Thứ Bảy, 23/11/2024, 01:24 (GMT+7)
Bài 8: Nâng cao khả năng “tự đề kháng, tự miễn dịch” cho thanh niên Quân đội trước thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội chống phá bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (Xem tại đây)
Tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật cho đoàn viên, thanh niên Quân đội là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là “cầu nối” để đưa pháp luật vào đời sống, khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật góp phần quan trọng trong việc tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Ý thức pháp luật nói chung được hiểu là một hình thức độc lập tương đối của ý thức xã hội được quyết định bởi các nhu cầu khách quan của sự phát triển xã hội. Nó không chỉ bao gồm hệ thống các tư tưởng quan điểm và các quan niệm của cá nhân hoặc của các giai cấp về pháp luật, pháp chế, trật tự pháp luật và vai trò của chúng trong đời sống xã hội, mà còn cả những cảm giác pháp lý, tình cảm, xúc cảm và việc đánh giá của con người về các hành vi hợp pháp hoặc trái pháp luật, đòi hỏi sự hiểu biết pháp luật và sự cần thiết hoàn thiện, thay đổi pháp luật hiện hành.
Dựa vào quan niệm trên, ý thức pháp luật của đoàn viên, thanh niên được cấu thành bởi hai yếu tố: tâm lý pháp luật và tư tưởng pháp luật. Trong đó, tư tưởng pháp luật được hình thành từ sự hiểu biết, nhận thức về các học thuyết pháp luật, pháp luật thực định; trong khi đó, tâm lý pháp luật là thái độ, tình cảm của họ đối với pháp luật và các hiện tượng pháp luật trong đời sống xã hội.
Đoàn viên, thanh niên Quân đội là lực lượng đông đảo, chủ yếu, trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ. Với ưu thế tuổi trẻ, năng động, tiếp thu nhanh với những tri thức mới, họ là một trong những bộ phận có ý thức pháp luật cao, làm chủ nhiều thành tựu khoa học - công nghệ. Ý thức pháp luật của đoàn viên, thanh niên có tác động quan trọng đến ý thức pháp luật chung của xã hội, đóng vai trò tích cực, xung kích trong mọi lĩnh vực ảnh hưởng đến ý thức tuân thủ pháp luật của các tầng lớp dân cư trong xã hội và các lực lượng khác trong toàn quân; đã và đang tác động trực tiếp đến môi trường làm việc của cơ quan, đơn vị; ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.
Để nâng cao ý thức trong chấp hành pháp luật, kỷ luật cho đoàn viên, thanh niên, đòi hỏi phải tăng cường công tác giáo dục pháp luật; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp cơ bản sau:
Một là, trang bị kiến thức, nâng cao năng lực hiểu biết về pháp luật cho đoàn viên, thanh niên. Đây là điều kiện quan trọng nhất để đoàn viên, thanh niên có thái độ đúng đối với pháp luật, tự giác tuân theo pháp luật. Trong quá trình làm việc, công tác tại các cơ quan, đơn vị trong Quân đội, lực lượng đoàn viên, thanh niên không chỉ được bồi dưỡng kiến thức pháp luật thông qua các hình thức, như: tham gia hội thảo về các dự án luật, pháp lệnh, nghị định; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ quan, đơn vị; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ của Đoàn, lồng ghép các nội dung về kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ Đoàn các cấp, v.v. Tuy nhiên, do trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật không đồng đều, có sự chênh lệch lớn về trình độ học vấn pháp luật giữa các cấp hành chính, vùng, miền nên công tác giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật cho đoàn viên, thanh niên trong Quân đội chưa đồng đều, vững chắc, thiếu tính hệ thống. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật chưa được tiến hành thường xuyên, chưa mang tính “pháp lệnh”, kế hoạch, còn mang nặng tính hình thức. Nội dung giáo dục pháp luật dàn trải, chưa sát đối tượng, ít gắn với tính chất hoạt động của từng cơ quan, đơn vị và đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi đoàn viên, thanh niên (chủ yếu là do cấp trên ấn định). Điều đó dẫn đến thực trạng là: số lượng công báo ít; công tác hệ thống hóa pháp luật (theo thời gian, theo ngành, lĩnh vực và theo thẩm quyền) để trực tiếp giúp cho đoàn viên, thanh niên nắm đầy đủ, kịp thời pháp luật chưa được coi trọng; chế độ thông tin pháp luật chưa được xây dựng; tủ sách pháp luật nhiều đơn vị ít được bổ sung, cập nhật tài liệu mới, v.v. Đây là những khiếm khuyết cần được hoàn thiện để nâng cao kiến thức, năng lực hiểu biết về pháp luật cho đoàn viên, thanh niên.
