Thứ Bảy, 23/11/2024, 01:54 (GMT+7)
LTS: Nhân dịp bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, được sự đồng ý của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Ban Thanh niên Quân đội phối hợp với Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Bộ Tư lệnh Hóa học tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Thanh niên Quân đội chung tay xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Nhưng do tình hình dịch COVID-19 bùng phát trở lại, cuộc Tọa đàm không diễn ra theo kế hoạch đã xác định. Ban Biên tập Tạp chí trân trọng giới thiệu một số tham luận của Tọa đàm. Để đảm bảo và tôn trọng ý kiến tác giả, Tòa soạn Tạp chí cơ bản giữ nguyên nội dung của các bản tham luận.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Bài 1: Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (Xem bài 2 tại đây)
1. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Việt Nam ra đời và hoạt động một cách hợp pháp
Vấn đề chính quyền nhà nước là một vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội, nghĩa là chỉ khi giành được chính quyền vào tay mình thì lúc đó cuộc cách mạng xã hội đó mới được coi là có được thắng lợi cơ bản. Nhưng, nói chung chỉ như thế thôi thì chưa rõ được nghĩa “nhà nước pháp quyền”. Cho nên, chỉ khi nào nhà nước nào đó hoạt động trên cơ sở pháp luật, vận hành theo đúng pháp luật thì mới được coi là nhà nước pháp quyền, mặc dù trước đó nhà nước ra đời trong hoàn cảnh khác nhau.
Ở Việt Nam, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chính thức từ ngày 02/9/1945, kết quả từ thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Về mặt pháp lý quốc tế, ngày 30/8/1945, tại cuộc mít tinh ở Cửa Ngọ Môn thành phố Huế, hoàng đế Bảo Đại đọc chiếu thoái vị để trở thành công dân Vĩnh Thụy, thì lúc đó chính thức (tuy là màn nghi thức) cáo chung cho sự tồn tại của chế độ phong kiến; thay cho chế độ đó là một chính thể mới hoàn toàn trong lịch sử dân tộc Việt Nam: chế độ dân chủ nhân dân, một chế độ do nhân dân làm chủ.
Thế nhưng, bộ máy nhà nước lúc này chưa có sự bảo đảm của luật pháp, do đó, tất cả mới chỉ là lâm thời (Chính phủ lâm thời được cải tổ từ Ủy ban Giải phóng tại Đại hội Quốc dân Tân Trào tháng 8/1945, và Chính phủ lâm thời này ra mắt quốc dân đồng bào chiều ngày 02/9/1945 tại cuộc mít tinh ở Vườn hoa (sau này gọi là Quảng trường) Ba Đình, Hà Nội với bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ do Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời tuyên đọc). Thấy rất rõ yêu cầu cấp thiết của tính chất pháp lý quốc tế và đứng trước tình hình quân Đồng minh sắp vào Việt Nam theo sự phân công quốc tế tại Hội nghị Posdam (quân Trung Hoa Dân quốc sẽ đến Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở ra và quân Anh sẽ đến Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở vào), ngay sau mít tinh độc lập một ngày, tức là ngày 03/9/1945, tại cuộc họp Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đề nghị: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu”1 bầu ra Quốc hội, để rồi từ đó có bộ máy nhà nước chính thức. Từ đấy, những diễn biến cứ tiếp theo một cách có bài bản, đúng theo mọi thông lệ quốc tế.
