tàu cá, ngư dân đang hoạt động trên biển.
Ba là, thực hiện đồng bộ các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn vi phạm khai thác IUU. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Vùng tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường lực lượng trinh sát nắm tin tức, tình hình tàu cá vi phạm khai thác IUU; làm tốt công tác điều tra cơ bản, tập trung vào địa bàn trọng điểm, đối tượng có nguy cơ vi phạm cao, tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu thuyền sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép,… làm cơ sở tham mưu, đề xuất, triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn. Tổ chức duy trì và phát huy hiệu quả kíp trực trung tâm chỉ huy, nắm chắc tình hình thực tiễn vùng biển, thông tin các mặt, nhất là thông tin tàu cá có dấu hiệu vi phạm, như: vượt qua ranh giới, tắt thiết bị VMS trên hệ thống giám sát hành trình tàu cá quốc gia, kịp thời thông báo cho các tàu Cảnh sát biển đang thực hiện nhiệm vụ trên thực địa kiểm tra, ngăn chặn và xử lý. Trong đợt cao điểm từ ngày 01/01 đến ngày 30/4/2024, Vùng sẽ tăng cường thêm lực lượng tàu Cảnh sát biển tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên thực địa, kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm túc, kịp thời các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền hoặc chuyển hồ sơ vi phạm cho ủy ban nhân dân các địa phương nơi đăng ký tàu cá xử lý.
Bốn là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống khai thác IUU. Để tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác IUU, Vùng tổ chức tuần tra liên hợp trên vùng biển lân cận đường phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Cảnh sát biển Việt Nam - Cảnh sát biển Trung Quốc để kiểm tra việc chấp hành quy định về chống khai thác IUU của các tàu cá hai bên trên tuyến hành trình. Đồng thời, phát huy kênh liên lạc của đầu mối liên lạc cấp 2 giữa Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1/Cảnh sát biển Việt Nam và Phân cục Nam Hải/Cảnh sát biển Trung Quốc, hằng tháng, thường xuyên hoặc đột xuất sẽ thông báo tàu cá vi phạm của hai bên cho nhau để tăng cường công tác quản lý, xử lý theo quy định pháp luật. Trên cơ sở đó, thông báo cho các địa phương về tình hình tàu cá của địa phương mình khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài để thuận tiện, nhanh chóng xác minh, xử lý.
Năm là, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan, nhất là Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh ven biển để kịp thời trao đổi thông tin, ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý triệt để các hành vi vi phạm khai thác IUU; lấy ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm là chính. Tập trung phối hợp quản lý, theo dõi chặt chẽ các tàu cá ra, vào bến, kiên quyết không cho xuất cảng đối với các tàu cá không lắp đặt hoặc không duy trì hoạt động thường xuyên thiết bị giám sát hành trình. Thường xuyên phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng, cơ quan chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, rà soát tàu cá hoạt động trong khu vực; chú trọng phát hiện các tàu cá lâu ngày không về địa phương, tàu cá có hành vi khai thác IUU, tàu cá có hành vi vi phạm nghiêm trọng, như: hết hạn đăng ký, đăng kiểm, tàu cá “3 không” (không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm), các tàu cá Việt Nam vượt sang phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ và thông báo kịp thời cho địa phương để phối hợp xử lý, nhằm mục tiêu giảm thiểu, tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng khai thác IUU, góp phần xây dựng vùng biển Đông Bắc nói riêng, toàn bộ Biển Đông nói chung trở thành một vùng biển hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, hợp tác và phát triển bền vững.
Thiếu tướng TRẦN VĂN THƠ, Tư lệnh Vùng
Vùng Cảnh sát biển 1,Tư lệnh Vùng,chống khai thác IUU,giám sát hành trình
Đôi nét về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An 14/11/2024
Vùng 3 Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo 07/11/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU 24/10/2024
Bộ đội Biên phòng Quảng Nam bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển 17/10/2024
Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 27/09/2024
Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Hải quân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc 23/09/2024
Đoàn Đặc nhiệm số 2 nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên biển 19/09/2024
Lữ đoàn 131 thi đua thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu 09/09/2024
Đôi nét về tiềm năng phát triển của cảng Cái Lân 28/08/2024
Lữ đoàn Đặc công 126 tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” 12/08/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU
Vùng 3 Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo
Đôi nét về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An