Hai là, đề cao giáo dục thái độ chấp hành pháp luật của đoàn viên, thanh niên, gắn với việc nêu cao ý thức tiền phong gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Thái độ đối với pháp luật và trình độ hiểu biết pháp luật có mối liên hệ chặt chẽ trong ý thức pháp luật của mỗi người. Mức độ hiểu biết pháp luật sâu, rộng là điều kiện để đoàn viên, thanh niên có thái độ đúng, tích cực, tự giác chấp hành pháp luật. Tuy nhiên, thái độ chấp hành pháp luật của họ không hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ hiểu biết pháp luật sâu hay nông, nhiều trường hợp vi phạm pháp luật là những người có trình độ, học vấn chuyên môn cao, có kiến thức về pháp luật. Khi thực hiện hành vi họ nhận thức được hành vi đó là trái pháp luật, thấy được hậu quả, tác hại nhưng họ vẫn cố tình, thậm chí dùng nhiều thủ đoạn để “vượt rào”. Đây là những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật cho đoàn viên, thanh niên chỉ là sự tác động bề ngoài, còn sự tác động bên trong chính là giáo dục thái độ chấp hành pháp luật cho họ. Tuy vậy, công tác này chưa được coi trọng, thậm chí ở nhiều nơi công tác này bị “tê liệt”. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém trong công tác giáo dục thái độ chấp hành pháp luật đối với đoàn viên, thanh niên có một nguyên nhân quan trọng là sự thiếu gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị - chủ thể trực tiếp giáo dục thái độ chấp hành pháp luật của đoàn viên, thanh niên thuộc quyền.
Sự thiếu gương mẫu của người đứng đầu luôn không “tương thích” với việc đảm nhiệm giáo dục, tác động, khuyên răn đối với cấp dưới. Những bài giảng về chính trị, đạo đức, ý thức, tinh thần trách nhiệm, về liêm sỉ, chí công, vô tư,… mà người đứng đầu mắc phải những căn bệnh gắn với hoạt động công vụ, như: tham nhũng, lãng phí, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước, bè phái, hách dịch, cửa quyền,… cộng với việc tổ chức đoàn rơi vào tình trạng “quan liêu hóa” thì vô hình trung sự tác động giáo dục lại tạo thành sự phản giáo dục. Về điều này, sinh thời V.I. Lênin đã dạy: “nếu còn có thể hối lộ được, thì cũng không thể nói đến chính trị được. Trong trường hợp này, thậm chí cũng không thể nói đến làm chính trị được, vì mọi biện pháp đều lơ lửng trên không trung, sẽ hoàn toàn không mang lại kết quả gì cả”1.
Trong quản lý, giáo dục, rèn luyện bộ đội, cán bộ luôn là tấm gương, mẫu hình để bộ đội học tập, noi theo. Thực tế cho thấy ở đơn vị nào cán bộ gương mẫu trong quản lý, giáo dục, chấp hành nghiêm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước thì ở đó bộ đội tích cực rèn luyện, tự giác chấp hành nghiêm kỷ luật, chế độ quy định. Ngược lại, ở đâu, lúc nào cán bộ, đảng viên tự do, tùy tiện trong rèn luyện, chấp hành kỷ luật, lời nói không đi đôi với việc làm, thiếu gương mẫu trong chấp hành chế độ quy định của đơn vị, kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước thì bộ đội ở đó tất sẽ xem thường kỷ luật, tự do tùy tiện, vô ý thức tổ chức kỷ luật, dẫn tới vi phạm pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của Quân đội là không thể tránh khỏi. Do đó, cán bộ phải gần gũi, tăng cường đối thoại, sâu sát, hòa đồng với cấp dưới; luôn lắng nghe ý kiến phản ảnh tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ; thực hiện tốt Quy chế Dân chủ cơ sở, tôn trọng, tạo điều kiện để bộ đội thực hiện quyền dân chủ của mình.