Cuộc bầu cử diễn ra bắt đầu từ cuối năm 1945, đợt lớn nhất là ngày Tổng tuyển cử (06/01/1946), tuy gặp muôn vàn khó khăn, song đã thắng lợi. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, người dân từ 21 tuổi trở lên có sức khỏe tâm thần bình thường thì có quyền ứng cử và từ 18 tuổi trở lên có sức khỏe tâm thần bình thường thì có quyền cầm lá phiếu đi bầu cử. Công dân Việt Nam không phân biệt nam nữ, đảng phái, tôn giáo, tín ngưỡng, vùng miền, dân tộc đa số hay dân tộc thiểu số, giàu nghèo,… đều có quyền tham gia hoạt động quan trọng này. Cả nước đã bầu ra được 333 đại biểu Quốc hội theo cách phổ thông đầu phiếu, trực tiếp, bỏ phiếu kín với những quy định thật sự dân chủ. Quốc hội đã họp phiên đầu tiên ngày 02/3/1946 tại Hội trường Nhà hát Lớn Hà Nội (tại cuộc họp này, Quốc hội cho phép 70 ghế không qua bầu cử của các đại diện không đảng phái và một số đảng phái chính trị nữa, vị chi là 333 đại biểu + 70 = 403). Cuộc họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên này diễn ra chỉ khoảng 4 tiếng đồng hồ, nhưng đã hoàn thành những công việc có ý nghĩa cực kỳ to lớn: lập ra bộ máy Nhà nước và cử được những nhân sự của bộ máy đó, đáng chú ý nhất là lập được Chính phủ liên hiệp do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, mà trong thành phần có cả những đại diện lực lượng Việt Minh (cộng sản), đại diện các đảng phái chính trị khác, có cả bộ trưởng không đảng phái.
Nhưng, đến mức ấy thì Nhà nước ta vẫn chưa hoàn bị/hoàn chỉnh theo pháp lý phổ quát của quốc tế. Theo ý kiến “bài bản” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội đã lập ra Ban Soạn thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thế là bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội thảo luận và thông qua vào tháng 11/1946. Vậy là, từ đây, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức là Nhà nước hợp Hiến, hợp pháp. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Quốc hội lập Hiến (và theo ý nghĩa nào đó về mặt pháp lý thì đây có thể gọi là Quốc hội lập quốc). Nhà nước pháp quyền, Nhà nước hợp Hiến, hợp pháp, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm “kiến trúc sư trưởng”, “tổng công trình sư”, ra đời như thế. Và, Chủ tịch Hồ Chí Minh, với trách nhiệm của mình, cùng với Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị đã lãnh đạo công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ sớm, đã có quan điểm về xây dựng một nhà nước pháp quyền. Một trong những biểu hiện về điều này trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam của nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp do Người thay mặt nhóm gửi đến Hội nghị Vécxai (Versailles, Pháp) năm 1919. Bản Yêu sách đó nêu ra yêu cầu “cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách làm cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những bảo đảm về mặt pháp luật như người Âu châu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam”; “Thay thế chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật”2. Người còn “diễn ca” với thể thơ lục bát tinh thần bản Yêu sách này ở bài Việt Nam yêu cầu ca, trong đó có câu: “Bảy xin hiến pháp ban hành/Trăm đều phải có thần linh pháp quyền”3. Những kiến thức về xây dựng nhà nước pháp quyền, trong đó có cả Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, được Hồ Chí Minh nghiên cứu, học tập qua quá trình hoạt động cách mạng, trên những nẻo đường của hành trình gian khổ tìm đường, mở đường, dẫn đường cho cách mạng Việt Nam, trong đó có quãng thời gian nghiên cứu, học tập tại “bộ ba” cơ quan đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva, Liên Xô những năm 30 của thế kỷ XX: Trường Đại học Cộng sản phương Đông, Trường Quốc tế Lênin, Viện Nghiên cứu Những vấn đề dân tộc và thuộc địa.
Trở thành người đứng đầu Nhà nước Việt Nam mới/nguyên thủ quốc gia, và là lãnh tụ của Đảng, từ năm 1951 là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm sâu sắc hơn đến việc bảo đảm cho Nhà nước ta được tổ chức và vận hành phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, đồng thời, căn cứ vào Hiến pháp, pháp luật để điều hành/quản lý/quản trị xã hội, làm cho tinh thần pháp quyền thấm sâu, điều chỉnh mọi quan hệ, hoạt động trong Nhà nước và xã hội.
2. Tuân thủ mọi chế định của pháp luật
Nhà nước chủ yếu quản lý bằng hiến pháp, pháp luật. Vì thế, công tác lập pháp của nhà nước được nổi lên rõ nhất trong ba nhánh quyền lực (lập pháp, hành pháp, tư pháp – và nhiều nước đang đi theo sự vận hành của tam quyền phân lập). Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng công tác này. Ở trách nhiệm Chủ tịch nước/nguyên thủ quốc gia với vai trò lớn nhất về đối nội và đối ngoại, Người đã hai lần tham gia quá trình lãnh đạo soạn thảo Hiến pháp (năm 1946 và năm 1959). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký lệnh công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh trong đó có 243 sắc lệnh quy định về tổ chức Nhà nước, pháp luật và nhiều văn bản dưới luật khác. Trong hoàn cảnh đất nước gặp muôn vàn khó khăn, nhất là trong thời kỳ chiến tranh (kháng chiến, kiến quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945 - 1954 và chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975), công tác quản lý xã hội thông qua hệ thống luật pháp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng đã phản ánh được tinh thần pháp luật, thể hiện vai trò của công tác lập pháp, tinh thần thượng tôn pháp luật.
Song, lập pháp mới chỉ là công việc quan trọng đầu tiên. Vấn đề rất quan trọng tiếp theo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng là đưa pháp luật vào trong cuộc sống, bảo đảm cho pháp luật được thi hành một cách đúng đắn, có hiệu quả đi đôi với đề ra và thực hiện cơ chế giám sát việc thi hành pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ tính cấp thiết của việc nâng cao trình độ giác ngộ chính trị thông qua luật pháp và năng lực chấp pháp của nhân dân. Với tư cách là công dân trong xã hội pháp quyền, Người mong muốn và yêu cầu mọi người, bất kể người đó giữ cương vị nào trong xã hội hoặc không giữ chức vụ gì trong bộ máy công quyền, đều phải nâng cao tinh thần, ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi pháp luật là sự thể hiện quyền làm chủ của nhân dân, trong cấu tạo quyền lực của Nhà nước thì mọi quyền lực tối cao thuộc về nhân dân, vì thế pháp luật cũng là công cụ để thực thi quyền lực của mình. Theo Người, phải “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”4. Điều này phản ánh trong luận điểm súc tích và nổi tiếng của Hồ Chí Minh khi đề cập về dân chủ: Dân là chủ và dân làm chủ, trong đó có thể hiểu nghĩa dân làm chủ tức là đề cập vị thế/vai trò của nhân dân; còn dân làm chủ là đề cập trách nhiệm của nhân dân. Do đó, công tác giáo dục pháp luật cho mọi người có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, mọi người đều được bảo đảm quyền và nghĩa vụ đối với quốc gia - dân tộc. Muốn thực thi tốt quyền và nghĩa vụ thì bản thân mọi người phải được giác ngộ, vì thế, dân trí cũng phải được nâng lên. Đó là lý do tại sao Hồ Chí Minh thường hay dùng đến cụm từ Đảng phải “nâng cao dân chúng”, “giáo dục nhân dân”, “không theo đuôi quần chúng”.
Bản thân pháp luật là một sự nghiêm minh, nó làm cho xã hội phát triển theo luật định, theo một nguyên tắc, nó hướng mọi tổ chức, cá nhân vào một quy tắc ứng xử phù hợp. Không ai có quyền đứng trên, đứng ngoài pháp luật. Do đó, Hồ Chí Minh luôn hướng mọi người nêu cao tính nghiêm minh của pháp luật. Quan điểm này của Người liên quan chất lượng lập pháp và chất lượng thi hành pháp luật.