Ba là, nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kỷ luật cho đoàn viên, thanh niên Quân đội. Nói về pháp luật trong Quân đội thì phải gắn với Nhà nước. Pháp luật của Nhà nước được thể hiện dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật và chỉ có cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới được ban hành văn bản quy phạm pháp luật do luật định. Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành quy định về tổ chức, chính sách đối với Quân đội nói chung và quân nhân nói riêng đều là pháp luật trong Quân đội. Bộ Quốc phòng là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực quốc phòng, các văn bản quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với Quân đội như Điều lệnh quản lý bộ đội cũng là pháp luật trong Quân đội. Giữa kỷ luật Quân đội và pháp luật của Nhà nước trong Quân đội mang tính thống nhất, thể hiện quyền lực của Nhà nước. Do vậy, nói chấp hành của kỷ luật Quân đội và pháp luật của Nhà nước chỉ là cách nói cụ thể hai mặt của một vấn đề. Đoàn viên, thanh niên là quân nhân trong Quân đội cũng đồng thời là công dân Việt Nam, ngoài việc chấp hành kỷ luật Quân đội, đoàn viên, thanh niên còn phải chấp hành pháp luật Nhà nước ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Hiện nay, có hàng nghìn văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của quân nhân, để cung cấp các thông tin pháp luật kịp thời, đầy đủ, chính xác cho đoàn viên, thanh niên, các cơ quan, đơn vị cần xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể; đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Tổ chức đoàn các cấp phải có nhiều hình thức, biện pháp giáo dục ý thức chấp hành, pháp luật, kỷ luật cho đoàn viên, thanh niên; tổ chức các đợt thi đua xung kích chấp hành kỷ luật, rèn luyện tác phong chính quy; tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nghĩa để tôn vinh và phát huy tốt hơn hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Vận dụng sáng tạo các hình thức động viên, khuyến khích đoàn viên, thanh niên hăng hái tham gia phong trào của đơn vị, tự giác chấp hành kỷ luật. Thường xuyên thông báo, cập nhật tình hình vi phạm kỷ luật kết hợp với rút kinh nghiệm, phân tích rõ nguyên nhân, liên hệ với tình hình cơ quan, đơn vị và tìm biện pháp ngăn chặn, phòng, chống; gắn thông báo với giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, định hướng tư tuởng cho đoàn viên, thanh niên.
Với đặc trưng: “Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”, đòi hỏi phải tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho đoàn viên, thanh niên nói chung và đoàn viên, thanh niên trong Quân đội nói riêng, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân ở nước ta hiện nay.
Đại tá, TS. NGUYỄN HỮU PHÚC, Chủ nhiệm Khoa Nhà nước và Pháp luật Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng ________________
1 - V.I. Lênin – Toàn tập, Tập 44, Nxb Tiến bộ, M. 1977, tr. 218.
2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 85.
ý thức pháp luật,đoàn viên,thanh niên,quân đội
Là đại biểu của nhân dân, phải hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc 24/05/2021
Bài 8: Nâng cao khả năng “tự đề kháng, tự miễn dịch” cho thanh niên Quân đội trước thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội chống phá bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 21/05/2021
Bài 6: Trách nhiệm của tuổi trẻ lực lượng vũ trang Quân khu 1 trong Cuộc bầu cử 19/05/2021
Bài 5: Vai trò, trách nhiệm của Quân đội trong tổ chức, tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 18/05/2021
Bài 4: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong thực hiện nhiệm vụ bầu cử ở Binh chủng Hóa học 17/05/2021
Bài 3: Vai trò, trách nhiệm của công dân trong Cuộc Bầu cử sắp tới 16/05/2021
Tìm hiểu nguyên tắc bầu cử trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (năm 2015) 14/05/2021
Thanh niên Quân đội chung tay xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa 14/05/2021
Kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn phá hoại Cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 14/05/2021
Nhận diện, phê phán quan điểm sai trái về bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp 13/05/2021