Với quan điểm dân là chủ và dân làm chủ, cho nên Hồ Chí Minh khuyến khích mọi người phê bình, kiểm tra, giám sát công việc của Nhà nước, giám sát quá trình Nhà nước xây dựng và thực thi pháp luật. Đồng thời, yêu cầu cán bộ, công chức các cấp, các ngành phải gương mẫu thực hiện pháp luật. Nhân dân thông qua các tổ chức do mình lập ra như hội đồng nhân dân các cấp, Quốc hội (theo dân chủ gián tiếp) và thông qua dân chủ trực tiếp để hoàn thành trách nhiệm thực thi pháp luật. Đặc biệt là đối với cán bộ, công chức ngành Tư pháp, Hồ Chí Minh càng coi trọng đặc biệt tới vai trò và trách nhiệm của họ. Người nhấn mạnh: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” cho nhân dân noi theo”5 và Người đã nêu gương sáng trong việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật trong sinh hoạt đời thường và cả trong công tác. Chủ tịch Hồ Chí Minh tuân thủ một cách tự giác những quy định của Nhà nước, tự giác giữ kỷ luật, kỷ cương. Theo Hồ Chí Minh, người nào càng có chức vụ cao trong bộ máy hệ thống chính trị thì trách nhiệm càng cao, tính kỷ luật càng nghiêm. Đó chính là thể hiện rõ nhất tính pháp quyền trong một xã hội dân chủ, kỷ cương. Đối với Người, những tư duy và hành động như thế đã trở thành nếp sống, lối sống thường nhật.
3. Tính xã hội chủ nghĩa của Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam thể hiện trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Không ít người băn khoăn về cách gọi cụm từ “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, cũng tương tự gọi “thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Họ cho rằng, đã pháp quyền, sao lại là pháp quyền xã hội chủ nghĩa? Rằng, đã thị trường thì là gì có cái vế sau là xã hội chủ nghĩa?
Tính xã hội chủ nghĩa của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thể hiện trong tư tưởng Hồ Chí Minh ở những điểm chủ yếu sau đây.
Một, Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo
Đây là một nguyên tắc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề xướng ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy rằng, điều này thể hiện với rất nhiều hình thức khác nhau. Tháng 11/1946, Đảng ta đã rút vào hoạt động bí mật, Chính phủ liên hợp nhiều đảng phái được thành lập, vậy vấn đề Đảng lãnh đạo có được bảo đảm không? Câu trả lời là: có. Điều này được phản ánh trong Hiến pháp năm 1946, tại Điều 49 và Điều 50 quy định về quyền và trách nhiệm của Chủ tịch Chính phủ/Chủ tịch nước. Trong hoàn cảnh đó, Đảng lãnh đạo Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ yếu thông qua nguyên thủ quốc gia là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà nước do Đảng lãnh đạo cũng thể hiện công việc lập pháp của Nhà nước là ở chỗ Quốc hội thể chế hóa cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng. Đã có lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói là sau Cương lĩnh của Đảng rồi mới đến Hiến pháp. Thoạt đầu nghe có vẻ kỳ, nhưng thực chất đúng là như vậy, nó phản ánh Nhà nước do Đảng lãnh đạo; tuy không gọi nó là công cụ của Đảng, nhưng đây là tổ chức thể chế hóa mọi chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, đưa cương lĩnh, chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng vào cuộc sống thông qua một kênh cực kỳ cơ bản và cực kỳ quan trọng là luật pháp, kèm với đó là hệ thống tổ chức bộ máy và nhân sự tham gia bộ máy nhà nước, mà nhân sự này do Đảng chịu trách nhiệm phụ trách.
Hai, Nhà nước tổ chức và hoạt động vì mục tiêu xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa
Mục tiêu - con đường phát triển của xã hội Việt Nam được Đảng ta xác định ngay từ đầu khi mới thành lập là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần tích cực vào cách mạng thế giới, như điều mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi trong Di chúc: “Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”6. Mọi hoạt động của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ buổi sơ khai cho đến hiện nay, và cả từ nay trở đi nữa, đều là vì mục tiêu đó. Chính vì thế, không gì khác hơn để xác định tính cần thiết, tính đúng đắn của cụm từ “xã hội chủ nghĩa” phải có sau vế “Nhà nước pháp quyền”. Điều này cũng có thể cắt nghĩa tại sao, Nhà nước ta, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, không theo thể chế “tam quyền phân lập” như ở các nước tư bản chủ nghĩa, mà là Nhà nước, trong đó cấu tạo quyền lực là thống nhất quyền lực, mọi quyền lực và quyền lực tối cao thuộc về nhân dân, trong Nhà nước, có sự phân công, phân cấp các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Ba, Nhà nước tất cả vì con người, tức là nhân văn, nhân nghĩa, coi con người vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền nhân nghĩa, mà cố Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Vũ Đình Hòe đã viết như thế trong một cuốn sách Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh7. Nói đến tính nhân nghĩa của Nhà nước ta theo tư tưởng Hồ Chí Minh là nói đến việc Nhà nước bảo đảm quyền con người, điều Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sớm nhất, rõ ràng nhất đối với chế độ mới ở bản Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945.
Nhà nước quản lý xã hội nhưng phải là phục vụ nhân dân, thậm chí Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nói rằng phải làm đày tớ, làm công bộc, “sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”8. Theo Người, quyền tối cao của con người là quyền sống, sau đó mới đến quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Điều này Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển tư tưởng của bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ cũng như Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền của Pháp. Nói phát triển là ở chỗ Hồ Chí Minh suy rộng ra: nước đã mất độc lập thì quyền con người cũng không có, vì vậy độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền con người.
Tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội - giai cấp, giải phóng con người. Giải phóng dân tộc là tiền đề, là cơ sở, là điều kiện tiên quyết để tiến tới giải phóng xã hội - giai cấp và giải phóng con người. Giải phóng xã hội - giai cấp vừa là để bảo đảm vững chắc cho thắng lợi của giải phóng dân tộc đồng thời là tiến tới giải phóng con người. Còn giải phóng con người chính là mục tiêu cao nhất, mục tiêu cuối cùng của cách mạng Việt Nam. Hai giải phóng trước đó đều phải hướng tới giải phóng con người - con người được giải phóng khỏi mọi áp chế, bất công để trở thành con người tự do, như quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen viết trong tác phẩm đánh dấu cho sự ra đời chính thức của chủ nghĩa xã hội khoa học là Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (năm 1848): “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”9.
Một nước Việt Nam hùng cường, phồn thịnh, một nước Việt Nam phát triển cả về vật chất lẫn văn hóa - tinh thần là điều căn bản bảo đảm vững chắc cho nền độc lập nước nhà, và đó cũng là tinh thần của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”10. Người còn nhấn mạnh: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”11. Muốn thế, những chỉ số phát triển bền vững phải được tăng lên hằng năm. Muốn thế, đời sống văn hóa tinh thần, đạo đức của xã hội phải được nâng cao. Tất cả những điều đó cũng là để bảo đảm cho độc lập dân tộc được trường tồn vững chắc; làm cho đất nước có cơ sở vật chất kỹ thuật của một nước công nghiệp xã hội chủ nghĩa; làm cho đất nước vừa giàu có về vật chất, vừa văn minh về tinh thần. Làm được như thế thì chắc chắn đến năm 2025 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa như Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra. Làm được như thế, lòng tin của nhân dân đối với chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa mới được vững chắc. Làm được như thế thì tính chất xã hội chủ nghĩa của Nhà nước pháp quyền của nước ta mới thể hiện một cách rõ ràng và đúng đắn. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người khơi nguồn cảm hứng, kích hoạt cho mọi hoạt động của Nhà nước ta hiện nay.
Sự nghiệp cách mạng chân chính cần đấu tranh cho quyền con người, vì thế, mục tiêu giải phóng con người, làm cho mọi người có được cuộc sống hạnh phúc, tự do xứng với phẩm giá con người, được hưởng dụng các quyền con người một cách đầy đủ nhất đã hòa quyện một cách hữu cơ và trở thành mục tiêu cao nhất của sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, cần được thể hiện trong việc thực hiện, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Bốn, tính xã hội chủ nghĩa của Nhà nước pháp quyền ở nước ta còn ở chỗ phải làm cho Nhà nước luôn luôn trong sạch
Đầu tiên phải chú trọng tới kiểm soát quyền lực nhà nước. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chế định quyền lực tối cao thuộc về nhân dân, có nghĩa là quyền lực của Nhà nước ta do nhân dân ủy thác cho. Con người ta có đủ các trạng thái tâm lý và đủ các dục vọng, trong đó nổi lên hơn hết là danh lợi và sắc dục. Điều này rất dễ làm cho con người ta lạm dụng quyền lực để mưu lợi cho cá nhân mình, nhóm mình. Do đó, việc cán bộ, công chức của bộ máy nhà nước rất dễ phạm phải những tiêu cực.
Muốn kiểm soát quyền lực Nhà nước, trước hết cần chú trọng tăng cường công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh vì Đảng là người lãnh đạo Nhà nước (Đảng cầm quyền). Sự cầm quyền của Đảng không phải cứ tự nhận mà được. Sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là do nhân dân ủy thác cho sau bao năm đấu tranh, cống hiến, hy sinh vì độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Quyền của Đảng cầm quyền là do nhân dân giao phó. Đảng phải xứng đáng với niềm tin và sự giao phó, ủy thác của nhân dân. Hồ Chí Minh cho rằng: “Công việc của Đảng và Nhà nước ngày càng nhiều. Muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và chính sách của Đảng. Và muốn như vậy, thì các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra. Vì kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân”12. Nhân dân có quyền kiểm soát quyền lực Nhà nước. Theo Hồ Chí Minh: “Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được”13, “mọi công tác phải dựa hẳn vào quần chúng, hoan nghênh quần chúng đôn đốc và kiểm tra”14.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có giá trị lớn lao, phản ánh được bản chất của chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, một chế độ tôn nhân dân lên hàng tối thượng trong hệ thống quyền lực Nhà nước, lấy thượng tôn pháp luật làm hành động. Đất nước ta đang thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với những mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành một nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI. Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vẫn đang là vốn quý báu để đất nước đi lên sánh vai với các cường quốc năm châu.
GS, TS. MẠCH QUANG THẮNG, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
_____________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 7.
2 - Sđd, Tập 1, tr. 441.
3 - Sđd, tr. 473.
4 - Sđd, Tập 15, tr. 293.
5 - Sđd, Tập 5, tr. 473.
6 - Sđd, Tập 15, tr. 614.
7 - Nxb Văn hóa - Thông tin - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, H. 2001
8 - Sđd, Tập 7, tr. 50.
9 - Karl Max – Friedrich Engels - Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Trẻ, Tp. HCM, 2018 (Song ngữ Anh – Việt), tr.129.
10 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 64.
11 - Sđd, tr.175.
12 - Sđd, Tập 14, tr. 362.
13 - Sđd, Tập 5, tr. 325.
14 - Sđd, Tập 8, tr. 507.
Thanh niên Quân đội,Nhà nước pháp quyền
Là đại biểu của nhân dân, phải hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc 24/05/2021
Bài 8: Nâng cao khả năng “tự đề kháng, tự miễn dịch” cho thanh niên Quân đội trước thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội chống phá bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 21/05/2021
Bài 7: Tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật cho đoàn viên, thanh niên trong Quân đội hiện nay 20/05/2021
Bài 6: Trách nhiệm của tuổi trẻ lực lượng vũ trang Quân khu 1 trong Cuộc bầu cử 19/05/2021
Bài 5: Vai trò, trách nhiệm của Quân đội trong tổ chức, tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 18/05/2021
Bài 4: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong thực hiện nhiệm vụ bầu cử ở Binh chủng Hóa học 17/05/2021
Bài 3: Vai trò, trách nhiệm của công dân trong Cuộc Bầu cử sắp tới 16/05/2021
Tìm hiểu nguyên tắc bầu cử trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (năm 2015) 14/05/2021
Kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn phá hoại Cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 14/05/2021
Nhận diện, phê phán quan điểm sai trái về bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp 13/05/2021